Đại tràng là một bộ phận rất quan trọng trong hệ tiêu hóa với vai trò nhận thức ăn đã được tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng từ ruột non. Tại đây, đại tràng sẽ hấp thụ nước, muối khoáng và phân hủy các vi khuẩn tạo khối bã thức ăn ở trực tràng. Đại tràng rất dễ bị tổn thương và gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe. Trong đó, u đại tràng là một bệnh lý có thể gặp phải.
Tìm hiểu chung về bệnh u đại tràng góc gan
U đại tràng góc gan là bệnh gì?
U đại tràng là tình trạng xuất hiện khối u ở đoạn gấp khúc giữa đại tràng lên và đại tràng ngang, vị trí này còn được gọi là góc đại tràng phải. Đây là vị trí ít xuất hiện u hơn so với các đoạn khác trong đại tràng như đại tràng ngang, đại tràng xuống.
U đại tràng có thể là lành tính hay ác tính sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể, trong đó hầu hết các khối u là lành tính. Với u đại tràng lành tính, tính mạng người bệnh không bị đe dọa nhưng vẫn không nên xem nhẹ bởi nó có thể gây ra nhiều hệ lụy ở đường tiêu hóa. Vì thế người bệnh vẫn cần được điều trị để loại bỏ khối u. Còn nếu u tiến triển thành ác tính, người bệnh sẽ được chỉ định phác đồ điều trị riêng.
Dù u đại tràng góc gan có tiến triển thành ung thư hay không thì người bệnh không nên chủ quan bởi vẫn có số ít các khối u này chuyển thành ác tính (ung thư đại tràng). Đặc biệt, các triệu chứng của u đại tràng góc gan tương tự với các bệnh lý khác ở gan, mật nên rất dễ xảy ra tình trạng nhầm lẫn. Do đó, cách tốt nhất là bạn nên chủ động theo dõi sức khỏe và thăm khám định kỳ để phát hiện sớm các nguy cơ gây bệnh.
Dấu hiệu cảnh báo u đại tràng góc gan
Trong giai đoạn đầu, u đại tràng góc gan thường diễn tiến âm thầm và không có triệu chứng rõ ràng. Bước vào giai đoạn sau, bệnh có thể gây ra các triệu chứng như:
- Rối loạn tiêu hóa, thay đổi chức năng đại tiện với dấu hiệu táo bón, tiêu chảy xen kẽ nhau.
- Thường xuyên bị đầy hơi, ăn không tiêu, chướng bụng khiến người bệnh ăn không ngon dẫn đến tình trạng sụt cân.
- Trong phân xuất hiện các dấu hiệu bất thường như có dịch tiết, có lẫn máu do xuất huyết tại trực tràng.
- Người bệnh thường xuyên đau quặn bụng vùng hạ sườn phải.
Một số trường hợp bị buồn nôn, nôn do khối u đại tràng góc gan phát triển gây cản trở hoạt động của ruột, thậm chí gây tắc ruột.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u đại tràng góc gan
Cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chỉ ra nguyên nhân chính xác dẫn đến u đại tràng góc gan. Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý này, bao gồm:
- Tuổi tác: Hầu hết các trường hợp mắc u đại tràng thường gặp ở người trên 50 tuổi, nguy cơ mắc bệnh càng tăng cao nếu tuổi càng cao.
- Tiền sử gia đình: U đại tràng góc gan cũng được xác định có tính di truyền. Vì thế, nếu trong gia đình bạn có bố mẹ, anh chị em ruột mắc u đại tràng, đặc biệt nếu mắc bệnh trước 45 tuổi thì bạn cũng thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao.
- Thói quen sinh hoạt: Đây là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Ở những người thường xuyên sử dụng chất kích thích rượu, bia, thuốc lá, hay những người sinh hoạt thiếu khoa học như thức khuya, căng thẳng, ít vận động,... nguy cơ mắc u đại tràng là rất lớn.
- Bệnh lý nền: Những người có tiền sử mắc bệnh lý đường ruột như viêm đại tràng, bệnh Crohn, hội chứng đại tràng cũng sẽ dễ mắc u đại tràng.
- Nhiễm trùng: Các loại virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm có thể là nguyên nhân dẫn đến u đại tràng. Những tác nhân này thường xâm nhập qua đường ăn uống, hô hấp rồi tấn công hệ tiêu hóa gây ra viêm niêm mạc đường ruột.
- Polyp đại tràng: Mặc dù hầu hết trường hợp polyp đại tràng đều lành tính nhưng nếu người bệnh dưới 60 tuổi thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ u đại tràng cao hơn người bình thường.
Các phương pháp chữa trị u đại tràng góc gan
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh trong từng trường hợp, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất. Trong đó, các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay bao gồm thay đổi thói quen sinh hoạt, điều trị nội khoa, phẫu thuật.
Đầu tiên là phương pháp thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt bằng cách hạn chế các thực phẩm không tốt cho sức khỏe như đồ ăn chế biến sẵn, rượu, bia, thuốc lá,... Đồng thời nghỉ ngơi điều độ, đủ giấc, duy trì cân nặng ổn định.
Trong nhiều trường hợp cần can thiệp, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc với mục tiêu kiểm soát nhiễm trùng nếu có. Phương pháp này cũng giúp cải thiện các triệu chứng u đại tràng góc gan nhờ thuốc kháng sinh, corticoid, thuốc chống viêm, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc an thần,...
Với các trường hợp u đại tràng góc gan vào giai đoạn nặng hoặc có biến chứng, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật nhằm khắc phục biến chứng như khâu vết thủng ruột, phẫu thuật nội soi cầm máu, cắt bỏ khối u, cắt đi một đoạn ruột già,...
Tóm lại, u đại tràng góc gan dù là bệnh ít gặp nhưng chúng ta cũng không nên coi nhẹ vì nó có thể tiến triển thành u ác tính trong âm thầm. Để phòng tránh căn bệnh này, người bệnh cần xây dựng thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, đồng thời thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát sớm các bệnh lý ở đường tiêu hóa.
Xem thêm: Hiểu rõ hơn về polyp đại tràng ngang