U vú là bệnh phổ biến ở nữ, thường lành tính nhưng có khi đó là ung thư. Vậy u vú là dấu hiệu bệnh gì? Khối u ở ngực có nguy hiểm không? Bài viết dưới đây, thạc sĩ bác sĩ Huỳnh Bá Tấn, khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ đưa ra thông tin tổng quan về u vú.
U vú là gì?
U vú là hiện tượng xuất hiện một hoặc nhiều khối ở vú, có cảm giác và mật độ khác với mô vú xung quanh hoặc mô ở cùng 1 vùng bên vú còn lại.
Các loại khối u vú
Vú gồm các loại mô khác nhau, trong đó có mô tuyến vú, mô liên kết dạng sợi, mô mỡ, các ống tuyến, dây thần kinh, mạch máu, có thể kèm hạch bạch huyết trong vú. Mỗi thành phần của vú có thể phản ứng khác nhau với những thay đổi của cơ thể. Các thay đổi này tác động đến cảm giác và kết cấu của vú, từ đó, ảnh hưởng đến sự phát triển của các khối u ở vú. [1]
1. U vú lành tính
Các loại u vú lành tính thường gặp ở phần biểu mô của ống tuyến hoặc mô liên kết. Các triệu chứng phổ biến, gồm:
- Xuất hiện khối u trong vú.
- Gây khó chịu, đau.
- Đau toàn bộ vú.
- Một số loại u vú thay đổi kích thước theo chu kỳ kinh nguyệt, trong thời kỳ mang thai.
- Tiết dịch núm vú.
- Mức độ đau vú có thể tăng hoặc kèm với sờ thấy các khối u theo chu kỳ hàng tháng, trong hoặc trước ngày hành kinh.
- Khối u mật độ chắc, trơn láng, di động.
2. Nang tuyến vú
Nang đơn giản của tuyến vú là tình trạng túi chứa chất dịch lành tính, không phải ung thư vú, thường gặp ở phụ nữ từ 30 - 50 tuổi. Hiếm gặp ở thiếu nữ và sau mãn kinh.
Một số triệu chứng có thể thấy:
- Khối u ở vú.
- Đau.
- Tiết dịch ở núm vú.
Nang tuyến vú có thể do ảnh hưởng của nội tiết liên quan đến kinh nguyệt. Nang tuyến vú có thể là nang đơn giản hoặc nang phức tạp, tùy vào thành phần của dịch nang, đôi khi có thành phần đặc trong nang. Nếu nang kích thước lớn, gây đau, bác sĩ có thể chọc hút dịch nang bằng kim. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định sinh thiết kiểm tra tế bào của thành phần đặc trong nang.
3. U xơ tuyến vú
U xơ tuyến vú là sự phát triển bất thường của mô tuyến trong vú. U xơ phổ biến ở phụ nữ từ 14 - 35 tuổi, có xu hướng co lại và biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, người có u xơ tuyến vú lớn thường phải phẫu thuật để loại bỏ. U xơ tuyến vú lành tính có các đặc điểm: khối u tròn, đường viền rõ ràng, không đau, di động dễ. Với u ở vú, tăng nhanh kích thước trong thời gian ngắn, cần phân biệt với u diệp thể.
4. Áp xe vú
Áp xe vú, thường gặp ở phụ nữ trẻ, có thể gặp trong thời gian cho con bú, xảy ra do nhiễm trùng.
Triệu chứng thường thấy:
- Khối u đau và sưng.
- Đỏ ở vùng da lân cận hoặc vùng da sẫm màu.
- Nóng ở khu vực xung quanh áp xe.
- Tiết dịch núm vú.
- Buồn nôn.
- Sốt, sưng hạch bạch huyết.
5. U nhú
U nhú là khối u lành tính, hình dáng giống như mụn cóc, phát triển trong các ống tuyến vú. U nhú phát triển tạo thành khối tròn hoặc bầu dục vùng trung tâm dưới núm vú. U nhú có thể tiết dịch trong suốt hoặc kèm máu. Siêu âm có thể phát hiện u, có thể đi kèm ống tuyến vú giãn.
Cần lưu ý về mặt hình ảnh học, tế bào học rất khó phân biệt u nhú lành tính và ung thư dạng nhú của tuyến vú. Do đó, khi trên siêu âm thấy hình ảnh nhú bên trong nang thì bác sĩ thường cho chỉ định lấy ra (mổ hoặc hút chân không) để xét nghiệm.
