Theo tục lệ dân gian, vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng lên Thiên đình để báo cáo lại tất cả việc làm của con người trong một năm.
Vì vậy, vào ngày ông Công ông Táo, mỗi gia đình thường chuẩn bị 3 con cá chép đỏ thả trong chậu nước, cúng cùng các đồ lễ khác. Sau khi cúng xong sẽ đem những con cá này phóng sinh ở sông, ao, hồ... để tiễn ông Công ông Táo về trời.
Theo quan niệm dân gian, cá chép phải được thả trước giờ Ngọ (12h trưa ngày 23 tháng Chạp) thì mới kịp lên Thiên đình.
Khi thả cá chép sống ra hồ, sông... sau khi làm lễ xong với tâm thế vui vẻ, thoải mái, cùng niềm tin cá sẽ đưa ông Táo về trời, sẽ mang nhiều may mắn đến cho gia đình gia chủ.
Chia sẻ với Lao Động, Chuyên gia văn hóa - PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho biết, theo tín ngưỡng dân gian và phong tục tập quán từ xa xưa, ông Công ông Táo cai quản dưới trần gian nhưng đến ngày 23 tháng Chạp là ông Công ông Táo sẽ lên trên thiên đình gặp Ngọc hoàng và báo cáo toàn bộ mọi công việc.
Sau đó, ông Công ông Táo sẽ nhận những chỉ thị của Ngọc hoàng và Thượng đế. Đến đêm 30 Tết, khi hạ giới cúng giao thừa và đón ông Công ông Táo từ trên trời xuống.
Vì thế, nghi thức cúng phải được thực hiện vào ngày 23 tháng Chạp và không nên cúng ngày sớm hơn. Vì ngày 23 tháng Chạp là ngày tất cả ông Công ông Táo phải lên chầu Ngọc hoàng.
"Người dân nên cúng đúng ngày để tiễn các Ngài lên trời. Nếu cúng sớm hơn thì sẽ không đúng vì Ngọc hoàng chưa triệu tập, của trên thiên đình cũng chưa mở. Trong ngày 23 tháng Chạp, người dân phải cúng từ sáng đến trưa, cụ thể là trước 12 giờ trưa. Bởi như vậy, ông Công ông Táo mới có thời gian để bay lên chầu trời. Nếu cúng quá muộn, theo quan niệm của dân gian, ông Công ông Táo không có đủ thời gian để đi lên trên trời để gặp Ngọc hoàng báo cáo. Lúc đó cửa thiên đình cũng đã đóng rồi, các ngài cũng không thể vào được" - PGS.TS Phạm Ngọc Trung nói.