Tại sao cần chuẩn bị niêm mạc tử cung?
Phôi khi được chuyển vào buồng tử cung sẽ chìm vào lớp niêm mạc để làm tổ và phát triển tuy nhiên không phải thời điểm nào niêm mạc tử cung cũng chấp nhận sự làm tổ của phôi. Vì vậy khi chuyển phôi trữ, bệnh nhân cần thực hiện quá trình chuẩn bị niêm mạc tử cung để niêm mạc phát triển đến giai đoạn đủ điều kiện để có thể đón nhận phôi vào làm tổ. Phôi thai dù có tốt đến đâu nhưng nếu niêm mạc tử cung xấu, không đủ điều kiện hoặc chuyển phôi không đúng cửa sổ làm tổ của niêm mạc thì cũng không thể thụ thai.
Chuẩn bị niêm mạc bằng cách nào?
Quá trình chuẩn bị niêm mạc tử cung thường bắt đầu từ ngày 2 hoặc 3 của chu kỳ kinh. Trước tiên, bác sỹ sẽ kiểm tra xem bạn có đủ điều kiện chuẩn bị niêm mạc chuyển phôi hay không bằng siêu âm niêm mạc tử cung hoặc xét nghiệm nội tiết khi cần thiết. Nếu đủ điều kiện, đa phần bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc để kích niêm mạc tử cung tăng sinh và dày lên với thành phần chính là estrogen đường uống (Valiera, Progynova) hoặc bôi qua da (Oestrogen). Ngoài ra bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc kích thích buồng trứng nhẹ hoặc theo dõi chu kỳ tự nhiên, khi có nang trứng phát triển sẽ tiết ra estrogen nội sinh kích thích niêm mạc tử cung phát triển. Sau đó theo dõi sự phát triển niêm mạc tử cung bằng siêu âm theo lịch hẹn. Khi độ dày niêm mạc tử cung bình thường, đạt tiêu chuẩn về hình thái và đủ thời gian sẽ được chỉ định bổ sung Progesteron với mục đích giúp niêm mạc tử cung chuyển từ giai đoạn tăng sinh sang giai đoạn chế tiết nuôi phôi, mở ra cửa sổ làm tổ để chuyển phôi. Progesteron đa phần dùng đường đặt âm đạo (Cyclogest, Utrogestan,…) hoặc đường uống (Duphaston), tiêm bắp (Progesteron 25mg, Proluton). Sau khi bổ sung Progesteron, căn cứ vào tuổi phôi sẽ xác định thời điểm chuyển phôi phù hợp: chuyển phôi sau khi đặt thuốc 3 ngày với phôi ngày 3 hoặc sau 5 ngày với phôi ngày 5 và ngày 6.
Vậy niêm mạc tử cung mỏng có ảnh hưởng gì không?
Thông thường, thời gian theo dõi niêm mạc để chuyển phôi khoảng 15-20 ngày kể từ ngày 2 chu kỳ kinh. Thời gian này có thể dao động tuỳ theo sự đáp ứng thuốc của từng bệnh nhân.
Độ dày niêm mạc tử cung theo chu kỳ tối ưu để chuyển phôi là từ 8 đến 14mm. Nếu niêm mạc tử cung mỏng, có thể ảnh hưởng đến khả năng bám dính làm tổ của phôi cũng như không cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai phát triển. Khi niêm mạc tử cung quá dày cũng không phải là lý tưởng cho chuyển phôi.
Hình thái niêm mạc cũng là yếu tố quan trọng, thông thường một niêm mạc đẹp sẽ có hình hạt cà phê hay hình ảnh 3 lá trên siêu âm.
Ngoài tiêu chuẩn về độ dày, hình thái niêm mạc thì trong quá trình theo dõi, bác sỹ còn dựa vào một số yếu tố như đo độ tưới máu niêm mạc tử cung, diễn biến phát triển của niêm mạc hoặc xem xét có hay không các bất thường ở buồng tử cung như dịch lòng tử cung, polyps buồng tử cung,…để can thiệp kịp thời cũng như đưa ra thời điểm phù hợp để chuyển phôi.
Chúc các bạn may mắn!