Huyết áp tăng hay giảm đều ảnh hưởng, gây ra các vấn đề sức khỏe. Do vậy, duy trì huyết áp ổn định là việc rất quan trọng. Thực tế hiện nay, bệnh tăng huyết áp ngày càng phổ biến. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, nghĩa là cứ 5 người trưởng thành thì có một người bị tăng huyết áp. Tìm kiếm về cách hạ huyết áp, kiểm soát bệnh huyết áp cao cũng được nhiều người quan tâm.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin hữu ích về cách hạ huyết áp với các trường hợp:
- Cách hạ huyết áp trong một số trường hợp huyết áp tăng
- Cách kiểm soát huyết áp với người bệnh tăng huyết áp
Huyết áp cao có nguy hiểm không?
Tăng huyết áp rất nguy hiểm, được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Bởi biểu hiện của bệnh rất nghèo nàn, khiến người bệnh chủ quan, không tuân thủ điều trị một cách đầy đủ, dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm.
Cụ thể tăng huyết áp gây nên nhiều biến chứng nặng nề về tim mạch, não, thận, mắt như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ, suy thận, suy giảm thị lực dẫn tới mù lòa,...
Trong một số trường hợp tăng huyết áp khẩn cấp do một số nguyên nhân như sock tâm lý, do bỏ thuốc điều trị tăng huyết áp,... có thể dẫn đến những tổn tương vĩnh viễn cơ quan đích như:
- Tai biến mạch máu não: nhồi máu não cấp, xuất huyết não, xuất huyết dưới màng nhện.
- Tổn thương tim cấp tính: hội chứng mạch vành cấp, bóc tách thành động mạch chủ, suy tim, rung nhĩ, phù phổi cấp.
- Tổn thương thận cấp tính như suy thận cấp hoặc tổn thương mắt gây mù loà
Trong cơn tăng huyết áp khẩn cấp, hầu hết người bệnh không có triệu chứng đặc hiệu, chỉ một số trường hợp xuất hiện các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, lo lắng nhiều.
Nhận biết triệu chứng tăng huyết áp
Dưới đây là một số triệu chứng bạn đọc cần chú ý, có thể là tín hiệu cho thấy việc tăng huyết áp cần được theo dõi, đo huyết áp hoặc chăm sóc y tế:
- Buồn nôn hoặc nôn: Huyết áp cao đột ngột có thể gây ra cảm giác buồn nôn hoặc thậm chí dẫn đến nôn ở một số người.
- Nhức đầu dữ dội: Những cơn đau đầu đột ngột và dữ dội, cảm giác đập thình thịch hoặc đau nhói, có thể cho thấy mức huyết áp tăng cao.
- Tim đập nhanh: Bạn có thể thấy nhịp tim bất thường hoặc hồi hộp kèm theo huyết áp cao. Đánh trống ngực hoặc bạn có thể có cảm giác đập thình thịch ở tai và cổ có thể cho thấy huyết áp tăng đột ngột.
- Các vấn đề về thị giác: Huyết áp cao đột ngột có thể khiến tầm nhìn trở nên mờ và bạn có thể gặp khó khăn trong việc tập trung.
- Khó thở: Khi huyết áp tăng lên trong các động mạch quan trọng có thể làm giảm hiệu quả vận chuyển oxy do tim phải vật lộn để đẩy máu qua phổi. Khó thở, thở gấp hoặc cảm giác nghẹt thở có thể là dấu hiệu cảnh báo huyết áp tăng cao đột ngột.
- Xuất huyết điểm mạch: Bạn có thể gặp chảy máu ở mũi, xuất huyết niêm mạc ở mắt.
- ...
Cách hạ huyết áp tự nhiên trong một số trường hợp
Khi huyết áp tăng cần làm gì? Nhiều trường hợp người bệnh khi có các dấu hiệu, đo huyết áp thấy chỉ số tăng thường lo lắng, không biết cách xử lý ra sao. Việc đầu tiên bạn phải hết sức bình tĩnh, nếu có bệnh lý về cao huyết áp và đang theo dõi với bác sĩ Tim mạch có thể trao đổi online với bác sĩ.