6. Hoại tử mỡ
Hoại tử mỡ có thể xảy ra sau phẫu thuật tái tạo vú, chấn thương, sinh thiết và 1 số phương pháp điều trị khác. Hoại tử mỡ gây các triệu chứng: đau, khối u do nang dầu, có vỏ chắc và mỡ hoặc dầu ở trung tâm.
7. U mỡ
U mỡ là khối u lành tính, có các đặc điểm: mềm, giới hạn tương đối rõ, có vỏ bao, có thể di động, không đau. U mỡ có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể, kể cả vú và thường không cần điều trị. Bác sĩ có thể tư vấn phẫu thuật nếu u mỡ kích thước lớn.
8. U vú ác tính
Khối u ở vú, thường không đau, hình dạng không đều, mật độ sượng cứng, khác với các mô xung quanh. [2]
Đặc điểm thường thấy:
- Khối sượng ở vú.
- Da vú dày lên.
- Da vú bong tróc. Có thể đỏ hoặc sẫm màu hơn vùng da xung quanh.
- Đau núm vú.
- Co kéo núm vú.
- Núm vú tiết dịch có thể kèm máu.
- Giai đoạn trễ, u xâm lấn ra da, gây lở loét.
- Hạch nách, hạch cổ kèm theo
Dấu hiệu u vú
U vú có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trong vú. Kích thước lớn hoặc nhỏ, đau hoặc không. Dưới đây là các dấu hiệu của u vú có thể tham khảo:
- Khối u có mật độ từ chắc đến sượng, có thể di chuyển dễ dàng dưới da.
- Có hình dạng bất thường.
- Đỏ da hoặc xuất hiện nhíu da, da sần sùi như trái cam.
- Thay đổi kích thước hoặc hình dạng vú.
- Chất dịch rò rỉ từ núm vú.
- Có thể kèm hạch nách hoặc hạch cổ.
Đa phần, các khối u ở vú không nguy hiểm, tuy nhiên, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, tư vấn và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân u vú
Khối u xuất hiện ở vú có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
- U nang vú: khối u ở vú tròn, nhẵn và chắc, có kích thước lớn hoặc nhỏ, mô vú xung quanh mềm. Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh.
- Thay đổi sợi bọc: cảm thấy căng, tức ở vú. Phụ nữ gặp thay đổi sợi bọc vú trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc mãn kinh.
- U xơ tuyến vú: khối u vú chắc, không phải ung thư, nhẵn, khi chạm vào thấy u di chuyển dưới da. U xơ tuyến vú có thể phát triển lớn hơn. Mang thai, sử dụng liệu pháp hormone hoặc chu kỳ kinh nguyệt là các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của u xơ. Đây là nguyên nhân gây u vú phổ biến ở phụ nữ từ 20 - 30 tuổi.
- Chấn thương: chấn thương nghiêm trọng đối với mô vú có thể hình thành khối u, xuất hiện tình trạng hoại tử mỡ.
- Nhiễm trùng: gây viêm áp xe vú
- Ung thư vú: khối u ở vú không đau, sượng cứng, có hình dạng bất thường, khác với các mô xung quanh. Lớp da bao phủ quanh khối u có thể màu đỏ, nhíu da hoặc sần sùi giống vỏ cam, co kéo núm vú, có dịch tiết ra từ núm vú, có thể kèm theo hạch nách hoặc hạch cổ. Giai đoạn trễ, u xâm lấn ra da, gây lở loét.
Khối u vú có nguy hiểm không?
Có! Khối u vú có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân và đa phần là lành tính, có thể điều trị, thậm chí tự biến mất. Song vẫn có không ít khối u vú dẫn đến ung thư. Khối u xuất hiện ở người càng lớn tuổi thì nguy cơ ung thư càng cao. Nếu không điều trị sớm, khối u vú ác tính có thể lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Do đó, kể cả có phải u ác tính hay không, ngay khi xuất hiện những triệu chứng nói trên, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị sớm.
Cách chẩn đoán khối u ở ngực
Để chẩn đoán khối u ở ngực, các bác sĩ chuyên khoa ngoại vú sẽ đề nghị thực hiện 1 số phương pháp như:
- Chụp X quang tuyến vú: hình ảnh cho thấy những thay đổi ở vú từ nhiều góc độ.
