Ung thư là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Với những tiến bộ của y học, hiện nay nhiều loại ung thư đã có thể điều trị được. Nhưng các triệu chứng ung thư ở giai đoạn sớm thường mơ hồ hoặc không có triệu chứng khiến nhiều người bệnh bỏ lỡ thời gian điều trị tốt nhất. Vì vậy, việc nhận biết được các dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư là rất quan trọng.
1. Các loại ung thư phổ biến trên thế giới và Việt Nam
Theo thống kê của Globocan - Một dự án của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc WHO, năm 2020 trên thế giới có 19.292.789 ca ung thư mới và 9.958.133 trường hợp tử vong vì ung thư. Trong đó, ung thư phổi là loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao nhất. Sau đó là ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư đại tràng.
10 loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới xếp theo mức độ giảm dần là:
- Ung thư vú (Breast)
- Ung thư phổi (Lung)
- Ung thư tuyến tiền liệt (Prostate)
- Ung thư đại tràng (Colon)
- Ung thư dạ dày (Stomach)
- Ung thư gan (Liver)
- Ung thư trực tràng (Rectum)
- Ung thư cổ tử cung (Cervix uteri)
- Ung thư thực quản (Oesophagus)
- Ung thư tuyến giáp (Thyroid)
Riêng tại Việt Nam, năm 2020 có 182.563 ca mắc mới ung thư và 122.690 trường hợp tử vong. Tức là cứ 10.000 người sẽ có khoảng 19 người mắc mới và 13 người tử vong vì ung thư.
05 loại ung thư phổ biến nhất ở cả hai giới lần lượt là: gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng (colonrectum). 05 loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới là: gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng và tuyến tiền liệt; ở nữ giới là: vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày và gan.
Trong đó, ung thư gan có tỷ lệ tử vong cao nhất, chiếm 20,6% tổng số các trường hợp tử vong vì ung thư. Sau đó là ung thư phổi (19,4%), ung thư dạ dày (11,9%), ung thư vú (7,6%) và bệnh bạch cầu (3,9%).
Theo thống kê những năm gần đây thì ung thư đang gia tăng nhanh cả về số ca mắc mới và tử vong. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà còn xuất hiện ở các nước phát triển khác như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Trên thực tế, con số ung thư có thể nhiều hơn như thế, bởi vì nhiều trường hợp mắc bệnh và tử vong đã không được ghi nhận, đặc biệt là ở những địa phương mà điều kiện y tế còn đang gặp khó khăn.
2. Những dấu hiệu cảnh báo ung thư cần lưu ý
Ở giai đoạn đầu khi khối u còn khu trú ở một vị trí, ung thư có nhiều khả năng điều trị hơn. Vì vậy, điều quan trọng là phải phát hiện ung thư sớm.
Mỗi loại ung thư sẽ có một tập hợp các triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng phát triển sớm trong quá trình ung thư, ví dụ như khối u không đau ở vú. Nhưng một số triệu chứng khác như giảm cân hoặc sốt thường chỉ xuất hiện sau khi khối u đã tiến triển. Một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư tuyến tụy có thể không có triệu chứng trong giai đoạn đầu.
Các dấu hiệu dưới đây không nhất thiết là do ung thư gây ra nhưng cũng không nên chủ quan:
a. Giảm cân
Giảm cân không giải thích được có thể do các tình trạng sức khỏe khác như cường giáp, trầm cảm hay bệnh tiêu hóa. Nhưng sự khác biệt là ung thư thường gây giảm cân đột ngột. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) nhiều người bị giảm từ 4,5kg trở lên trước khi được chẩn đoán ung thư.
Giảm cân thường gặp nhất trong ung thư:
- Thực quản
- Phổi
- Tuyến tụy
- Dạ dày
Ung thư cũng làm thay đổi quá trình trao đổi chất gây ra tình trạng chán ăn và ít cảm thấy đói hơn. Ung thư dạ dày, tuyến tụy, đại tràng và buồng trứng có thể gây áp lực lên dạ dày khiến cơ thể luôn cảm thấy no.
b. Thường xuyên sốt
Sốt là phản ứng của cơ thể khi bị nhiễm trùng hoặc bệnh tật, thường là một triệu chứng phổ biến của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Tuy nhiên, sốt có thể là một dấu hiệu cảnh báo ung thư nếu:
- Sốt liên tục.
- Sốt xảy ra chủ yếu vào ban đêm.
- Không có dấu hiệu nhiễm trùng nào khác hoặc nhiễm trùng liên tục.
- Bị đổ mồ hôi ban đêm.
Sốt hiếm khi là triệu chứng ban đầu của ung thư, nó thường xuất hiện khi ung thư đã di căn hoặc ở giai đoạn nặng. Tuy nhiên, nó có thể là triệu chứng ban đầu ở người bị ung thư máu (ung thư bạch huyết, ung thư bạch cầu hoặc ung thư hạch).
c. Chảy máu bất thường
Một số loại ung thư có thể gây chảy máu. Ví dụ: ung thư đại trực tràng có thể gây ra tình trạng đi phân có máu; ung thư thận hoặc bàng quang có thể xuất hiện máu trong nước tiểu. Đôi khi mất máu có thể khó phát hiện hơn nếu nó chảy máu bên trong, ví dụ như ung thư dạ dày.
