Đau bụng khi mang thai là tình trạng khá phổ biến và thường không gây nguy hiểm cho bạn và em bé. Đôi khi đó là cơn go sinh lý, do thai phát triển gây căng dây chằng cũng có thể là một dấu hiệu không may như dọa sinh non. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẽ những nguyên nhân và cách điều trị khi bà bầu bị đau bụng dưới tháng thứ 5.
Đặc điểm của bà bầu mang thai tháng thứ 5
Ở tháng thứ 5, bụng bầu đã lớn hơn nhiều, thai nhi máy nhiều và mạnh hơn. Các triệu chứng có thể gặp ở mẹ bầu vào thời điểm này như giãn tĩnh mạch, sưng bàn chân và mắt cá chân, táo bón, chóng mặt, đau đầu, đau lưng, quầng vú sẫm màu. Em bé cũng trở nên khá khéo léo vào thời điểm này, học cách mút ngón tay cái, vặn và xoay trong tử cung, ngáp, chớp mắt hay phản ứng với các kích thích bên ngoài như tiếng động siêu lớn. Đây là giai đoạn thai nhi tăng trưởng nhanh, tử cung cũng căng ra nhiều hơn để phù hợp với thai nhi.
Bà bầu bị đau bụng dưới tháng thứ 5 nguyên nhân do đâu?
Đau bụng khi mang thai là tình trạng rất phổ biến và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bà bầu bị đau bụng dưới tháng thứ 5 có thể không cần phải lo lắng, nhưng đôi khi đó là một dấu hiệu nguy hiểm. Nguyên nhân gây đau bụng ở mẹ bầu tháng thứ 5 gồm:
Đầy hơi và táo bón
Đầy hơi khi mang thai là do nồng độ progesterone tăng lên. Khi lượng hormone này được giải phóng nhiều hơn, đường tiêu hóa của bạn sẽ hoạt động chậm lại, khiến thức ăn di chuyển chậm hơn. Uống nhiều nước, ăn thực phẩm giàu chất xơ, vận động nhẹ nhàng và sử dụng thuốc làm mềm phân là những cách tuyệt vời để chống lại tình trạng đầy hơi và táo bón.
Các cơn co thắt Braxton Hicks
Các cơn co thắt Braxton Hicks được gắn nhãn là “các cơn co thắt sinh lý”, nó chỉ gây khó chịu nhẹ chứ hiếm khi gây nguy cơ cho mẹ bầu hoặc thai nhi. Nhiều phụ nữ cho biết Braxton Hicks có cảm giác như cơ bụng bị siết chặt khiến bụng bạn có cảm giác cứng. Điều quan trọng là phải phân biệt Braxton Hicks với các cơn co thắt thực sự. Cơn go thực sự sẽ đều đặn, tăng dần về cường độ và tần số, gây đau và gây xóa mở cổ tử cung. Trong khi đó cơn go Braxton Hicks là những cơn go ngắn, không đều, thường không gây đau nhiều và không gây xóa mở cổ tử cung.
Nhìn chung, con gò chuyển dạ thường khiến bạn khó thở, vì vậy nguyên tắc chung là nếu bạn có thể tiếp tục các hoạt động bình thường của mình thì rất có thể đó là Braxton Hicks.
Đau dây chằng tròn
Điều này được đặc trưng bởi cơn đau nhói khi bạn thay đổi tư thế hoặc cũng có thể là cơn đau nhức, âm ỉ, kéo dài. Đau dây chằng tròn là do hai dây chằng lớn chạy từ tử cung đến hông gây ra. Khi tử cung phát triển, các dây chằng này bị kéo căng và tạo cảm giác khó chịu. Cơn đau này thường được thấy trong tam cá nguyệt thứ hai và được coi là vô hại.
Nhau bong non
Nhau bong non là tình trạng đe dọa tính mạng, trong đó nhau thai tách ra khỏi tử cung của bạn trước khi em bé được sinh ra. Một triệu chứng của nhau thai bong non là cơn đau liên tục khiến bụng cứng lại trong một thời gian dài mà không thuyên giảm. Một dấu hiệu khác là dịch có máu hoặc nước ối vỡ sớm. Các triệu chứng khác bao gồm đau bụng, đau lưng hoặc tiết dịch có lẫn vết máu.
Dọa sinh non
Dọa sinh non là tình trạng tăng khả năng sinh non của thai phụ, khi này người mẹ thường có những cơn gò, kèm cảm giác đau lâm râm hạ vị, bong nút nhầy, ra máu âm đạo. Đây là một tình trạng cảnh báo thai có thể được sinh ra trước khi đủ tháng (37 tuần) và có thể cần can thiệp y tế, do đó hãy đi khám tại các cơ sở y tế có phương tiện cấp cứu sản khoa.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Mặc dù dễ dàng điều trị khi mang thai nhưng nếu bỏ qua, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây ra các biến chứng. Thường được nhận biết bằng cảm giác đau, khó chịu hoặc nóng rát khi bạn đi tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể gây đau bụng dưới. Nhiễm trùng tiểu đôi khi còn gặp tiểu mủ, tiểu đục.
Những khó chịu thường gặp khác
Ngoài những vấn đề được liệt kê ở trên, còn có một số khó chịu ở bụng phổ biến khác có thể gặp phải khi mang thai và nhìn chung không nguy hiểm. Tử cung đang phát triển, virus dạ dày, sỏi thận, u xơ và nhạy cảm với thức ăn đều là những dạng đau bụng ít gây hại cho mẹ và thai nhi.
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Đau bụng trong thai kỳ thường không ảnh hưởng gì đến thai, tuy nhiên một số trường hợp cực kỳ nguy hiểm. Do đó cần lưu ý các dấu hiệu sau đây để đi khám và được điều trị kịp thời:
- Chảy máu âm đạo một triệu chứng báo hiệu một thai kỳ bất thường.
- Vỡ ối hoặc rỉ ối: Mẹ bầu nhìn thấy có nước trong chảy ra từ âm đạo, đôi khi lẫn nhầy hồng hoặc máu.
- Nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong chuyển động của bé.
- Sốt (nhiệt độ từ 38 độ C) là một dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Đau dữ dội vùng bụng, lưng, ngực.
- Nôn nhiều.
- Có máu trong nước tiểu hoặc nước tiểu có mùi hoặc đục, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nước tiểu.
Những điều cần làm khi bị đau bụng tháng thứ 5 của thai kỳ
Trong những trường hợp đau bụng tháng thứ 5 của thai kỳ là do căng dây chằng tròn quá mức, thay đổi lối sống giúp giảm đau đớn cho thai phụ. Một số điều bạn có thể làm để giúp giảm đau dây chằng tròn:
- Nằm đối diện với bên đau.
- Dành thời gian lâu hơn khi di chuyển, thay đổi tư thế, đặc biệt là khi trở mình trên giường vào ban đêm.
- Tắm nước ấm.
- Nên nằm nghiêng khi mang thai.
Đau bụng là một triệu chứng thường gặp trong thai kỳ và thường thoáng qua. Đôi khi những cơn đau dữ dội, gây chảy máu âm đạo hay vỡ ối báo hiệu một tình trạng bất thường. Cần nhận biết những dấu hiệu nguy hiểm khi bà bầu bị đau bụng dưới tháng thứ 5 để đi khám và được xử trí kịp thời.