Bên cạnh đó, bạn có thể thực hiện 1 số cách sau:
- Nằm nghỉ trong tư thế Savasana: Tư thế Savasana là tư thế quen thuộc trong Yoga: nằm duỗi thẳng tay chân có thể giúp giảm nhịp tim và hạ huyết áp cao nhanh chóng. Chỉ cần nằm ngửa, nhắm mắt lại và cố gắng thư giãn. Nghỉ ngơi trong tư thế này trong khoảng 10 - 15 phút và bạn có thể cảm thấy tốt hơn. Lưu ý theo dõi huyết áp liên tục đến khi huyết áp trở lại bình thường.
- Hít thở sâu: Căng thẳng dẫn đến lo lắng làm tăng huyết áp. Tuy nhiên, bình tĩnh lại có thể làm hạ huyết áp đáng kể. Tập các bài tập thở sẽ làm chậm nhịp tim và thư giãn. Ví dụ, hít thở chậm và sâu bằng mũi và thở ra bằng miệng.
Tuy vậy, trong một số trường hợp khẩn cấp, không có cách nào thực sự để nhanh chóng hạ huyết áp tại nhà hoặc những biện pháp trên không hiệu quả thì bạn phải gọi xe cấp cứu ngay đến bệnh viện để được nhân viên y tế thăm khám, điều trị và tìm nguyên nhân. Nếu bạn bị huyết áp cao, điều quan trọng là phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, thay đổi hành vi và lối sống.
Cách kiểm soát bệnh tăng huyết áp tại nhà hiệu quả
Tăng huyết áp là bệnh cần được theo dõi và điều trị lâu dài, nên việc kiểm soát, ngăn ngừa bệnh tiến triển là biện pháp hiệu quả hơn.
Dưới đây là cách bạn có thể áp dụng nên kiểm soát huyết áp cao, tự nhiên, hạn chế việc dùng thuốc:
- Giảm cân nếu bạn trong tình trạng thừa cân, béo phì: Thừa cân cũng có thể gây ra tình trạng ngừng thở khi ngủ (ngưng thở khi ngủ), làm tăng thêm huyết áp. Giảm cân là một trong những thay đổi lối sống hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp.
- Tâp thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm huyết áp cao khoảng 5 đến 8 mm Hg . Điều quan trọng là tiếp tục tập thể dục để giữ cho huyết áp không tăng trở lại. Như một mục tiêu chung, hãy nhắm đến ít nhất 30 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi ngày. Một số ví dụ về bài tập aerobic có thể giúp giảm huyết áp bao gồm đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội hoặc khiêu vũ.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn một chế độ ăn giàu ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa ít chất béo, ít chất béo bão hòa và cholesterol có thể làm giảm huyết áp cao tới 11 mm Hg
- Giảm muối trong chế độ ăn uống: Những người bị cao huyết áp thường được khuyên ăn ít muối.
- Tránh lo âu, căng thắng: Lo âu, căng thẳng gây ảnh hưởng nhiều đến chỉ số huyết áp, làm huyết áp tăng lên, vì vậy bạn cần chú ý đến cảm xúc của bản thân và có các biện pháp để giảm căng thẳng. Dưới đây là một số cách giúp bạn quản lý căng thẳng, lo âu:
- Tập thiền hoặc yoga: Trong yoga có một tư thế là savasana rất tốt để thư giãn.
- Đi bộ ngoài trời, hít thở không khí trong lành.
- Chú ý làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, nên nghỉ ngơi nhiều hơn khi bị căng thẳng.
- Lên kế hoạch làm việc trong ngày, sắp xếp thời gian hoàn thành hợp lý, tránh tình huống làm nhiều việc cùng lúc.
- Suy nghĩ đơn giản và tích cực, hạn chế suy nghĩ tiêu cực.
- Hạn chế rượu bia
- Bỏ thuốc lá
Đo huyết áp thường xuyên tại nhà có thể giúp bạn theo dõi tình trạng huyết áp của mình. Nếu đã được thăm khám, chẩn đoán nên tuân theo chỉ định của bác sĩ kết hợp với thay đổi lối sống. Không tự ý thay đổi liều lượng hay ngưng sử dụng thuốc đột ngột. Người bệnh nên đi tái khám định kỳ để bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh, tầm soát một số biến chứng do tăng huyết áp, cũng như điều chỉnh kế hoạch điều trị cho phù hợp.