Đau đầu là một triệu chứng phổ biến ở những người bị COVID-19, ảnh hưởng đến hơn 50% số người bị bệnh. Cơn đau có thể từ nhẹ đến dữ dội, và có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên đầu. Vậy F0 đau đầu uống thuốc gì?
Thông tin về bệnh COVID-19
Trước khi tìm câu trả lời cho câu hỏi F0 đau đầu uống thuốc gì thì cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu thông tin về bệnh COVID-19 nhé!
COVID-19 là bệnh đường hô hấp cấp tính do virus SARS-CoV-2 gây ra. Virus này được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.
Virus lây lan qua các giọt bắn đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Hoặc virus cũng có thể lây lan qua việc tiếp xúc với các bề mặt, vật dụng bị nhiễm virus.
Triệu chứng phổ biến của bệnh là:
- Sốt;
- Ho;
- Khó thở;
- Mệt mỏi;
- Đau nhức cơ bắp;
- Nhức đầu;
- Mất vị giác hoặc khứu giác;
- Đau họng;
- Nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi;
- Buồn nôn hoặc nôn mửa;
- Tiêu chảy.
F0 đau đầu uống thuốc gì thì phù hợp?
Khi bị COVID-19 thì đau đầu thường xuất hiện trong giai đoạn khởi phát, kéo dài từ 3 - 5 ngày có thể dài hơn tùy tình trạng người bệnh. Có thể đau nửa bên đâu hoặc phổ biến hơn cả là tình trạng đau cả đầu. Thông thường cơn đau đầu khi người bệnh bị COVID sẽ kèm theo các triệu chứng khác như sốt, ho, mất vị giác, khứu giác...
Hầu hết các trường hợp COVID-19 đều bị triệu chứng đau đầu tuy nhiên không phải phương pháp nào hay loại thuốc nào cũng có thể dùng để giảm đau. Vậy F0 đau đầu uống thuốc gì thì phù hợp?
Acetaminophen (Paracetamol)
Acetaminophen hay paracetamol là loại thuốc giảm đau và hạ sốt không kê đơn phổ biến nhất, có thể giúp giảm đau đầu nhẹ đến vừa.
Thuốc được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như viên nén, viên nang, viên sủi, dung dịch uống... Liều lượng khuyến cáo cho người lớn là 500-1000mg mỗi 4-6 giờ, không quá 4000mg mỗi ngày. Còn đối với trẻ em thì liều lượng 10 - 15 mg/kg, mỗi liều cách nhau từ 4 - 6 giờ.
Vì paracetamol được đào thải qua gan nên cần thận trọng khi dùng đối với người suy gan. Đối với phụ nữ có thai thì chưa xác định được tính an toàn của paracetamol liên quan đến tác dụng phụ của thuốc có thể có đối với phát triển thai. Do đó, chỉ nên dùng thuốc khi thật cần thiết và có chỉ định của bác sĩ.
Acetaminophen được dùng khá nhiều trong việc điều trị tình trạng đau đầu trong đó có nguyên nhân do COVID-19 tuy nhiên khi dùng cần chú ý đến liều thuốc và nếu tình trạng đau đầu không cải thiện hãy đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, điều trị.
Ibuprofen
Đây là một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giúp giảm đau đầu từ nhẹ đến vừa cũng như viêm và sưng. Thuốc cũng được sản xuất ở nhiều dạng khác nhau như viên nén, viên nang, thuốc cốm, thuốc sủi...
Liều lượng khuyến cáo cho người lớn là 200 - 400mg mỗi 4 - 6 giờ, không quá 1200mg mỗi ngày. Ibuprofen không khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 7kg và liều thông thường uống để giảm đau hoặc hạ sốt là 20 - 30 mg/ kg/ngày.
Khi dùng Ibuprofen bạn có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như mẩn ngứa, hoa mắt chóng mặt... hiếm gặp hơn thì là tình trạng phù, hội chứng Stevens - Johnson, nhìn mờ...
Cần lưu ý khi dùng cho phụ nữ mang thai vì Ibuprofen có thể ức chế co bóp tử cung, cũng có thể gây tăng áp lực phổi nặng và suy hô hấp ở trẻ ngoài ra khi dùng các thuốc non steroid mẹ bầu cũng có nguy cơ thiểu ối... chính vì thế mẹ bầu trước khi dùng thuốc cần tham khảo thêm những ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để tránh nguy cơ, biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe của mẹ và bé.
