Suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu hụt hoặc dư thừa các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, dẫn đến sức khỏe thể chất và trí tuệ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong số các cấp độ, suy dinh dưỡng độ 1 được xem là thể nhẹ nhất và chưa có gì đáng lo ngại. Việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời cho trẻ suy dinh dưỡng độ 1 sẽ giúp ba mẹ ngăn chặn diễn tiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn, đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng - Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
Trẻ suy dinh dưỡng độ 1 là gì?
Suy dinh dưỡng độ 1 là mức độ đầu tiên trong phân loại suy dinh dưỡng ở trẻ em, thường được xác định khi cân nặng thực tế của trẻ đo được chỉ từ 70 - 90% cân nặng của trẻ bình thường (<-2SD). Trong giai đoạn này, mặc dù các triệu chứng suy dinh dưỡng có thể không rõ ràng và chưa có gì đáng lo, nhưng nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, có thể khiến tình trạng bệnh tiến triển thành các mức độ suy dinh dưỡng nặng hơn như độ 2 hoặc độ 3.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ chủ yếu là do chế độ ăn uống hàng ngày không cung cấp đủ dưỡng chất gây mất cân bằng dinh dưỡng, hoặc sử dụng chất dinh dưỡng bị suy giảm. Ngoài ra, vẫn còn một số nguyên nhân khác làm tăng nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng, bao gồm:
- Trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.
- Ba mẹ cho bé ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn.
- Trẻ thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm phổi làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
- Trẻ có tâm lý sợ ăn uống do ba mẹ thúc ép quá nhiều.
- Khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ không đa dạng nhiều loại thực phẩm gây mất cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể.
Dấu hiệu trẻ suy dinh dưỡng độ 1
Theo nghiên cứu của Bác sĩ Gomez và cộng sự, vào năm 1956 đã xác định có 3 loại suy dinh dưỡng được phân thành 3 cấp độ và tăng dần theo thứ tự độ 1, độ 2 và độ 3. Sự phân loại này được tính toán dựa trên kích thước của trẻ so với cân nặng trung bình theo độ tuổi của chúng. Đặc biệt, nguy cơ tỷ vong sẽ tăng lên khi mức độ suy dinh dưỡng ngày càng tăng. (1)
Theo đó, trẻ suy dinh dưỡng độ 1 là mức độ nhẹ nhất. Giai đoạn này nếu được phát hiện sớm sẽ giúp ba mẹ có kế hoạch điều trị và bổ sung dinh dưỡng kịp thời.
Một số dấu hiệu thường gặp của trẻ suy dinh dưỡng độ 1 có thể kể đến như:
- Cân nặng bằng 70 - 90% so với cân nặng của trẻ bình thường.
- Trẻ không tăng cân hoặc tăng cân rất chậm so với biểu đồ tăng trưởng tiêu chuẩn.
- Lớp mỡ dưới bụng mỏng.
- Không có dấu hiệu biếng ăn.
- Chưa có dấu hiệu rối loạn tiêu hóa.
- Trẻ dễ bị bệnh, đặc biệt là các bệnh lý về hô hấp và tiêu hóa.
Trẻ suy dinh dưỡng độ 1 có nguy hiểm không?
Suy dinh dưỡng độ 1 là mức độ nhẹ nhất trong các cấp độ suy dinh dưỡng ở trẻ em. Tuy nhiên, ba mẹ không nên chủ quan ở cấp độ này vì nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Theo đó, một số nguy cơ tiềm ẩn ở trẻ suy dinh dưỡng độ 1 bao gồm:
1. Chậm phát triển thể chất và trí tuệ
Suy dinh dưỡng cấp độ 1 có thể khiến trẻ chậm phát triển chiều cao và cân nặng, từ đó ảnh hưởng đến vóc dáng và sức khỏe tổng thể của bé. Thiếu dinh dưỡng còn là nguyên nhân làm suy giảm sự phát triển của xương và cơ, dẫn đến tình trạng thấp còi và gầy yếu.
Bên cạnh đó, dinh dưỡng còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ của trẻ. Thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng trong giai đoạn đầu đời có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập, giảm trí nhớ và tư duy của trẻ. Tình trạng này kéo dài và không được điều trị có thể khiến trẻ chậm phát triển trí tuệ và khó khăn trong việc học tập sau này.
2. Suy giảm hệ miễn dịch
Tình trạng thiếu dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của trẻ, khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và các bệnh lý nguy hiểm như viêm đường hô hấp, viêm tai giữa và các bệnh ngoài da.
3. Biến chứng sức khỏe lâu dài
Nếu suy dinh dưỡng cấp độ 1 không được điều trị kịp thời có thể khiến tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn đến độ 2 hoặc độ 3. Ngoài ra, những biến chứng như thiếu máu, loãng xương và các vấn đề về tim mạch có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và tuổi thọ của trẻ.
Cách chẩn đoán đánh giá suy dinh dưỡng độ 1 ở trẻ em
Chẩn đoán tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ cần có sự phối hợp của nhiều phương pháp khác nhau để đánh giá chính xác tình trạng của trẻ. Một số phương pháp phổ biến được các bác sĩ sử dụng bao gồm:
1. Khám lâm sàng
Đây là bước không thể thiếu trong quá trình chẩn đoán suy dinh dưỡng ở trẻ em. Theo đó, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tổng quát cơ thể trẻ, bao gồm da, tóc, móng tay, niêm mạc và các hệ cơ quan khác. Những dấu hiệu như da khô, tóc dễ gãy, móng tay giòn và các vết loét trên niêm mạc đều có thể là dấu hiệu của suy dinh dưỡng.
