Phôi thai là gì và hình thành từ tuần thứ mấy là vấn đề mà nhiều người khi đang có ý định bắt đầu bước vào thai kỳ quan tâm. Để giải đáp thắc mắc này và giúp bạn đọc đang quan tâm về sự hình thành và quá trình bác triển của phôi thai. ThS.BSNT Lê Uyên Phương - Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, BVĐK Tâm Anh TP.Hồ Chí Minh sẽ cung cấp những thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây.
Phôi thai là gì?
Phôi thai là mầm sống mới phát triển ở giai đoạn gần như sơ khai nhất của quá trình mang thai. Trước khi là phôi thai, mầm sống nhỏ này là một hợp tử được tạo ra bằng sự kết hợp giữa noãn (trứng) và tinh trùng. Hợp tử sau đó sẽ tiếp tục phân chia tế bào liên tục để tạo thành phôi. Ở người, khoảng 24 - 26 giờ sau khi thụ tinh, hợp tử sẽ bắt đầu lần phân bào đầu tiên để tạo ra phôi có hai phôi bào. (1)
Trong 200 - 300 triệu tinh trùng được phóng vào âm đạo khi giao hợp chỉ có 300 - 500 tinh trùng tới nơi thụ tinh và chỉ có một tinh trùng lọt được vào bào tương noãn. Sự xâm nhập của tinh trùng vào noãn đã kích hoạt noãn và kéo theo đó là hàng loạt hiện tượng sinh học nối tiếp nhau xảy ra bên trong noãn.
Nhờ sự thụ tinh, cá thể mới được tạo ra mang đặc tính di truyền của cả bố và mẹ. Giới tinh di truyền sẽ được quyết định ngay từ khi thụ tinh. Nếu noãn kết hợp với tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y sẽ sinh con trai, nếu noãn kết hợp với tinh trùng mang nhiễm sắc thể X sẽ sinh con gái.
Sự phát triển của cá thể người sẽ trải qua nhiều giai đoạn gồm: thụ tinh, phôi phân chia, phôi dâu, phôi nang, phôi vị, phôi thần kinh và tạo cơ quan. Trong quá trình phát triển, phôi sẽ di chuyển dần từ ống dẫn trứng vào buồng tử cung của người phụ nữ.
Theo quy trình phát triển bình thường, hợp tử sẽ được hình thành sau khi có hiện tượng thụ tinh, bắt đầu phân chia, di chuyển và phát triển thành phôi nang vùi vào nội mạc tử cung vào cuối ngày thứ 6 sau khi thụ tinh, trước khi hình thành cơ thể thai nhi.
Phôi thai nằm ở đâu?
Phôi thai thường làm tổ ở đáy tử cung, phôi sẽ bắt đầu làm tổ vào khoảng ngày thứ 6 sau thụ tinh, tương ứng với ngày thứ 21 của chu kỳ kinh. Lúc này phôi sẽ ở giai đoạn phôi nang và niêm mạc tử cung ở giai đoạn chế tiết và tiếp tục phát triển. Ở cực phôi, lá nuôi được tạo ra từ tiểu phôi bào sẽ bám chặt vào lớp niêm mạc tử cung, vượt qua lớp biểu mô để tiến vào lớp đệm phá hủy mô tử cung chung quanh để toàn bộ phôi có thể lọt dần vào niêm mạc tử cung, chấp nhận sự làm tổ của phôi. (2)
Với trường hợp bất thường, phôi có thể làm tổ ở gần lỗ trong của ống cổ tử cung. Trường hợp này, rau sẽ bịt một phần hay toàn bộ lỗ trong cổ tử cung và được gọi là rau tiền đạo. Phôi cũng có thể làm tổ ở ngoài tử cung gây ra thai ngoài tử cung, ở bất kỳ vị trí nào ở trong ổ bụng, trên mặt buồng trứng hay trong vòi trứng. Trong ổ bụng, vị trí thường hay gặp nhất là phôi làm tổ ở túi cùng tử cung trực tràng.
Ít khi phôi làm tổ lạc chỗ mà có thể phát triển bình thường, phôi thường bị chết và người mẹ có những tổn thương như xuất huyết nghiêm trọng. Chửa ở vòi trứng là thường gặp nhất với trường hợp thai ngoài tử cung. Trong trường hợp này vòi trứng sẽ vỡ trong khoảng tháng thứ 2 của thời kỳ phôi, gây xuất huyết và nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ.
Phôi thai có từ tuần thứ mấy?
Theo bác sĩ Lê Uyên Phương cho biết, sau khi quá trình thụ thai diễn ra, tinh trùng gặp được noãn tạo thành hợp tử. Từ khi noãn được thụ tinh ở đoạn bóng của ống dẫn trứng cho đến giai đoạn phôi nang và thoát màng, phôi trôi tự do dọc theo ống dẫn trứng vào buồng tử cung, sau đó bắt đầu vùi vào nội mạc tử cung vào cuối ngày thứ 6 sau khi thụ tinh và kết thúc vào khoảng ngày thứ 13 - 14. (3)
Thông thường, chúng ta sẽ quan sát được hình ảnh phôi thai trên siêu âm qua ngả âm đạo vào khoảng tuần thứ 5 - 6. Có một số trường hợp có thai trứng trống, siêu âm vẫn có túi thai nhưng lại không có phôi thai.