Những lưu ý khi F0 dùng thuốc giảm đau
Bên cạnh những lưu ý dùng thuốc để giảm triệu chứng đau đầu thì để giảm tình trạng đau đầu bạn nên kết hợp thêm những biện pháp khác như:
- Massage nhẹ nhàng tại vùng trán, vùng thái dương, đỉnh đầu... cũng là giải pháp làm giảm cơn đau đầu hiệu quả.
- Nghỉ ngơi, thư giãn, tránh stress, một giấc ngủ cũng đem lại hiệu quả tốt trong việc hạn chế tình trạng đau đầu.
- Uống nhiều nước trong ngày và ăn nhiều hoa quả, rau xanh tốt cho sức khỏe và đường tiêu hóa.
Trong trường hợp khi bạn sử dụng các phương pháp trên mà tình trạng đau đầu không cải thiện hay có thêm những triệu chứng khác như sốt, khó thở, đau tức ngực, mất ý thức, co giật, tím tái, SpO2 dưới 95%... bạn cần đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ thăm khám và đảm bảo sức khỏe.
Cần lưu ý những điều gì khi điều trị COVID-19 tại nhà?
Bên cạnh câu hỏi F0 đau đầu uống thuốc gì thì nhiều người cũng thắc mắc rằng khi điều trị COVID-19 tại nhà thì cần phải làm những gì? Đa số các trường hợp khi mắc COVID-19 đều điều trị tại nhà, tuy nhiên nếu bạn hay người thân không nằm trong 03 trường hợp sau đây thì cần nhập viện để điều trị bệnh:
- Mắc COVID-19 không có triệu chứng lâm sàng hoặc có triệu chứng ở mức độ nhẹ như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, đau đầu, tiêu chảy, mất vị giác.
- Mắc COVID-19 không có dấu hiệu viêm phổi hay thiếu oxy: SpO2 trên 96%, nhịp thở dưới 20 lần/phút, không khó thở, không rút lõm lồng ngực, không thở khò khè, thở rít.
- Bị mắc COVID-19 không có bệnh nền hoặc bệnh nền được điều trị ổn định.
Cùng với đó, người mắc COVID-19 có khả năng tự chăm sóc được bản thân, có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế (NVYT), có khả năng giao tiếp và liên lạc được với NVYT trong các trường hợp cấp cứu.
Nếu bạn thuộc 01 trong 03 nhóm đối tượng trên, khi điều trị COVID-19 tại nhà cần lưu ý một số thông tin sau:
Tự cách ly
Cách ly bản thân khỏi những người khác trong nhà ít nhất 10 ngày kể từ ngày khởi phát triệu chứng.
Sử dụng phòng riêng và nhà vệ sinh riêng nếu có thể. Tránh tiếp xúc trực tiếp với người khác, bao gồm cả việc ăn uống và ngủ chung.
Theo dõi sức khỏe của bản thân
Theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn của cơ thể bao gồm nhiệt độ, nhịp thở và mức độ oxy trong máu thường xuyên.
Ghi chép lại các triệu chứng của bạn và thông báo cho nhân viên y tế nếu có bất kỳ thay đổi nào.
Điều trị triệu chứng tại nhà
Điều trị các triệu chứng của bệnh tại nhà như sau:
- Uống nhiều nước để tránh tình trạng cơ thể bị mất nước;
- Nghỉ ngơi đầy đủ;
- Sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt không kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen nếu cần thiết;
- Sử dụng các biện pháp hỗ trợ để giảm các triệu chứng như ho, nghẹt mũi và đau họng.
Chế độ dinh dưỡng và sức khỏe tinh thần
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt để tăng cường hệ miễn dịch. Uống nhiều nước và tránh thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ.
Giữ tinh thần lạc quan, tích cực tránh tình trạng lo lắng và căng thẳng, các hoạt động thư giãn như thiền, yoga, nghe nhạc...
Liên hệ với nhân viên y tế
Liên hệ với nhân viên y tế nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Khó thở;
- Đau tức ngực;
- Nhịp tim nhanh;
- Mất ý thức;
- Mức độ oxy trong máu dưới 90%.
Hy vọng bài viết trên của nhà thuốc Long Châu đã giải đáp được thắc mắc F0 đau đầu uống thuốc gì. Chú ý khi điều trị COVID-19 tại nhà, không tự ý sử dụng thuốc điều trị COVID-19 khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Tránh sử dụng các loại thuốc truyền miệng hoặc các phương pháp điều trị không có bằng chứng khoa học và tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên y tế.