Ưu tiên dùng thực phẩm hạ men gan, kết hợp tập luyện giúp hỗ trợ kết quả điều trị, cải thiện chức năng gan và hạ chỉ số men gan. Vậy, người bệnh nên ăn gì để hạ men gan?
Men gan cao là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý về gan như viêm gan, viêm gan do rượu, xơ gan, gan nhiễm mỡ… Có nhiều chỉ số phản ánh men gan, nhưng ALT được xem là chỉ số chính xác phản ánh mức độ tổn thương của tế bào gan.
Chỉ số men gan ở nam là 29 - 33 UI/L và nữ giới là 19 - 25 Ul/L. Chỉ số men gan vượt quá ngưỡng trung bình này được xem là men gan cao.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến men gan cao, trong đó có những nguyên nhân phổ biến như:
- Nhiễm virus viêm gan B, C, A và E, trong đó men gan cao do virus viêm gan B là phổ biến nhất
- Lạm dụng rượu bia kéo dài
- Viêm gan do thuốc
- Mắc các bệnh lý như viêm gan tự miễn, gan nhiễm mỡ do rối loạn chuyển hóa…
Men gan cao có thể điều chỉnh thông qua chỉ định điều trị, chế độ dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm hạ men gan giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng này. Ngoài ra, người bệnh cần kết hợp cùng chế độ tập luyện tích cực, góp phần duy trì sức khỏe gan hiệu quả.
Ăn gì để hạ men gan?
Bên cạnh đi khám và điều trị men gan cao theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh có thể tham khảo các thực phẩm hạ men gan sau đây.
1. Thực phẩm giàu folate giúp hạ men gan
Folate (hay vitamin B9) là dưỡng chất cần thiết trong quá trình hình thành và ổn định chức năng của tế bào hồng cầu. Khi men gan tăng cao, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt folate. Bổ sung folate có thể giúp hỗ trợ hạ men gan. Ngoài ra, folate còn có công dụng giảm tổn thương gan do rượu, tăng cường hàng rào ruột cũng như ức chế các vi khuẩn gây viêm gan.
Các loại rau củ giàu folate được liệt kê vào danh sách thực phẩm hạ men gan như các loại rau cải đậm màu, bông cải xanh, bắp cải, củ dền…; trái cây họ cam quýt, các loại hạt đậu và ngũ cốc.
2. Thực phẩm giàu chất xơ giúp giảm men gan
Các nghiên cứu khoa học cho thấy, thực phẩm giàu chất xơ không chỉ giúp hỗ trợ hạ men gan nhờ khả năng giảm lượng mỡ tích tụ trong gan mà còn góp phần điều chỉnh chỉ số trao đổi chất trong cơ thể.
Người bệnh nên duy trì chế độ ăn giảm tinh bột, tăng chất xơ để đạt được hiệu quả hạ men gan tốt nhất. Thực phẩm hạ men gan giàu chất xơ như yến mạch, gạo lứt, các loại đậu… còn có thêm công dụng tăng tiết mật và hỗ trợ cơ thể tiêu hóa chất béo tốt hơn.
3. Thực phẩm chứa nhiều chất béo tốt
Men gan tăng cao có thể là triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, xảy ra khi chất béo xấu tích tụ trong tế bào gan lâu ngày. Lượng mỡ dư thừa có thể chiếm từ 5 - 10% trọng lượng của gan. Điều này khiến người bệnh có nguy cơ mắc các bệnh lý gan phức tạp hơn như viêm gan, xơ gan, suy gan…
Omega 3 là một loại chất béo không no, cần thiết cho cơ thể và sức khỏe của gan bao gồm tác dụng cải thiện lượng mỡ trong gan. Vì vậy, thực phẩm giàu omega 3 bao gồm: các loại cá béo (như cá thu, cá mòi, cá trích), hạt lanh, đậu nành, quả óc chó… nên được cho vào thực đơn của người men gan cao nhằm hỗ trợ cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ, hạ men gan.
