Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Bác sĩ Nội soi tiêu hóa - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
Bệnh ngứa hậu môn gây ngứa ngáy, nóng, tổn thương hậu môn và vùng da xung quanh. Đây là một trong những nỗi khổ thầm kín mà người mắc rất ngại chia sẻ với người khác cũng như đi thăm khám. Việc điều trị không kịp thời và đúng cách có thể làm tình trạng thêm trầm trọng.
1. Bệnh ngứa hậu môn là gì?
Bệnh ngứa hậu môn là tình trạng ngứa ống hậu môn, da xung quanh hậu môn hoặc bộ phận sinh dục ngoài cạnh hậu môn. Tuy không phải là bệnh cụ thể nhưng những cơn ngứa hậu môn làm người mắc cảm thấy rất khó chịu, lúng túng, kém tự tin khi làm việc và giao tiếp. Đây là một trong những nỗi khổ thầm kín mà người mắc rất ngại chia sẻ với người khác cũng như đi thăm khám. Việc điều trị không kịp thời và đúng cách có thể làm tình trạng bệnh thêm trầm trọng.
Ngoài ngứa thì triệu chứng ngứa hậu môn còn bao gồm:
- Mẩn đỏ vùng da xung quanh hậu môn.
- Vùng da bị tổn thương có thể bị nhiễm trùng.
- Cảm giác nóng, khó chịu vùng hậu môn. Nếu bệnh ở mức độ nặng, hậu môn và vùng da xung quanh cảm giác rát bỏng, ngứa ngáy, người bệnh luôn có nhu cầu gãi hậu môn, nếu không gãi thì không thể chịu nổi, cảm giác khó chịu, mất ăn ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe.
2. Các nguyên nhân gây bệnh ngứa hậu môn
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh ngứa hậu môn: do vệ sinh không tốt, do kích ứng vùng da hậu môn hoặc do mắc một số bệnh lý. Nhìn chung, có thể chia các nguyên nhân gây ngứa hậu môn thành 2 nhóm: các nguyên nhân nguyên phát và các nguyên nhân thứ phát.
2.1. Nguyên nhân nguyên phát gây bệnh ngứa hậu môn
Bao gồm các nguyên nhân sau:
- Da khô: Khô da có thể gây ngứa dai dẳng, dữ dội vùng hậu môn. Khô da thường xảy ra ở người cao tuổi, khi vùng da trong và xung quanh hậu môn bị lão hóa cùng với sự lão hóa các cơ quan khác trong cơ thể.
- Do vệ sinh không đúng cách sau mỗi lần đi vệ sinh làm da vùng gần hậu môn, tầng sinh môn luôn luôn bị ẩm ướt, ra nhiều mồ hôi hoặc còn bị dính phân, nước tiểu.
- Vùng da quanh hậu môn bị dị ứng, nhạy cảm với các hóa chất trong xà phòng, dung dịch vệ sinh hoặc mùi thơm trong giấy vệ sinh,...
- Mặc quần áo, đồ lót bó sát, quá chật, chất liệu co giãn không tốt. Khi mặc quần áo bó sát, mồ hôi sẽ tiết ra nhiều hơn, tiếp xúc với các vùng trên cơ thể trong đó có hậu môn, gây kích ứng, ngứa. Cơ thể ẩm ướt có thể tạo điều kiện cho nhiễm trùng nấm men phát triển.
2.2 Nguyên nhân thứ phát gây bệnh ngứa hậu môn
Các nguyên nhân thứ phát gây bệnh ngứa hậu môn bao gồm:
- Bệnh trĩ: Các búi trĩ có khả năng tiết ra dịch nhầy làm viêm nhiễm da vùng hậu môn hoặc viêm nhiễm phụ khoa.
- Bệnh nứt kẽ hậu môn, táo bón: Bệnh nứt kẽ hậu môn thường gặp ở những người bị táo bón. Khi bị táo bón, phân tồn đọng trong trực tràng lâu ngày nên nước bị hấp thụ hết, phân thường rất to và cứng. Lúc đi đại tiện, động tác rặn gắng sức có thể làm rách hoặc nứt hậu môn. Khi rách hoặc nứt hậu môn, ngoài cảm giác đau trong và sau khi đi đại tiện, người bệnh sẽ cảm giác rất ngứa hoặc kích thích xung quanh hậu môn.