- Siêu âm vú: sóng âm hiển thị hình ảnh bên trong vú trên màn hình. Hình ảnh siêu âm hữu ích trong việc xác định tính chất và đặc điểm của khối u
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) vú: giúp đánh giá tốt hơn hình ảnh bên trong vú, đánh giá tính chất, đặc điểm, giới hạn của u, khảo sát các tổn thương không sờ thấy của vú.
- Sinh thiết vú: bằng cách lấy 1 mẫu mô và kiểm tra dưới kính hiển vi.
Các lựa chọn sinh thiết vú, gồm:
- Chọc hút bằng kim nhỏ (FNA): chọc kim vào khối u và lấy tế bào bên trong mang đi xét nghiệm.
- Sinh thiết kim lõi: sử dụng kim có kích thước lớn hơn, lấy nhiều mẫu mô u hơn, giúp đánh giá u chính xác hơn.
- Sinh thiết lập thể: bác sĩ sử dụng hình ảnh bên trong vú được dựng hình trên máy tính từ kết quả chụp X quang tuyến vú để hướng dẫn kim sinh thiết đến vị trí chính xác của khối u vú. Những mẫu mô được lấy sẽ đem đi xét nghiệm để tìm kiếm tế bào ung thư.
- Sinh thiết bằng thiết bị hút chân không: sử dụng kim sinh thiết có kích thước lớn kết hợp với lực hút chân không, giúp lấy được tổn thương để chẩn đoán và điều trị.
- Sinh thiết mở (phẫu thuật sinh thiết): khi sang thương của người bệnh quá lớn hoặc nghi ngờ khối u ác tính. Bác sĩ sẽ dùng dao rạch 1 đường trên da vú để lấy sinh thiết một phần hoặc loại bỏ toàn bộ khối u. Sau đó mang đi xét nghiệm mô bệnh học để đánh giá mức độ lành hay ác của khối u.
Sau khi sinh thiết, mẫu mô bệnh phẩm sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Từ đó, giúp tìm ra nguyên nhân, chẩn đoán chính xác và lên phác đồ điều trị phù hợp.
Cách điều trị u ở vùng ngực
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân sẽ có cách điều trị u ở vú. Song, 1 số u vú có thể biến mất mà không cần điều trị. Những cách điều trị u ở vú gồm:
- Dùng thuốc kháng sinh khi nhiễm trùng vú.
- Chọc hút dịch cho u nang vú (trường hợp u lớn hoặc gây đau).
- Sinh thiết khối u để chẩn đoán.
- Phẫu thuật lấy bỏ u vú lành tính.
- Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, liệu pháp sinh học, liệu pháp nội tiết: sử dụng cho khối u được xác định ung thư vú.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ khi có những triệu chứng sau:
- Phát hiện khối u mới.
- Một bên vú có dấu hiệu khác với bên còn lại.
- U vú không biến mất sau kỳ kinh nguyệt.
- Khối u phát triển lớn hơn.
- Vú bầm tím không rõ lý do.
- Da vú đỏ, nhăn nheo như vỏ cam.
- Núm vú thụt vào trong.
- Núm vú tiết dịch hoặc chảy máu.
Làm thế nào để phòng ngừa u ở vú?
“Chế độ sinh hoạt lành mạnh, lối sống tích cực!” Để ngừa u ở vú, mỗi người cần lưu ý những điều sau:
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, khám và tầm soát ung thư vú.
- Thường xuyên kiểm tra vú và vùng ngực của mình, đến gặp bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường.
- Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dưỡng chất. Bổ sung rau xanh, trái cây.
- Hạn chế sử dụng đồ uống có cồn, thức ăn nhanh, tinh bột tinh chế,…
- Không sử dụng các chất kích thích: thuốc lá,…
- Rèn luyện thể dục thể thao.
- Duy trì cân nặng hợp lý.
Khoa Ngoại Vú, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đầu tư đồng bộ hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm, phối hợp đa chuyên khoa sẽ mang lại cơ hội điều trị tốt cho các bệnh tuyến vú nói chung và ung thư vú nói riêng.
Bài viết trên đã cung cấp những thông tin hữu ích về u vú là dấu hiệu bệnh gì? Khối u ở ngực có nguy hiểm không? Do đó, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường ở vú, người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín, bác sĩ khoa Ngoại Vú để được khám và điều trị kịp thời.