Để phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến đại tràng, việc trang bị kiến thức về cơ quan này là vô cùng cần thiết. Thực tế cho thấy, không phải ai cũng biết đại tràng nằm ở đâu và có cấu tạo cũng như chức năng như thế nào? Tìm hiểu ngay bài viết dưới đây để cập nhật những thông tin cơ bản về đại tràng cùng một số bệnh lý đại tràng thường gặp bạn nhé.
Đại tràng nằm ở đâu?
Đại tràng hay ruột già là một trong những bộ phận không thể không kể đến khi nói về hệ thống tiêu hoá. Thực tế cho thấy, kích thước đại tràng của mỗi người sẽ có sự khác biệt song trung bình đại tràng của người Việt sẽ dài khoảng 1,48m, chiếm khoảng ⅕ chiều dài tổng của ống tiêu hoá. Vậy đại tràng nằm ở đâu?
Theo trình tự của quá trình tiêu hoá, khi thức ăn được đưa vào miệng sẽ qua thực quản, hành tá tràng, xuống dạ dày, ruột non, đại tràng và cuối cùng là hậu môn. Có thể thấy, đại tràng nằm tại vị trí gần cuối của ống tiêu hoá, nối tiếp với ruột non phía trên và nối tiếp với ống hậu môn ở phía dưới.
Cấu tạo và chức năng của đại tràng
Cùng với việc hiểu rõ đại tràng nằm ở đâu thì việc nắm được cấu tạo và chức năng của đại tràng cũng là điều cần biết.
Cấu tạo của đại tràng
Về cơ bản, cấu tạo giải phẫu đại tràng được chia thành nhiều lớp bao gồm lớp niêm mạc, lớp dưới niêm mạc, lớp cơ, lớp thanh mạc và lớp dưới thanh mạc. Đại tràng bao gồm manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng sigma và trực tràng. Một bộ phận cấu thành đại tràng sẽ có đặc điểm và chức năng khác nhau.
Ngoài các thành phần cấu tạo về giải phẫu đại tràng nêu trên, bên trong đại tràng còn có sự hiện diện của hệ thống vi khuẩn, giúp hỗ trợ tiêu hoá thức ăn. Dịch nhầy đại tràng chủ yếu chứa chất nhầy, có tác dụng bôi trơn và bảo vệ bề mặt niêm mạc đại tràng mà không chứa enzym.
Chức năng của đại tràng
Đại tràng có chức năng chính là nhận thức ăn đã được tiêu hoá và hấp thụ phần lớn các dưỡng chất từ ruột non. Đại tràng hấp thu nước, vitamin và khoáng chất từ thức ăn, phân huỷ thức ăn nhờ vi khuẩn tồn tại trong lòng đại tràng và tạo ra khối bã thức ăn hay còn gọi là phân. Các khối bã thức ăn này sẽ được tích lại ở trực tràng, cho đến khi đủ lượng nhất định sẽ tạo áp lực lên thành trực tràng, gây phản xạ đại tiện từ đó đẩy khối bã thức ăn ra khỏi cơ thể thông qua ống hậu môn.
Một số bệnh lý đại tràng thường gặp
Dưới đây là một số bệnh lý đại tràng thường gặp, bạn đọc có thể tham khảo:
Viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng là tình trạng niêm mạc đại tràng bị tổn thương, gây ra bởi các tác nhân như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc các bệnh lý tự miễn… Tình trạng viêm nhiễm này có thể khu trú ở một số điểm nhất định hoặc lan rộng ra toàn bộ niêm mạc đại tràng với các mức độ nghiêm trọng khác nhau từ nhẹ đến nặng.
Ở mức độ nhẹ, niêm mạc đại tràng có biểu hiện sung huyết, phù nề và rất dễ chảy máu. Khi viêm loét diễn tiến nặng hơn, các tổn thương sẽ nghiêm trọng hơn, sâu qua lớp niêm mạc, thậm chí hình thành nên những ổ loét hoặc ổ áp xe.