- Nhiễm giun kim: Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em. Vào buổi chiều tối, giun kim sẽ di chuyển từ ruột đến hậu môn và vùng da xung quanh hậu môn để đẻ trứng, gây ngứa ngáy vùng hậu môn, khó ngủ, ngứa vùng âm đạo (ở bé gái).
- Tiêu chảy kéo dài: Khi tiêu chảy kéo dài, phân có thể dính vào da hậu môn và vùng da xung quanh gây kích ứng, ngứa, thậm chí có thể gây áp xe, mưng mủ.
- Bệnh vảy nến, tăng tiết bã nhờn, eczema: Đây là những bệnh lý da liễu thường gặp, có thể tham gia kích thích gây ngứa khu vực trong và xung quanh hậu môn.
- Bị nhiễm trùng hậu môn do quan hệ tình dục có liên quan đến hậu môn.
- Nhiễm trùng nấm Candida: Đây là một lây nhiễm thường gặp, đặc biệt là ở phụ nữ, có thể gây kích ứng vùng hậu môn, sinh dục.
- Nhạy cảm với một số thực phẩm: Một số thực phẩm cay nóng, đồ uống có cồn, đồ uống có nhiều cafein,... có thể gây rối loạn hoạt động các cơ quan tiêu hóa, bao gồm cả hậu môn. Chế độ ăn thiếu vitamin và chất xơ sẽ dẫn đến khó tiêu, táo bón,... điều này gián tiếp làm cho hậu môn bị kích ứng, ngứa ngáy.
- Thuốc: Một số thuốc có tác dụng phụ gây ngứa hậu môn.
3. Những điều nên làm và không nên làm khi ngứa hậu môn
Bệnh ngứa hậu môn mang lại cảm giác rất khó chịu, phản ứng tự nhiên của cơ thể là gãi và cố gắng rửa vùng hậu môn thật nhiều để giảm cảm giác ngứa. Tuy nhiên hãy cố gắng đừng gãi cũng như đừng rửa quá thường xuyên. Gãi, rửa hậu môn và xung quanh quá nhiều có thể loại bỏ lớp bảo vệ da tự nhiên, làm tình trạng ngứa, thương tổn nặng thêm.
4. Điều trị ngứa hậu môn như thế nào?
Việc điều trị ngứa hậu môn tùy thuộc vào nguyên nhân gây tình trạng ngứa.
- Điều trị chủ yếu là tự chăm sóc, giữ vệ sinh sạch sẽ và tránh tiếp xúc với những nguyên nhân nghi ngờ gây ngứa.
- Giữ vệ sinh vùng hậu môn sạch sẽ, khô ráo sau mỗi lần đi đại tiện, tiểu tiện.
- Rửa sạch vùng hậu môn hàng ngày bằng nước ấm sau đó lau khô bằng khăn mềm, hạn chế sử dụng các loại giấy vệ sinh có mùi thơm hoặc xà phòng có mùi thơm cho vùng hậu môn.
- Mặc quần rộng rãi, chất liệu co giãn, thấm hút mồ hôi, thoáng mát.
- Tránh dùng các loại phấn hoa, nước hoa dễ gây kích ứng da.
- Tránh ăn quá nhiều thực phẩm nhiều gia vị, chất chua, cay, các thức ăn nhiều dầu mỡ,...
Nếu các biện pháp vệ sinh thông thường không mang lại hiệu quả, tình trạng ngứa diễn tiến nặng và kéo dài, bạn hãy đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời. Các thuốc có thể được kê đơn là:
- Thuốc bôi chứa hydrocortidol giúp giảm viêm, chống ngứa.
- Thuốc bôi chứa oxid kẽm.
- Thuốc bôi chứa các chất kháng histamin giúp giảm ngứa, kích ứng.
Nếu điều trị tích cực, bệnh ngứa hậu môn thường tiến triển tốt, các triệu chứng thường giảm và khỏi trong khoảng 1 tuần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.