Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Bệnh tiêu chảy cấp rất phổ biến và nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tác nhân hàng đầu là Virus Rota. Sự ra đời của vắc xin Rota virus là một biện pháp hiệu quả để phòng tránh viêm dạ dày ruột do rota virus. Miễn dịch chủ động này do uống vắc xin Rota virus sẽ giúp cơ thể tạo miễn dịch suốt đời
Vắc-xin Rotarix giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự lây nhiễm dẫn đến bị tiêu chảy do rota. Virus Rota gây bệnh tiêu chảy có diễn biến rất nặng, trẻ sẽ có biểu hiện sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy nặng, mất nước, nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy các bậc phụ huynh cần lưu ý để không bỏ lỡ thời gian cho trẻ uống vắc-xin ngừa virus Rota.
1. Giới thiệu nguồn gốc vắc-xin Rotarix
Vắc-xin rotarix được sản xuất bởi công ty Glaxo SmithKline (Bỉ) và được Cục quản lý Dược - Bộ Y tế phê duyệt theo Số đăng ký lưu hành tại Việt Nam: QLVX-1049-17 cấp ngày 24/10/2017 (Đợt 34).
2. Quy cách đóng gói và bào chế vắc-xin
Hộp 1 ống hỗn hợp dung dịch uống đóng sẵn có chứa 1,5ml vắc-xin, có pít tông có nút chặn và nắp bảo vệ.
3. Chỉ định và chống chỉ định
3.1 Chỉ định
Trẻ từ 6 -24 tuần tuổi phòng viêm dạ dày - ruột do rotavirus type huyết thanh G1 hoặc không phải G1 (như G2, G3, G4, G9) gây ra
3.2 Chống chỉ định
- Trẻ quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin.
- Không dùng liều 2 Rotarix khi biết trẻ có biểu hiện quá mẫn cảm sau khi sử dụng liều đầu tiên.
- Trẻ có tiền sử lồng ruột.
- Đối tượng có dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa, vì có thể gây nguy cơ lồng ruột.
- Trẻ bị rối loạn miễn dịch kết hợp trầm trọng (bệnh SCID)
- Tạm hoãn uống vắc-xin Rotarix khi trẻ đang sốt cao cấp tính hoặc khi trẻ đang có các triệu chứng bị tiêu chảy hoặc nôn mửa.
4. Liều dùng và cách dùng
4.1 Liều dùng
Uống 2 liều:
- Liều 1: Có thể cho trẻ uống từ khi 6 tuần tuổi
- Liều 2 cách liều 1 tối thiểu 4 tuần và nên hoàn thành trước 24 tuần tuổi
(Nếu liều đầu tiên đã uống Rotarix thì bắt buộc liều thứ 2 cũng phải uống Rotarix)
4.2 Cách dùng
Vắc-xin Rotarix chỉ dùng đường uống. Tuyệt đối không được tiêm cho trẻ trong bất cứ trường hợp nào. Vắc xin Rotarix có khả năng bám dính rất tốt vì vậy sau khi uống nếu trẻ có nôn trớ thì cũng không cần uống liều khác. Tuy nhiên nếu xác định rằng đã bị nôn trớ phần lớn vắc xin thì có thể uống lại.
5. Thận trọng khi sử dụng vắc-xin
Một số nghiên cứu cho thấy rằng có thể gia tăng nhẹ nguy cơ lồng ruột trong vòng khoảng 31 ngày, phần lớn là trong vòng 7 ngày sau khi sử dụng liều Rotarix đầu tiên. Do đó sau khi sử dụng vắc xin, trẻ cần được theo dõi các dấu hiệu của bệnh lồng ruột (đau bụng dữ dội, nôn kéo dài, phân có máu, chướng bụng và hoặc sốt cao). Khi gặp các triệu chứng trên cần cho trẻ thăm khám kịp thời.
