Điều trị rối loạn tiêu hóa bằng cách thay đổi chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh, kết hợp kiểm soát căng thẳng, vận động thường xuyên cho thấy mang lại hiệu quả cao. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc để cải thiện triệu chứng.
Rối loạn tiêu hóa là gì?
Rối loạn tiêu hóa là một nhóm các tình trạng bệnh lý xảy ra khi hệ thống tiêu hóa hoạt động không ổn định do bất thường về cấu trúc hoặc chức năng, phổ biến phải kể đến là:
- Hội chứng ruột kích thích (IBS)
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
- Viêm/ loét dạ dày - tá tràng
- Viêm dạ dày ruột cấp tính
- Viêm đại tràng
- Các rối loạn tiêu hoá do bệnh lý toàn thân như: cường giáp, suy giáp, hội chứng kém hấp thu,…
- Tác dụng phụ của thuốc
Ngoài ra, bệnh Crohn, viêm loét đại tràng, chứng co thắt tâm vị,… cũng gây ra rối loạn tiêu hóa nhưng tần suất bệnh ít phổ biến hơn.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn tiêu hóa
Triệu chứng rối loạn tiêu hóa rất đa dạng, thay đổi tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể. Một số dấu hiệu dễ nhận biết gồm:
- Đau bụng
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Khó nuốt
- Đau ngực hoặc đau lưng
- Nấc cụt
- Khó tiêu
- Ăn không ngon
- Cổ họng xuất hiện khối u
- Đi đại tiện mất kiểm soát
- Buồn nôn
- Nôn ói
- Chảy máu
- Tăng hoặc giảm cân bất thường
Có thể điều trị rối loạn tiêu hóa tại nhà không?
Hầu hết các trường hợp bị rối loạn tiêu hóa đều có thể điều trị hiệu quả tại nhà bằng cách nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn thực phẩm dễ tiêu, tránh thực phẩm nhiều gia vị, dầu mỡ, bơ sữa… Ngoài ra, để hỗ trợ chữa trị rối loạn tiêu hóa, thì người bệnh có thể sử dụng thêm thuốc không kê đơn/ kê đơn theo chỉ dẫn của bác sĩ để cải thiện triệu chứng bệnh.
Cách trị rối loạn tiêu hóa hiệu quả
Dưới đây là gợi ý một số phương pháp điều trị rối loạn tiêu hóa hiệu quả:(1)
1. Xây dựng chế độ và thói quen ăn uống
Mục đích chính của chế độ ăn kiêng dành cho người mắc chứng rối loạn tiêu hóa là hỗ trợ cải thiện quá trình phân hủy, hấp thụ các chất dinh dưỡng sau khi ăn, giảm các triệu chứng khó chịu, như: chướng bụng, đầy hơi, khó chịu… Dưới đây là một số lời khuyên hữu ích về thói quen ăn uống, giúp hỗ trợ trị rối loạn tiêu hóa người bệnh nên tham khảo.
1.1 Nhóm thực phẩm/ đồ uống nên bổ sung nhiều
- Nước: Uống 1 - 2 ly nước ít nhất 1 giờ trước và sau bữa ăn, tránh uống trong bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn vì nước có thể làm loãng axit tiêu hóa.
- Gừng: Gừng có tác dụng thúc đẩy tiết dịch dạ dày và cải thiện tiêu hóa, có thể ăn dưới dạng gừng tươi, nghiền thành bột thêm vào công thức chế biến, cắt lát và ngâm chua, hoặc uống trà gừng.
1.2 Nhóm thực phẩm nên bổ sung vừa phải
- Chất xơ không hòa tan: Ưu tiên bổ sung chất xơ không hòa tan thay cho chất xơ hòa tan để giảm triệu chứng đầy hơi.
