U tế bào thần kinh đệm ít nhánh thường phổ biến ở người lớn hơn trẻ em. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Vậy triệu chứng của u thần kinh đệm ít nhánh ra sao, chữa trị thế nào?
Bệnh u tế bào thần kinh đệm ít nhánh hiếm khi xảy ra, thế nhưng không nên chủ quan trước căn bệnh này. Người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa Phẫu thuật Thần kinh thăm khám khi gặp phải các triệu chứng nghi ngờ của bệnh.
U tế bào thần kinh đệm ít nhánh là gì?
U tế bào thần kinh đệm ít nhánh (oligodendroglioma) là khối u phát triển từ các tế bào thần kinh đệm (oligodendrocytes). Những tế bào này tạo ra chất béo màu trắng (myelin) bao phủ các dây thần kinh. Myelin giúp các tín hiệu (xung động) truyền dọc theo dây thần kinh hiệu quả hơn. U tế bào thần kinh đệm ít nhánh chủ yếu được tìm thấy ở thùy trán của não, có thể bắt đầu tại tủy sống nhưng rất hiếm. (1)
Phân loại u thần kinh đệm ít nhánh
U tế bào thần kinh đệm ít nhánh được phân loại dựa trên vị trí xuất hiện khối u, loại khối u, mức độ lan rộng của khối u, kết quả di truyền, tuổi người bệnh và khối u còn lại sau phẫu thuật (nếu có thể phẫu thuật). U tế bào thần kinh đệm ít nhánh được nhóm thành hai loại (cấp 2 hoặc cấp 3, cũng được viết là cấp II hoặc cấp III) dựa trên đặc điểm của khối u. (2)
1. U thần kinh đệm ít nhánh độ 2
U thần kinh đệm ít nhánh độ 2 là khối u cấp độ thấp. Điều này có nghĩa là các tế bào khối u phát triển chậm và xâm lấn mô bình thường gần đó. Trong nhiều trường hợp, chúng hình thành nhiều năm trước khi được chẩn đoán vì không có triệu chứng nào xuất hiện.
2. U thần kinh đệm ít nhánh độ 3
U thần kinh đệm ít nhánh độ 3 là dạng ác tính (ung thư). Có nghĩa là khối u phát triển nhanh. Bệnh lý này còn được gọi là u thần kinh đệm ít gai anaplastic.
Triệu chứng của u tế bào thần kinh đệm ít nhánh
Các triệu chứng liên quan đến u tế bào thần kinh đệm ít nhánh phụ thuộc vào vị trí của khối u. Dấu hiệu phổ biến của bệnh là co giật. Khoảng 60% người bệnh bị co giật trước khi được chẩn đoán. Các triệu chứng khác mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm: nhức đầu, gặp vấn đề về khả năng suy nghĩ và trí nhớ, yếu mệt, tê, gặp vấn đề với sự cân bằng và chuyển động, mất thị lực một phần, gặp vấn đề về ngôn ngữ, thay đổi tính cách hoặc hành vi. (3)
Người bị u tế bào thần kinh đệm ít nhánh có thể gặp phải tình trạng co giật tại một thời điểm nào đó trong quá trình mắc bệnh. Các khối u ở thùy trán có thể gây ra những thay đổi về tính cách/hành vi và làm liệt nửa người. Khối u thùy thái dương đôi khi thiếu các triệu chứng đáng chú ý. Tuy nhiên, khi xuất hiện, triệu chứng của những khối u này có thể bao gồm co giật hoặc các vấn đề về ngôn ngữ.
Nguyên nhân gây u tế bào thần kinh đệm ít nhánh
Tương tự như hầu hết các khối u não, nguyên nhân gây ra bệnh u tế bào thần kinh đệm ít nhánh vẫn chưa được xác định rõ cụ thể. Tuy nhiên, một số trường hợp bị u thần kinh đệm ít nhánh có những bất thường về nhiễm sắc thể (nhận biết được). Và dường như bất thường về nhiễm sắc thể có liên quan đến sự tiến triển của bệnh.
Nhiễm sắc thể 1 và 19 đã được phát hiện là có liên quan đến phản ứng của u tế bào thần kinh đệm ít nhánh với việc điều trị. Oligodendrogliomas cũng có thể có đột biến gen IDH1, trong trường hợp đó bệnh có tiên lượng thuận lợi hơn. Nhìn chung, so với các u thần kinh đệm thâm nhiễm khác, u thần kinh đệm ít nhánh có tiên lượng tốt hơn và đáp ứng tốt hơn với những liệu pháp điều trị. (4)
U tế bào thần kinh đệm ít nhánh có thể phát triển ở mọi lứa tuổi, thường phát triển ở người trẻ và trung niên. Hiếm khi căn bệnh này phát triển ở trẻ em hoặc trẻ sơ sinh. Bệnh cũng thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn phụ nữ.
