Bộ xương là cơ quan đóng vai trò quan trọng đối với cấu trúc cơ thể, giúp cho cơ thể vận động và di chuyển, tham gia vào hoạt động của các cơ quan. Sự hình thành và cấu tạo xương dài bắt đầu từ giai đoạn bào thai, tiếp tục phát triển cũng như thay đổi liên tục trong suốt cuộc đời mỗi con người.
1. Đặc điểm của bộ xương
Xương hay mô xương có cấu tạo khác với các mô trong cơ thể. Đây là bộ phận có nhiều hình dạng và vai trò khác nhau như tham gia vào cấu trúc của cơ thể, bảo vệ các cơ quan và giúp cho cơ thể vận động, di chuyển. Tủy xương nằm bên trong có vai trò tạo ra các tế bào máu và dự trữ các khoáng chất, đặc biệt là canxi.
Ở giai đoạn sơ sinh và nhỏ tuổi, cơ thể con người có khoảng 270 xương mềm. Theo sự phát triển và trưởng thành, bộ xương cũng phát triển dài ra và một số xương sẽ hợp nhất với nhau. Vì vậy, đến giai đoạn trưởng thành, cơ thể con người có khoảng 206 chiếc xương, trong đó xương lớn nhất là xương đùi và xương nhỏ nhất là xương bàn đạp nằm ở tai giữa.
Cấu tạo xương dài và các xương khác trong cơ thể là protein collagen, các khoáng chất cần thiết như canxi, phospho làm cứng khung xương giúp tạo ra sức mạnh nâng đỡ cơ thể. Trong đó khoảng 99% hàm lượng canxi trong cơ thể được tích lũy ở răng và xương. Xương cũng là nguồn dự trữ canxi giúp duy trì nồng độ canxi máu trong giới hạn bình thường. Bộ xương khỏe mạnh ở người bình thường sẽ không bị dễ gãy.
Hệ xương của cơ thể liên tục được sửa chữa và tu sửa, điều này có thể được hiểu rằng mô xương cũ được thay thế bằng mô xương mới. Trong đó quá trình tiêu xương và tạo xương diễn ra liên trong suốt cuộc đời với các tốc độ khác nhau, thời điểm khác nhau và vị trí khác nhau trong bộ xương. Giai đoạn thời thơ ấu là thời kỳ bộ xương phát triển mạnh mẽ nhất, đến giai đoạn trưởng thành là thời kỳ duy trì bộ xương vững chắc và ổn định. Vì vậy, quá trình hình thành xương luôn lớn hơn quá trình tiêu xương ở thời thơ ấu đến giai đoạn khoảng 20 tuổi và đây cũng là giai đoạn khối lượng xương đạt đến đỉnh điểm.
2. Sự phát triển và cấu tạo xương dài ra như thế nào?
Bộ xương của con người được hình thành từ giai đoạn bào thai và phát triển khác nhau theo từng thời kỳ, giai đoạn.
2.1. Giai đoạn phôi thai
Ở giai đoạn này bộ xương được phát triển từ lớp trung bì và trải qua 3 giai đoạn gồm màng, sụn và xương. Trong đó, màng xương được hình thành vào tháng thứ nhất của giai đoạn thai kỳ. Sự phát triển từ màng xương thành sụn xương diễn ra vào đầu tháng thứ 2 và dần được thay thế bằng xương vào cuối tháng này của phôi thai.
Bước vào giai đoạn tháng thứ 3 của thai kỳ, phần khung xương của thai nhi phát triển với tốc độ nhanh, điều này được thể hiện qua sự phân chia rõ ràng các khớp khuỷu, đốt ngón tay và ngón chân. Đến giai đoạn tháng thứ 5 - 6 của thai kỳ các khớp ở tay và chân bắt đầu cử động, đến giai đoạn tháng 7 - 8 bắt đầu phát triển cơ quanh xương. Đến giai đoạn tháng cuối cùng của thai kỳ, bộ xương của trẻ về cơ bản đã thành xương cứng với đầy đủ các bộ phận, tuy nhiên xương vẫn rất mềm.
