Ăn không ngon miệng là tình trạng sẽ xuất hiện bất kỳ lúc nào trong cuộc sống, nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Cùng tìm hiểu những vấn đề cơ bản xung quanh triệu chứng này qua bài viết dưới đây nhé!
1Ăn không ngon miệng là gì?
Ăn không ngon miệng hay còn gọi là chán ăn, biếng ăn là tình trạng người bệnh cảm thấy không đói hoặc không muốn ăn biểu hiện bằng các dấu hiệu như:
- Luôn có cảm giác no.
- Không cảm nhận được hương vị của thức ăn qua các giác quan như thị giác, thính giác, vị giác.
- Không muốn ăn cùng người khác.
- Lười ăn uống, kể cả những món yêu thích hoặc không quan tâm đến tất cả các món ăn.
- Có thể cảm giác nhợn ói khi ngửi thấy mùi thức ăn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ăn không ngon miệng. Tình trạng này có thể xuất hiện đột ngột nhưng cũng có thể diễn ra từ từ trong thời gian dài. Khi chán ăn diễn ra trên một tuần có thể là một chỉ báo cho tình trạng bệnh lý.
Ăn không ngon miệng có thể đi kèm nhiều triệu chứng khác như:
- Luôn cảm thấy mệt mỏi, không có sức lực làm bất kỳ việc gì.
- Cảm giác yếu chân tay, mất sức.
- Có thể xuất hiện cảm giác nôn hoặc buồn nôn.
- Xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón.
- Da khô, lông, tóc, móng dễ gãy rụng.[1]
2Nguyên nhân khiến bạn ăn không ngon miệng
Do thói quen ăn uống, sinh hoạt
Thói quen sinh hoạt không điều độ có thể dẫn đến cảm giác ăn không ngon miệng. Một số thói quen xấu có thể kể đến là:
- Ăn uống không điều độ, không ăn vào giờ cố định, ăn quá no, không ăn đầy đủ các bữa, khi ăn thì làm các việc khác như xem điện thoại,...
- Chế độ vận động không phù hợp: vận động quá mức khiến cơ thể mệt mỏi hoặc không vận động thể lực.
- Chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu chất dinh dưỡng khiến cho cơ thể suy nhược.
- Thường xuyên sử dụng các chất kích thích như cà phê, đồ uống có cồn,...[2]
Các tình trạng bất thường của cơ thể
Tình trạng bất thường của cơ thể có thể gây ra cảm giác ăn không ngon miệng. Một số tình trạng bất thường có thể kể đến như:
- Cảm giác đau khi bị chấn thương hoặc sau khi làm các thủ thuật như nhổ răng, phẫu thuật.
- Các bệnh lý liên quan đến khoang miệng khiến hoạt động nhai khó khăn.
- Tình trạng mất nước khiến các cơ quan trong cơ thể trong đó có hệ thần kinh và hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả.[3]
Các tác nhân tâm lý
Khi tâm lý không thoải mái và căng thẳng gây nên tình trạng buồn chán, mệt mỏi, không muốn làm việc gì kể cả ăn uống. Những nguyên nhân tâm lý có thể gây nên tình trạng ăn uống là:
- Trầm cảm, rối loạn lo âu.
- Rối loạn ăn uống tâm thần: do người bệnh luôn cảm giác mình béo cần phải nhịn ăn để đạt được vóc dáng cân đối.
- Đột ngột xuất hiện cảm giác buồn bã, sợ hãi hoặc sốc.
Một số bệnh lý gây chán ăn
Một số tình trạng bệnh lý có thể gây mệt mỏi cho cơ thể. Điều này vô hình chung có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa như:
- Cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh nhiễm trùng khác.
- Các bệnh lý ung thư.
- Các bệnh lý về gan mật như viêm gan B, viêm gan C, viêm tụy, sỏi mật, xơ gan,...
- Suy các cơ quan điển hình là suy tim, suy thận.
- Suy giảm chức năng tuyến giáp do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Các tác dụng phụ của thuốc
Một số thuốc có tác dụng phụ làm thay đổi vị giác hoặc gây ra tâm trạng mệt mỏi cho người sử dụng gây nên cảm giác ăn không ngon miệng như:
- Các loại thuốc kháng sinh.
- Các hóa chất điều trị ung thư.
- Các thuốc giảm đau opioid như morphin, cocain,...
3Cơ thể bị ảnh hưởng thế nào nếu chán ăn kéo dài
Khi chán ăn ăn không ngon miệng diễn ra trong thời gian dài sẽ làm cho cơ thể không được cung cấp đầy đủ năng lượng để hoạt động, thiếu các chất dinh dưỡng cho hoạt động của cho việc hình thành và phát triển các tế bào sẽ gây ra những hệ lụy như:
- Mệt mỏi do không đủ năng lượng để thực hiện các hoạt động bình thường.
- Thường xuyên cảm thấy cáu gắt.
- Thiếu máu gây ra da xanh, niêm mạc nhợt, lông, tóc móng khô, dễ gãy rụng.
- Hệ miễn dịch suy yếu: dễ bị các virus tấn công, thường xuyên mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, tiêu chảy,...[1]
4Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần gặp bác sĩ
Ăn không ngon miệng có thể là chỉ báo một tình trạng cần phải can thiệp sớm. Chính vì vậy khi xuất hiện chán ăn kèm gặp những dấu hiệu sau bạn nên đến các cơ sở để được thăm khám và điều trị kịp thời:
- Ăn không ngon miệng kéo dài hơn 1 tuần.
- Giảm cân nhanh trong một khoảng thời gian ngắn.
- Xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi kéo dài, buồn nôn, nhịp tim nhanh, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở,...[1]
Nơi khám chữa bệnh uy tín
Khi phát hiện tình trạng ăn không ngon miệng kéo dài, bạn có thể đến phòng khám khoa Nội hoặc khoa Dinh dưỡng của các phòng khám hoặc bất kỳ bệnh viện đa khoa nào để được thăm khám và tư vấn điều trị.
Ngoài ra, có thể tham khảo một số bệnh viện lớn, uy tín và nổi tiếng dưới đây:
- Tại Thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện viện Gia An 115. Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương,...
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai,...
5Cách khắc phục tình trạng ăn không ngon miệng
Cách khắc phục chán ăn tại nhà
- Cố gắng ăn nhiều bữa trong ngày, chia nhỏ bữa sáng, bữa trưa và bữa tối. Nên duy trì một giờ ăn nhất định trong ngày.
- Ăn các bữa ăn lỏng như súp, cháo hoặc bổ sung thêm một ly nước ép nếu cơ thể mệt mỏi và không hứng thú với các bữa ăn bình thường.
- Ăn những bữa ăn chứa các thức ăn mềm như sữa, trứng, rau, khoai tây,... Không nên chế biến các thức ăn cay hoặc chiên, xào nhiều trong bữa ăn.
- Bổ sung các thực phẩm giàu protein và khoáng chất để nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Lập kế hoạch dinh dưỡng để cân bằng lượng chất mà cơ thể nạp vào cũng như đa dạng hóa các bữa ăn để tránh cảm giác nhàm chán.
- Uống nhiều nước, hạn chế các thức uống kích thích như cà phê, rượu, trà,...[4]
Điều trị chán ăn
- Điều trị tốt nguyên nhân gây ra tình trạng chán ăn.
- Khi cơ thể quá suy nhược có thể truyền chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch hỗ trợ, tuy nhiên việc truyền dinh dưỡng tĩnh mạch phải có chỉ định từ bác sĩ.
- Bác sĩ dinh dưỡng tư vấn một số chế độ ăn phù hợp với từng người bệnh.
- Sử dụng thêm vitamin và khoáng chất nếu có chỉ định của bác sĩ.[3]
6Cách tránh cảm giác ăn không ngon miệng
Chán ăn có thể gây ra những bệnh lý nguy hiểm cho cơ thể con người. Chính vì vậy, bạn có thể thực hiện các gợi ý sau để phòng ngừa tình trạng ăn không ngon miệng như:
- Luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái, hạn chế những lo âu và căng thẳng.
- Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đồng thời sản sinh ra các hormone có thể kích thích sự thèm ăn.
- Không được bỏ bữa.
- Theo dõi các tác dụng phụ của thuốc đang dùng, thông báo ngay cho bác sĩ nếu các thuốc này ảnh hưởng đến sinh hoạt.
- Điều trị tốt các bệnh lý nền.
- Khám bệnh định kỳ để phát hiện ra các bệnh lý có thể làm ảnh hưởng đến cơ thể và cảm giác ăn uống.[2]
Luôn giữ một tinh thần thoải mái để có phòng tránh xuất hiện ăn không ngon miệng
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức liên quan đến ăn không ngon miệng, đặc biệt là những biện pháp để cải thiện tình trạng chán ăn tại nhà. Nếu thấy bài viết hay và hữu ích, hãy chia sẻ cho người thân và bạn bè nhé!