Cần cân nhắc nguy cơ ngừng thở tiềm tàng và các biện pháp giám sát hô hấp trong vòng 48-72h khi chủng ngừa cho trẻ sinh non (đẻ trước hoặc bằng 28 tuần tuổi thai).
Không tiêm vắc-xin Rotarix trong bất kỳ trường hợp nào.
Có thể sử dụng Rotarix cùng lúc với các vắc xin đơn giá hoặc vắc xin kết hợp [(vắc xin 6 giá trị (DTPa-HBV-IPV/Hib)]: vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà toàn tế bào (DTPw), vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà vô bào (DTPa), vắc xin Haemophilus influenzae type b (Hib), vắc xin bại liệt tiêm bất hoạt (IPV), vắc xin viêm gan B, vắc xin cộng hợp viêm phổi và vắc xin cộng hợp viêm não huyết thanh nhóm C. Những nghiên lâm sàng chứng minh rằng đáp ứng miễn dịch và tính an toàn của những vắc xin dùng đồng thời không bị ảnh hưởng.
Sử dụng đồng thời Rotarix với vắc xin bại liệt uống (OPV) không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch của kháng nguyên bại liệt. Đáp ứng miễn dịch đối với Rotarix không bị ảnh hưởng nếu vaccine OPV được uống 2 tuần sau khi uống Rotarix.
6. Tác dụng không mong muốn
Tác dụng phụ thường gặp: tiêu chảy, kích ứng (nôn trớ), đầy hơi, đau bụng, sốt, mệt mỏi.
Tác dụng phụ ít gặp: quấy khóc, rối loạn giấc ngủ, ngủ lơ mơ, táo bón.
Tác dụng phụ hiếm gặp: viêm da, phát ban, chuột rút, khản tiếng, sổ mũi, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
7. Hướng dẫn sử dụng và bảo quản
- Vắc xin bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ từ 2 - 8 độ C hoặc ở nhiệt độ phòng (<370C). Bảo quản nguyên trong hộp để tránh ánh sáng.
- Không để đông đá. Sau khi hoàn nguyên, vắc xin được sử dụng ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh từ 2-8°C trong vòng 24 giờ.
- Sau 24 giờ phải loại bỏ vắc xin đã hoàn nguyên
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện cung cấp dịch vụ uống vắc-xin ngừa tiêu chảy do Rotavirus.
Những ưu điểm khi Quý khách hàng lựa chọn tiêm vắc-xin tại Vinmec bao gồm:
- Trẻ sẽ được các bác sĩ chuyên khoa nhi - vắc-xin thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc - xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế thế giới nhằm đảm bảo hiệu quả tốt nhất và an toàn nhất cho trẻ.
- Đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm chủng.
- 100% trẻ uống vac-xin được theo dõi 30 phút sau uống và đánh giá lại sức khỏe trước khi ra về.
- Được theo dõi đa khoa trước, trong và sau chủng tại Hệ thống y tế Vinmec và luôn có ekip cấp cứu sẵn sàng phối hợp với phòng tiêm chủng xử trí các trường hợp sốc phản vệ, suy hô hấp - ngừng tuần hoàn, đảm bảo xử lý kịp thời, đúng phác đồ khi có sự cố xảy ra.
- Phòng tiêm chủng thoáng mát, có khu chơi, giúp trẻ có cảm giác thoải mái như đang dạo chơi và có tâm lý tốt trước và sau khi tiêm chủng.
- Vắc-xin được nhập khẩu và bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP, giữ vắc-xin trong điều kiện tốt nhất để đảm bảo chất lượng.
- Bố mẹ sẽ nhận tin nhắn nhắc lịch trước ngày tiêm và thông tin tiêm chủng của bé sẽ được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Theo thông tin cục Quản lý Dược - Bộ Y tế phê duyệt theo Số đăng ký lưu hành tại Việt Nam: QLVX-1049-17 cấp ngày 24/10/2017 (Đợt 34).