Giới thiệu chung
Văn phòng khoa: Nhà B1
Điện thoại:(024).62617636; (024)38768221
Fax:(024) 38760476
Email:tnmt@vnua.edu.vn
Chiến lược đào tạo: Hoạt động đào tạo của Khoa đảm bảo tính đa ngành, cung cấp được nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng tốt, có tư duy sáng tạo, khả năng thích ứng cao, có năng lực học tập suốt đời, có đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội trong lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Chiến lược phát triển khoa học công nghệ: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu trong quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường lồng ghép với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của đất nước và các vấn đề môi trường toàn cầu. Hoạt động khoa học công nghệ của Khoa Tài Nguyên và Môi Trường tập trung nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật trong quản lý tài nguyên và môi trường; ứng dụng nguyên lý trong ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển công nghệ, giải pháp phục vụ cho phát triển bền vững.
II. Lịch sử phát triển của Khoa
Tiền thân của khoa Tài nguyên và Môi trường là khoa Quản lý ruộng đất được thành lập theo QĐ số 192NN/TC ngày 19/11/1976 của Bộ Nông nghiệp, trên cơ sở từ một số bộ môn của khoa Trồng trọt cũ như bộ môn Thổ nhưỡng-Nông hoá, Canh tác học, Thuỷ nông - Trắc đạc, Hóa học và bộ môn mới thành lập là Quy hoạch & Quản lý đất đai, Vi sinh vật đất, Phân tích đất.
Những người đặt nền móng cho Khoa, cũng là những người đã đóng góp cả cuộc đời để xây dựng Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (trước đây) nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, là cố GS.NGND Lê Duy Thước, cố GS.NGƯT Cao Liêm…
Nhiệm vụ cơ bản của Khoa trong thời kỳ đầu là đào tạo kỹ sư thuộc ngành Thổ nhưỡng-Nông hoá và ngành Quản lý đất đai. Sự ra đời của khoa Quản lý ruộng đất mở đầu thời kỳ đào tạo cán bộ Quản lý đất đai bậc đại học và sau đại học ở nước ta.
Năm 2003, theo QĐ số 2276/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 21/5/2003 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khoa Quản lý ruộng đất được bổ sung thêm bộ môn Sinh thái nông nghiệp (từ khoa Nông học) và được đổi tên thành khoa Đất và Môi trường.
Năm 2008, để đáp ứng nhiệm vụ công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hội nhập kinh tế, theo QĐ số 281/QĐ-NN1 ngày 28/2/2008 của Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp 1, khoa Đất và Môi trường được đổi tên thành khoa Tài nguyên và Môi trường.
Năm 2013, do yêu cầu phát triển của ngành Tài nguyên và Môi trường cũng như phù hợp với chiến lược phát triển Trường đến năm 2020 là một trường Đại học Đa ngành, đáp ứng nhu cầu đào tạo của xã hội gắn với với thực tiễn, sự phát triển kinh tế trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 10/10/2013, Nhà trường đã quyết định tách Khoa Tài nguyên và Môi trường thành hai khoa là Khoa Quản lý Đất đai và Khoa Môi trường.
Năm 2021 thực hiện chiến lược phát triển mới của Học viện Khoa Tài nguyên và Môi trường tái thành lập theo QĐ số 1976/QĐ- HVN ngày 29/4/2021 trên cơ sở sáp nhập 2 khoa: Khoa Quản lý đất đai và Khoa Môi trường
Cho đến nay, khoa Tài nguyên và Môi trường đã trải qua 8 nhiệm kỳ. Trong quá trình phát triển, số ngành học, số bộ môn và số các môn học đã có thay đổi để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của nông nghiệp, nông thôn, nông dân và gắn với việc ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Chúng ta có thể thấy được phần nào điều đó qua diễn biến số bộ môn ở các nhiệm kỳ tổ chức của Khoa.
Nhiệm kỳ 1976 - 1988 Khoa có 7 bộ môn: Thổ nhưỡng-Nông hoá, Canh tác học, Thuỷ Nông - Trắc đạc, Quy hoạch và Quản lý đất đai, Phân tích đất, Vi sinh vật đất, Hoá học.
Nhiệm kỳ 1988 -1992 Khoa có 4 bộ môn (giai đoạn này hình thành các bộ môn ghép): Thổ nhưỡng - Nông hoá - Vi sinh vật, Thuỷ nông - Canh tác, Quy hoạch và Quản lý đất đai, Hoá học.