Quá trình phát triển của phôi thai
Thông thường vào ngày 14 của chu kỳ kinh (với trường hợp chu kỳ kinh đều 28 ngày) sẽ có một noãn (trứng) rụng từ buồng trứng của người phụ nữ. Noãn được loa vòi trứng hứng lấy và rơi vào lòng của vòi trứng, sau đó vận chuyển về phía tử cung. Trên đường vận chuyển nếu gặp tinh trùng noãn sẽ thụ tinh tạo thành hợp tử. Hợp tử được tạo ra sẽ bắt đầu phân chia tế bào một cách liên tục và di chuyển dần về phía tử cung để làm tổ.
Hợp tử sẽ chứa bộ nhiễm sắc thể lưỡng bội (2n) gồm 23 nhiễm sắc thể từ mẹ và 23 nhiễm sắc thể từ cha. Bộ nhiễm sắc thể sẽ quyết định giới tính và đặc tính di truyền của em bé. Khi tiến dần vào buồng tử cung, phôi sẽ thoát màng và chuẩn bị cho việc làm tổ.
Khi phôi đã chuyển vào buồng tử cung sẽ có sự thay đổi rõ rệt về hình dạng, giai đoạn này gọi là phôi nang. Phôi nang sẽ có hai phần bao gồm khối các tế bào trong (inner cell mass) đây là phần chính để phát triển thành thai nhi sau này và một phần khác là các tế bào lá nuôi (trophectoderm), đây là phần chính để phát triển thành nhau thai, có nhiệm vụ cung cấp dinh dưỡng cho thai. Cuối ngày thứ 5 phôi sẽ thoát màng để bám vào tử cung. Khi phôi làm tổ thành công và phát triển thành thai nhi.
Phôi làm tổ là gì?
Thông thường, phôi thai sẽ di chuyển vào buồng tử cung qua con đường ống dẫn trứng và cấy xuống lớp niêm mạc tử cung để làm tổ vào khoảng ngày 10-14 sau khi thụ thai. Quá trình phôi làm tổ có thể gây nên hiện tượng xuất huyết do một số ít mao mạch nhỏ bị phá vỡ. Chị em có thể quan sát được là có ra huyết âm đạo ít, nhỏ giọt, có màu nâu đen hoặc hồng nhạt và kéo dài khoảng 1-2 ngày.
Tình trạng ra huyết do phôi làm tổ thường gần với ngày hành kinh bình thường của người phụ nữ vì vậy có nhiều chị em nhầm lẫn ngày hành kinh với tình trạng xuất huyết khi phôi làm tổ. Tuy nhiên, nếu có xuất huyết ít kèm theo các dấu hiệu sớm của thai kỳ như:
- Căng, đau vú hoặc núm vú;
- Bụng có cảm giác khó chịu;
- Nôn hoặc buồn nôn;
- Thèm ăn hoặc không muốn ăn đồ gì đó;
- Mệt mỏi;
- Tâm trạng thay đổi;
- Đi tiểu nhiều hơn…
Triệu chứng phôi làm tổ không phải đều xuất hiện ở tất cả trường hợp phụ nữ mang thai. Chị em muốn chắc chắn về tình trạng của mình có thể đến bệnh viện để làm xét nghiệm, siêu âm để biết chính xác nhất.
Những lưu ý giúp phôi thai phát triển khỏe mạnh
Làm sao để phôi thai phát triển khỏe mạnh trong tử cung và có thai kỳ suôn sẻ là điều mà chị em nào cũng mong đợi. Vào thời điểm phát hiện có thai chị em nên chú ý hơn về chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày như: (4)
- Chế độ quân bình dinh dưỡng, không cần thiết phải ăn quá nhiều nhưng cần bổ sung đủ các dưỡng chất cần thiết khi mang thai như sắt (giúp bổ sung máu) axit folic (giúp ngăn ngừa tình trạng dị tật ống thần kinh), vitamin và khoáng chất.
- Tránh các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá, hạn chế ăn các thực phẩm có gia vị cay nóng, đồ sống…
- Ngủ đủ giấc và đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt.
- Lối sống lành mạnh kết hợp những bài tập thể dục nhẹ nhàng, giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan và tránh căng thẳng.
IVFTA-HCM luôn chắt chiu những cơ hội dù là nhỏ nhất để ba mẹ có thể sớm đón con yêu về nhà. Sở hữu những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản cùng hệ thống phòng Lab, hệ thống tủ nuôi cấy phôi hiện đại giúp nâng cao tỷ lệ có thai khi điều trị hỗ trợ sinh sản với các cặp vợ chồng.
Với lợi thế nằm trong bệnh viện đa khoa, IVFTA-HCM có sự liên kết và hỗ trợ mật thiết từ Trung tâm sản phụ khoa, khoa Nhi-Sơ sinh, Trung tâm tim mạch, Trung tâm xét nghiệm, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh… giúp cho hành trình từ lúc ươm mầm đến lúc mang thai và sinh con của Mẹ sẽ được suôn sẻ nhất.
Để tìm hiểu thêm các thông tin về phôi thai tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Hệ thống BVĐK Tâm Anh TP.HCM, bạn có thể liên hệ:
Hy vọng bài viết đã cung cấp đầy đủ thông tin về vấn đề phôi thai đến với các độc giả đang quan tâm. Để được tư vấn và biết thêm chi tiết về vấn đề này, anh chị có thể liên hệ đến IVFTA-HCM để được giải đáp.