Viêm đại tràng co thắt
Viêm đại tràng co thắt hay còn gọi là hội chứng ruột kích thích, xảy ra khi có bất thường nhu động ruột. Theo phân loại quốc tế, hội chứng ruột kích thích bao gồm 4 thể, đó là thể tiêu chảy, thể táo bón, thể kết hợp cả tiêu chảy và táo bón, thể không phân loại.
Tính đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích song các nghiên cứu trên thế giới có chỉ ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc làm tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn, bao gồm căng thẳng mệt mỏi kéo dài, ăn uống không lành mạnh và điều độ…
Polyp đại tràng
Polyp đại tràng hiểu một cách đơn giản là sự xuất hiện các khối tăng sinh trong lòng đại trực tràng và chính sự tăng sinh quá mức của niêm mạc đại trực tràng đã dẫn đến sự hình thành polyp. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện polyp đại tràng bao gồm tuổi tác, gen di truyền, chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh và điều độ…
Trên thực tế, đa số các trường hợp polyp đại tràng là lành tính, chỉ có một số ít trường hợp khối polyp tiến triển thành ung thư do không được can thiệp điều trị kịp thời.
Bệnh Crohn
Bệnh Crohn hay bệnh viêm ruột mãn tính từng vùng, chủ yếu gây loét thành trong của ruột non và ruột già hay còn gọi là đại tràng. Các triệu chứng của bệnh Crohn có thể phát triển dần dần từ nhẹ đến nặng hoặc khởi phát đột ngột mà không có dấu hiệu cảnh báo trước.
Khi mắc bệnh Crohn, người bệnh có thể có các triệu chứng như tiêu chảy, sốt, mệt mỏi, đau bụng, phân có lẫn máu, lở miệng, chán ăn, sụt cân… Bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng khác như viêm da, viêm khớp, viêm gan, viêm đường mật…
Viêm túi thừa đại tràng
Viêm túi thừa đại tràng xảy ra khi các túi thừa tại lớp niêm mạc của thành đại tràng bị viêm nhiễm. Theo thống kê, có khoảng 5 - 10% các trường hợp có túi thừa đại tràng sẽ phải đối mặt với tình trạng viêm túi thừa đại tràng có triệu chứng, 60% các đối tượng trên 60 tuổi có túi thừa đại tràng và 25% trong số đó có thể bị viêm túi thừa đại tràng.
Dấu hiệu nhận biết tình trạng viêm túi thừa đại tràng có thể kể đến là đau bụng, điển hình với tình trạng đau vùng bụng dưới cấp tính hoặc đau bụng dưới kéo dài, kèm theo các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn hoặc táo bón…
Ung thư đại tràng
Theo thống kê, trong các loại ung thư thì ung thư đại tràng đứng thứ 3 về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong. Dưới sự đánh giá từ các chuyên gia y tế thì ung thư đại tràng là một trong những căn bệnh ung thư đường tiêu hoá có tiên lượng tốt nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hoặc khi bắt đầu xuất hiện các tổn thương tiền ung thư.
Ung thư đại tràng có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào của đại tràng, bao gồm manh tràng, đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại tràng sigma và trực tràng.
Nguyên nhân gây ung thư đại tràng rất đa dạng, đó có thể là do polyp đại tràng tiến triển hay các bệnh đại tràng mãn tính… Ngoài ra, chế độ ăn uống thiếu khoa học và lành mạnh cũng là một trong những nguyên nhân đáng chú ý.
Khi mắc ung thư đại tràng, người bệnh sẽ có một số triệu chứng như rối loạn tiêu hoá, đau bụng, phân có lẫn nhầy máu, sụt cân, sốt, thiếu máu…
Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh đại tràng và một số bệnh lý thường gặp ở đại tràng. Hy vọng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc có thể giải đáp được thắc mắc đại tràng nằm ở đâu đồng thời hiểu rõ hơn về cấu tạo cũng như chức năng của đại tràng cùng một số bệnh lý đại tràng thường gặp.