Căn nguyên khiến trẻ đau bụng về đêm có thể đến từ tác nhân môi trường như ngộ độc thực phẩm, trẻ bị dị ứng gluten hoặc do các bệnh lý đường tiêu hóa cần được điều trị. Hiện nay có nhiều biện pháp giúp giảm cơn đau cho trẻ an toàn ngay tại nhà. Tuy nhiên, nếu trẻ không giảm triệu chứng hoặc kèm sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy… bé cần được đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm.
Bệnh lý khiến trẻ đau bụng về đêm
Sức đề kháng của trẻ nhỏ chưa được hoàn thiện, bởi vậy mà trẻ thường có triệu chứng bất thường như sốt, ăn uống kém hay đau bụng. Trong đó, biểu hiện đau bụng vào buổi đêm là triệu chứng thường gặp báo hiệu bệnh lý cần được xử trí. Dưới đây là một số bệnh phổ biến có thể khiến trẻ đau bụng về đêm, cụ thể:
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Đây là một tình trạng thường gặp ở trẻ em, khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác nhức, rát họng kèm đau bụng. Tình trạng này thường gây ra do cơ thắt thực quản (esophageal sphincter) yếu, chưa hoàn chỉnh ở trẻ em.
- Hội chứng ruột kích thích (IBS): Đây là một rối loạn chức năng của đường ruột, gây đau bụng, đầy hơi và thay đổi tính chất phân. Nguyên nhân chính của IBS chưa được xác định chính xác nhưng có liên quan tới sự co bóp bất thường của cơ ruột.
- Bệnh viêm ruột (IBD): Bệnh viêm ruột là một bệnh mãn tính ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Hai loại chính của IBD là bệnh Crohn và viêm ruột nặng với biểu hiện đau bụng, tiêu chảy hoặc chảy máu từ hậu môn ở trẻ em.
- Viêm ruột thừa: Tình trạng này xảy ra khi ruột thừa bị nhiễm trùng, dễ khiến trẻ đau bụng về đêm hoặc bất kỳ thời điểm nào, thường xuất hiện ở phía bên phải dưới của bụng.
- Nhiễm trùng đường tiểu (UTI): Đây là bệnh lý nhiễm trùng ảnh hưởng đến bàng quang, niệu đạo hoặc thận, gây đau bụng cùng các triệu chứng nhiễm khuẩn khác như sốt, đau buốt khi đi tiểu.
Phản ứng sinh lý gây đau bụng ở trẻ nhỏ
Ngoài bệnh lý, cha mẹ cần nhận biết các phản ứng sinh lý gây đau bụng ở trẻ nhỏ do tác nhân đến từ môi trường bên ngoài cần được loại bỏ, hạn chế tối đa. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ đau bụng về đêm, bao gồm:
- Ngộ độc thực phẩm: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng ở trẻ nhỏ, thường xảy ra sau khi trẻ ăn phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Triệu chứng thường gặp là cơn đau bụng đột ngột, nôn mửa và tiêu chảy. Trong trường hợp này, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để cấp cứu và xử lý kịp thời.
- Dị ứng celiac: Cơ thể trẻ nhỏ có thể phản ứng dị ứng với gluten, một loại protein thường có trong lúa mạch hoặc lúa mì. Điều này có thể khiến trẻ đau bụng về đêm, đầy hơi kèm mệt mỏi. Việc theo dõi, từ đó phát hiện dấu hiệu của dị ứng gluten là điều quan trọng để điều trị kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp cho trẻ.
Trong tất cả các trường hợp, việc tư vấn và điều trị từ các bác sĩ chuyên khoa là cần thiết để đảm bảo sức khỏe của trẻ. Đồng thời, việc duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, đảm bảo vệ sinh là yếu tố cần được chú trọng để ngăn ngừa các vấn đề khiến trẻ đau bụng về đêm.
Biện pháp giảm đau bụng cho trẻ tại nhà
Dưới đây là một số biện pháp hiệu quả mà cha mẹ có thể thực hiện tại nhà giúp trẻ giảm bớt cơn đau, bao gồm:
- Giữ ấm cho trẻ: Đảm bảo trẻ không bị lạnh bụng, vì cảm giác lạnh làm tăng cường cơn đau bụng.
