Bệnh nhân ung thư vòm họng nên ăn đa dạng, cân đối các thành phần dinh dưỡng cơ bản, hạn chế trái cây họ cam, quýt, thực phẩm chế biến sẵn, bia, rượu.
Ba tôi năm nay (54) tuổi, bị ung thư vòm họng. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi người bị ung thư vòm họng được ăn những thực phẩm nào và có phải kiêng gì không? (Tấn Hùng, quận 8, TPHCM).
Trả lời:
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư được gọi là cân bằng khi có thể cung cấp đầy đủ các nhóm thực phẩm, đảm bảo đủ năng lượng cho cơ thể, vào đúng thời điểm và đúng tần suất. Những thành phần chúng ta cần cung cấp đủ bao gồm:
- Tinh bột (Carbohydrate): Bánh mì, khoai tây, cơm, mì, bún,… là những thực phẩm thuộc nhóm tinh bột; cung cấp năng lượng cho cơ bắp và trí não.
- Đạm (Protein): Có nhiều trong cá và các loại hải sản, thịt nạc, thịt gia cầm, trứng, các loại đậu, các loại hạt,…; cung cấp các acid amin, xây dựng và phát triển tế bào cơ bắp, tế bào da và tóc, tế bào thần kinh, tế bào máu,…
- Béo (Lipid): Có nhiều trong bơ thực vật, dầu, đậu nành, đậu phộng, mè, hạt hướng dương, trứng, thịt, cá, hải sản,…; là thành phần không thể thiếu đối với việc cấu tạo các tổ chức như màng tế bào, mô thần kinh, tủy sống, não và nhiều cơ quan khác, giúp duy trì nhiệt độ cơ thể, bảo vệ cơ thể, thúc đẩy hấp thu các vitamin tan trong chất béo.
- Trái cây và rau củ: Cung cấp chất xơ, vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa.
- Sữa và các chế phẩm từ sữa (phô mai, bơ, váng sữa,…): Được xem là một hỗn hợp của protein chất béo và carbohydrate; nên chọn loại sữa ít béo hoặc tách béo, không/ít đường.
- Nước: Bên cạnh việc dung nạp các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, bệnh nhân ung thư cần bổ sung đủ lượng nước mỗi ngày (tùy theo chiều cao, cân nặng, thời tiết, nhiệt độ môi trường sống và làm việc); thành phần nước chủ yếu nên là nước lọc, ngoài ra có thể kết hợp tỷ lệ nhỏ nước ép trái cây, sinh tố…
Bệnh nhân ung thư vòm họng thường gặp phải các ảnh hưởng trước điều trị (do căn bệnh gây ra), trong quá trình điều trị (do tác dụng phụ tức thì của phương pháp hóa trị - xạ trị lên vùng miệng, họng, thực quản, dạ dày, tuyến nước bọt…) và sau khi ngừng điều trị (do tác dụng phụ kéo dài). Chế độ dinh dưỡng hiệu quả sẽ giúp bệnh nhân có được sức khỏe tốt để vượt qua thời gian điều trị, cũng như nhanh chóng hồi phục sau điều trị. Một số tác dụng phụ thường gặp là khô miệng (do giảm tiết nước bọt), thay đổi vị giác hoặc khó nhai nuốt.
Đặc biệt lưu ý, trong quá trình xạ trị, do tổn thương viêm gây đau vùng miệng- họng, do khô miệng vì giảm hoạt động của tuyến nước bọt, nên có thể cần hạn chế một số loại thực phẩm sau:
- Các chất chứa nhiều acid (như cam, chanh, bưởi, quýt, tắc,…), các loại trái cây có vị chua khác như dâu tây, dứa, xoài xanh,… có thể gây đau rát vòm họng.
- Các thực phẩm gây khó nuốt vì quá khô hoặc vì kích thước lớn (như xôi, quả hạch, ngũ cốc nguyên cám,…) vì sẽ gây khó khăn cho quá trình nuốt và tiêu hóa thức ăn.
- Thực phẩm chế biến sẵn, đồ nướng, đồ chiên rán, các loại thịt/cá xông khói,…
- Thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vùng họng, khiến người bệnh khó chịu, đau rát.
- Bia, rượu và các thức uống có cồn.
Bệnh nhân ung thư vòm họng, trong và sau khi xạ trị, nên áp dụng một vài nguyên tắc sau trong ăn uống:
- Dùng thực phẩm ở dạng lỏng, chế biến thành miếng nhỏ để dễ nhai và dễ nuốt.
- Chế độ ăn cần đa dạng, đầy đủ và cân đối các thành phần dinh dưỡng cơ bản, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ để đảm bảo đủ tổng năng lượng trong ngày.
- Bổ sung nước liên tục bằng cách uống vài ngụm nhỏ mỗi 30-45’, trước và trong khi ăn, hoặc khi cảm thấy khô miệng.
Bệnh nhân và thân nhân có thể trao đổi với bác sĩ ung bướu và bác sĩ dinh dưỡng để được hướng dẫn chế độ ăn uống. Bởi vì lượng dinh dưỡng đúng và đủ của từng người tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới tính, cân nặng, chiều cao, bệnh lý nội ngoại khoa đi kèm, giai đoạn bệnh ung thư và phương pháp điều trị. Chế độ dinh dưỡng cần được cá thể hóa với sự hỗ trợ về chuyên môn từ bác sĩ ung bướu và bác sĩ dinh dưỡng, để đem lại hiệu quả tốt nhất.