Theo các nguồn tin, ưu tiên chính của Thổ Nhĩ Kỳ khi đến tham gia hội nghị lần này là thảo luận về cuộc chiến ở Gaza và mối quan hệ với AL, một nguồn tin ngoại giao nước này cho biết hôm 9/9.
Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã lên án Israel vì cuộc chiến chống lại nhóm Hamas ở Gaza và tham gia các bước hướng tới việc buộc Tel Aviv phải đối mặt với cáo buộc diệt chủng tại Tòa án Quốc tế, chứng kiến mối quan hệ không mấy tốt đẹp với AL trong những năm gần đây.
Trong khi đã hàn gắn mối quan hệ căng thẳng lâu dài với Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Xê Út, Ankara vẫn bất đồng quan điểm với các thành viên khác của AL, bao gồm cả Syria.
Sau khi cuộc chiến ở Gaza bùng nổ, Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia một nhóm liên lạc chung được thành lập tại hội nghị thượng đỉnh của AL và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) để tìm cách chấm dứt chiến sự.
Nguồn tin của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết lời mời được gửi đến Ngoại trưởng Hakan Fidan của họ là phản ánh "mối quan tâm ngày càng tăng" đối với vai trò khu vực của Ankara và cải thiện mối quan hệ với các thành viên của AL, đồng thời nói thêm rằng Ankara muốn tăng cường quan hệ thể chế và hợp tác với nhóm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với các thành viên của AL có thể giúp thúc đẩy "các giải pháp cho các vấn đề khu vực hiện tại và hợp tác cụ thể trong tương lai".
Ankara và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đang đàm phán về việc đảm bảo một thỏa thuận thương mại tự do vào cuối năm nay.
Hôm 7/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã kêu gọi thành lập một liên minh các quốc gia Hồi giáo chống lại cái mà ông gọi là mối đe dọa "bành trướng" của Israel. Lần cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ tham gia một cuộc họp của AL là vào năm 2011, thời điểm ông Erdogan còn là thủ tướng.