2.2. Giai đoạn sau sinh
Hệ xương người được chia thành 4 loại là xương dài, xương dẹt, xương ngắn và xương bất định hình. Trong đó cấu tạo mỗi loại gồm ba phần là xương đầu, xương thân và xương chi. Vị trí tiếp giáp giữa các đầu xương được gọi là khớp.
Cấu tạo của xương dài gồm hai đầu xương là các mô xương xốp chứa tủy đỏ xương, bao bọc bên ngoài hai đầu xương là lớp sụn. Phần giữa xương dài là thân xương hình ống có cấu tạo gồm màng xương mỏng nằm ở ngoài cùng, tiếp đến là vỏ xương và đến khoang xương chứa tủy xương. Xương ngắn, xương bất định và xương dẹt được cấu tạo với phần bên ngoài là mô xương cứng, bên trong là mô xương xốp có chứa tủy xương.
Vậy xương dài và to ra nhờ đâu? Theo đó, ở giai đoạn nhỏ tuổi phần lớn các xương được cấu tạo bởi chất liệu sụn, cùng với sự phát triển của cơ thể chất liệu sụn này dần biến đổi thành xương thông qua một quá trình được gọi là quá trình cốt hóa. Xương phát triển to ra về chiều ngang là nhờ vào các tế bào màng xương phân chia tạo ra các tế bào mới và đẩy các tế bào cũ vào trong rồi hóa xương. Xương phát triển dài ra là nhờ vào quá trình phân bào ở sụn tăng trưởng hay còn được gọi là điểm cốt hóa xương. Đối với các xương dài, điểm cốt hóa nằm ở đầu xương và khi cơ thể trưởng thành sẽ cốt hóa, hòa nhập với thân xương. Đối với các xương dẹt, xương ngắn, sụn tăng trưởng nằm ở phần sụn bao bọc xung quanh. Trẻ em có thành phần chủ yếu của các xương cổ tay và cổ chân là sụn nên chưa hiện hình trên phim chụp X - quang, bởi các điểm cốt hóa xương ban đầu là tổ chức sụn không cản quang, sau quá trình cốt hóa dần mới hiện diện trên phim chụp. Trong đó, mỗi sụn tăng trưởng xảy ra quá trình cốt hóa ở các thời điểm khác nhau của tuổi đời nên chúng sẽ hiện hình trên phim chụp X - quang ở các độ tuổi khác nhau.
3. Dấu hiệu xương dài ra
Sự phát triển mạnh mẽ nhất của bộ xương diễn ra ở thời kỳ thơ ấu đến giai đoạn khoảng 20 tuổi. Vậy dấu hiệu xương dài ra là gì? Theo đó, đối với trẻ em và thanh thiếu niên sự phát triển và tăng lên về chiều cao là dấu hiệu cho sự phát triển dài ra của xương. Trong đó, xương chân dài ra không xảy ra trên toàn bộ chiều dài xương mà chủ yếu ở hai đầu xương do sự phát triển của các điểm cốt hóa, đặc biệt là vị trí đầu xương ở gần khớp vai, gối và cổ tay. Sự phát triển này diễn ra từ thời thơ ấu và mạnh mẽ nhất ở giai đoạn dậy thì.
Đến thời kỳ tuổi thanh niên, sự phát triển của xương diễn ra chậm lại rồi không phát triển dài thêm nữa, các điểm cốt hóa ở đầu xương không còn khả năng hóa xương vì chúng đã biến đổi thành xương hoàn toàn. Như vậy, trường hợp kết quả chụp X - quang chi dưới có xuất hiện hình ảnh sụn tăng trưởng thì xương sẽ không dài ra hay chiều cao sẽ không thể phát triển nữa. Bên cạnh đó, nữ giới thường có xu hướng ngừng phát triển chiều cao sớm hơn nam giới khoảng 1 - 2 năm nên chiều cao trung bình ở đàn ông lớn hơn so với phụ nữ.
4. Biện pháp giúp xương phát triển dài ra
Sự phát triển dài ra của xương bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống, rèn luyện thể lực... Trong đó có 3 giai đoạn mà cơ thể có sự phát triển nhanh về chiều cao là giai đoạn bào thai, thời kỳ sơ sinh đến 3 tuổi và thời kỳ tiền dậy thì. Đây cũng được xem là 3 giai đoạn vàng cho sự phát triển chiều cao. Vì vậy, để giúp sự phát triển dài ra của xương hiệu quả nhất cần nắm bắt 3 giai đoạn vàng này và tác động vào các yếu tố chính liên quan đến sự phát triển chiều cao như sau:
4.1. Yếu tố dinh dưỡng
Dinh dưỡng không chỉ tác động đến sự dài ra của xương mà còn ảnh hưởng đến trí tuệ, thể chất của trẻ em. Bổ sung dinh dưỡng hợp lý cần được thực hiện từ giai đoạn thai kỳ của người mẹ. Trẻ sơ sinh cần được duy trì bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tiên, bởi sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển chiều cao của trẻ. Đến giai đoạn ăn dặm, mẹ cần bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất cần thiết cho con trẻ là protid, lipid, đường, vitamin và khoáng chất, đồng thời bổ sung dinh dưỡng cần đầy đủ thông qua việc thay đổi phong phú các loại thực phẩm.
- Protid đóng vai trò thiết yếu đối với các cấu trúc của cơ thể, đặc biệt là các nguồn protid động vật chứa đầy đủ các axit amin cần thiết;
- Lipid đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xương dài, tăng cường hấp thu các vitamin tan trong dầu (vitamin D, A, K, E...) nên giúp hệ xương phát triển tốt hơn;
- Các khoáng chất như canxi, magie, kẽm, mangan, silic, DHA... rất quan trọng đối với quá trình phát triển dài ra của xương.
Sự phát triển dài và to ra của xương dựa vào quá trình chuyển hóa từ sụn xương, được gọi là quá trình cốt hóa. Nguyên liệu cần thiết cho quá trình này gồm canxi, phospho và sự tham gia của các yếu tố hoạt hóa như vitamin D, vitamin K2, calcitriol... Vì vậy, chế độ dinh dưỡng bổ sung phải chứa đầy đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của xương như sữa, trứng, tôm, cua, phô mai, sữa chua, đậu phụ...
4.2. Rèn luyện thể lực
Rèn luyện thể lực thông qua các bài tập thể dục là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của hệ xương. Vì vậy để cơ thể phát triển chiều cao một cách tốt nhất, bạn nên tạo thói quen rèn luyện thể dục mỗi ngày với các bài tập phù hợp theo từng độ tuổi, như bài tập nhảy xa, nhảy cao, bơi, đánh xà... có công dụng giúp kéo căng cơ, vươn dài người, kích thích cột sống và xương phát triển...
Bên cạnh đó, sự vận động cơ bắp sẽ giúp đẩy mạnh, kích thích quá trình trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng, thúc đẩy sự phát triển của cơ thể và tăng lượng canxi vào mô xương giúp tăng sự vững chắc của xương. Luyện tập với thời gian 1,5 - 2 giờ giúp tăng nồng độ hormon GH lên 3 lần và việc luyện tập cần được duy trì điều độ, tăng cường độ đều theo thời gian.
4.3. Ngủ đủ giấc giúp xương dài ra
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng và rèn luyện thể lực thì ngủ đủ giấc cũng là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển dài ra của xương. Nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy rằng 90% sự phát triển của xương xảy ra vào thời gian ngủ hoặc nghỉ ngơi, ngủ không đủ giấc hoặc mất ngủ sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển chiều cao. Ngược lại ngủ ngon và sâu giấc giúp cơ thể tiết ra đủ hormon tăng trưởng, tăng hấp thu canxi giúp xương dài ra và phát triển thể chất một cách toàn diện. Thời gian ngủ tùy thuộc vào từng độ tuổi, nhìn chung đối với trẻ em cần trên 8 giờ một ngày cho giấc ngủ.
Như vậy hệ xương người liên tục được sửa chữa và tu sửa, trong đó giai đoạn xương dài ra và phát triển nhiều nhất là vào thời kỳ thơ ấu đến giai đoạn 20 tuổi. Để giúp sự phát triển dài ra của xương hiệu quả nhất cần nắm bắt 3 giai đoạn vàng của sự phát triển xương và tác động vào các yếu tố chính liên quan đến sự phát triển chiều cao như chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thể lực, ngủ đủ giấc...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.