Bài viết bởi Dược sĩ Nguyễn Thị Bích Phượng, Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
1. Thuốc Cefixim là thuốc gì?
Thuốc Cefixim được dùng để điều trị các bệnh lý nhiễm khuẩn tại các vị trí như:
- Tai (Ví dụ: Viêm tai giữa)
- Mũi, xoang (Ví dụ: Viêm xoang)
- Họng (Ví dụ: Viêm hầu họng, viêm amydal)
- Viêm phổi, đợt cấp của viêm phế quản mạn tính
- Hệ tiết niệu - sinh dục (Ví dụ: Viêm bàng quang, viêm thận - bể thận, lậu không biến chứng)
2. Cefixim có những dạng bào chế và hàm lượng nào?
Thuốc chứa Cefixim có thể có các dạng bào chế khác nhau (Ví dụ: Viên nang, viên nén, viên nhai, lọ pha hỗn dịch uống, gói bột pha hỗn dịch) với các hàm lượng khác nhau.
Có thể kể đến một số biệt dược như Cefixim 200mg, Cefixim 100, Novafex 100mg/5ml, Cefixim 50mg, Cefixim 400mg ...)
3. Liều dùng của thuốc Cefixim cho người lớn và trẻ em
- Người lớn: Dùng dạng bào chế viên Cefixim 200mg: 1-2 viên/ngày dùng 1 lần/ngày hoặc chia thành 2 lần/ngày.
- Trẻ em>12 tuổi hoặc > 45kg: Dùng liều như người lớn.
- Trẻ em> 6 tháng và không quá 45kg: 8mg/kg/ngày chia làm 1-2 lần, có thể lựa chọn dạng bào chế hỗn dịch để dễ chia liều.
4. Tác dụng phụ của thuốc Cefixim
Mặc dù hiếm gặp nhưng có một số tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí tử vong, bạn cần chú ý khi dùng thuốc:
- Triệu chứng của phản ứng dị ứng, phản vệ: Nổi mẩn, ngứa, sưng phù, khò khè, đau ngực, khó thở, khó nuốt, khàn giọng, sưng mặt, mũi, môi, lưỡi, họng.
- Các dấu hiệu của hội chứng Steven Johnson: Có thể bị phồng rộp, chảy máu vùng môi, mắt, miệng, mũi, bộ phận sinh dục, có triệu chứng sốt và tương tự cúm.
- Tiêu chảy là tác dụng không mong muốn phổ biến liên quan đến kháng sinh. Do tác dụng phụ này, thông thường bác sỹ sẽ kê thêm men tiêu hóa khi dùng kháng sinh.
- Một dạng tiêu chảy hiếm gặp sau dùng kháng sinh được gọi là viêm đại tràng giả mạc do Clostridium difficile có thể xảy ra trong hoặc một vài tháng sau khi dùng kháng sinh. Gọi cho bác sỹ ngay nếu bạn có các triệu chứng sau: Đau bụng, chuột rút, phân lỏng toàn nước hoặc có máu.
Tác dụng phụ ít gặp: Đau bụng, buồn nôn, khó tiêu, đầy hơi.
Ngoài ra có thể hiếm gặp một số tác dụng phụ khác như: Suy thận cấp, phù mạch, nấm Candida, chóng mặt, sốt do thuốc, tăng bạch cầu ưa acid, hồng ban đa dạng, đau đầu, viêm gan, tăng bilirubin, tăng enzyme gan, vàng da, giảm bạch cầu, ngứa, co giật, giảm tiểu cầu...
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.