Nhiều người hoảng hốt khi bỗng một ngày phát hiện mặt sưng phù sau khi ngủ dậy. Tình trạng sưng phù mặt có thể xảy ra từ từ hoặc đột ngột. Mặt bị sưng phù đôi khi chỉ là hiện tượng sinh lý nhưng cũng có thể là dấu hiệu đi kèm với một tình trạng sức khỏe nguy hiểm nào đó. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nguyên nhân gây sưng phù mặt và những bệnh lý có thể liên quan đến triệu chứng này nhé!
Nguyên nhân thường gặp khiến mặt bị sưng phù
Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của tình trạng mặt sưng phù hay mặt bị phù tích nước là khuôn mặt sưng lên ở các mức độ khác nhau khiến khuôn mặt tròn trĩnh hơn như tăng cân nhưng thực chất không phải. Có những trường hợp sưng phù nặng dẫn đến việc người đối diện không thể nhìn thấy hai tai. Mặt có thể bị sưng phù một hoặc cả hai bên. Ngoài ra, nếu sưng phù mặt là triệu chứng của một bệnh lý nào đó, người bệnh có thể gặp thêm các triệu chứng điển hình khác.
Tác dụng phụ của thuốc và dị ứng thuốc
Có thể kể đến những nguyên nhân thường gặp, không xuất phát từ bệnh lý, dẫn đến hiện tượng mặt sưng phù như: Thuốc điều trị bệnh huyết áp cao (enalapril, irbesartan, valsartan, lisinopril, losartan, ramipril), thuốc corticosteroid, thuốc chống viêm phi steroid (aspirin, naproxen, ibuprofen), thuốc điều trị tiểu đường (pioglitazone, rosiglitazone), estrogen…
Mặt bị sưng phù cũng có thể do cơ thể dị ứng với loại thuốc nào đó. Dị ứng thuốc ngoài gây phù mặt còn có thể có triệu chứng da ngứa, phát ban, khó hô hấp thậm chí cần được cấp cứu. Các thuốc dễ gây dị ứng thường là thuốc hóa trị, thuốc chống động kinh. Thậm chí có người uống thuốc kháng sinh bị phù mặt.
Dị ứng thực phẩm gây phù mặt
Trong các trường hợp dị ứng sưng mặt, có không ít trường hợp do dị ứng thực phẩm. Một số thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây dị ứng khá cao như: Sữa, một số loại hạt, cá, trứng, nhộng tằm, hải sản, động vật có vỏ…
Nếu bị dị ứng nhẹ, sưng phù chỉ xảy ra ở môi, khoang miệng, lưỡi, họng, mắt. Nếu bị nặng, người bệnh có thể bị sưng phù mặt hoặc toàn thân. Ngoài triệu chứng sưng phù, người bệnh còn có thể bị ngứa da, ngứa trong miệng hay cổ họng, buồn nôn, choáng váng,...
Mặt bị sưng phù do côn trùng đốt
Ong, nhện là những con vật có thể truyền nọc độc qua các vết cắn và vết đốt dẫn đến sưng phù mặt hoặc các trị trí bị đốt khác. Trong hầu hết trường hợp, sưng phù tự khỏi trong vài ngày nhưng cũng có những trường hợp cá biệt dị ứng côn trùng đốt mức độ nặng gây sốc phản vệ cần được cấp cứu.
Ngoài ra, mặt bị sưng phù có thể do các tình trạng khác như:
- Chấn thương vùng đầu, mặt;
- Phản ứng của cơ thể sau khi được truyền máu;
- Sưng phù mặt sau khi thực hiện phẫu thuật đầu, hàm, mũi, mắt;
- Các rối loạn ở tuyến nước bọt cũng có thể gây sưng phù mặt;
- Các bệnh ở mắt, áp xe răng cũng có thể khiến mặt bị sưng.
Mặt bị sưng phù cảnh báo bệnh gì?