- Chất đạm: Mặc dù quá trình tiêu hóa protein phức tạp nhưng dưỡng chất này vẫn rất cần thiết cho cơ thể, không nên cắt bỏ khỏi chế độ ăn hàng ngày, bao gồm: thịt, trứng, cá…
1.3 Nhóm thực phẩm nên hạn chế
- Chất béo: Tiêu thụ nhiều chất béo sẽ giải phóng lượng lớn axit clohydric, có thể gây đau bụng. Vì vậy, chế độ ăn cần tránh các loại sữa nguyên kem, bơ, dầu, bánh quy, bánh ngọt…
- Đường: Một số loại đường như lactose (có trong sữa và các sản phẩm từ sữa), sucrose (có trong đường trắng và sốt mayonnaise) và maltose (có trong bia, bánh quy và ngũ cốc ăn sáng) thường rất khó tiêu hóa, không tốt cho người bệnh đang bị rối loạn tiêu hóa.
2. Chế độ ăn nên loại bỏ
- Đồ uống có ga
- Rượu, trà, cà phê, gây kích ứng các cơ quan tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày, gan, tuyến tụy và ruột.
3. Dùng men tiêu hóa
Người bệnh bị rối loạn tiêu hóa nên bổ sung men tiêu hóa đều đặn để giúp cải thiện triệu chứng. Lợi ích tích cực có thể kể đến như:
- Hỗ trợ hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn: Men tiêu hóa giúp phân hủy thức ăn và tăng cường hấp thụ tối đa dinh dưỡng, từ đó cải thiện rõ rệt tình trạng chướng bụng đầy hơi.
- Hỗ trợ điều viêm ruột: Bổ sung enzyme tiêu hóa giúp hỗ trợ tiêu hóa thức ăn đúng cách và cải thiện tình trạng viêm ruột.
- Giảm hội chứng ruột kích thích (IBS): Men tiêu hóa hỗ trợ quá trình phân hủy thức ăn trong đường ruột, giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng IBS như đầy hơi, chướng bụng, đi ngoài phân lỏng.
4. Dùng thực phẩm tốt cho đường ruột
Một số loại thực phẩm như: giấm táo, trà hoa cúc, trà bạc hà… đều rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp cải thiện hiệu quả các triệu chứng khó chịu ở dạ dày, đau bụng, đầy hơi… Người bệnh nên tham khảo để bổ sung vào thực đơn hàng ngày.
5. Dùng hoa quả tốt cho hệ tiêu hóa
Để điều trị rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, chướng bụng nên hạn chế ăn các loại trái cây có hàm lượng fructose cao như lê, xoài… Thay vào đó, thực đơn nên bổ sung các loại quả mọng và trái cây họ cam quýt, chẳng hạn như cam, bưởi bởi hàm lượng fructose thấp. Điều này sẽ giúp hệ tiêu hóa dễ dung nạp và ít gây đầy hơi. Đặc biệt, chế độ ăn nên có chuối, chứa hàm lượng fructose thấp nhưng rất giàu chất xơ và inulin, giúp kích thích sự phát triển của lợi khuẩn đường ruột.(2)
6. Bổ sung nhiều chất xơ
Một chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp ổn định và ngăn ngừa táo bón. Khẩu phần ăn khuyến nghị là 30g chất xơ mỗi ngày. Một số nguồn thực phẩm lành mạnh có thể tham khảo để bổ sung vào chế độ ăn uống bao gồm:
- Gạo lứt
- Trái cây và rau xanh
- Các loại đậu
- Yến mạch
7. Bổ sung chất béo lành mạnh
Thực phẩm giàu chất béo bão hòa (thịt bò, thịt lợn, giăm bông) và chất béo chuyển hóa có thể làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể, hoàn toàn không tốt cho người bị rối loạn tiêu hóa. Thay vào đó, người bệnh nên ưu tiên bổ sung chất béo lành mạnh (omega-3, chất béo không bão hòa đơn) để tốt cho sức khỏe. Nhóm dưỡng chất này có nhiều trong bơ, cá hồi…(3)
8. Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Có thể hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa tại nhà, bằng cách uống đủ nước. Người bệnh bị rối loạn tiêu hóa cần uống nhiều nước để hỗ trợ làm mềm phân và đẩy chất thải đi qua hệ thống tiêu hóa một cách dễ dàng. Ngoài ra, chất xơ còn đóng vai trò như một miếng bọt biển hút nước. Nếu lượng nước không đủ, chất xơ không thể thực hiện chức năng tiêu hóa, từ đó dẫn đến táo bón. Điều quan trọng là cần tránh uống đồ uống chứa caffeine vì dễ gây ợ nóng.
