U vú ác tính là sự phát triển bất thường của các tế bào tuyến vú, gây tổn thương các mô xung quanh. Chúng được chia thành 2 giai đoạn: ung thư tại chỗ và ung thư xâm lấn. Bài viết nói về 4 loại u vú ác tính xâm lấn thường gặp. Dù là loại nào, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời đều có thể kiểm soát tốt, khỏi bệnh.
U vú ác tính là gì?
U vú ác tính (ung thư vú) là kết quả của quá trình phát triển bất thường của các tế bào tuyến vú, xâm lấn các cơ quan lân cận và di căn xa. Khối u vú ác tính có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 vú. Khi nghi ngờ khối u ác tính, bác sĩ khoa Ngoại Vú sẽ thực hiện sinh thiết để xác định chẩn đoán, xác định mức độ ác tính và xâm lấn của khối u. U vú ác tính xảy ra chủ yếu ở phụ nữ, nhưng nam giới cũng có thể bị bệnh này. [1]
U vú ác tính khác u vú lành tính thế nào?
Những thay đổi về vú trong suốt cuộc đời người phụ nữ là điều bình thường. Các yếu tố gen, giai đoạn từ dậy thì đến mãn kinh đều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển, hình dáng và cảm giác của ngực. Đôi khi các khối u vú phát triển lành tính (không phải ung thư). Chỉ có 3%-6% các khối u ở vú là u ác tính. Bác sĩ khoa Ngoại Vú có thể biết được khi thăm khám khối u, giúp xác định khối u lành tính hay ác tính. [2]
1. Khám lâm sàng
Khối ung thư ở vú thường rất cứng, hình dạng và kích thước không đều, có thể không gây đau đớn. Chúng có thể di động nhưng thường dính xung quanh, nghĩa là có cảm giác như được gắn vào da hoặc mô gần đó. Các dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài gồm:
- Da có vết lõm, sần sùi như vỏ cam.
- Núm vú co lại, tụt vào trong.
- Hạch bạch huyết ở nách sưng, phình lên.
- Mẩn đỏ, sưng tấy trên da vú - ung thư vú dạng viêm.
Ngược lại với khối u ác tính ở vú, khối u lành tính thường mềm mại, các đường viền được xác định rõ ràng. Chúng thường dễ di chuyển (di động). Nhiễm trùng ở vú có thể gây tấy đỏ và sưng tấy. Đôi khi khó có thể phân biệt được viêm vú (viêm mô vú) và ung thư vú dạng viêm, nhưng viêm vú thường gây ra các triệu chứng sốt, ớn lạnh và đau nhức cơ thể.
2. Trên phim chụp X-quang tuyến vú (chụp nhũ ảnh)
Các khối u lành tính và ung thư có thể xuất hiện tương tự nhau trên ảnh chụp nhũ ảnh. Khoảng 20% bệnh ung thư vú không xuất hiện bất thường trên phim chụp nhũ ảnh. Đồng thời, những thay đổi lành tính ở vú đôi khi trông giống như ung thư.
Khối u ung thư vú trên ảnh chụp nhũ ảnh thường không đều. Các cạnh không được mịn màng mà như gai nhọn nhô ra khỏi khối chính. Khu vực xung quanh khối có thể bị biến dạng. Các vết vôi hóa ở vú (canxi lắng đọng), đặc biệt khi tập trung thành từng đám, cũng có thể được nhìn thấy rõ.
Đăng ký tư vấn về thừa cân, béo phì tại đây
Với khối u lành tính, trên phim chụp nhũ ảnh thường xuất hiện hình tròn hoặc hình bầu dục (ellipsoid), các cạnh rõ ràng, được xác định rõ.
Nhiều trường hợp ngoại lệ, tình trạng lành tính như xơ hóa tuyến vú (nhiều thuỳ tuyến sữa nở rộng và tăng số lượng), hoại tử mỡ (tổn thương mô mỡ ở vú) và sẹo tỏa tia (các khối u trông giống như sẹo khi phóng to) có thể trông rất giống với ung thư trên ảnh chụp nhũ ảnh.