Trên đây là những nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến tình trạng mặt bị sưng phù. Ngoài ra, sưng phù mặt cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý như:
- Bệnh viêm xoang: Các hốc xoang bị lấp đầy dịch nhầy do dịch không thể lưu thông qua các lỗ thông xoang. Khi đó, người bệnh có triệu chứng sưng phù mặt và đau tức vùng mặt, đầu, mắt…
- Phụ nữ bị tiền sản giật cũng có dấu hiệu sưng phù mặt và tay, chân đột ngột. Ngoài ra còn có các triệu chứng đi kèm khác như: Khó thở, đau đầu, buồn nôn, đau bụng…
- Viêm mô tế bào xảy ra khi vi khuẩn tấn công vào lớp dưới của da gây triệu chứng sưng tấy mặt và cổ. Ngoài ra, khi sờ tay vào cũng có cảm giác ấm, da mặt nhạy cảm hơn. Người bệnh xuất hiện triệu chứng sốt, ớn lạnh, buồn nôn, buồn ngủ, có thể có vết đỏ hoặc vết loét trên da.
- Viêm da tiếp xúc khiến mặt bị đỏ, phù và ngứa. Bệnh có thể xảy ra khi da mặt tiếp xúc với hóa chất, đồ trang điểm, trang sức, chất độc trong một số loại cây…
- Hội chứng Cushing khiến mặt người bệnh bị sưng phù giống mặt trăng. Ngoài ra, người bệnh có thể thấy hiện tượng các cơ yếu hơn, có vết bầm tím, vết rạn trên da, quanh cổ và bụng tích nhiều mỡ.
- Hội chứng Vena Cava hay hội chứng tĩnh mạch chủ trên khiến mặt, cổ, tay, phần trên cơ thể của người bệnh sưng phù hoặc gặp các triệu chứng khác như ho nhiều, khó thở.
Điều trị tình trạng mặt bị sưng phù
Để chẩn đoán chính xác bệnh và xác định nguyên nhân khiến mặt bị sưng phù, các bác sĩ sẽ khai thác tiền sử bệnh lý, hỏi về các chấn thương, các phương pháp điều trị bệnh hay thuốc điều trị bệnh trong thời gian gần đây hay triệu chứng khác mà người bệnh đang gặp phải. Ngoài ra, để có kết luận bệnh chính xác, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm y tế như:
- Xét nghiệm máu;
- Xét nghiệm nước tiểu;
- Chụp cắt lớp CT hoặc MRI.
Khi xác định được nguyên nhân dẫn đến triệu chứng sưng phù mặt, bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp. Ví dụ:
- Bác sĩ sẽ điều trị hội chứng Cushing bằng phẫu thuật để cắt bỏ khối u, cho người bệnh sử dụng thuốc, xạ trị, vật lý trị liệu.
- Bác sĩ chỉ định giảm liều lượng thuốc steroid hoặc chỉ định ngừng sử dụng hoàn toàn.
- Tiền sản giật ở phụ nữ mang thai có thể xuất hiện từ tuần thứ 20 của thai kỳ. Khi có dấu hiệu sưng phù mặt và chân tay, thai phụ cần được cấp cứu sản khoa ngay lập tức để phòng ngừa biến chứng.
- Nếu bị sưng phù mặt nhẹ do các nguyên nhân dễ xác định như côn trùng đốt, chấn thương,... người bệnh có thể chườm mát để giảm đau. Người bệnh cũng nên kê cao đầu khi nằm để giảm sưng mặt.
Mặt bị sưng phù là một tình trạng không hiếm gặp. Nguyên nhân có thể chỉ đơn giản là do ngủ nhiều, tăng cân, côn trùng đốt nhưng cũng có thể xuất phát từ bệnh lý. Vì vậy, nếu bị phù mặt, bạn nên theo dõi sát sao và đi khám kịp thời để tránh các tình trạng sức khỏe nguy hiểm.
Xem thêm: Những biểu hiện của người bị tích nước