Phần lớn trường hợp tụ máu dưới da ( bầm máu dưới da) không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, những vết bầm tím sưng tấy, đau đớn cần được chăm sóc đúng cách. Ngoài ra, đây còn có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.
Tìm hiểu chung
Tụ máu dưới da là gì?
Tụ máu bầm dưới da xảy ra khi da hoặc mô dưới da bị chấn thương, khiến các mao mạch bên dưới da vỡ ra, máu rò rỉ ra ngoài. Tuy nhiên, da không bị rách nên sẽ không có tình trạng máu chảy ra ngoài.
Máu từ mao mạch dưới da chảy vào các mô xung quanh, dẫn đến tình trạng máu tụ dưới da. Khác với xuất huyết là chảy máu liên tục, máu tụ dưới da thường đông lại một phần và tạo thành vết bầm tím.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của tụ máu dưới da là gì?
Hiện tượng máu tụ dưới da có khả năng gây kích ứng và viêm. Các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí và kích thước của vệt máu bầm. Tuy nhiên, nhìn chung ở vị trí tụ máu sẽ xuất hiện những dấu hiệu như:
- Sưng đỏ, sau đó chuyển dần sang màu tím, đen, vàng rồi tự biến mất nếu không nghiêm trọng.
- Vết tụ máu dưới da đau nhức, nhất là khi chạm vào.
- Nóng.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bị tụ máu dưới da, khi nào nên gặp bác sĩ? Bạn cần gặp bác sĩ nếu các triệu chứng tụ máu nghiêm trọng hoặc kích thước của vệt máu bầm tiếp tục tăng lên. Những trường hợp nghiêm trọng như tụ máu dưới da sau chấn thương đầu cần được chăm sóc y tế và có thể phẫu thuật nhanh chóng, đặc biệt nếu chúng có liên quan đến các vấn đề về thần kinh.
Trong đó, trường hợp trẻ bị ngã tụ máu dưới da đầu là biểu hiện đáng lo ngại. Bạn cần nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện nếu chấn thương đi kèm với các biểu hiện như nôn ói, thiếu tập trung, ngủ nhiều, bước đi loạng choạng… Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường của bé sau khi gặp chấn thương vùng đầu, ba mẹ cũng nên đưa bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây tụ máu dưới da
Bất kỳ chấn thương vật lý nào, từ va chạm đơn thuần hay tai nạn xe cộ, đều có khả năng gây tụ máu bầm dưới da. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể dẫn đến tình trạng này, bao gồm:
- Tác dụng của thuốc chống đông máu (aspirin, warfarin, clopidogrel, dipyridamole…)
- Người được xạ trị hoặc hóa trị
- Nhiễm virus hoặc các bệnh ảnh hưởng đến quá trình đông máu (xơ gan, hemophilia, thiếu hụt vitamin K, suy tuỷ xương…)
- Giảm tiểu cầu, ban xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát
- Bệnh bạch cầu
- Nhiễm khuẩn huyết
- Một số bệnh nhiễm trùng hoặc bệnh tự miễn như:
- Lupus
- Viêm khớp dạng thấp
- Hội chứng chèn ép khoang là một biến chứng hiếm gặp của chảy máu và tụ máu do chấn thương.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những xét nghiệm nào dùng để chẩn đoán tụ máu dưới da?
Kiểm tra hiện tượng tụ máu dưới da bao gồm khám lâm sàng cùng với hỏi tiền sử mắc bệnh và gặp chấn thương. Sau đó, tùy thuộc vào tình hình, các xét nghiệm sau đây có thể cần thiết, bao gồm:
- Tổng phân tích tế bào máu (CBC)
- Xét nghiệm đông máu gồm INR và thời gian prothrombin
- Sinh thiết tủy xương.
Một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh đôi khi cũng có thể được chỉ định, chẳng hạn như X quang, chụp cắt lớp vi tính CT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI.
Cách làm tan máu tụ dưới da
Cách làm tan tụ máu dưới da sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, vị trí tụ máu, những bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng và triệu chứng xảy ra. Tụ máu dưới da tay chỉ cần theo dõi nếu bệnh nhân cử động bình thường, trong khi bị tụ máu dưới da đầu có thể được yêu cầu phẫu thuật ngay để cứu sống mô não. Nếu là tụ máu dưới da do thuốc, bác sĩ sẽ hướng dẫn điều chỉnh các loại thuốc đang dùng…
Vì vậy, khi có khối máu tụ dưới da không rõ nguyên nhân, không thuyên giảm hoặc ngày càng lớn hơn thì bạn nên đi khám để tìm nguyên nhân cụ thể mới có thể điều trị trúng đích được.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Bị tụ máu dưới da nên làm gì?
Nếu tụ máu dưới da sau chấn thương, bạn có thể chăm sóc tại nhà bằng cách sau:
- Nghỉ ngơi
- Chườm đá bọc bằng khăn sạch hoặc túi chườm lạnh mỗi lần không quá 15 phút, 4-8 lần một ngày trong 1 - 2 ngày sau khi bị thương.
- Chườm ấm sau khi bị thương từ 2 ngày trở lên.
- Băng cố định vùng chấn thương bằng gạc mềm.
- Kê cao vùng bị thương để giảm sưng và giảm đau.
- Uống thuốc giảm đau thông thường như paracetamol.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về hiện tượng tụ máu bầm dưới da, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.