Nhiệm kỳ 1992 - 1996 Khoa có 6 bộ môn (năm 1994 bộ môn Quy hoạch và Quản lý đất đai tách thành 3 bộ môn): Quản lý đất đai, Quy hoạch đất đai, Hệ thống thông tin đất, Thổ nhưỡng - Nông hoá, Thuỷ nông - Canh tác, Hoá học.
Nhiệm kỳ 1996 - 2000 số bộ môn trong Khoa không thay đổi, giữ nguyên như nhiệm kỳ trước.
Nhiệm kỳ 2001 - 2006 Khoa có 9 bộ môn: Khoa học Đất, Nông hoá - Vi sinh vật, Thuỷ nông - Canh tác, Sinh thái nông nghiệp, Công nghệ Môi trường, Quản lý đất đai, Quy hoạch đất đai, Địa chính và Hoá học. Năm 2003 Bộ môn Thổ nhưỡng - Nông hoá tách thành bộ môn Khoa học đất và Nông hoá - Vi sinh vật; Bộ môn Hệ thống thông đất được bổ sung thêm tổ trắc địa từ bộ môn Quản lý đất đai và đổi tên thành bộ môn Địa chính. Thành lập mới bộ môn Công nghệ môi trường.
Giai đoạn 2006 - 2013 Khoa có 11 bộ môn: Quản lý đất đai, Quy hoạch đất, Trắc địa Bản đồ và Thông tin Địa lý (đổi tên từ bộ môn Địa chính), Khoa học Đất, Nông hoá, Vi sinh vật, Tài nguyên nước, Sinh thái nông nghiệp, Công nghệ Môi trường và Hoá học.
Giai đoạn 2013 đến nay khoa tháng 4 năm 2021 Khoa Tài nguyên và Môi trường tách thành Khoa Quản lý Đất đai và Khoa Môi trường
Từ năm 2022 Khoa Tài nguyên môi trường có 11 bộ môn: Quản lý đất đai, Quy hoạch đất đai, Trắc địa - Bản đồ, Hệ thống Thông tin tài nguyên môi trường, KHĐ & DD cây trồng, Quản lý tài nguyên, Công nghệ Môi trường, Sinh thái Môi trường, Quản lý Môi trường, Hóa học, Vi sinh vật
Hiện tại, số cán bộ công nhân viên chức trong Khoa là 101 người, trong đó trên 90% có trình độ trên đại học, trên 70% là cán bộ trẻ; có 02 GS, PGS là 15 người, số tiến sỹ là 34, số thạc sỹ 44 người. Khoa có 2 nhà giáo Ưu tú...
Gần 50 năm qua, một chặng đường không dài, nhưng thành tích mà khoa Tài nguyên và Môi trường đã đạt được thật đáng tự hào, là Khoa đầu đàn của ngành Tài nguyên và Môi trường toàn quốc, là một Khoa mạnh toàn diện trong Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành tài nguyên môi trường và nền nông nghiệp của đất nước.
Hiện nay, trên khắp mọi miền của Tổ quốc đều có mặt các cán bộ khoa học kỹ thuật được đào tạo tại khoa Tài nguyên và Môi trường. Họ đã và đang tham gia tích cực vào việc quản lý, khai thác nguồn tài nguyên đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả theo hướng phát triển bền vững… Đó là trên 10.000 kỹ sư ngành Quản lý đất đai, 1.075 kỹ sư ngành Thổ nhưỡng - Nông hoá và ngành Khoa học đất và hơn 2.000 cử nhân môi trường được đào tạo chính quy tại Học viện và các lớp đào tạo theo hình thức vừa làm vừa học tại Học viện và các địa phương.
Hiện nay, Khoa Tài nguyên và Môi trường đào tạo các ngành bậc đại học: Quản lý đất đai, Khoa học đất, phân bón và dinh dưỡng cây trồng, Quản lý Tài nguyên và môi trường, Quản lý Bất động sản; Khoa học Môi trường, Công nghệ kỹ thuật Môi trường; các ngành đào tạo cao học, đó là: Quản lý đất đai, Khoa học đất; Khoa học Môi trường; các ngành đào tạo tiến sĩ: Quản lý đất đai, Khoa học đất, Kỹ thuật Tài nguyên nước, Khoa học Môi trường.
Các cán bộ do Khoa đào tạo có trình độ chuyên môn vững vàng, được cơ sở sử dụng đánh giá tốt. Nhiều người trong số họ đã, đang đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong các cơ quan Nhà nước; nhiều người đã trở thành GS, PGS, TS, đang công tác, giảng dạy, nghiên cứu trong các trường đại học, các viện nghiên cứu; nhiều người đã trở thành các doanh nhân, các nhà doanh nghiệp tiêu biểu.
