Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Nguyễn Hồng Trâm - Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Nhiều người đang gặp khó khăn trong việc làm thế nào để phục hồi và khởi động lại gan?! Đọc thêm bài viết dưới đây để có được những giải pháp phù hợp và hiệu quả để phục hồi sức khỏe lá gan của bạn.
1. Có thể phục hồi sức khỏe lá gan và khởi động lại gan không?
Gan được ví như bộ lọc chất độc hại của cơ thể bởi chức năng của nó là lọc tất cả những thứ độc hại mà chúng ta không hấp thu được và thải loại chúng ra ngoài. Tuy nhiên, nên nhớ đó chỉ là một trong hàng trăm chức năng mà gan thực hiện: Nó cũng là một công cụ quan trọng trong việc tổng hợp protein, hỗ trợ tiêu hóa, điều chỉnh lưu trữ glycogen và đóng một vai trò trong quá trình trao đổi chất và sản xuất hormone.
Nhưng giữa việc uống rượu thường xuyên và chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, lá gan của người Mỹ nói riêng và người dân trên toàn thế giới nói chung trung bình phải chịu một tác động nặng nề. Điều này có thể dẫn đến một số biến chứng sức khỏe đáng sợ, bao gồm xơ hóa gan, bệnh gan nhiễm mỡ, hoặc trong trường hợp nghiêm trọng, xơ gan, là mô sẹo không thể phục hồi có thể dẫn đến suy gan. Một số dấu hiệu của tổn thương gan bao gồm da và lòng trắng mắt của bạn chuyển sang màu vàng, dễ bị bầm tím, và sưng ở bụng và chân. Tuy nhiên, đôi khi tổn thương gan không kèm theo triệu chứng gì, cho đến khi bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn.
Tin tốt là gan có khả năng tái tạo và tự chữa lành đáng kể. Chỉ cần áp dụng một số biện pháp, từ thay đổi lối sống, thói quen ăn uống đến luyện tập thể dục thể thao là gan hoàn toàn có thể phục hồi và khởi động lại. Điều cần lưu ý là phải sớm thay đổi, bởi khi các mô sẹo hình thành cũng coi như các tế bào gan khu vực đó đã vĩnh viễn không thể phục hồi.
2. 10 cách để phục hồi sức khỏe lá gan của bạn
2.1. Hạn chế tối đa rượu, bia và các đồ uống có cồn
Điều tồi tệ nhất đối với gan của chúng ta là rượu, bia hoặc các đồ uống có cồn. Vì rượu là chất độc và được xử lý trong gan, uống quá nhiều có thể khiến gan bị tổn thương, gây ra sẹo hoặc thậm chí là xơ gan. Mặc dù bệnh xơ gan chủ yếu gặp ở những người nghiện rượu, ngay cả những người uống rượu bia thường xuyên uống bốn loại đồ uống có cồn trở lên cùng một lúc nhưng chỉ một hoặc hai lần một tuần cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan của họ.
Để phục hồi gan, hãy cho gan nghỉ ngơi bằng cách cắt giảm đồ uống dành cho người lớn. Một vài loại đồ uống có cồn thực sự có thể tốt cho bạn, nhưng hãy cố gắng uống một hoặc hai ly một lần, một vài lần một tuần. Uống rượu với lượng lớn, trong khoảng thời gian kéo dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan. Thậm chí đối với những người đang xuất hiện những dấu hiệu của viêm gan hoặc xơ gan, việc uống rượu bia là điều cấm kỵ đối với họ.
2.2. Giảm cân
Tổn thương gan không chỉ do uống quá nhiều; nó cũng có thể xảy ra do chế độ ăn uống nghèo nàn, lối sống ít vận động và tình trạng thừa cân béo phì. Giống như các bệnh liên quan đến béo phì khác, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có liên quan đến tình trạng kháng insulin và bệnh tim. Trong trường hợp nghiêm trọng, gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến xơ gan. Tin tốt là giảm cân, thậm chí giảm vừa phải có thể giúp cải thiện tình trạng hình thành sẹo ở gan. Một đánh giá được công bố trên tạp chí Minerva Gastroenterological e Diabetologica cho thấy rằng thời gian một năm thay đổi lối sống và chỉ giảm 7-10% trọng lượng cơ thể nói chung đã "cải thiện đáng kể mô học của bệnh gan."
