1. Soạn bài Ta đi tới: Tìm hiểu chung
1.1 Tác giả Tố Hữu
a. Tiểu sử
- Tố Hữu (1920 - 2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành, quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là nhà cách mạng, đồng thời cũng là một nhà thơ.
- Thời thơ ấu: Tố Hữu được sinh ra và lớn lên trong gia đình Nho học ở Huế, vùng đất cố đô thơ mộng còn lưu giữ nhiều nét văn hóa dân gian của dân tộc ta.
- Thời thanh niên, ông sớm giác ngộ cách mạng, hăng say tham gia hoạt động và đấu tranh cách mạng và phải trải qua nhiều lần tù ngục.
- Sau đó, Tố Hữu liên tục giữ nhiều chức vụ quan trọng ở trong bộ máy lãnh đạo của đất nước, đặc trách mặt trận văn hóa văn nghệ.
b. Sự nghiệp sáng tác.
- Phong cách nghệ thuật:
+ Tố Hữu là một nhà thơ của lí tưởng cộng sản, thơ Tố Hữu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ trữ tình chính trị: Tố Hữu vừa là một chiến sĩ vừa là một thi sĩ. Với ông, làm thơ trước hết là để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng và lí tưởng của Đảng. Những sự kiện, vấn đề lớn của đời sống cách mạng, lí tưởng chính trị, và cả những tình cảm chính trị thông qua trái tim nhạy cảm của nhà thơ đều có thể trở thành cảm hứng và đề tài nghệ thuật thực sự.
+ Nội dung trữ tình chính trị có trong thơ Tố Hữu thường tìm đến và gắn liền với khuynh hướng sử thi cùng cảm hứng lãng mạn.
+ Một nét đặc sắc trong thơ Tố Hữu là có giọng điệu tâm tình, ngọt ngào tha thiết cùng kết tục truyền thống tốt đẹp của thơ ca Việt Nam qua nhiều thời đại; có sự gắn bó với vận mệnh của đất nước, phục vụ cho các cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của dân tộc.
- Sáng tác tiêu biểu: Hành trình của Tố Hữu song song với hành trình Cách mạng; mỗi tập thơ của ông đều gắn với một giai đoạn của Cách mạng Việt Nam. Các tập thơ tiêu biểu của ông: Từ ấy (1946), Gió lộng (1961), Việt Bắc (1954), Ra trận (1971), Một tiếng đờn (1992) Máu và hoa (1977), và Ta với ta (2000).
1.2 Tác phẩm Ta đi tới
a. Thể loại
Bài thơ “Ta đi tới” thuộc thể loại thơ tự do.
b. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
- Bài thơ Ta đi tới (in trong tập Việt Bắc) được nhà thơ Tố Hữu sáng tác vào tháng 8 năm 1954 - đây là thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc với thắng lợi, chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
- Bài thơ vừa là lời ca ngợi những chiến thắng lừng lẫy của cuộc kháng chiến, vừa thể hiện những suy nghĩ sâu sắc về chặng đường phía trước của dân tộc ta.
c. Tóm tắt.
Bài thơ “Ta Đi Tới” được ra đời vào khoảng tháng 8 năm 1954. Qua đó, tác giả Tố Hữu ca ngợi chiến thắng oanh liệt mà cả quân và dân ta đã cùng nhau làm nên đồng thời gợi những nghĩ suy về chặng đường phía trước. Bài thơ không chỉ chứa đựng nỗi niềm, cảm xúc thời đại mà hơn thế nữa nó còn mang tính biểu tượng cao. Càng đọc tác phẩm, ta lại càng hiểu hơn về con người và phong cách sáng tác thơ ca của người thi nhân- Tố Hữu. Qua những lời thơ vô cùng mộc mạc và giản dị, bạn đọc có thể dễ dàng nhận thấy dường như nhà thơ Tố Hữu ngày càng có ý thức sâu sắc hơn về tinh thần dân tộc. Những lời thơ về nhân dân của một đất nước Việt Nam quả cảm anh hùng, đã trải qua biết bao “vất vả, đau thương, tươi thắm vô ngần” vang lên thật thấm thía và xúc động biết bao. Với tấm lòng yêu nước thiết tha cùng tinh thần anh dũng, quyết tâm đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng của nước nhà, không chỉ người cách mạng Tố Hữu mà còn toàn thể các chiến sĩ ra trận, họ luôn vững bước trên con đường kháng chiến, không ngại khó khăn gian ngại, dù có phải trèo đèo lội suối, họ vẫn luôn một lòng vì nước vì dân.
d. Bố cục văn bản “Ta đi tới”.
Bố cục bài thơ bao gồm 3 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến “Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền”: Cảm nhận vẻ đẹp của đất nước qua hàng ngàn trang lịch sử của đất nước để chúng ta thấy được đất nước ngày này đẹp đẽ đến nhường nào.