4. Thực phẩm protein nạc
Protein (chất đạm) là một thành phần quan trọng trong quá trình hình thành các tế bào trong cơ thể. Men gan cao khiến các tế bào gan bị tổn thương. Bổ sung protein vào chế độ ăn cho người men gan cao giúp làm tăng quá trình phục hồi tế bào bị thương, điều chỉnh chỉ số men gan về mức bình thường. Ngoài ra, protein cũng giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch, hạn chế nguyên nhân gây men gan cao do virus viêm gan.
Thực phẩm hạ men gan giàu protein dễ tìm thấy nhất ở các loại thịt nạc. Tuy nhiên, cần chọn các loại thịt nạc, không mỡ. Bởi gan vốn dĩ không thể bài tiết hết lượng mỡ từ động vật, khi gan đang bị tổn thương thì quá trình này càng trì trệ, khiến men gan dễ tăng cao, thời gian dài có thể tiến triển thành các bệnh lý viêm gan khác.
5. Thực phẩm giàu vitamin
Ăn gì để hạ men gan? Một số loại vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe gan, bao gồm công dụng hỗ trợ hạ men gan như:
- Vitamin C: Giúp chống oxy hóa, hỗ trợ cơ thể thải độc và giảm thiểu chất béo tích tụ trong gan.
- Vitamin E: Ngoài khả năng chống oxy hóa, vitamin E còn hỗ trợ giảm viêm gan và giảm tỷ lệ tế bào gan bị tổn thương.
- Vitamin K: Không chỉ hỗ trợ đông máu, ngăn xuất huyết gan, vitamin K còn giúp cơ thể tổng hợp kháng thể tốt hơn, thúc đẩy các nhu mô gan phục hồi nhanh hơn.
- Vitamin B: Bên cạnh công dụng làm giảm các triệu chứng bệnh gan giai đoạn đầu, vitamin B còn hạn chế nguy cơ gan nhiễm mỡ và cải thiện chức năng gan.
6. Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Chống oxy hóa là quá trình trung hòa các gốc tự do, làm chậm tổn thương các tế bào trong cơ thể. Vì vậy, thức ăn giàu chất chống oxy hóa cũng được xem là thực phẩm hạ men gan. Chúng giúp hạn chế mức độ tổn thương của tế bào, tăng khả năng tự lành thương của gan. Những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa bao gồm: táo, bơ, khoai tây, rau cải xanh, trà xanh…
12 thực phẩm hạ men gan tự nhiên, an toàn
1. Nước
Nước chiếm hơn 70% trọng lượng cơ thể, đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm sức khỏe gan. Uống đủ nước mỗi ngày thúc đẩy quá trình chuyển hóa tế bào mỡ, cân chỉnh lượng cholesterol trong gan, hạ men gan và giảm thiểu nguy cơ gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, nước cũng giúp cải thiện chức năng gan, tăng đào thải độc tố cho cơ thể.
Ngược lại, nếu không nạp đủ lượng nước cần thiết trong một ngày, quá trình chuyển hóa mỡ bị đình trệ, theo thời gian sẽ làm tăng chất béo tích tụ trong gan. Người có chỉ số men gan cao rơi vào tình trạng thiếu nước có thể khiến gan bị quá tải và tổn thương nặng hơn. Vì vậy, không chỉ chú ý ăn gì hạ men gan, người bệnh cũng cần uống đủ nước mỗi ngày để cải thiện các chỉ số men gan.
2. Rau lá xanh
Các loại rau lá xanh được xếp vào nhóm thực phẩm hạ men gan cao hiệu quả. Rau xanh là nguồn thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, giúp cơ thể tăng thải độc, hỗ trợ giảm lượng enzyme trong gan về mức ổn định.
Người bệnh có thể thu nạp những dưỡng chất này trong rau diếp cá, rau ngót, rau mồng tơi, rau má… để hỗ trợ cải thiện và duy trì chức năng gan; bổ sung vi chất thiếu hụt cho cơ thể, nâng cao sức khỏe tổng thể.