2.3. Cắt giảm lượng thực phẩm chế biến sẵn
Ngay cả đối với những người không thừa cân nhưng ăn uống thiếu chất, điều đó vẫn có thể ảnh hưởng đến gan của họ. Tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu đã được ghi nhận ở những bệnh nhân ăn kiêng với đồ ăn vặt chế biến sẵn và chất bảo quản, ngay cả khi bên ngoài họ không thừa cân. Về cơ bản, gan của chúng ta có thể bị nhiễm mỡ trước khi cơ thể bị nhiễm mỡ. Điều này cũng có thể là do khuynh hướng di truyền đối với tổn thương gan và tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường.
Vì ăn uống thiếu chất góp phần gây ra bệnh gan, nên ăn uống lành mạnh sẽ giúp chữa lành bệnh. Đảm bảo rằng bạn đang ăn một chế độ ăn nhiều thực phẩm tươi sống, thịt nạc, ngũ cốc nguyên hạt và hạn chế tiêu thụ các loại carbohydrate tinh chế, đơn giản (như đường).
2.4. Hạn chế sử dụng những loại thuốc giảm đau không kê đơn
Một loại thuốc giảm đau không kê đơn phổ biến acetaminophen, được biết đến với tên thương hiệu là Tylenol, được chuyển hóa ở gan. Mặc dù nó đã có sẵn trong nhiều năm và được coi là an toàn, nhưng uống quá nhiều acetaminophen có thể dẫn đến nhiễm độc gan. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, uống hơn 5.000 miligam mỗi ngày, hoặc khoảng 10 loại Extra Strength Tylenols, có thể dẫn đến tổn thương gan nghiêm trọng hoặc thậm chí là suy gan. Nó còn nguy hiểm hơn đối với những người uống rượu bia thường xuyên, hoặc đã mắc bệnh gan như viêm gan C.
Các loại thuốc giảm đau khác, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không được xử lý trong gan, vì vậy chúng không mang lại các tác dụng phụ gây hại cho gan như acetaminophen. Nếu bạn lo lắng về việc thuốc giảm đau dạng không kê đơn sẽ ảnh hưởng đến mình như thế nào, hãy tìm đến aspirin (Bayer) hoặc ibuprofen (Motrin, Advil) để thay thế. Và hãy chắc chắn chú ý đến các khuyến cáo về liều lượng trên nhãn.
2.5. Ăn nhiều củ cải đường
Củ cải đường có nhiều màu sắc, thơm ngon và hơn hết là tốt cho sức khỏe của mỗi người. Chúng cũng có thể tốt cho gan của chúng ta. Củ cải đường là một nguồn cung cấp chất dinh dưỡng được gọi là choline, giúp cơ thể chuyển hóa chất béo. Vì choline được chuyển hóa trong gan, nên ăn nhiều chất này có thể giúp bảo vệ chống lại bệnh gan nhiễm mỡ.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Opinion in Gastroenterology cho thấy những người có hàm lượng choline thấp có nhiều khả năng mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Ngoài ra củ cải đường cũng là loại thực phẩm rất dễ chế biến và đưa vào trong chế độ ăn uống của chúng ta hàng ngày.
2.6. Uống nhiều nước giúp giải độc gan
Vì gan của chúng ta chịu trách nhiệm cho một số quá trình trao đổi chất, bao gồm cả việc lọc chất độc ra khỏi cơ thể, nên uống nhiều nước sẽ giúp chúng hoạt động tối ưu nhất.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Journal of Clinical Endocrinology and Metabolism, uống nước giúp tăng cường quá trình trao đổi chất và có thể giúp gan thải độc tốt hơn. Tuyệt vời hơn, hãy thử uống ấm với một lát chanh mỏng và nước sốt nóng. Nước chanh sẽ giúp làm dịu chứng viêm và chất capsaicin từ nước sốt nóng sẽ làm tăng lưu lượng máu đến gan. Cố gắng uống ít nhất 8 ly mỗi ngày. Nếu bạn không thể uống nước giải độc ấm, chỉ cần tăng lượng nước lọc uống trong ngày cũng có thể mang lại lợi ích cho gan.