- Phần 2: Tiếp đến “Tiếng của em thánh thót quanh làng”: Ngược dòng cảm xúc bồi hồi khi nhớ lại kỷ niệm về những ngày tháng chiến đấu quả cảm, oai hùng.
- Phần 3: Còn lại: Cảm xúc chứa đựng đầy nỗi suy tư của nhà thơ khi khẳng định lại tinh thần kiên trung, bất diệt của dân tộc ta khi phải đối mặt với kẻ thù hung bạo và tấm lòng thủy chung của con em dân tộc Việt Nam ta chung một mái nhà.
e. Giá trị nội dung
Bài thơ Ta đi tới của Tố Hữu thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất và sức mạnh của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Qua đó, thể hiện lòng tự hào trước những chiến công và niềm tin vào tương lai chiến thắng của dân tộc ta.
f. Giá trị nghệ thuật
- Ngôn ngữ bài thơ giàu cảm xúc, tác giả sử dụng nhiều động từ mạnh.
- Sử dụng hiệu quả các biện pháp tu từ như điệp ngữ,…
>> Xem thêm: Soạn văn 8 kết nối tri thức
2. Soạn bài Ta đi tới văn 8 tập 1 kết nối tri thức: Sau khi đọc
2.1 Câu 1 trang 28 SGK Văn 8/1 kết nối tri thức:
Đọc trích đoạn bài thơ, em hình dung như thế nào về bối cảnh lịch sử (không gian, thời gian, những sự kiện quan trọng…) đã gợi nguồn cảm hứng thơ ca cho tác giả?
Trả lời:
Bối cảnh lịch sử của bài thơ Ta đi tới:
- Không gian: rộng lớn, trải dài khắp các tỉnh, vùng miền núi phía Bắc (Thái Nguyên, Điện Biên, Phú Thọ, Tây Bắc,… đến vùng trung du với “rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt”; từ Thủ đô Hà Nội cho đến khu Ba, khu Bốn; từ các tỉnh ở vùng Tây Nguyên: Kon Tum, Đắc Lắc cho đến Thành phố Hồ Chí Minh “rực rỡ tên vàng” và cả các tỉnh miền Tây như Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang…) → Đây chính là địa bàn hoạt động của cuộc kháng chiến chống Pháp.
- Thời gian: thời điểm diễn ra cuộc cách mạng tháng Tám, từ mùa thu năm 1945, kéo dài suốt chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp đến khi kết thúc thắng lợi với chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
- Những sự kiện quan trọng: Cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi.
⇒ Cảm hứng của tác giả: Bài thơ vừa ca ngợi chiến thắng, vừa gợi suy nghĩ về đoạn đường sắp tới. Bài thơ còn chứa đựng những cảm xúc thời đại, và mang tính biểu tượng cao.
2.2 Câu 2 trang 28 SGK Văn 8/1 kết nối tri thức:
Nhìn lại chặng đường cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp “ba ngàn ngày không nghỉ” nhà thơ đã bộc lộ cảm xúc gì? Theo em, đây chỉ là cảm xúc của cá nhân nhà thơ hay còn là cảm xúc chung của cộng đồng? Vì sao?
Trả lời:
- Nhìn lại chặng đường của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp “ba ngàn ngày không nghỉ”, nhà thơ đã bộc lộ rõ cảm xúc vô cùng tự hào, vui sướng khi đất nước ta giành chiến thắng, đồng thời cũng thể hiện sự căm thù lũ giặc sâu sắc, lòng xót thương cho những khó khăn vất vả mà chiến sĩ, nhân dân ta đã phải trải qua.
- Theo em, đây không chỉ là cảm xúc của cá nhân nhà thơ mà còn là cảm xúc chung của cả cộng đồng. Bởi vì cộng đồng luôn khao khát được tự do, cộng đồng sót thương cho những người đã phải nằm xuống, đã hy sinh xương máu để bảo vệ quê hương, đất nước, họ cũng là người con, người chồng, người cha… đã dũng cảm đứng lên chiến đấu để bảo vệ cho gia đình, cho Tổ quốc.
2.3 Câu 3 trang 28 SGK Văn 8/1 kết nối tri thức:
Xác định hình ảnh trung tâm của đoạn trích. Hình ảnh đó có mối liên hệ với những hình ảnh nào khác trong đoạn trích.
Trả lời:
Hình ảnh trung tâm của đoạn trích:
- Nhà thơ Tố Hữu đã xây dựng nên hình ảnh “con đường” - đây là một hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng. Hình ảnh này được xuất hiện nhiều lần trong bài thơ: “Trên đường cái, ung dung ta bước/ Đường ta rộng thênh tháng tám thước/ Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên/ Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên/ Đường cách mạng, dài theo kháng chiến/ Đến hôm nay đường xuôi về biển/ Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi…”.
- “Con đường” được nói đến trong bài thơ không chỉ là con đường giao thông nối liền các vùng miền, mà nó còn là con đường cách mạng, con đường mà cả dân tộc đang vững bước đi lên.
