1. Viêm gan B mãn tính là gì?
Những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus viêm gan B trong hơn sáu tháng (sau kết quả xét nghiệm máu đầu tiên) được chẩn đoán là bị viêm gan B mãn tính. Điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch của người bệnh đã không thể loại bỏ được virus viêm gan B và chúng vẫn còn trong máu cũng như gan.
Nguy cơ phát triển nhiễm trùng viêm gan B thành viêm gan B mãn tính cũng liên quan trực tiếp đến độ tuổi lần đầu tiên tiếp xúc với virus viêm gan B:
- 90% trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nhiễm bệnh sẽ bị viêm gan B mãn tính khi trưởng thành
- Hơn 50% trẻ em bị nhiễm bệnh (1-5 tuổi) sẽ phát triển thành viêm gan B mãn tính khi lớn lên
- Chỉ có 5-10% người lớn bị nhiễm bệnh sẽ phát triển thành viêm gan B mãn tính (nghĩa là, có đến 90% các trường hợp sẽ khỏi bệnh).
Do đó, khi biết bản thân mắc phải viêm gan B mãn tính, thay vì lo lắng viêm gan B mạn tính có nguy hiểm không, cần tiến hành các biện pháp điều trị tích cực sẽ cải thiện tiên lượng bệnh trong tương lai.
2. Viêm gan B mạn tính có nguy hiểm không?
Ước tính có khoảng 1 triệu người mỗi năm trên toàn cầu, bao gồm ít nhất 5000 người hàng năm ở Hoa Kỳ, tử vong vì bệnh viêm gan B mãn tính.
2.1. Các yếu tố tiên lượng khả quan
Những bệnh nhân xóa bỏ được kháng nguyên e viêm gan B (HBeAg) và không phát hiện được DNA của virus viêm gan B (HBV) trong xét nghiệm máu nhiều lần sẽ có kết quả lâm sàng được cải thiện tích cực, cụ thể là:
- Tốc độ tiến triển các biến chứng của bệnh chậm hơn
- Kéo dài thời gian sống mà không có biến chứng
- Giảm tỷ lệ ung thư và xơ gan
- Cải thiện lâm sàng và sinh hóa sau khi xơ gan mất bù
2.2. Ung thư biểu mô tế bào gan
Mọi người thường lo lắng “Viêm gan B mạn tính có nguy hiểm không” chính vì e ngại khả năng ung thư hóa trong tương lai.
Thật vậy, nhiễm viêm gan B mãn tính là nguyên nhân chính của khoảng 50% các trường hợp ung thư biểu mô tế bào gan trên toàn thế giới. Các nghiên cứu chỉ ra rằng nồng độ DNA của virus viêm gan B, cho biết sự nhân lên của virus, là một yếu tố dự báo mạnh mẽ cho bệnh xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan bất kể các yếu tố virus khác.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ đáng kể đối với khả năng sinh ung thư gan bao gồm:
- Lớn tuổi
- Có tiếp xúc với aflatoxin
- Sử dụng rượu
- Đồng nhiễm viêm gan C và D
- Tình trạng miễn dịch suy giảm
- Kiểu gen
- Đột biến lõi và tiền lõi
- Xơ gan
- Giảm tiểu cầu
2.3. Viêm cầu thận
Đây cũng là một trong các biến chứng của viêm gan B mạn tính. Tuy nhiên, tiên lượng của bệnh thận trong viêm gan B còn liên quan đến một số yếu tố, chẳng hạn như tuổi tác và khả năng đáp ứng với điều trị. Trẻ em bị viêm cầu thận màng sẽ có phản ứng với bệnh thuận lợi hơn người lớn, người da trắng tốt hơn bệnh nhân da đen và châu Á.
Khoảng 30-60% trường hợp mắc bệnh thận trong viêm gan B có khả năng tự thuyên giảm. Tuy nhiên, tiến trình của bệnh thận ở người lớn ở những khu vực lưu hành virus có thể không phải luôn là lành tính. Hơn nữa, dù có bất kể phương pháp điều trị nào, bệnh viêm gan B có diễn tiến lâm sàng chậm, nhưng không ngừng; đồng thời, có khoảng 1/3 số bệnh nhân dẫn đến suy thận tiến triển và cần điều trị lọc máu duy trì.
3. Viêm gan B mạn tính có chữa được không?
Biết rằng bản thân đã bị nhiễm viêm gan B mãn tính có thể gây khó chịu với không ít người. Bởi vì hầu hết mọi người không có triệu chứng và có thể được chẩn đoán hàng chục năm sau khi tiếp xúc lần đầu với virus viêm gan B, nên việc được chẩn đoán là viêm gan B mạn tính có thể là một cú sốc và bất ngờ. Dù vậy, nên ngừng lo lắng “Viêm gan B mạn tính có chữa được không” vì hầu hết những người mắc bệnh đều có cơ hội được sống lâu và khỏe mạnh.
Hiện nay đã có những liệu pháp điều trị bằng thuốc hiệu quả có thể kiểm soát và thậm chí ngăn chặn virus viêm gan B gây tổn hại thêm cho gan. Ngoài ra còn có những loại thuốc mới đầy hứa hẹn trong quá trình nghiên cứu có thể cung cấp phương pháp chữa bệnh trong tương lai rất gần. Mặc dù nguy cơ phát triển bệnh gan nghiêm trọng hoặc ung thư gan cao hơn đối với những người sống với viêm gan B mạn tính so với những người không bị nhiễm bệnh, vẫn có nhiều điều đơn giản mà người bệnh có thể làm để giúp giảm thiểu rủi ro mắc biến chứng trong tương lai:
- Lên lịch thăm khám định kỳ sáu tháng một lần (hoặc ít nhất mỗi năm) với bác sĩ chuyên khoa gan để được theo dõi sức khỏe gan thông qua xét nghiệm máu hoặc chẩn đoán hình ảnh.
- Tham vấn với bác sĩ về việc điều trị viêm gan B có hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh gan nghiêm trọng hoặc ung thư gan hay không. Điều quan trọng cần hiểu là không phải tất cả mọi người đều là đối tượng phù hợp để chỉ định điều trị; tuy nhiên, tất cả người bị viêm gan B mạn tính đều được hưởng lợi nếu theo dõi bệnh thường xuyên.
- Tham gia sàng lọc ung thư gan trong các lần khám định kỳ vì phát hiện bệnh sớm đồng nghĩa với việc có nhiều lựa chọn điều trị hơn và sống lâu hơn.
- Tránh hoặc hạn chế uống rượu và hút thuốc vì cả hai yếu tố này đều có thể gây ra rất nhiều tổn thương thêm cho gan.
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau vì thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ sẽ ảnh hưởng đến gan.
Tóm lại, viêm gan B mãn tính là nguyên nhân hàng đầu của xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan. Đây là một gánh nặng bệnh tật lớn không chỉ cho cá nhân mà còn của gia đình, xã hội. Do đó, thay vì lo lắng “viêm gan B mãn tính có khỏi được không”, bệnh nhân cần được cung cấp nhiều thông tin về bệnh ngay từ khi được chẩn đoán. Trong đó, quan trọng nhất là người bệnh phải được khuyến cáo rằng đây là bệnh lây truyền qua đường máu nên tránh lây nhiễm cho người khác; đồng thời, các thành viên trong gia đình nên sớm được kiểm tra xem có nhiễm virus gây viêm gan B hay không. Biện pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là tiêm chủng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.