2.7. Bổ sung những loại chất béo lành mạnh
Nhiều người thường cho rằng ăn chất béo sẽ có hại cho gan bởi chúng khiến gan nhiễm mỡ, nhưng thực tế nó đã được chứng minh là làm ngược lại. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dược học và Điều trị Thực nghiệm cho thấy rằng các axit béo bão hòa giúp đảo ngược tình trạng viêm và xơ hóa (sẹo ban đầu) ở gan của chuột, ngay cả khi chúng tiếp tục được cho uống rượu. Mặc dù chế độ ăn giàu chất béo bão hòa không tốt cho tim của chúng ta, nhưng có một số axit béo bão hòa trong chế độ ăn uống điều độ tốt cho sức khỏe: Triglyceride chuỗi trung bình, hoặc MCT, là một trong những axit béo có lợi được sử dụng trong nghiên cứu, và được tìm thấy trong dầu dừa, dầu hạt cọ, hoặc được phân lập trong dầu MCT. Một số người sử dụng 1 muỗng canh dầu MCT mỗi ngày, trộn vào thức ăn hoặc khuấy vào cà phê để làm tăng vị thơm ngon cũng như giúp giải độc cho gan
2.8. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục không chỉ để giảm cân và lấy lại vóc dáng; nó cũng có rất nhiều lợi ích sinh lý, bao gồm cả việc giúp ích cho gan của chúng ta. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Gan mật cho thấy tập thể dục có lợi cho người lớn béo phì và thừa cân mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người tham gia tập luyện cường độ cao hay thấp không quan trọng bằng việc tập luyện đều đặn hàng ngày. Bên cạnh đó, tập thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, vì vậy chúng ta dành ít nhất 30 phút tập thể dục mỗi ngày từ 5 - 7 ngày mỗi tuần.
2.9. Bổ sung vitamin E
Cùng với việc thay đổi lối sống, uống vitamin E có thể là bí quyết để điều trị gan nhiễm mỡ.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrition cho thấy uống vitamin E có tác dụng hữu ích đối với bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và "cải thiện đáng kể" chức năng gan ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ. Bạn có thể bổ sung vitamin E, hay chuyển sang ăn các loại thực phẩm như hạnh nhân, rau bina hoặc khoai lang để có nguồn cung cấp vitamin thiết yếu này. Chỉ cần cẩn thận; chất bổ sung đã được chứng minh là có khả năng tạo ra những cục máu đông, vì vậy hãy trao đổi với các bác sĩ trước khi tiến hành uống bổ sung vitamin E.
2.10. Ăn nhiều các loại rau vị đắng
Các loại rau xanh nói chung rất tốt cho sức khỏe tổng thể của chúng ta, đồng thời chúng cũng có ích cho gan ở một khía cạnh nào đó. Các loại rau có vị đắng như rau arugula, bồ công anh và rau bina có vị đắng có thể giúp tăng lưu lượng mật, giúp giải độc gan của bạn tốt hơn. Bản thân rau xanh cũng có thể giúp loại bỏ độc tố. Thêm vào đó, ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật tự nhiên này thay cho thực phẩm chế biến sẵn sẽ giúp gan của bạn thoát khỏi tất cả các độc tố từ thức ăn chế biến sẵn và giúp bạn giảm cân - một trong những cách khác giúp gan giải độc tốt hơn.
Gan là một cơ quan thiết yếu phục vụ nhiều mục đích trong cơ thể, bao gồm giải độc, tiêu hóa và lưu trữ chất dinh dưỡng. Các yếu tố khác nhau có thể gây căng thẳng cho gan, có khả năng dẫn đến tổn thương ảnh hưởng đến khả năng hoạt động hiệu quả của gan. Tuy nhiên, điều may mắn là gan là một trong số cơ quan trong cơ thể có khả năng hồi phục và tái tạo ấn tượng. Do đó, việc phát hiện những dấu hiệu tổn thương gan sớm và có biện pháp khắc phục hoặc thay đổi sẽ giúp gan tái khởi động và hoạt động hiệu quả hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: eatthis.com, healthline.com