Máu đỏ tươi thường là máu chảy trong trực tràng hoặc đại tràng, trong khi máu sẫm hơn có thể chảy từ vị trí xa hơn như thực quản hay dạ dày.
Nhiều tình trạng khác như loét ống tiêu hóa, trĩ hoặc nhiễm trùng cũng có thể gây ra đi cầu ra máu; nhiễm trùng, sỏi thận hoặc bệnh thận cũng gây ra tiểu máu. Nhưng cho dù là nguyên nhân gì thì cũng cần được điều trị sớm.
d. Mệt mỏi và đau
Tình trạng mệt mỏi đến mức suy nhược mà không thuyên giảm kể cả khi nghỉ ngơi có thể là dấu hiệu sớm của ung thư. Các tế bào ung thư tăng sinh nhanh chóng, không có chức năng mà đáng lẽ nó phải có, nhưng vẫn sử dụng chất dinh dưỡng. Chúng lấy đi một lượng lớn chất dinh dưỡng, do đó khiến cơ thể luôn trong trạng thái vô cùng mệt mỏi. Mệt mỏi cũng là đặc điểm nổi bật nhất ở bệnh bạch cầu.
Bên cạnh đó, ung thư có thể gây đau theo nhiều cách khác nhau, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do khối u phát triển gây chèn ép hoặc đã di căn khỏi vị trí ban đầu. Ví dụ, đau lưng có thể do ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư buồng trứng hoặc ung thư trực tràng.
e. Ho dai dẳng hoặc khàn giọng
Ho là một phản ứng của cơ thể khi bị nhiễm virus, dị ứng hay khói bụi.
Nhưng một cơn ho dai dẳng có thể là biểu hiện của ung thư phổi, kèm theo các dấu hiệu khác như ho đờm có máu, đau ngực, sụt cân, mệt mỏi và khó thở. Ho dai dẳng đôi khi cũng là một triệu chứng của ung thư tuyến giáp.
f. Sự thay đổi về da
Sự thay đổi về da thường liên quan đến ung thư da và đôi khi là dấu hiệu của các dạng ung thư khác. Ví dụ: các đốm trắng trong miệng có thể là dấu hiệu của ung thư miệng; vàng da và vàng mắt là dấu hiệu của ung thư gan.
Ung thư có thể gây ra những thay đổi trên da như:
- Tăng sắc tố hoặc đốm đen.
- Nốt trên da lớn dần, kích thước có thể lớn hơn cục tẩy bút chì.
- Các nốt có màu sắc không nhất quán, cả màu đen và màu nâu.
- Nốt không đối xứng hoặc có các cạnh răng cưa.
- Vét loét trên da không biến mất hoặc đã lành nhưng tái phát lại.
- Vàng da.
g. Sự thay đồi về vú
Xuất hiện một khối u trên vú là triệu chứng đặc trưng của ung thư vú, nhưng không phải tất cả khối u đều là ung thư, đó có thể là là u nang hay u lành tính.
Tuy nhiên, hãy đến bệnh viện để kiểm tra nếu nhận thấy bất kỳ sự thay đổi hoặc sự phát triển mới trên vú, bao gồm:
- Một cục u có thể sờ thấy được.
- Da vú sưng, đỏ, đóng vảy, sần sùi.
- Đau vú.
- Thay đổi núm vú như lõm xuống hay màu sắc xung quanh núm vú thay đổi.
- Cục u dưới nách.
- Núm vú tiết dịch hoặc chảy máu.
h. Chức năng tiêu hóa bất thường
Một số bệnh ung thư có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như khó nuốt, thay đổi cảm giác thèm ăn hoặc đau sau khi ăn.
Khó nuốt hoặc cảm giác thức ăn bị mắc kẹt ở cổ họng kéo dài hơn hai tuần có thể là dấu hiệu của ung thư vòm hầu, phổi hoặc thực quản.
Ung thư đường tiêu hóa (dạ dày, tá tràng, đại trực tràng) có thể gây ra các triệu chứng như khó tiêu, buồn nôn, nôn mửa và đầy hơi. Những triệu chứng này thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tiêu hóa thông thường.
Ung thư buồng trứng cũng có thể gây đầy hơi; trong khi ung thư não gây ra buồn nôn và nôn.
i. Ung thư không có dấu hiệu cảnh báo
Một số loại ung thư diễn ra trong âm thầm, không có bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu cảnh báo nào cho đến khi nó chuyển sang giai đoạn cuối, ví dụ như ung thư tuyến tụy. Một vài trường hợp, ung thư phổi không gây ho mà chỉ gây ra một vài dấu hiệu không đáng chú ý.
Ung thư thận ở giai đoạn đầu cũng thường không gây ra triệu chứng nào. Khi khối u lớn hơn hoặc tiến triển có thể dẫn đến các triệu chứng như đau một bên, tiểu ra máu hoặc mệt mỏi.
Trong những trường hợp đó thì khám sức khỏe định kỳ là cách tốt nhất để phát hiện và điều trị ung thư sớm khi khối u còn khu trú, nâng cao khả năng chữa lành.