3. Tỏi
Tỏi là thực phẩm đem lại nhiều giá trị cho sức khỏe, đặc biệt tỏi sống. Ngoài hàm lượng cao chất chống oxy hóa, tỏi còn chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu khác như vitamin B6, mangan, sắt, đồng, kali… Hơn nữa, 3 dưỡng chất allicin, allinin và ajoene có trong tỏi không chỉ hỗ trợ giúp loại bỏ độc tố khỏi gan mà còn có đặc tính chống viêm. Thường xuyên ăn tỏi sống còn có thể giúp giảm thiểu rủi ro mắc các bệnh lý về gan, bao gồm ung thư gan.
Tuy nhiên, ăn quá nhiều tỏi mỗi ngày sẽ có thể gây ra tác dụng phụ như ợ nóng hoặc có mùi cơ thể. Người bệnh nên ăn từ 2 - 4 tép tỏi cỡ vừa để tối ưu được lợi ích sức khỏe của loại thực phẩm hạ men gan này.
4. Dầu ô liu nguyên chất
Dầu ô liu nguyên chất chứa lượng omega 3 và omega 6 dồi dào. 2 loại acid béo này có công dụng: giảm viêm, chống oxy hóa, giảm thiểu tổn thương tế bào gan và ngăn chặn tế bào ung thư. Đây là lý do dầu ô liu nguyên chất được xếp vào nhóm thực phẩm hạ men gan cần tham khảo.
Dầu ô liu là nguồn thực phẩm có tác động tích cực đến sức khỏe cơ thể, bao gồm các chỉ số men gan. Người bệnh có thể thay thế các loại dầu khác bằng cách dùng dầu ô liu để cải thiện chỉ số men gan hiệu quả.
5. Các loại hạt
Hầu hết các loại hạt đều chứa lượng chất béo tốt, đa dạng dưỡng chất thiết yếu, giúp ích cho quá trình cải thiện và duy trì chức năng gan như chống oxy hóa, giảm viêm, chống viêm, ngăn ngừa tổn thương các tế bào gan…
Những loại hạt phổ biến, dễ mua mà người bệnh men gan cao có thể tham khảo:
- Hạt điều và đậu phộng: Ít calo, giúp người bệnh dễ kiểm soát năng lượng nạp vào mỗi bữa ăn.
- Hạt dẻ cười: Giàu chất chống oxy hóa, chất xơ; các loại vitamin như vitamin A, C và E.
- Hạt hạnh nhân: Giàu protein thực vật tốt cho sức khỏe gan.
- Quả óc chó và mắc ca: Chứa nhiều acid béo không bão hòa, tốt cho hệ tim mạch, hỗ trợ phục hồi tế bào gan đang tổn thương.
6. Các loại quả mọng
Loại quả mọng là nguồn cung cấp nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa, chống viêm, giảm lượng mỡ trong gan, phòng ngừa ung thư… phù hợp cho người bị men gan cao do bất cứ nguyên nhân nào (như nhiễm trùng virus viêm gan, bệnh lý gan nhiễm mỡ, do rượu…).
Những loại quả mọng phổ biến tại Việt Nam bao gồm:
- Quả dâu: Ngoài điều chỉnh hạ men gan tốt, dâu tây còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch nhờ chứa nhiều chất xơ, vitamin C và mangan.
- Quả nho: Loại quả dễ mua, giá thành hợp lý này là nguồn dồi dào chất polyphenol chống oxy hóa, cùng hàm lượng lớn chất xơ, vitamin K và vitamin C.
7. Trái cây có múi
Các loại trái cây có múi nên bổ sung vào các thực phẩm hạ men gan bao gồm: bưởi, cam, chanh… Đây là những loại trái cây ít đường fructose, giúp giảm thiểu tình trạng ứ đọng chất béo tại và giảm áp lực cho gan đang bị tổn thương.
8. Trà xanh
Trà xanh không chỉ có công dụng chống oxy hóa mạnh mẽ, hạn chế tổn thương tế bào gan mà còn giúp ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư tại gan. Dùng lá trà tươi nấu nước uống để đạt được hiệu quả hạ men gan. (1)
9. Cà phê
Cà phê là thực phẩm hạ men gan nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa cao. Để có được lợi ích hạ men gan, người bệnh chỉ nên uống 3 tách cà phê mỗi ngày, pha loãng với nước để bớt đắng nhưng không nên uống với đường.
10. Cá
Người bệnh nên ưu tiên bổ sung nguồn đạm lấy từ cá, tốt nhất là cá béo. So với đạm từ thịt đỏ, các loại cá béo có nguồn đạm hoàn chỉnh và giá trị dinh dưỡng cao hơn.
Cá mòi là một loại cá béo dễ tìm mua tại Việt Nam. Trong cá mòi chứa lượng lớn acid béo omega 3 và folate. Đây là những dưỡng chất cần thiết để phục hồi tế bào gan tổn thương, cân bằng chỉ số men gan cao. Trong cá mòi còn có vitamin B12, vitamin D và canxi, tốt cho sức khỏe gan và cơ thể.
11. Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ
Ngũ cốc nguyên hạt là thực phẩm hạ men gan vì chứa nhiều chất xơ, vitamin nhóm B cùng nhiều vi chất cần thiết cho quá trình lành thương và cải thiện chức năng gan (2). Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm yến mạch, gạo lứt, lúa mỳ, hạt kê… với cấu tạo 3 phần:
- Cám: Lớp vỏ cứng chứa chất xơ, vitamin và khoáng chất.
- Mầm: Chứa các vitamin từ thực vật và chất béo tốt.
- Nội nhũ: Phần cung cấp năng lượng, chứa một lượng nhỏ đạm và vitamin.
12. Quả bơ
Quả bơ là một trong những thực phẩm hạ men gan hàng đầu. Bơ có công dụng thúc đẩy cơ thể sản xuất glutathione - chất được sản xuất tại gan với công dụng chống oxy hóa. Ngoài ra, bơ còn có giá trị dinh dưỡng cao. Trong mỗi 100 gram bơ chứa những thành phần dinh dưỡng như sau:
- Folate: 20%
- Vitamin K: 26%
- Vitamin C: 17%
- Kali: 14%
- Vitamin B5 và vitamin B6: 14%
- Vitamin E: 10%
Làm thế nào để hạ men gan tự nhiên?
Không thu nạp thực phẩm có hại cho gan là cách bảo vệ gan hiệu quả, hạ men gan tự nhiên.
Gan là một trong những cơ quan chính thực hiện phân hủy và hấp thu các chất dinh dưỡng trong thức ăn. Vì vậy, xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp, bắt đầu từ việc lựa chọn thực phẩm hạ men gan có thể giúp gan giảm áp lực cho gan khi xử lý thức ăn.
Đồng thời, bổ sung các chất dinh dưỡng có khả năng tăng hiệu quả quá trình tái tạo tế bào gan mới, phục hồi tổn thương gan cũ. Từ đó, các chỉ số men gan cũng sẽ được hỗ trợ điều chỉnh và duy trì ở mức bình thường.
Bên cạnh việc chú ý đến các thực phẩm, người bệnh cần kết hợp với những thói quen sinh hoạt có lợi cho sức khỏe, hỗ trợ hạ men gan tự nhiên. Người bệnh nên:
- Tăng cường vận động trong ngày, luyện tập thể dục từ 3 - 4 ngày/tuần. (3)
- Không hút thuốc.
- Hạn chế tối đa, hoặc bỏ hẳn rượu bia.
- Chế biến thức ăn ít gia vị để không gây áp lực lên gan.
Để đặt lịch thăm khám, điều trị bệnh tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Tóm lại, ăn gì để hạ men gan? Người bệnh cần ưu tiên bổ sung các thực phẩm hạ men gan được gợi ý ở trên vào trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của mình. Ngoài ra, người bệnh cần điều trị men gan cao theo chỉ định của bác sĩ, nếu có. Khám sức khỏe tổng quát định kỳ 2 lần/năm là cách có thể phát hiện sớm và điều trị các bệnh lý về gan.