- Cho trẻ uống nhiều nước: Đảm bảo trẻ được duy trì trạng thái đủ nước, tránh tình trạng mất nước do triệu chứng nôn mửa hoặc tiêu chảy, gây suy giảm sức khỏe của trẻ.
- Massage bụng nhẹ nhàng: Massage nhẹ bụng giúp giảm bớt sự khó chịu cũng như cải thiện lưu thông máu trong khu vực bụng, giúp bé dễ chịu hơn.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn: Paracetamol là một lựa chọn an toàn để giảm đau cho trẻ nhưng cha mẹ cần tuân thủ đúng liều lượng thuốc dành cho trẻ em hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Đắp khăn ấm lên bụng trẻ: Sử dụng khăn ấm để chườm lên bụng trẻ trong khoảng thời gian ngắn giúp làm giảm đau bụng.
- Cho trẻ ngủ ở tư thế thoải mái: Đảm bảo trẻ được ngủ ở tư thế thoải mái, có thể sử dụng gối để nâng đầu hoặc chân để giảm áp lực lên khu vực bụng.
- Tránh cho trẻ ăn thức ăn khó tiêu: Tránh cho trẻ ăn thức ăn khó tiêu hóa, thay vào đó nên chọn thức ăn dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa chua.
- Cho trẻ bú sữa mẹ: Sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ, giúp chống lại các tác nhân gây bệnh.
Tuy nhiên, nếu triệu chứng đau bụng của trẻ không cải thiện sau khi thực hiện các biện pháp trên hoặc nếu bé có các triệu chứng khác như sốt cao, nôn mửa nhiều và tiêu chảy nặng, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra, điều trị kịp thời.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám bác sĩ?
Khi nào trẻ đau bụng về đêm nên được đi khám bác sĩ là thắc mắc, băn khoăn của nhiều phụ huynh. Dưới đây là những dấu hiệu cần chú ý ở trẻ khi bị đau bụng, cụ thể:
- Đau bụng dữ dội: Nếu trẻ có biểu hiện khóc thét, ôm bụng với biểu hiện đau không thể chịu đựng được. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cần phải đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức để kiểm tra, điều trị.
- Nôn mửa liên tục: Trẻ nôn mửa nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn, nôn ra thức ăn, dịch mật màu xanh vàng hoặc máu. Đây là dấu hiệu cảnh báo về một vấn đề nghiêm trọng trong hệ tiêu hóa của trẻ, cần được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
- Sốt cao: Sốt cao từ 38,5 độ C thường là biểu hiện của bệnh lý nhiễm trùng, cần được bác sĩ kiểm tra để đưa ra đúng phác đồ điều trị.
- Tiêu chảy nhiều lần: Trẻ tiêu chảy nhiều hơn 3 lần/ngày, phân lỏng, có thể lẫn máu hoặc nhầy. Đây có thể là dấu hiệu của một bệnh trầm trọng như nhiễm khuẩn đường ruột, cần phải được điều trị sớm.
- Mất nước: Trẻ có dấu hiệu mất nước như mắt trũng, miệng khô, tiểu ít. Mất nước có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cho bé nếu không được xử trí sớm.
- Các triệu chứng khác: Trẻ có các triệu chứng bất thường khác như lờ đờ, tím tái, co giật… là biểu hiện của một tình trạng nguy hiểm, cần được can thiệp y tế sớm.
Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về tình trạng trẻ đau bụng về đêm. Mong cha mẹ đã có kiến thức bổ ích về hiện tượng này cũng như cách xử trí phù hợp. Trong tất cả các trường hợp, việc đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm là yếu tố cần được chú trọng để đảm bảo trẻ được chẩn đoán để điều trị đúng cách, từ đó ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra và giữ gìn sức khỏe cho trẻ.
Xem thêm:
- Trẻ đau bụng từng cơn: Nguyên nhân và cách xử lý
- Trẻ đau bụng buồn nôn là bệnh gì? Cách xử trí như thế nào?