2. Đo lường các chỉ số nhân trắc
Bên cạnh việc tầm soát các biểu hiện lâm sàng, quá trình đo lường các chỉ số nhân trắc được xem là khách quan và có ý nghĩa trong việc đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở trẻ em. Các chỉ số này bao gồm:
- Chỉ số cân nặng theo tuổi: từ -3SD đến < -2SD có thể kết luận trẻ suy dinh dưỡng độ 1.
- Chỉ số chiều cao theo tuổi: < -2SD được xem là trẻ đang bị thấp còi.
- Chỉ số cân nặng theo chiều cao: < -2SD khả năng cao trẻ gặp tình trạng gầy còm mức độ vừa.
Tìm hiểu thêm:
- Trẻ suy dinh dưỡng độ 2: Dấu hiệu, chẩn đoán và cách cải thiện.
- Trẻ suy dinh dưỡng độ 3: Dấu hiệu, chẩn đoán và cách cải thiện.
Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng độ 1 cho bé
Nhằm cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng độ 1 và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, ba mẹ có thể áp dụng một số biện pháp sau:
1. Cải thiện chế độ dinh dưỡng
Ba mẹ cần đảm bảo chế độ ăn của trẻ phải cân đối, đa dạng và đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết, bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, các loại ngũ cốc và đặc biệt tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, giúp trẻ được cung cấp đủ vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, nguồn chất béo lành mạnh như dầu oliu, dầu cám bơ và các loại hạt có thể giúp chuyển hóa thành nguồn năng lượng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
2. Chia nhỏ bữa ăn
Thông thường, trẻ suy dinh dưỡng có xu hướng ăn ít và nhanh no. Do đó, việc chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày là cách hiệu quả để đảm bảo trẻ nhận đủ dinh dưỡng. Thay vì ba bữa chính như người lớn, ba mẹ có thể chia thành 5-6 bữa nhỏ bao gồm các bữa ăn phụ xen kẽ các bữa chính. Các bữa ăn phụ có thể bao gồm sữa chua, trái cây và các loại hạt hoặc bánh quy dinh dưỡng.
3. Đảm vệ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
Đảm bảo cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm sạch, chế biến lành mạnh, phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng thường gặp ở trẻ em. Ưu tiên lựa chọn thực phẩm, sạch, rõ nguồn gốc và thực phẩm luôn phải được nấu chín kỹ, tránh cho trẻ ăn các thực phẩm sống hoặc chín tái.
Bên cạnh đó, ba mẹ cũng nên chú ý giúp trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân, dạy trẻ thói quen rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh để tránh lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh.
4. Bổ sung vi chất dinh dưỡng
Trong một số trường hợp trẻ suy dinh dưỡng, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng thông qua các loại thuốc uống bổ sung hoặc thực phẩm chức năng, bao gồm sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D và canxi.
Tuy nhiên, việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ, ba mẹ không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc khi chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng thừa vi chất và gây hại cho sức khỏe của trẻ.
5. Khám sức khỏe định kỳ
Việc thăm khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu suy dinh dưỡng cũng như các bệnh lý kèm theo. Theo đó, các chuyên gia luôn khuyến khích cha mẹ nên đưa trẻ đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế uy tín để được các sĩ kiểm tra, đo lường các chỉ số cơ thể cơ bản. Dựa vào kết quả khám sức khỏe, bác sĩ sẽ có hướng dẫn về các biện pháp can thiệp kịp thời và phù hợp với thể trạng của từng trẻ.
Cách phòng ngừa suy dinh dưỡng ở trẻ
Ông bà xưa thường có câu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, do đó, nhằm hạn chế tối đa các nguy cơ có thể gây ra tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, ba mẹ nên chú ý một vài biện pháp phòng ngừa trong quá trình chăm sóc trẻ ngay từ lúc mới sinh ra đến khi trưởng thành.
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu đời vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng lý tưởng, dễ tiêu hóa và chứa nhiều kháng thể giúp trẻ hoàn thiện hệ miễn dịch và bảo vệ trẻ khỏi các bệnh nhiễm trùng.
- Bắt đầu cho trẻ ăn dặm khi đến giai đoạn 7 tháng tuổi. Mẹ nên thiết kế thực đơn đa dạng với đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng quan trọng gồm đạm, béo, bột đường, vitamin và khoáng chất.
- Lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, rõ nguồn gốc, đồng thời ưu tiên chế biến thực phẩm tại nhà, nấu chín để tránh các nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở trẻ.
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần từ lúc trẻ 2 tuổi.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất và vận động thường xuyên giúp tăng cường trao đổi chất, cải thiện tuần hoàn máu và tăng cường hệ miễn dịch của trẻ.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc cũng như cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, ba mẹ có thể liên hệ đến khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để theo địa chỉ:
Trên đây là những thông tin hữu ích về trẻ suy dinh dưỡng độ 1. Tuy đây là mức độ nhẹ và chưa có nhiều vấn đề đáng lo ngại, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể khiến bệnh tiến triển nặng hơn ở độ 2 hoặc độ 3. Vì vậy, ba mẹ nên chủ động trang bị những kiến thức về suy dinh dưỡng ở trẻ và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh, đồng thời chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn diện cho con một cách tốt nhất.