Biếng ăn ở trẻ kéo dài gây ra khá nhiều hệ lụy: suy dinh dưỡng, kém phát triển về tầm vóc và trí não. Cha mẹ cần có giải pháp để bé ăn ngon miệng hơn, đẩy lùi chứng biếng ăn.
1. Biếng ăn ở trẻ gây hậu quả gì?
Tình trạng biếng ăn thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Biểu hiện của biếng ăn rất đa dạng. Trẻ 6 tháng biếng ăn thường bú ít, không hào hứng với đồ ăn dặm. Các bé lớn hơn thường ăn chậm hoặc rất chậm (bữa ăn có thể kéo dài 30 phút - 2 tiếng), trẻ ngậm thức ăn trong miệng không chịu nuốt, không có cảm giác đói bụng nên không đòi ăn, giả vờ đau bụng khi đến bữa ăn,...
Khi bị biếng ăn kéo dài, trẻ sẽ bị thiếu năng lượng, thiếu chất dinh dưỡng, chậm tăng cân, chậm phát triển chiều cao, còi xương, suy dinh dưỡng và thậm chí là kém phát triển về trí não.
Đồng thời, trẻ thường bị suy giảm hệ miễn dịch, giảm khả năng chống đỡ trước các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn,... và tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm như cảm cúm, tiêu chảy, viêm đường hô hấp,... Khi bị ốm, bé càng biếng ăn và càng bị suy giảm sức đề kháng.
Trẻ bị thiếu dinh dưỡng và ốm yếu sẽ bị rối loạn nhận thức và cảm xúc, ảnh hưởng tới khả năng nhận thức, học tập trước mắt và có thể kéo dài tới 5 năm sau.
2. Trẻ biếng ăn chậm tăng cân phải làm sao?
Việc khắc phục chứng biếng ăn ở trẻ đòi hỏi cả gia đình, nhà trường và bác sĩ cùng phối hợp để giúp bé có thể bắt kịp đà tăng trưởng. Một số biện pháp cha mẹ nên áp dụng là:
2.1. Chế biến món ăn đủ chất và hấp dẫn
Nhiều phụ huynh chỉ quan tâm tới bữa ăn đủ chất nên thường trộn tất cả các loại thực phẩm được xem là bổ dưỡng với nhau rồi nấu thành cháo, bột cho bé. Điều này khiến món ăn mất đi sự hấp dẫn về hình thức và mùi vị nên trẻ sẽ không muốn ăn, lâu dần dẫn tới chứng biếng ăn.
Nhiều gia đình khác chỉ cho trẻ ăn một số loại thực phẩm cố định và chỉ trung thành với một vài cách chế biến như nấu cháo, hấp, luộc,... Những món ăn này thường không thu hút trẻ, khiến trẻ nhanh bị chán vì thực đơn lặp lại quá nhiều lần.
Vì vậy, nếu muốn khắc phục tình trạng biếng ăn ở trẻ, cha mẹ hãy cho bé cùng đi chợ, chọn món mà mình thích hoặc để bé tự trang trí món ăn của mình. Với những trẻ nhỏ hơn, phụ huynh cần đa dạng nguyên liệu nấu ăn và cách chế biến đồ ăn cho bé. Như vậy, bé sẽ cảm thấy ăn uống ngon miệng hơn và đẩy lùi được chứng biếng ăn.
2.2. Tạo không khí ăn uống vui vẻ, không ép trẻ ăn
Phụ huynh thường cố gắng ép trẻ ăn cho bằng được lượng thực phẩm như yêu cầu. Điều này vô tình tạo áp lực tâm lý cho trẻ khi bước vào bàn ăn. Một số trẻ còn có cảm giác sợ ăn, giả vờ đau bụng, nôn ói,... khi đến giờ ăn. Vì vậy, cha mẹ hãy tạo một không khí bữa ăn vui vẻ, thoải mái để trẻ tự ăn một cách chủ động.
2.3. Không cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn
Trong khi một số phụ huynh quá nghiêm khắc trong việc ăn uống của trẻ thì có nhiều cha mẹ lại quá nuông chiều theo ý muốn của bé. Khi bé đòi ăn vặt, nhiều người sẵn sàng cho con ăn mà không kiểm soát về số lượng hay giờ giấc. Điều này khiến trẻ không bao giờ cảm thấy đói khi vào bữa chính nên sẽ không muốn ăn.
Vì vậy, cha mẹ không nên cho con ăn vặt quá nhiều, đặc biệt là trước bữa chính. Nếu muốn cho bé ăn bổ sung, phụ huynh chỉ nên cho trẻ ăn sau bữa chính.
2.4. Tập cho trẻ có thói quen vận động
Để khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn, chậm lớn, ngoài việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, thói quen ăn uống của bé, cha mẹ nên tập cho trẻ thói quen vận động. Các bậc phụ huynh có thể đưa con ra ngoài chơi, tập đi xe, đi bơi hay vui chơi với bạn tại công viên, sân nhà,... Vận động giúp tiêu hao năng lượng nhanh chóng nên bé sẽ mau đói, ăn ngon hơn và nhiều hơn trong các bữa chính.
2.5. Bổ sung các dưỡng chất cần thiết cho trẻ
Trẻ biếng ăn sẽ chậm tăng cân, chậm tăng chiều cao vì không nhận đủ các dưỡng chất cần thiết cho quá trình tăng trưởng từ khẩu phần ăn hằng ngày, đặc biệt là các loại vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, canxi, sắt, kẽm, lysine và i ốt.
Để bé ăn ngon miệng trở lại thì phụ huynh có thể cho trẻ dùng thêm thực phẩm giàu vi chất hoặc các loại thuốc bổ sung dưỡng chất theo khuyến nghị của bác sĩ.
2.6. Một số biện pháp khác
- Tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần vì nhiễm giun, sán,... là một trong những nguyên nhân khiến bé suy nhược, biếng ăn.
- Không trộn lẫn thuốc vào món ăn của trẻ vì điều này khiến trẻ đề phòng khi ăn uống, thậm chí có thể bé sẽ ghét món ăn mà trước đó rất thích.
- Có thể để bé cùng tham gia sơ chế nguyên liệu nấu ăn vì sau đó trẻ sẽ muốn ăn những món mà mình góp công chế biến.
- Có thể chia nhỏ khẩu phần ăn của trẻ để bé không bị ngán vì phải ăn quá nhiều trong một bữa.
Nếu tình trạng trẻ biếng ăn kéo dài, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời, các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể cũng có thể áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy, cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.