Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Bác sĩ Nội soi tiêu hoá - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
U đầu tụy là một căn bệnh vô cũng nguy hiểm, bên cạnh việc gây vàng da tắc mật ra u đầu tụy còn gây ra những biến chứng nguy hiểm khác. Nếu không được xử lý đúng, kịp thời sẽ không hồi phục hệ thần kinh trung ương và gây ra di chứng tâm thần kinh nặng và tàn phế.
1. Vai trò của tụy đối với cơ thể
Chúng ta biết tụy là một cơ quan giống hình chiếc búa gồm 3 phần: đầu, thân và đuôi. Tụy có trọng lượng khoảng 80g, kích thước trung bình dài 15 cm, cao 6cm, dày 3cm. Tụy nằm phía dưới dạ dày và trước cột sống.
Ở tụy có hai nhóm tế bào: tế bào tụy ngoại tiết (tiết ra các men đổ vào ruột non để tiêu hóa thức ăn) và tế bào tụy nội tiết (tiết ra nhiều loại hormone đổ vào máu đến tác động ở cơ quan đích). Các tế bào tiết ra hormone của tụy tạo thành nhóm và được gọi là đảo Langerhans.
2. U đầu tụy có nguy hiểm không?
U tụy nội tiết là một căn bệnh hiếm gặp nhưng có ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống cũng như tính mạng của người bệnh.
Đây là một bệnh lý nội tiết rất nặng, nếu không được xử lý đúng, kịp thời những cơn hạ đường huyết kéo dài này sẽ làm tổn thương vĩnh viễn, không hồi phục hệ thần kinh trung ương và gây ra di chứng tâm thần kinh nặng và tàn phế ở trẻ em.
U tụy được chia thành 2 loại là u lành tính u ác tính. U lành tính tuyến tụy rất hiếm gặp, phát triển chậm và không di căn trong khi đó ung thư tuyến tụy lại bệnh lý ác tính đặc biệt nguy hiểm, đứng thứ 2 trong các nguyên nhân gây tử vong của ung thư đường tiêu hóa, sau ung thư đại trực tràng.
Ung thư có thể phát triển ở bất kì vị trí nào của tụy, phổ biến nhất là ung thư đầu tụy. Ung thư đuôi tụy ít phổ biến nhất, chỉ chiếm khoảng 5 - 10% ca mắc. Nhìn chung, ung thư tụy dù khởi phát ở bất kì vị trí nào đều cũng rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, so với các vị trí khác, ung thư đầu tụy được đánh giá là có các triệu chứng bệnh thường xuất hiện sớm hơn ung thư thân và đuôi tụy, tỷ lệ phẫu thuật cắt bỏ cao hơn và tiên lượng cũng tốt hơn.
3. Triệu chứng của bệnh u đầu tụy
U đầu tụy chèn ép mật khiến bệnh nhân có một số biểu hiện như:
- Vàng da, ngứa da
- Phân bạc màu
- Tiêu chảy
- Tiêu phân mỡ
- Bệnh nhân có cảm giác đau vùng thượng vị, cơn đau có thể lan ra sau lưng khi ung thư xâm lấn đám rối tạng sau phúc mạc
- Khi ung thư xâm lấn chèn ép tá tràng, bệnh nhân sẽ có cảm giác nôn ói, chảy máu tiêu hóa trên...
Nhìn chung, ung thư tuyến tụy rất nguy hiểm, ngay cả ở ung thư giai đoạn sớm. Tiên lượng cho bệnh nhân ung thư tuyến tụy giai đoạn I chỉ khoảng 12 - 14%, giai đoạn II khoảng 5 - 7%, giai đoạn III khoảng 3% và ở giai đoạn cuối tiên lượng sống sau 5 năm chẩn đoán bệnh chỉ khoảng 1%.
4. U đầu tụy có nên mổ không?
Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư tuyến tụy như thế nào phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Một số phương pháp có thể được bác sĩ chỉ định là:
- Phẫu thuật: phẫu thuật là một trong những phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân ung thư tụy giai đoạn đầu. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến tụy. Chỉ có khoảng 20% bệnh nhân ung thư tụy đáp ứng được yêu cầu phẫu thuật vì đa số các trường hợp chẩn đoán đều đã ở giai đoạn muộn hay di căn.
- Hóa trị: sử dụng hóa trị để ngăn chặn ung thư phát triển. Tuy nhiên, ung thư tuyến tụy ít nhạy với hóa chất hơn một số bệnh ung thư khác
- Xạ trị: sử dụng xạ trị để tiêu diệt tế bào ung thư. Bên cạnh đó thuốc hóa trị có tác dụng tăng độ nhạy của tia xạ.
Sau khi phẫu thuật xong, người bệnh cần được nghỉ ngơi, chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp và đôi khi cần bổ xung thêm các men tiêu hóa hoặc insulin để bù đắp phần thiếu hụt của cơ thể do phần tụy bị cắt bỏ
Hóa trị có thể giúp tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và được sử dụng rộng rãi trong điều trị ung thư tuyến tụy. Ở một số bệnh nhân, hóa trị liệu có thể được đưa ra như một phương pháp điều trị bổ trợ (sau khi cắt bỏ) hoặc điều trị tân bổ trợ (trước khi cắt bỏ). Đôi khi hóa trị sẽ được phối hợp cùng xạ trị hay còn gọi là hóa xạ trị đồng thời.
Sau khi điều trị, người bệnh cần được hẹn thăm khám định kỳ để phát hiện sớm bệnh quay trở lại. Xét nghiệm chỉ số CA19.9 cùng với việc chụp CT/scan nên được làm định kỳ hoặc khi người bệnh có bất kỳ triệu chứng gì khác.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại. Bệnh viện cung cấp dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp, không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.