Đó là chia sẻ của ông Đỗ Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ Giáo dục Nova.
“Không có con đường nào trải đầy hoa hồng”
Theo ông Hùng, trong thời đại hội nhập và phát triển, giới trẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để học tập, phát triển và lập nghiệp. Tuy nhiên, giới trẻ cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức trong thị trường lao động.
Nghiên cứu của nhóm các chuyên gia Trường Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra rằng, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp làm trái ngành là trên 24%; trong đó nhiều ngành có tỷ lệ cử nhân ra trường làm không đúng ngành đúng nghề lên đến hơn 60%.
Ông Đỗ Mạnh Hùng: Giới trẻ Việt Nam có nhiều cơ hội để học tập, phát triển và lập nghiệp.
Đặt vấn đề, tại sao nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học với bằng loại “giỏi” và “khá” nhưng không thể tìm kiếm được việc làm phù hợp và đạt được mức thu nhập như mong muốn? Ông Hùng cho rằng, thực trạng này có liên quan đến tư duy, kỹ năng và khả năng ứng dụng.
Có thể, trên giảng đường đại học, sinh viên được trang bị lý thuyết rất tốt nhưng việc áp dụng những kiến thức đó vào thực tiễn như thế nào để có thể tạo ra giá trị tốt nhất thì cần phải có tư duy, khả năng ứng dụng thực tiễn và sự linh hoạt,….
“Không có con đường nào trải đầy hoa hồng, cách mà bạn “chuyển mình” sau những “gai góc” của cuộc đời mới thể hiện bản lĩnh” - ông Hùng nhấn mạnh và nhìn nhận.
Ngoài ra, theo ông Hùng, ngoài vấn đề “Học phải đi đôi với hành”, lý thuyết trong sách vở cần được vận dụng một cách linh hoạt vào thực tế công việc, thì việc trang bị những kỹ năng mềm cũng là điều quan trọng. “Rèn luyện tư duy và kỹ năng mềm trở nên vô cùng cần thiết để lập nghiệp thành công” - ông Hùng nhấn mạnh.
Ông Đinh Văn Lộc (bên trái): Hãy từ bỏ tư duy “ăn xổi”.
Từ bỏ tư duy “ăn xổi”
Đề cập đến một số kiến thức, kỹ năng sinh viên cần chuẩn bị để phát triển toàn diện; ông Đinh Văn Lộc - Chủ tịch Công ty Cổ phần OnNet trao đổi, kiến thức chuyên môn là nền tảng quan trọng để sinh viên thực hiện ước mơ của mình.
Hãy từ bỏ tư duy “ăn xổi”, đừng đọc một ngày 10 quyển sách mà chú tâm mỗi 1 quyển sách để thấm nhuần từng lời văn và cô đọng chúng thành kiến thức của bản thân.
Ngoài kiến thức chuyên môn, ông Lộc cho rằng, sinh viên cũng cần trang bị cho mình những kỹ năng mềm cần thiết như: Kỹ năng giao tiếp. Điều này giúp sinh viên có thể kết nối với mọi người, xây dựng các mối quan hệ và thuyết phục người khác.
“Kỹ năng giao tiếp được coi là chìa khóa để biến những ý tưởng sáng tạo của bạn thành một bài thuyết trình lôi cuốn, truyền đạt được thông điệp đến người nghe và thuyết phục người khác” - ông Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sinh viên cần được trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề. Kỹ năng này, giúp sinh viên có thể xử lý các tình huống khó khăn và đưa ra quyết định sáng suốt. “Mọi vấn đề sẽ được giải quyết ổn thỏa và gọn gàng nếu các bạn có kỹ năng, kinh nghiệm và trải nghiệm” - ông Lộc trao đổi.
Cũng theo ông Lộc, làm việc nhóm, tư duy lãnh đạo là những kỹ năng không thể thiếu. Trang bị cho mình nhóm kỹ năng này sẽ giúp sinh viên có thể phối hợp với người khác để hoàn thành công việc một cách hiệu quả.
Đồng thời, giúp sinh viên có thể dẫn dắt và truyền cảm hứng cho mọi người. Hãy trở thành người “đầu tàu” khiến cho mọi người tin tưởng và ngưỡng mộ làm việc với bạn.
Ông Nguyễn Thế Bảo (bên phải): Sinh viên có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc thông qua các hoạt động ngoại khóa, thực tập, làm thêm… hay tự mình lập nghiệp.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thế Bảo - người sáng lập nền tảng Web 3 Kreate Community cho rằng, kinh nghiệm làm việc giúp sinh viên áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Sinh viên có thể tích lũy kinh nghiệm làm việc thông qua các hoạt động ngoại khóa, thực tập, làm thêm… hay tự mình lập nghiệp.
“Có một câu nói rằng: “Khởi nghiệp là điều nhanh nhất để bạn trưởng thành trong chính cuộc đời của mình và cũng là bài học quý giá nhất giúp bạn đứng lên sau mỗi lần vấp ngã” - ông Bảo chia sẻ.
Các chuyên gia truyền cảm hứng, động lực học tập, khởi nghiệp cho sinh viên.