Bướu máu có nguy hiểm không? Theo BS Nguyễn Đỗ Trọng, bướu máu được đánh giá lành tính nhưng nếu bướu máu xuất hiện tại các vị trí nguy hiểm như mắt, tai, cổ họng, nội tạng,… có thể gây tác động xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
Tổng quan bệnh bướu máu
Để biết được bệnh bướu máu có nguy hiểm không, trước tiên cần tìm hiểu thông tin tổng quan về bệnh lý này. Bướu máu (U máu - Hemangioma) là hiện tượng tăng trưởng quá mức của các tế bào nội mạch mạch máu ở da. Sự tăng sinh này thường sẽ ngừng lại sau một khoảng thời gian, tự giới hạn, mờ dần và biến mất khi trẻ lớn hơn. Bướu máu có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, thậm chí là nội tạng.
Theo thống kê, có đến 60% trường hợp bướu máu xuất hiện ở mặt, cổ, 25% xuất hiện ở thân và 15% ở tay, chân. Bướu máu có thể được phát hiện khi vừa mới sinh, trong tuần đầu sau sinh, ở giai đoạn sơ sinh hoặc muộn hơn sau đó. (1)
Hiện nay, nguyên nhân gây bướu máu chưa được xác định cụ thể. Chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh sự hình thành của bướu máu có tính di truyền. Trẻ trai có nguy cơ xuất hiện bướu máu cao hơn trẻ gái từ 3 - 6 lần. Tỷ lệ xuất hiện bướu máu ở trẻ sơ sinh khoảng 1 - 3%, ở trẻ dưới 1 tuổi khoảng 10 - 20%, ở trẻ nhỏ có nhiều sang thương 15 - 30%. Nguy cơ xuất hiện bướu máu cao hơn ở trẻ sinh non, cân nặng khi sinh thấp, thuộc chủng tộc da trắng.
Bướu máu phát triển theo 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 - Tăng sinh: Bướu máu xuất hiện, tăng nhanh về kích thước, thường diễn ra trong 3 tháng đầu đời.
- Giai đoạn 2 - Phát triển chậm: Kích thước bướu máu đạt 80% khi trẻ được khoảng 3 tháng tuổi, tăng dần với tốc độ chậm hơn và đạt tối đa khi trẻ được khoảng 6 - 8 tháng tuổi.
- Giai đoạn 3 - Ngừng phát triển: Bướu máu không có sự thay đổi về màu sắc, hình dạng hay tăng sinh về kích thước.
- Giai đoạn 4 - Co lại và biến mất: Bướu máu có xu hướng thoái triển khi trẻ được khoảng 1 tuổi. Khoảng 50% bướu máu đã co lại, mờ dần hoặc biến mất khi trẻ được 3.5 - 4 tuổi. Bướu máu có thể biến mất hoàn toàn khi trẻ được 10 tuổi. (2)
Bướu máu có thể xuất hiện trên bề mặt da, dưới bề mặt da hoặc ở cả dưới và trên bề mặt da. Do đó, bề mặt bướu có thể bằng phẳng hoặc gồ ghề, có màu đỏ tươi hoặc xanh tím. Vị trí xuất hiện bướu máu không có triệu chứng sưng, đau.
Cấp độ bướu máu ở trẻ em
Ở giai đoạn tăng sinh, sự phát triển của bướu máu được chia làm ba cấp độ, tương ứng với mức độ nguy hiểm từ nhẹ đến nặng:
- Cấp độ nhẹ: Bướu máu bắt đầu hình thành, xuất hiện trên da ở dạng một mảng da có màu đỏ/đỏ tím/xanh phớt, ít khi ở dạng khối u.
- Cấp độ trung bình: Bướu máu đã phát triển thành một khối u, có thể nổi lên trên bề mặt da, khiến vùng da này trở nên gồ ghề hoặc bướu máu đội lớp da phía trên chúng lên, tạo thành một khối có hình dạng, kích thước rõ ràng hoặc vừa đội da lên vừa khiến bề mặt da gồ ghề hơn. Điều này sẽ tùy thuộc vào đặc tính của bướu máu. Màu sắc của bướu máu là màu máu ở trong khối u, không có thay đổi đáng kể so với bướu máu cấp độ nhẹ.
- Cấp độ nặng: Bướu máu có các dấu hiệu sưng, đau, vỡ, loét, chảy máu, chèn ép các cơ quan khác, gây biến chứng. Bướu máu cấp độ nặng khá ít khi xảy ra, có thể xảy ra khi bướu máu nằm ở các vị trí đặc biệt hoặc có một tác động nào đó đến bướu máu như chấn thương, chăm sóc không đúng cách.
Bướu máu có nguy hiểm không?
Vậy bệnh bướu máu có nguy hiểm không? Thông thường, bướu máu không gây nguy hiểm cho trẻ bởi đặc tính tăng sinh và thoái triển. Nhưng nếu bướu máu xuất hiện ở các vị trí quan trọng như mi mắt, mũi miệng, tai, họng, hậu môn,… hoặc nằm sâu trong nội tạng, phụ huynh cần đưa trẻ thăm khám định kỳ và theo dõi sự tăng sinh của bướu máu.
Sự tăng nhanh về kích thước của bướu máu có thể gây chèn ép các cơ quan, nội tạng xung quanh, tác động đến sự phát triển cũng như chức năng của các cơ quan này như tắc mạch, suy tim. Một số khác, bướu máu khi không được chăm sóc đúng cách, bị chấn thương, viêm loét có thể dẫn đến bội nhiễm nguy hiểm.
Biến chứng bướu máu ở trẻ em
Biến chứng của bướu máu phần lớn liên quan đến vị trí bướu máu xuất hiện và việc chăm sóc không đúng cách. Các biến chứng này có thể là:
- Bướu máu ở hầu họng: gây khó thở, khàn tiếng, ho dai dẳng.
- Bướu máu ở thanh quản: gây ho nhiều, ho khó cầm.
- Bướu ở tim: giảm lưu thông tuần hoàn tim, suy tim.
- Bướu ở cột sống: gây yếu xương.
- Bướu ở mi mắt, trong mắt: giảm thị lực, có thể mù lòa.
- Bướu trong tai: giảm thính thực.
- Bướu ở môi, trong miệng: gây khó khăn khi ăn uống.
- Bướu ở vùng quấn tã, thắt lưng: cản trở sinh hoạt, dễ nhiễm trùng.
- Bướu máu bị vỡ, lở loét, chảy máu, nhiễm trùng, hoại tử.
- Bướu ở mạch máu: Hội chứng Portwine stains (bớt rượu vang) - có thể dẫn đến tăng nhãn áp, mù hòa; hội chứng Sturge Weber (Hội chứng u mạch máu da mặt và não) - có thể chậm phát triển thần kinh, động kinh, liệt nửa người, cườm mắt; hội chứng PHACE (u mạch máu lớn).
Chẩn đoán bệnh bướu máu
Chẩn đoán và theo dõi sự phát triển của bướu máu được thực hiện thông qua thăm khám lâm sàng và dựa vào kết quả của một số cận lâm sàng như:
- Siêu âm: đánh giá sự tăng sinh, kích thước của bướu máu, đặc biệt khi bướu máu nằm sâu.
- Siêu âm tim/ đo ECG (chỉ định khi bướu máu nằm ở tim hoặc nghi ngờ có bướu máu ở tim).
- Siêu âm máu, chụp cộng hưởng từ hoặc chụp cắt lớp vi tính (chỉ định khi có nghi ngờ bướu máu gây biến chứng).
- Chụp mạch máu (thường được chỉ định khi bướu máu xuất hiện trên mạch máu, gây thuyên tắc mạch).
- Sinh thiết: phân biệt u máu và dị dạng mạch.
Cách điều trị bướu máu ở trẻ
Dựa vào độ tuổi, vị trí xuất hiện cũng như mức độ phát triển, ảnh hưởng của bướu máu, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị bướu máu ở trẻ hiện có:
- Dùng thuốc bôi tại chỗ: Các loại thuốc này có thể là thuốc chẹn beta tại chỗ (timolol), thuốc kháng sinh hoặc thuốc corticosteroid. Thuốc được dùng để bôi lên bề mặt bướu nhằm làm mờ và sức chế sự phát triển của nó, ngăn ngừa viêm nhiễm. Thuốc corticosteroid có khuynh hướng hiệu quả hơn ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Dùng thuốc uống: Propranolol hoặc prednison có thể được chỉ định dùng trong điều trị bướu máu.
- Phẫu thuật loại bỏ bướu máu: Đây là thủ thuật can thiệp, được chỉ định khi bướu máu không thể tự biến mất, không đáp ứng với thuốc điều trị, gây mất thẩm mỹ, biến chứng.
- Laser: Phương pháp này thường được thực hiện để xóa sẹo do bướu hoặc loại bỏ những gì còn sót lại của bướu máu.
Lưu ý: Đối với các phương pháp dùng thuốc điều trị (bao gồm cả thuốc bôi tại chỗ và thuốc uống), bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng liệu trình điều trị của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ngưng thuốc, thay đổi liều lượng hay loại thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ.
Trong quá trình điều trị, đặc biệt sau khi dùng thuốc, phụ huynh cần theo dõi các biểu hiện của trẻ và thông báo ngay cho bác sĩ khi có dấu hiệu dị ứng thuốc, có tác dụng phụ. Trẻ sau khi điều trị bướu máu thành công cần tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
>>>Tham khảo thêm: Bướu máu có chữa được không?
Cách phòng tránh bệnh bướu máu
Sau khi biết được “Bướu máu có nguy hiểm không?” thì Một số giả thuyết cho rằng bướu máu có thể đã được hình thành từ giai đoạn phôi thai, do di tích của trung bì phôi thai hoặc do virus gây u nhú trên người (Human Papillomavirus - HPV) hoặc do sự mất cân bằng nội tiết (nồng độ 17 - Beta Estradiol cao) hoặc do tác động của heparin khiến các tế bào sợi và nội mạch tăng nhanh.
Do đó, để phòng ngừa bướu máu ở trẻ em, phụ huynh có thể thực hiện các biện pháp dưới đây:
- Tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ trước khi mang thai và trong khi mang thai.
- Xây dựng thai kỳ an toàn, khỏe mạnh, tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại, chất kích thích: rượu bia, thuốc lá,…
- Tiêm vaccine cho trẻ đầy đủ theo khuyến nghị của Bộ Y tế.
- Tránh để trẻ bị côn trùng cắn, chấn thương. Nếu trẻ đã bị côn trùng cắn hoặc có chấn thương, cần theo dõi các triệu chứng và điều trị phù hợp.
- Đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi phát hiện có bướu máu.
>>>Có thể bạn chưa biết: Thăm khám bướu máu cho trẻ em ở đâu TP.HCM đáng tin cậy?
Khi nào cần đưa trẻ đến cơ sở y tế?
Trẻ cần được chăm sóc đúng cách, theo dõi chặt chẽ sự phát triển của bướu máu nhằm can thiệp kịp thời khi bướu máu có triệu chứng nguy hiểm, nguy cơ gây biến chứng cao. Nếu trẻ có các triệu chứng dưới đây, hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, hướng dẫn điều trị phù hợp:
- Bướu máu bị vỡ, có vết loét.
- Bướu máu sưng đau, có dấu hiệu nhiễm trùng.
- Bướu máu tăng nhanh về kích thước, gây mất thẩm mỹ, khiến trẻ tự ti.
- Bướu máu gây ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan xung quanh như thị lực, thính lực, hô hấp,…
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc trẻ và những vấn đề về sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ tới bệnh viện theo địa chỉ:
Bướu máu có nguy hiểm không? Hy vọng với những thông tin trên, quý phụ huynh đã hiểu rõ hơn về bướu máu ở trẻ em cũng như các biến chứng có thể xảy ra do bướu máu. Trẻ có bướu máu cần được theo dõi và thăm khám định kỳ nhằm can thiệp phù hợp, giảm thiểu các rủi ro, ảnh hưởng của bướu máu đối với sự phát triển, tâm lý trẻ.