Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy xương là một bệnh ung thư máu xảy ra khi quá trình sản xuất các tế bào bạch cầu, hồng cầu hoặc tiểu cầu bị rối loạn. Không giống như bệnh bạch cầu mãn tính, bệnh AML phát triển nhanh chóng và người bệnh cần phải được điều trị càng sớm càng tốt.
1. Nguyên nhân dẫn đến bạch cầu cấp dòng tủy xương
Nguyên nhân của bệnh bạch cầu tủy cấp tính là do sự phá hủy ADN của các tế bào đang phát triển trong tủy xương. Khi đó, quá trình sản xuất tế bào máu sẽ không giống như bình thường, tủy xương sẽ tạo ra các tế bào chưa trưởng thành và các tế bào này sẽ phát triển thành các tế bào ác tính hay còn gọi là “tế bào máu non” (myeloblasts). Những tế bào bất thường này được sản xuất nhiều lên, tích tụ lại và lấn át hoạt động bình thường của các tế bào máu khỏe mạnh.
Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân khiến ADN bị đột biến và dẫn đến bệnh AML. Nhưng theo các bác sĩ một số yếu tố như bức xạ, tiếp xúc với một số hóa chất và một số loại thuốc hóa trị là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy xương.
2. Triệu chứng bạch cầu cấp dòng tủy
Các dấu hiệu bạch cầu cấp dòng tủy của giai đoạn đầu có thể giống với các bệnh cúm hoặc các bệnh thông thường khác. Ngoài ra, các dấu hiệu và triệu chứng có thể thay đổi dựa trên loại tế bào máu bị ảnh hưởng.
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch cầu cấp dòng tủy AML bao gồm:
- Sốt
- Đau xương
- Mệt mỏi
- Khó thở
- Da nhợt nhạt
- Thở nhanh hoặc thở gấp khi vận động
- Hoa mắt, chóng mặt
- Cơ thể dễ bị nhiễm trùng
- Dễ bầm tím
- Chảy máu bất thường, chẳng hạn như chảy máu mũi thường xuyên và chảy máu từ nướu.
3. Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh AML:
- Tuổi cao: Nguy cơ mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy xương tăng theo tuổi và phổ biến nhất ở người từ 65 tuổi trở lên.
- Giới: Đàn ông có nhiều khả năng phát triển bệnh AML hơn phụ nữ.
- Đã điều trị ung thư: Những người đã từng được điều trị bằng một số loại hóa trị và xạ trị nhất định có thể có nguy cơ mắc bạch cầu cấp dòng tủy AML cao hơn người không bị ung thư.
- Tiếp xúc với bức xạ: Những người tiếp xúc với mức độ phóng xạ rất cao, như những người sống sót sau vụ tai nạn lò phản ứng hạt nhân có nguy cơ cao mắc bệnh AML.
- Tiếp xúc hóa chất nguy hiểm: Phơi nhiễm với một số hóa chất như benzen, có liên quan đến nguy cơ mắc bạch cầu cấp dòng tủy AML cao hơn.
- Hút thuốc: Do trong thuốc lá có chứa benzen và rất nhiều hóa chất gây ung thư khác nhau nên việc hút thuốc lá có nguy cơ cao mắc AML và các loại ung thư khác.
- Các bệnh rối loạn máu khác: Những người đã bị các bệnh rối loạn máu khác như suy tủy, xơ tủy nguyên phát (myelofibrosis), bệnh đa hồng cầu hoặc bệnh huyết khối đều có nguy cơ mắc AML.
- Rối loạn di truyền: Một số rối loạn di truyền như hội chứng Down có liên quan đến tăng nguy cơ mắc AML.
Tuy nhiên có nhiều người mắc bạch cầu cấp dòng tủy xương nhưng không có yếu tố nguy cơ nêu trên và ngược lại, mặc dù có có các yếu tố nguy cơ trên nhưng người đó không bao giờ mắc bệnh ung thư.
Nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: cancer.net, webmd.com, mayoclinic.org
XEM THÊM:
- Thế nào là bệnh bạch cầu?
- Các dạng bệnh bạch cầu thường gặp
- Số lượng bạch cầu trong cơ thể là bao nhiêu?