9. Kiểm soát căng thẳng
Khi căng thẳng, hệ thống thần kinh trung ương sẽ ức chế quá trình tiêu hóa bằng cách làm chậm các cơn co thắt cơ và giảm tiết dịch tiêu hóa. Nếu stress chỉ thỉnh thoảng xảy ra, cơ thể sẽ phục hồi và tiếp tục hoạt động bình thường. Tuy nhiên, khi căng thẳng thường xuyên, cơ thể sẽ khó phục hồi, gây khó chịu ở dạ dày, đồng thời làm trầm trọng hơn hội chứng ruột kích thích. Vì vậy, điều quan trọng là cần thư giãn thường xuyên, tránh stress quá mức.
10. Ăn chậm, nhai kỹ
Ăn chậm nhai kỹ giúp hỗ trợ cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, tránh gặp phải tình trạng đầy bụng, khó tiêu. Đây là lưu ý quan trọng nên thực hành trong mỗi bữa ăn hàng ngày, đặc biệt là với người bệnh đang điều trị rối loạn tiêu hóa.
11. Ăn ít gia vị
Thực phẩm cay nóng khiến các triệu chứng rối loạn tiêu hóa càng trở nên nghiêm trọng hơn, đồng thời có thể gây ra ợ chua, đau dạ dày, tiêu chảy. Không chỉ ớt, hành và tỏi cũng có khả năng gây ra ảnh hưởng tương tự. Vì vậy, việc tiết chế gia vị trong khâu chế biến là vô cùng quan trọng trong chữa trị rối loạn tiêu hóa.
12. Vận động nhiều hơn
Tập thể dục giúp cải thiện sự cân bằng nội tiết tố, kích thích giải phóng endorphine giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng. Tất cả những yếu tố này đều có lợi cho hoạt động của hệ tiêu hóa.
Thắc mắc hay gặp
Dưới đây là phần giải đáp một số thắc mắc thường gặp về tình trạng rối loạn tiêu hóa:
1. Rối loạn tiêu hóa có chữa khỏi được không?
Hầu hết các trường hợp rối loạn tiêu hóa đều có thể điều trị khỏi bằng cách thay đổi lối sống, dinh dưỡng hợp lý và kết hợp dùng thuốc khi cần thiết. Nếu rối loạn liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định can thiệp điều trị ngoại khoa.
2. Rối loạn tiêu hóa có nghiêm trọng không?
Rối loạn tiêu hóa có thể nghiêm trọng trong một số trường hợp nhất định, đôi khi là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý đáng lo ngại liên quan đến dạ dày, đường ruột, đại tràng… Vì vậy, người bệnh tốt hơn hết nên đi khám sớm để chẩn đoán nguyên nhân chính xác và có phương pháp điều trị kịp thời.
3. Mất bao lâu để khỏi rối loạn tiêu hóa?
Hầu hết các rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, ợ chua, táo bón và tiêu chảy có thể được điều trị khỏi trong vòng vài ngày thông qua chế độ ăn uống hợp lý kết hợp dùng thuốc. Những trường hợp bệnh lý nghiêm trọng hơn có thể cần phác đồ điều trị kéo dài, tùy vào chỉ định của bác sĩ.
4. Các vấn đề về tiêu hóa có trở nên tồi tệ hơn theo tuổi tác không?
Thức ăn hấp thu vào cơ thể thông qua quá trình tiêu hoá thức ăn. Theo tuổi tác, quá trình này sẽ bị chậm lại do sự lão hóa tự nhiên của cơ thể, dễ dẫn đến rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy, táo bón, hay nhiều vấn đề liên quan khác.
Trên đây là bài viết tổng hợp thông tin về 12 cách điều trị rối loạn tiêu hóa hiệu quả, an toàn. Hy vọng qua những thông tin đã chia sẻ, người bệnh sẽ có thêm cập nhật hữu ích trong vấn đề điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe.