1. U não là gì?
U não là tình trạng trong não xuất hiện các khối mô được tạo ra bởi các tế bào tăng trưởng nhanh bất thường. Khối u não có thể là u lành tính và cũng có thể là ác tính.
Nguyên nhân gây u não:
- Nguyên nhân gây u não là do bắt nguồn từ não (u não nguyên phát) hoặc có thể do khối u từ những nơi khác di căn đến não (u não thứ phát).
- Tuổi tác: Khi bạn lớn tuổi, bạn có nguy cơ bị u não cao hơn. Bệnh này chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi;
- Tiếp xúc với tia bức xạ: Nếu bạn đã tiếp xúc với tia bức xạ do các vụ nổ bom nguyên tử hay xạ trị ung thư, nguy cơ u não sẽ tăng lên;
- Tiền sử gia đình có người bị u não: Nếu gia đình bạn có người bị bệnh u não hoặc mắc một bệnh di truyền nào đó, nguy cơ bị u não của bạn sẽ tăng lên, tuy nhiên vẫn rất thấp.
Các dấu hiệu thường gặp của bệnh u não bao gồm:
- Đau đầu nặng và đau thường xuyên: Đau đầu là dấu hiệu đầu tiên của u não. Người bệnh thường xuyên cảm thấy đau đầu dữ dội, đặc biệt là vào buổi sáng. Mức độ đau ngày càng tăng dần.
- Buồn nôn hoặc ói mửa: Do tăng áp lực sọ não mà người bệnh có thể bị buồn nôn hoặc nôn mửa, nhất là sau khi ngủ dậy, kèm theo cảm giác mệt mỏi, người không có sức.
- Nhìn mờ, mất thính lực: Khi u não đã phát triển, khối u làm ảnh hưởng đến thị giác và thính giác của người bệnh khiến người bệnh khó nghe, mắt mờ.
- Động kinh, đặc biệt là ở những người không có tiền sử co giật trước đó: Động kinh là dấu hiệu cảnh báo bệnh u não do khối u ảnh hưởng đến một phần vỏ não.
- Ngoài ra một số dấu hiệu khác như: Mất thăng bằng, lơ đễnh, giảm trí nhớ, giảm khả năng nói, thay đổi ở tính cách hoặc hành vi, liệt một phần cơ thể.
Phương pháp điều trị u não thường gặp nhất là mổ lấy khối u não. Mục đích của phẫu thuật là cắt bỏ hoàn toàn khối u, lấy mẫu bệnh phẫu để chẩn đoán xác định bản chất khối u.
2. Phẫu thuật nội soi hỗ trợ lấy u não
2.1. Phẫu thuật nội soi hỗ trợ lấy u não là gì?
Mổ lấy u não chủ yếu sử dụng kính vi phẫu, tuy nhiên kính vi phẫu khó quan sát và đánh giá u, cấu trúc lành xung quanh tại những vùng góc khuất nên sẽ làm tổn thương tổ chức lành. Vì vậy mổ nội soi lấy u não trong những trường hợp này sẽ giúp người làm thủ thuật kiểm soát và cắt khối u não tốt hơn.
2.2. Chỉ định và chống chỉ định nội soi hỗ trợ lấy u não
- Phương pháp phẫu thuật nội soi lấy u não có thể sử dụng trong nhiều loại u, nhiều vị trí khác nhau như: U vùng hố yên (u tuyến yên, u sọ hầu, u màng não, u tế bào mầm, nang); Rathke, u biểu bì, u dạng da, u dây II; U vùng góc cầu tiểu não (u dây VIII, u màng não, u dạng da, u biểu bì, u nang, u thân não, u dây thần kinh VII, IX, X, XI, XII); U vùng lỗ chẩm; U nền sọ vùng thái dương; U trong não thất.
Phương pháp phẫu thuật nội soi hỗ trợ cắt u não chống chỉ định trong trường hợp: Những khối u não không thể sử dụng nội soi hỗ trợ nếu không có khoảng trống như u trong nhu mô nằm sâu trong nhu mô não, u di căn não, u não lớn, phù não rộng.
2.3. Các bước tiến hành phẫu thuật nội soi hỗ trợ lấy u não
- Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ vi phẫu, kính vi phẫu, dụng cụ nội soi, nguồn sáng, camera, cáp quang, dụng cụ nội soi, sắp đặt vị trí hệ thống nội soi, màn hình.
- Bước 2: Vệ sinh, kháng sinh dự phòng; Khám gây mê hồi sức cho người bệnh .
- Bước 3: Rạch da, bộc lộ xương sọ, khoan và mở nắp sọ
- Bước 4: Mở màng cứng với sự hỗ trợ của kính vi phẫu. Hút nước não tủy, mở màng mềm. Sử dụng nội soi đánh giá các cấu trúc não xung quanh, khối u, mạch máu, dây thần kinh. Hút nhiều nước não tủy sẽ giúp mở rộng chỗ cho nội soi và dụng cụ phẫu thuật.
- Bước 5: Sử dụng kính vi phẫu và nội soi hỗ trợ giúp kiểm soát các cấu trúc xung quanh, khối u, mạch máu. Ống nội soi được sử dụng bao gồm ống 0, 30, 45 và 70 độ. Khi sử dụng nội soi, cắt u chủ yếu dùng máy hút, dao siêu âm. Sau khi cắt hết u, cầm máu kỹ với sự giúp đỡ của kính vi phẫu và nội soi.
- Bước 6: Đóng màng cứng, cố định nắp sọ và đóng da.
2.4. Theo dõi sau phẫu thuật nội soi hỗ trợ lấy u não
- Sau mổ: theo dõi hô hấp, tuần hoàn, tri giác, liệt, đồng tử, liệt các dây thần kinh sọ, rối loạn cảm giác.
- Trường hợp chảy máu vết mổ thì phải thay băng, băng ép, khâu vết thương.