Bệnh u tế bào thần kinh đệm ít nhánh có nguy hiểm không?
Mặc dù chỉ có khoảng 2% khối u não là u tế bào thần kinh đệm ít nhánh nhưng chúng có thể xâm nhập vào mô não gần đó và khó loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật. Những khối u tế bào thần kinh đệm ít nhánh độ II thường có xu hướng phát triển chậm. Nhưng đôi khi chúng lan đến đường dịch não tủy (CSF) và hiếm khi lan ra ngoài não và tủy sống. Các tế bào u này có thể trở nên hung dữ hơn theo thời gian, khiến chúng từ độ II trở thành độ III (ác tính).
Tiên lượng khả năng sống sót của người bệnh u thần kinh đệm ít nhánh
Tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm (không có nghĩa người bệnh chỉ sống được 5 năm) đối với người bệnh u thần kinh đệm ít nhánh là 74.1%. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiên lượng. Điều này bao gồm loại khối u, đặc điểm của bệnh ung thư, độ tuổi và sức khỏe của người bệnh khi được chẩn đoán, khả năng đáp ứng điều trị.
Khi toàn bộ khối u được cắt bỏ, tỷ lệ sống sót lâu dài ở người bệnh u tế bào thần kinh đệm ít nhánh mức độ thấp là hơn 90%. Khi không thể cắt bỏ hoàn toàn khối u và phải sử dụng liệu pháp xạ trị, tỷ lệ sống sót của người bệnh rơi vào khoảng 80% đến 90%. U tế bào thần kinh đệm ít nhánh (cấp độ thấp) có tỷ lệ sống sót cao hơn so với các khối u cấp độ cao.
Cách chẩn đoán bệnh u tế bào thần kinh đệm ít nhánh
Khám thực thể và khám thần kinh có thể giúp bác sĩ xác định tiền sử triệu chứng của người bệnh. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh u thần kinh đệm ít nhánh có thể tương tự như những vấn đề bất thường khác ở não. Vì vậy, thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh là việc làm cần thiết để chẩn đoán.
Chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc cả hai có thể được sử dụng để giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán. Mỗi kỹ thuật đều sở hữu những ưu điểm riêng và cung cấp thông tin chẩn đoán có giá trị. Chụp MRI thường được ứng dụng hơn vì cho thấy hình ảnh của mô mềm, mạch máu và có thể phát hiện rõ các khối u não. Chụp CT mang đến kết quả nhanh và cho thấy hộp sọ cũng như tình trạng vôi hóa máu và khối u (thường gặp ở u tế bào thần kinh đệm ít nhánh). (5)
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có thể giúp bác sĩ phát hiện u thần kinh đệm ít nhánh nhưng vẫn cần lấy mẫu mô khối u để giải phẫu bệnh, xác định chẩn đoán và phân loại. Hoặc bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cắt sọ để cắt bỏ, sinh thiết mở/sinh thiết lập thể để lấy mẫu mô khối u. Nếu khối u nằm ở nơi không thể tiếp cận một cách an toàn bằng phẫu thuật khối u não thì có thể thực hiện sinh thiết định vị.
Mô sinh thiết có thể được phân tích dưới kính hiển vi để xác định mức độ khối u. Nó cũng có thể được phân tích để xác định xem có hiện tượng mất đoạn nhiễm sắc thể 1p hay 19q không.
Cách điều trị u tế bào thần kinh đệm ít nhánh
Việc điều trị bệnh u tế bào thần kinh đệm ít nhánh phụ thuộc vào phân loại, vị trí, cấp độ của khối u và sức khỏe tổng thể của người bệnh. (6)
1. U thần kinh đệm ít nhánh cấp độ thấp
U tế bào thần kinh đệm ít nhánh mức độ thấp là khối u độ 2 phát triển chậm và có thể tồn tại trong nhiều năm trước khi được chẩn đoán. Những khối u này có thể trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Dưới đây là các phương pháp điều trị bệnh u tế bào thần kinh đệm ít nhánh mức độ thấp:
- Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể được thực hiện để loại bỏ toàn bộ khối u thần kinh đệm ít nhánh hoặc càng nhiều khối u càng tốt.
- Giám sát tích cực: Giám sát tích cực bằng việc chụp MRI định kỳ có thể được thực hiện để theo dõi sự phát triển của khối u tế bào thần kinh đệm ít nhánh nếu không thể loại bỏ hoàn toàn bằng phẫu thuật.
- Xạ trị: Xạ trị có thể được thực hiện sau phẫu thuật nếu khối u không thể cắt bỏ hoàn toàn hoặc khối u tái phát sau phẫu thuật và xạ trị chưa được thực hiện trước đó.
- Hóa trị: Hóa trị có thể được thực hiện sau phẫu thuật, thường là xạ trị, nếu khối u tế bào thần kinh đệm ít nhánh không thể cắt bỏ hoàn toàn. Phương pháp này cũng có thể được sử dụng để điều trị các khối u tái phát sau khi điều trị (được gọi là u thần kinh đệm ít nhánh mức độ thấp tái phát). Loại thuốc hóa trị phổ biến được sử dụng là temozolomide (Temodal). Sự kết hợp thuốc hóa trị phổ biến được sử dụng là PCV (Procarbazine, lomustine và Vincristine).
2. U thần kinh đệm ít nhánh biệt hóa (cấp độ cao)
Oligodendroglioma anaplastic là khối u tế bào thần kinh đệm ít nhánh độ cao (độ 3, 4). U thần kinh đệm ít nhánh độ cao thường phát triển nhanh chóng. Các khối u có thể phát triển ở một nơi hoặc nhiều nơi trong não. Sau đây là các phương pháp điều trị bệnh u tế bào thần kinh đệm ít nhánh biệt hóa.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật có thể được thực hiện để loại bỏ toàn bộ khối u hoặc càng nhiều khối u càng tốt. Sau đó áp dụng phương pháp xạ trị, hóa trị (có hoặc không).
- Xạ trị: Xạ trị thường được thực hiện sau phẫu thuật u thần kinh đệm ít nhánh biệt hóa. Phương pháp này cũng có thể là cách điều trị chính nếu không thể thực hiện phẫu thuật.
- Hóa trị: Hóa trị được đưa ra sau phẫu thuật hoặc xạ trị. Hóa trị cũng có thể được sử dụng để điều trị các khối u tế bào thần kinh đệm ít nhánh đã quay trở lại sau điều trị (u thoái hóa tái phát). Loại thuốc hóa trị thường được sử dụng là temozolomide. Sự kết hợp thuốc hóa trị phổ biến được sử dụng là PCV (Procarbazine, lomustine và Vincristine).
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, Robot mổ não Modus V Synaptive ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đại bậc nhất đang được sử dụng để hỗ trợ bác sĩ thực hiện các ca phẫu thuật thần kinh - sọ não, kể cả u tế bào thần kinh đệm ít nhánh. Robot Modus V Synaptive có thể giúp bác sĩ quan sát rõ cấu trúc, không gian của não và các bó sợi thần kinh; cho phép mổ mô phỏng 3D trước khi tiến hành mổ chính thức để chọn đường tiếp cận loại bỏ khối u an toàn, không phạm vào dây thần kinh. Robot còn giám sát trong suốt quá trình phẫu thuật để hạn chế tối đa di chứng, biến chứng cho người bệnh… Ngoài ra, Robot Modus V Synaptive còn có thể hỗ trợ bác sĩ thực hiện các ca mổ tỉnh, phức tạp, giúp người bệnh hồi phục nhanh chóng.
Có thể phòng ngừa bệnh u thần kinh đệm ít nhánh không?
Như đã đề cập ở trên, nguyên nhân chính xác gây u tế bào thần kinh đệm ít nhánh vẫn chưa được biết rõ. Vì vậy không thể ngăn bệnh lý này xảy ra hoàn toàn, tuy nhiên, rủi ro có thể được giảm bớt bằng cách:
- Hạn chế tiếp xúc với bức xạ.
- Kiểm tra, sàng lọc y tế thường xuyên và thông báo cho bác sĩ biết về bất kỳ triệu chứng mới nào.
- Tránh để bản thân tiếp xúc với các hóa chất độc hại.
Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách vui lòng liên hệ:
Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh u tế bào thần kinh đệm ít nhánh, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín thăm khám. Người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa Phẫu thuật Thần kinh được trang bị máy móc hiện đại để được kiểm tra, chẩn đoán bởi các bác sĩ, chuyên gia giỏi chuyên môn, dày dặn kinh nghiệm.