Sưng nhú lưỡi là tình trạng xuất hiện u nhú bất thường trên lưỡi, gây khó chịu, sưng tấy và đau đớn. U nhú có khả năng tự biến mất nhưng nếu sau 10 ngày, u nhú vẫn không giảm đi thì người bệnh cần được thăm khám, chẩn đoán và điều trị theo phác đồ phù hợp.
Tổng quan về sưng nhú lưỡi
Nhú lưỡi là một phần trong cấu tạo bình thường của lưỡi, có vai trò cảm nhận vị. Nhú lưỡi chứa các cấu trúc nhỏ hơn, gọi là chồi vị giác, phủ khắp mặt lưỡi giúp cảm nhận vị: chua, cay, mặn, ngọt, đắng…
Lưỡi có khoảng 10.000 chồi vị giác. Mỗi chồi vị giác chứa khoảng 10 - 50 tế bào tế bào cảm giác kết nối với sợi thần kinh để truyền thông tin từ lưỡi đến não.
Thông thường, bạn không thể cảm nhận được chồi vị giác hay nhú lưỡi. Tuy nhiên, khi bị sưng phù, nhú lưỡi gây vướng bận, đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng đến việc ăn uống.
Sưng nhú lưỡi là gì?
Chồi vị giác, nhú lưỡi có màu hồng nhạt, thường nằm khắp hai bên lưỡi. Khi chúng sưng lên sẽ gây tình trạng sưng nhú lưỡi, hay u nhú lưỡi. Khi quan sát sẽ thấy các hạt màu trắng hoặc hồng nhạt, nhỏ li ti trên lưỡi. Nếu không được phát hiện, điều trị, sưng có thể phát triển lớn, tại thành các u có hình như đĩa dẹt, xuất hiện trên khắp lưỡi, họng, gây đau rát.
Sưng nhú có thể xuất hiện nhiều lớp, chồng lên nhau và dễ vỡ. Khi vỡ, u nhú chảy dịch mủ, có thể kèm theo máu, gây loét khoang miệng.
Sưng nhú lưỡi có nguy hiểm không?
Sưng nhú lưỡi có thể là vấn đề bình thường, không gây nguy hiểm gì. Các u nhú có thể tự biến mất sau một thời gian ngắn mà không cần điều trị.
Tuy nhiên, ở một số trường hợp, sưng nhú lưỡi cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của ung thư miệng. Khi đó, người bệnh thường có các dấu hiệu kèm theo như:
- Đau miệng, loét miệng
- Tê lưỡi
- Xuất hiện khối u ở má, cổ
- Khó khăn trong việc nhai, nuốt, cử động hàm, lưỡi
- Xuất hiện nhiều mảng trắng, đỏ tại nưỡu, lưỡi, niêm mạc miệng, amidan
- Đau họng
- Ho không giảm
- Sốt cao
- Sụt cân bất thường
Nguyên nhân gây sưng nhú lưỡi
Nguyên nhân gây sưng nhú lưỡi khá đa dạng, từ nguyên nhân bệnh lý đến các thói quen xấu.
Nguyên nhân bệnh lý
U nhú lưỡi có thể xuất hiện kèm theo các bệnh lý như:
- Trào ngược dạ dày khiến axit chảy ngược lên miệng, gây bỏng, sưng tấy nhú lưỡi.
- Dị ứng thực phẩm.
- Bỏng miệng khi ăn, uống thực phẩm nóng.
- Ung thư khoang miệng.
- Mắc bệnh nhiễm trùng khiến virus, vi khuẩn tấn công gây tổn thương nhú lưỡi.
- Viêm nhú lưỡi.
Nguyên nhân khác
- Kích thích nhu lưỡi do va chạm với răng (răng nhọn hoặc răng giả).
- Hút thuốc là.
- Ăn nhiều thực phẩm chua, cay gây kích ứng nhú lưỡi.
- Thiếu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin B và sắt, gây ảnh hưởng tới lưỡi.
- Quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ bằng miệng làm tăng nguy cơ lây lan virus HPV gây nhiễm trùng lưỡi.
- Áp lực, căng thẳng.
Chẩn đoán sưng nhú lưỡi
Thăm khám lưỡi là phương pháp hàng đầu trong chẩn đoán sưng nhú lưỡi. Trong đó, bác sĩ tiến hành quan sát cấu trúc, màu sắc, kích thước, tình trạng… lưỡi để phát hiện, kiểm tra khối u lưỡi. Cùng với đó, bác sĩ thăm hỏi các triệu chứng hiện tại, tiền căn bệnh lý của bệnh nhân và gia đình để tìm kiếm các yếu tố nguy cơ.
Để khẳng định chẩn đoán và loại trừ các nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ khác, người bệnh có thể được chỉ định làm các xét nghiệm:
- Xét nghiệm máu để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng và định lượng bạch cầu.
- Làm các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh học (CT hoặc MRI) để xác định bất thường cấu trúc miệng.
- Nuôi cấy dịch phết để định danh tác nhân nhiễm trùng.
- Sinh thiết để tìm kiếm, xác định tế bào ung thư.
Phương pháp điều trị sưng nhú lưỡi
Sau khi thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng người bệnh.
Điều trị nội khoa
Người bệnh được chỉ định điều trị nội khoa trong các trường hợp:
- Sưng nhú do virus HPV: Tiêm thuốc kháng virus hoặc dùng liệu pháp áp lạnh (cryotherapy)
- U nang: Chọc dịch (với nang nhầy, u nang lympho biểu mô), Laser, Áp lạnh để loại bỏ u nang.
- Sỏi tuyến nước bọt: Dùng thuốc kháng viêm hoặc massage tuyến nước bọt để loại bỏ sỏi tuyến nước bọt. Với sỏi kích thước lớn, bác sĩ chỉ định người bệnh thực hiện phẫu thuật ngoại khoa.
Điều trị tại nhà
Với các trường hợp lành tính, sưng nhú lưỡi có thể tự biến mất sau một thời gian ngắn mà không cần điều trị. Để làm dịu cơn đau và nhanh lành vết thương, người bệnh lưu ý:
- Dùng nước súc miệng đặc trị và đánh răng đúng cách để giữ cho khoang miệng sạch sẽ.
- Hạn chế ăn những đồ ăn cay, nóng, nhiều đường, axit…
- Không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc.
- Không tự ý mua thuốc hay sử dụng thuốc khi chưa có kê đơn từ bác sĩ.
- Dùng dung dịch gây tê hoặc gel bôi trên các vùng bị loét để giảm đau, nhanh lành thương.
Các trường hợp sưng nhú lưỡi đa phần là lành tính. Tuy nhiên, nếu tình trạng sưng nhú không hết sau 10 ngày, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị đúng cách.
Trên đây là những thông tin chung về sưng nhú lưỡi. Nếu bạn cần được hỗ trợ giải đáp hoặc cung cấp thêm thông tin khám chữa bệnh, liên hệ ngay tới hotline 1900 1984 của DoLife để được hỗ trợ sớm nhất!
Lưu ý: Bài viết cung cấp thông tin mang tính chất tham khảo. Bạn đọc vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc Chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.