3. Trên siêu âm
Siêu âm vú có thể phát hiện một số khối u mà chụp nhũ ảnh không thể phát hiện được. Siêu âm cũng được sử dụng để giúp xác định bản chất các khối được tìm thấy trên ảnh chụp nhũ ảnh. Siêu âm có thể giúp phân biệt giữa u nang chứa đầy chất lỏng, không có khả năng gây ung thư và u đặc cần xét nghiệm thêm. U đặc có nhiều khả năng ung thư.
4. Trên MRI
Chụp cộng hưởng từ vú (MRI) cung cấp hình ảnh rõ ràng, chính xác hơn so với chụp nhũ ảnh để xác định xem khối u là ung thư hay lành tính. Điều đó đặc biệt hiệu quả ở những phụ nữ có mô vú dày đặc.
Các khối ung thư trên MRI khác nhau về hình thái và thời gian xuất hiện (động học). Khối ung thư thường có đường viền không đều hoặc có gai nên sự phân chia bên trong sẽ rõ ràng hơn. Các khối u ung thư cũng thường có cường độ tín hiệu nhanh. Điều này có nghĩa là chúng sáng lên nhanh chóng so với độ tương phản khi chụp ảnh nhưng sau đó cũng nhanh chóng bị mờ.
Trong khi đó, khối vú lành tính thường có đường viền mịn hoặc chia thùy, cường độ tín hiệu tăng chậm. Nghĩa là hình ảnh sáng rất chậm và không bị mờ.
5. Trên sinh thiết
Mô bệnh được lấy ra và gửi đến bác sĩ giải phẫu bệnh để sinh thiết. Bác sĩ quan sát dưới kính hiển vi, xem xét kích thước và hình dạng của các tế bào.
Tế bào u vú ác tính khác với tế bào bình thường nhiều mặt, có thể sắp xếp thành cụm, xâm lấn các mạch máu hoặc mạch bạch huyết. Nhân (trung tâm) của tế bào ung thư có thể nổi bật, hình dạng không đều. Những phần trung tâm này sẽ có màu sẫm hơn bằng thuốc nhuộm đặc biệt.
4 loại u vú ác tính phổ biến
Ung thư vú được chia thành 2 loại chính là ung thư không xâm lấn và ung thư xâm lấn. Ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS) là một loại ung thư vú không xâm lấn. Với DCIS, các tế bào bất thường được chứa trong các ống dẫn sữa của vú và không lan sang các mô vú gần đó. Mặc dù DCIS không xâm lấn nhưng nếu không điều trị, các tế bào bất thường có thể tiến triển thành ung thư vú xâm lấn theo thời gian. Khi được điều trị, tiên lượng (cơ hội sống sót) của DCIS thường rất tốt. [3]
Ung thư vú xâm lấn đã lan từ vị trí ban đầu (ống dẫn sữa hoặc tiểu thùy) vào mô vú gần đó và có thể đến các hạch bạch huyết và các bộ phận khác của cơ thể. Ung thư vú xâm lấn đã lan ra ngoài vú và các hạch bạch huyết gần đó được gọi là ung thư vú di căn. Ung thư vú xâm lấn, bao gồm cả ung thư vú di căn, có tiên lượng xấu hơn DCIS.
Dưới đây là 4 loại loại ung thư vú xâm lấn thường gặp:
1. Ung thư biểu mô ống xâm lấn (IDC)
Ung thư biểu mô ống xâm lấn là loại ung thư vú phổ biến nhất, chiếm 70%-80% tổng số ca ung thư vú. Kết cấu khối u đặc, không đều, có hình sao, đặc điểm tế bào khác nhau. Tiên lượng thay đổi tùy theo giai đoạn và loại khối u.
2. Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn (ILC)
Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn là loại phổ biến tiếp theo, chiếm khoảng 5-10% số ca ung thư vú. Kết cấu khối u bình thường, hơi cứng hoặc cứng, thường có ER dương tính (Các ung thư tuyến vú có thụ thể estrogen) và HER2 (Human epidermal growth factor receptor 2 - thụ thể tăng trưởng của biểu bì ở người) âm tính. Tiên lượng thay đổi tùy theo giai đoạn và loại khối u. Ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn có thể di căn đến đường tiêu hóa hoặc buồng trứng.
3. Ung thư biểu mô ống
Ung thư biểu mô ống chiếm 1%-2% số ca ung thư vú. Các khối u thường nhỏ, không sờ thấy. Các khối u hầu như luôn có ER dương tính và HER2 âm tính. Hiếm khi ung thư biểu mô ống lan đến các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác.
4. Ung thư biểu mô nhầy
Ung thư biểu mô nhầy (keo), chiếm 2% số ca ung thư vú. Khối u mềm, thường không sờ thấy. Các khối u thường có ER dương tính và HER2 âm tính. Bệnh thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi. Ung thư biểu mô nhầy có xu hướng có tiên lượng tốt, ít lan đến các hạch bạch huyết.
Ngoài ra, còn có các loại u vú ác tính khác:
Ung thư biểu mô dạng tủy: chiếm1% số ca ung thư vú. Khối u mềm, có xu hướng bộ ba âm tính (ER âm tính, PR âm tính và HER2 âm tính). Thường gặp ở phụ nữ trẻ và phụ nữ có đột biến gen di truyền BRCA1.
Ung thư biểu mô nhú xâm lấn: chiếm1% số ca ung thư vú. Khối u mềm, thường gặp ở phụ nữ sau mãn kinh. Bệnh có xu hướng có tiên lượng tốt.
Dấu hiệu u vú ác tính
Các triệu chứng phổ biến nhất của u vú ác tính giai đoạn đầu là có khối u xuất hiện trong vú. Khối u này thường cứng, hình dạng không đều và không đau. Tuy nhiên, một số khối u ác tính ở vú có thể mềm, tròn và giới hạn rõ khi chạm vào. [4]
Những thay đổi ở vú sau đây có thể là triệu chứng của khối u vú ác tính:
- Sưng toàn bộ hoặc 1 phần vú.
- Mô vú dày lên.
- Thay đổi về kích thước hoặc hình dạng vú.
- Kích ứng da.
- Da xuất hiện vết loét.
- Da đổi màu, bong tróc trên vú hoặc núm vú.
- Đau vú hoặc núm vú.
- Núm vú bị thụt, co rút lại.
- Tiết dịch núm vú.
- Sưng hạch bạch huyết.
Nhiều thay đổi trong số này cũng có thể là kết quả của các vấn đề sức khỏe khác không phải ung thư. Tuy nhiên, nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở mô vú, bạn nên đến gặp bác sĩ khoa Ngoại Vú để được khám, loại trừ nguyên nhân ung thư vú. Đồng thời, nhiều bệnh ung thư vú không gây ra triệu chứng nên mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ. Điều này có thể giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu.
Nguyên nhân u vú ác tính và yếu tố nguy cơ
- Nguy cơ phát triển khối u vú ác tính của một cá nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Hai yếu tố nổi bật nhất là nữ giới và sự lão hóa của cơ thể.
- Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi gồm:
- Lớn tuổi: Nguy cơ ung thư vú tăng theo tuổi tác, phổ biến nhất trên 50 tuổi.
- Đột biến gen: người có đột biến gen BRCA1 và BRCA2 có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
- Có mô tuyến vú dày đặc: người có mô vú dày đặc có nhiều mô liên kết hơn mô mỡ khiến việc nhìn thấy khối u trên phim chụp nhũ ảnh khó khăn hơn.
- Tiền sử bệnh: Những người từng bị ung thư vú một lần có nhiều khả năng mắc bệnh lần thứ hai. Các bệnh khác: tăng sản không điển hình hoặc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ, cũng là những yếu tố nguy cơ.
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng: người có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
- Từng điều trị bằng xạ trị: người xạ trị ở ngực hoặc vùng vú có nguy cơ phát triển ung thư vú sau này cao hơn.
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi gồm:
- Mức độ hoạt động: thiếu hoạt động thể chất làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú.
- Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
- Dùng liệu pháp thay thế hormone: một số hình thức trị liệu thay thế hormone bao gồm estrogen và progesterone có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
- Tiền sử sinh sản: mang thai lần đầu sau 30 tuổi, không cho con bú và chưa bao giờ mang thai đủ tháng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
- Uống rượu: có thể làm tăng nguy cơ phát triển tất cả các dạng ung thư.
U vú ác tính có nguy hiểm không?
U vú ác tính là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên hoàn toàn có thể kiểm soát và chữa khỏi ở giai đoạn sớm. Phương án điều trị hiện tại không chỉ giúp chị em có được sức khỏe tốt, khỏi bệnh mà còn đảm bảo thẩm mỹ, sự tự tin trong sinh hoạt, công việc và đời sống hôn nhân.
Chẩn đoán u vú ác tính
1. Khám vú
Bác sĩ khoa Ngoại Vú sẽ khám và hỏi người bệnh về tiền sử, các yếu tố nguy cơ, triệu chứng.
2. Siêu âm vú
Siêu âm vú sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh bên trong vú, giúp xác định khối u ở vú là dạng đặc hay dạng nang… Phương tiện này có thể chụp được hình ảnh của các vùng vú mà chụp nhũ ảnh khó nhìn thấy.
3. Chụp nhũ ảnh
Bác sĩ cho ngực người bệnh tiếp xúc với một lượng nhỏ bức xạ ion hóa để thu được hình ảnh bên trong vú.
Việc phát hiện sớm ung thư vú giúp giảm nguy cơ tử vong từ 25%-30% trở lên. Phụ nữ nên bắt đầu chụp quang tuyến vú hàng năm từ 40 tuổi hoặc sớm hơn nếu có nguy cơ cao.
4. Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Trong quá trình chụp MRI vú, một từ trường mạnh, các xung tần số vô tuyến và máy tính sẽ được sử dụng để tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong vú. MRI rất hữu ích trong việc đánh giá các khối u vú không thể nhìn thấy bằng chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm, đặc biệt ở những phụ nữ có mô vú dày đặc.
5. Xét nghiệm dịch từ núm vú
Xét nghiệm tế bào học dịch tiết ở núm vú giúp truy tìm các tế bào ung thư bong ra giúp ích cho việc chẩn đoán.
6. Sinh thiết vú
Bác sĩ sẽ đưa một cây kim nhỏ đến vị trí khối u dưới hướng dẫn siêu âm, lấy một số mô để đánh giá dưới kính hiển vi.
Điều trị u vú ác tính
Điều trị phụ thuộc vào mức độ của bệnh ung thư. Bác sĩ khoa Ngoại Vú sẽ đánh giá kích thước của u vú ác tính và liệu u ác tính có lan đến các hạch bạch huyết ở nách hay không. Các chỉ định cận lâm sàng: Chụp CT ngực, siêu âm bụng và xạ hình xương được thực hiện để kiểm tra các vị trí mà khối u vú ác tính thường di căn nhất.
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật gồm phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến vú hoặc bảo tồn vú. Lựa chọn phẫu thuật rộng thường áp dụng nhất là cắt bỏ vú và các hạch bạch huyết ở nách. Khi một phần vú bị cắt bỏ, nó được gọi là phẫu thuật bảo tồn vú hoặc cắt bỏ khối u. Xạ trị thường được khuyến nghị sau phẫu thuật bảo tồn vú. Khi toàn bộ vú được cắt bỏ được gọi là phẫu thuật cắt bỏ vú (đoạn nhũ).
Trước hoặc sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể cân nhắc tái tạo vú. Tái tạo vú là một phẫu thuật nhằm tạo ra bộ ngực mới, đảm bảo sự tự tin cho người bệnh trong quá trình điều trị và cuộc sống sau này.
2. Hóa trị
Hóa trị có thể được sử dụng để giúp thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật, nếu nguy cơ ung thư tái phát cao hoặc nếu ung thư tái phát sau phẫu thuật hoặc xạ trị. Hóa trị cũng có thể được sử dụng nếu ung thư dương tính với HER2 hoặc không đáp ứng với liệu pháp hormone.
3. Xạ trị
Xạ trị được chỉ định sau phẫu thuật bảo tồn vú để giúp tiêu diệt bất kỳ tế bào ung thư nào còn sót lại. Trường hợp các hạch bạch huyết ở nách bị di căn cũng có thể dùng xạ trị để ngăn tái phát. Xạ trị đôi khi có thể được sử dụng sau phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú, phòng nguy cơ tái phát.
4. Liệu pháp nhắm trúng đích
Thuốc điều trị nhắm trúng đích tấn công các mục tiêu cụ thể bên trong tế bào ung thư. Các loại thuốc hiện tại chỉ có tác dụng cho bệnh ung thư vú dương tính với HER2.
5. Liệu pháp nội tiết tố
Liệu pháp hormone sử dụng thuốc để làm giảm mức độ hormone nữ trong cơ thể. Điều này giúp ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư dương tính với thụ thể hormone. Tùy vào độ tuổi, loại u vú ác tính, người bệnh đã đến tuổi mãn kinh chưa…. bác sĩ sẽ tư vấn loại liệu pháp hormone phù hợp.
6. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là dùng thuốc để tăng cường hệ thống miễn dịch của chính một người nhằm nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư hiệu quả hơn. Liệu pháp miễn dịch thường hoạt động trên các protein cụ thể liên quan đến hệ thống miễn dịch để tăng cường phản ứng miễn dịch.
Một số loại thuốc trị liệu miễn dịch, ví dụ như kháng thể đơn dòng, hoạt động theo nhiều cách để kiểm soát tế bào ung thư. Chúng cũng có thể được coi là liệu pháp nhắm trúng đích, ngăn chặn một loại protein cụ thể trên tế bào ung thư không cho tế bào ung thư phát triển. Liệu pháp miễn dịch được sử dụng để điều trị một số loại ung thư vú.
Tác dụng phụ của những loại thuốc này có thể bao gồm mệt mỏi, ho, buồn nôn, nổi mẩn da, kém ăn, táo bón và tiêu chảy. Các tác dụng phụ khác nghiêm trọng hơn xảy ra ít thường xuyên hơn:
Phản ứng truyền dịch: Một số người bệnh có thể có phản ứng truyền dịch khi dùng các loại thuốc này (sốt, ớn lạnh, đỏ bừng mặt, phát ban, ngứa da, cảm thấy chóng mặt, thở khò khè và khó thở). Người bệnh cần báo cho bác sĩ lập tức nếu có bất kỳ triệu chứng trên.
Phản ứng tự miễn dịch: Đôi khi hệ thống miễn dịch bắt đầu tấn công các bộ phận khác của cơ thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa tính mạng. Người bệnh hoặc gia đình cần báo ngay bất kỳ tác dụng phụ nào cho bác sĩ. Nếu tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra, cần ngừng điều trị và dùng corticosteroid liều cao để ức chế hệ thống miễn dịch.
Phòng ngừa u tuyến vú ác tính
Không có cách nào đảm bảo có thể ngăn ngừa ung thư vú, nhưng các hoạt động dưới đây có thể giúp bạn giảm nguy cơ.
1. Chụp nhũ ảnh định kỳ
Phụ nữ trên 40 tuổi nên chụp nhũ ảnh định kỳ để tầm soát, phát hiện sớm u vú ác tính. Chụp nhũ ảnh thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú.
2. Tự khám vú tại nhà
Chị em nên thường xuyên tự khám vú để sớm phát hiện những bất thường. Nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào ở ngực như có khối u mới phát hiện, các thay đổi trên núm vú hoặc thay đổi trên da, nên đi khám bác sĩ khoa Ngoại Vú để được chẩn đoán chính xác.
3. Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Đảm bảo cân nặng ở mức phù hợp: Trọng lượng cơ thể cao và tăng cân khi trưởng thành làm tăng nguy cơ ung thư vú sau mãn kinh. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) khuyến nghị duy trì cân nặng vừa phải và tránh tăng cân quá mức.
4. Tập thể dục thường xuyên
Hoạt động thể chất thường xuyên: ACS khuyến nghị người lớn nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 đến 300 phút hoặc 75 - 150 phút hoạt động cường độ mạnh mỗi tuần. Nên rèn luyện sức khỏe ít nhất 2 lần/tuần.
5. Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh: trái cây và rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và quả hạch, dầu ô liu nguyên chất và các loại hạt hỗn hợp, cá, thịt gia cầm không da,… có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, cũng như bệnh tiểu đường, bệnh tim và đột quỵ. Ngoài ra, người dân cần bổ sung đủ vitamin D từ các thực phẩm: lòng đỏ trứng, cá hồi, cá mòi có xương và ngũ cốc tăng cường vi chất.
6. Hạn chế rượu bia, thuốc lá
Tránh hoặc hạn chế uống rượu: tiêu thụ rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. ACS khuyến nghị không quá 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly mỗi ngày đối với nam giới.
Câu hỏi thường gặp về u vú ác tính
1. U vú ác tính có chữa được không?
U vú ác tính hoàn toàn có thể điều trị khỏi nếu phát hiện ở giai đoạn sớm. Do đó, người dân cần tự khám vú, khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh. Khi bị u ác tính ở vú, nên tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả, tránh làm bệnh nặng thêm.
2. U vú ác tính có cắt bỏ được không?
Phẫu thuật là phương pháp được lựa chọn hàng đầu để điều trị u vú ác tính. Người bệnh cần được phẫu thuật với bác sĩ khoa Ngoại Vú nhiều kinh nghiệm tại bệnh viện có cơ sở vật chất hiện đại để đảm bảo hiệu quả.
3. Có phải tất cả các khối u vú đều ác tính?
Hầu hết các khối u ở vú đều lành tính chứ không phải ung thư (ác tính). Các khối u vú không phải ung thư là sự phát triển bất thường nhưng chúng không lan ra ngoài vú, không đe dọa đến tính mạng. Dù vậy, một số loại u vú lành tính có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ. Khi có bất kỳ khối u hoặc thay đổi nào ở vú, người dân đều nên đến khoa Ngoại Vú để được bác sĩ kiểm tra, chẩn đoán chính xác lành tính hay ác tính và lên phương án điều trị phù hợp, kịp thời.
Bài viết trên cung cấp kiến thức về 4 loại u vú ác tính xâm lấn thường gặp: ung thư biểu mô ống xâm lấn, ung thư biểu mô tiểu thùy xâm lấn, ung thư biểu mô ống, ung thư biểu mô nhầy. Ngoài ra, còn có các loại u vú ác tính xâm lấn khác: ung thư biểu mô có đặc điểm tủy, ung thư biểu mô nhú xâm lấn. Ung thư vú thường gặp ở chị em nhiều hơn nam giới.
Do đó, phụ nữ từ 20 tuổi trở lên nên đi khám vú định kỳ, sớm phát hiện bất thường và điều trị kịp thời. Riêng với phụ nữ từ 40 tuổi nên chụp nhũ ảnh hàng năm. Người có yếu tố nguy cơ cao nên khám thường xuyên và chụp mỗi 6 tháng.