⇒ Hình ảnh con đường có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ với các hình ảnh khác trong đoạn trích, đặc biệt là với hình ảnh đôi bàn chân. Điều này không chỉ phù hợp với nhan đề mà tác giả đặt ra, mà còn làm nổi bật lên tinh thần sôi nổi, khí thế mạnh mẽ và vững vàng của cả dân tộc.
2.4 Câu 4 trang 28 SGK Văn 8/1 kết nối tri thức:
Những địa danh nào được nhắc đến trong đoạn trích? Theo em, việc xuất hiện một loạt địa danh như vậy mang lại hiệu quả gì trong việc thể hiện tình cảm của tác giả?
Trả lời:
- Những địa danh được xuất hiện trong đoạn trích: Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Tây Bắc, Điện Biên, Thái Nguyên; Phú Thọ, sông Lô, bến nước Bình Ca; Hà Nội, Trung Hà, Hưng Hóa, khu Ba, khu Bốn, sông Thao; Nam Bộ, Hậu Giang, Tiền Giang, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Nam - Ngãi, Bình - Phú, Khánh Hòa, Phan Thiết, Phan Rang, Tây Nguyên, Công Tum, Đắc Lắc, khu Năm, sông Hương, Bến hải và Cửa Tùng...
- Việc mỗi loạt địa danh xuất hiện như vậy mang lại hiệu quả cao cho bài thơ: Tái hiện lại các địa danh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - đó là một phần quan trọng của hành trình chiến đấu, đồng thời thể hiện được cảm xúc vui sướng tự hào khi cuộc kháng chiến giành thắng lợi.
2.5 Câu 5 trang 28 SGK Văn 8/1 kết nối tri thức:
Trong đoạn trích, tác giả sử dụng lặp đi lặp lại cấu trúc: “Ai…”, “Đường…”. Hãy phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật ấy.
Trả lời:
Tác dụng của biện pháp nghệ thuật lặp đi lặp lại cấu trúc "Ai..." và "Đường..." trong đoạn trích "Ta đi tới" là:
- Nhấn mạnh chủ đề, khẳng định con đường đi tới tương lai: Cấu trúc "Ai..." liên tiếp đặt ra những câu hỏi tu từ, khơi gợi sự tò mò, thu hút sự chú ý của người đọc. Bên cạnh đó, cấu trúc "Đường..." liên tiếp đưa ra câu trả lời, khẳng định con đường đi tới tương lai tươi sáng của dân tộc.
- Tạo nhịp điệu sôi nổi, hào hùng: Việc lặp đi lặp lại cấu trúc tạo nên nhịp điệu dồn dập, thể hiện khí thế hăng hái, sôi nổi của dân tộc trong cuộc kháng chiến.
- Gợi hình ảnh ẩn dụ: "Ai..." tượng trưng cho những con người Việt Nam kiên cường, bất khuất, luôn sẵn sàng chiến đấu cho độc lập tự do. Trong khi đó, "Đường..." tượng trưng cho con đường đi tới tương lai tươi sáng của dân tộc, con đường của chủ nghĩa xã hội.
- Tăng sức biểu cảm cho bài thơ: Biện pháp nghệ thuật này giúp thể hiện niềm tự hào, tin tưởng vào tương lai của dân tộc. Đồng thời khơi gợi cảm xúc hăng hái, quyết tâm trong mỗi người đọc.
2.6 Câu 6 trang 28 SGK Văn 8/1 kết nối tri thức:
Nhận xét về cách đặt nhan đề bài thơ.
Trả lời:
Cách đặt nhan đề của bài thơ đã thể hiện rõ:
- Khái quát được nội dung: Nhan đề "Ta đi tới" giống như một lời khẳng định mạnh mẽ về con đường đi tới tương lai của dân tộc Việt Nam ta sau Cách mạng tháng Tám.
- Thể hiện chủ đề bài thơ: Nhan đề thể hiện niềm tin vào một tương lai tươi sáng của đất nước, đồng thời thể hiện tinh thần, ý chí quyết tâm của con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Gây ấn tượng mạnh: Nhan đề ngắn gọn, súc tích mà dễ nhớ, tạo ấn tượng mạnh mẽ với người đọc.
⇒ Nhan đề "Ta đi tới" là một câu thơ ngắn gọn, súc tích, thể hiện rõ chủ đề xuyên suốt bài thơ: khẳng định con đường đi tới tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam ta.
Trên đây VUIHOC đã cùng các bạn Soạn bài Ta đi tới Văn 8 tập 1 kết nối tri thức. Bài thơ thể hiện niềm tin vào tương lai tươi sáng của dân tộc Việt Nam, đồng thời khẳng định ý chí quyết tâm của con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để học nhiều hơn các kiến thức của các môn học thì các em hãy nhanh tay truy cập và website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!
>> Mời bạn tham khảo thêm:
- Thực hành tiếng Việt trang 16
- Quang Trung đại phá quân Thanh
- Thực hành tiếng Việt trang 24