Trong gần 50 năm qua, ngoài nhiệm vụ đào tạo, khoa Tài nguyên và Môi trường còn thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần đáng kể cho sự phát triển nông nghiệp của đất nước. Khoa đã chủ trì và tham gia 25 đề tài cấp Nhà nước, chủ trì 70 đề tài cấp Bộ, hàng trăm đề tài cấp cơ sở và các dự án chuyển giao KHCN vào sản xuất ở hầu hết các tỉnh trên toàn quốc. Các đề tài và địa điểm khoa chuyển giao KHCN, đó là:
- Kiểm kê đất đai, thành lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy hoạch sử dụng đất, phân hạng đất ở các địa phương: TP Hà Nội (Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phương, Phú Xuyên, Chương Mỹ); Quảng Ninh (Uông Bí, Đầm Hà, Hải Hà, Cẩm Phả); Hải Dương (Thanh Miện, Bình Giang, Ninh Giang, Kinh Môn); Vĩnh Phúc (Yên Lạc, Tam Dương); Phú Thọ (Tam Nông, Thanh Thủy); Lào Cai (Bảo Yên); Hoà Bình (Lương Sơn, Kỳ Sơn); Ninh Bình (Kim Sơn); Thanh Hóa (Đông Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung); Bắc Giang (Hiệp Hòa, Yên Dũng); Hưng Yên (Mỹ Hào, TP Hưng Yên, Khoái Châu, Văn Lâm), Thái Bình (Đông Hưng, Kiến Xương); Hà Nam (Lý Nhân); Nghệ An (Nam Đàn); Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh, Lộc Hà, Nghi Xuân, Can Lộc); Quảng Bình (Bố Trạch), Đắc Lắc (KrongAna, CuKuin)...
- Quy hoạch môi trường, ĐTM, ĐMC, xử lý phế thải, nước thải, phế phụ phẩm chống ô nhiễm môi trường v v..ở các tỉnh: Ninh Bình, Lào Cai, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Lai Châu, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội và các khu công nghiệp, làng nghề, bệnh viện ở các tỉnh thành phía Bắc...
- Quy hoạch phát triển nông nghiệp và quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Dương, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên…
- Đánh giá phân hạng đất, ô nhiễm đất, nước và chuyển giao các chế phẩm sinh học, sản phẩm mới dùng trong sản xuất nông nghiệp được triển khai ở các địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, các tỉnh ven biển Bắc trung bộ, Tây nguyên, các tỉnh thuộc bán đảo Cà Mau…
Điều đáng ghi nhận là trong số các đề tài nghiên cứu, các dự án chuyên giao có nhiều đề tài có tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Đặc biệt là những chương trình về quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất đai. Nhiều công trình được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương, bằng khen, bảng vàng danh dự, bằng sáng chế, giấy chứng nhận tiến bộ mới.
Việc hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Khoa đã có quan hệ với một số quốc gia và tổ chức quốc tế, như: CHLB Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Viện nghiên cứu di truyền thế giới, CHLB Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Trung Quốc…Khoa đã cung cấp một số chuyên gia làm công tác đào tạo ở Algeria, Congo, Angola và một số chuyên gia chỉ đạo sản xuất tại Senegal.
Những thành tựu của gần 50 năm qua sẽ là cơ sở cho sự phát triển cao hơn ở chặng đường tiếp sau. Đến nay đã có trên 75% số môn học có giáo trình, bài giảng. Một số cơ sở vật chất được trang bị hiện đại trong thời gian vừa qua, cần được khai thác triệt để phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Khoa có Trung tâm phân tích JICA có khả năng phân tích các chỉ tiêu chuyên sâu về đất, nước, phân bón, cây trồng…; Các phòng thực hành, thực tập thuộc các bộ môn: Phòng thực hành tin học, viễn thám, đo đạc bản đồ, số hóa bản đồ, phòng in bản đồ…
Phía trước chúng ta là một chặng đường mới đầy triển vọng và sự phát triển lớn mạnh của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhưng cũng còn khó khăn, thử thách. Toàn thể cán bộ công nhân viên và sinh viên khoa Tài nguyên và Môi trường đồng tâm, đoàn kết, nhất trí, tự hào để bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển mới.
Sự thành đạt của các cựu sinh viên sẽ mãi mãi là niềm tự hào và nguồn động viên đầy sức mạnh đối với mọi thành viên trong Khoa, trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phục vụ công cuộc hiện đại hóa nền nông nghiệp, nông thôn Việt Nam./.