Bạn là sinh viên mới ra trường muốn ứng tuyển vào vị trí mình mong muốn? Nhưng bạn lại không biết làm cách nào để có thể phỏng vấn ứng tuyển thành công ngay lần đầu. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ Ứng tuyển là gì? Và những lưu ý quan trọng trong phỏng vấn ứng tuyển.
Ứng tuyển là gì? Vị trí ứng tuyển tiếng Anh là gì?
Đầu tiên, để có thể được một công ty hay doanh nghiệp nhận vào làm, mỗi người đều phải trải qua quá trình ứng tuyển. Vậy ứng tuyển là gì? Ứng tuyển có nghĩa là tự đề cử bản thân vào những vị trí việc làm mà công ty, doanh nghiệp hay bất cứ đơn vị nào đang có nhu cầu tuyển dụng.
Để làm được điều đó bạn cần biết rõ vị trí ứng tuyển trong tiếng anh là gì. Trong tiếng Anh, vị trí ứng tuyển có thể hiểu tương đương với từ “apply position”. Khi nhắc đến việc viết đơn để ứng tuyển vào bất kì vị trí công việc nào, người ta sẽ sử dụng cụm từ “To apply for”.
Trong quá trình ứng tuyển, sau khi nộp hồ sơ và được xác nhận lịch hẹn phỏng vấn. Có thể các bạn sẽ tiếp tục phải trải qua một hay nhiều vòng ứng tuyển khác nhau theo quy định của các nhà tuyển dụng. Sau khi kết thúc quá trình, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá năng lực, kinh nghiệm của bạn liệu có phù hợp với những yêu cầu mà công ty đang tìm kiếm hay không.
Những việc cần làm trước khi ứng tuyển là gì?
Lựa chọn công việc phù hợp với năng lực bản thân
Việc quan trọng nhất khi bản thân lựa chọn một công việc mới là phải hiểu rõ về công việc đó có phù hợp với nhu cầu và mong muốn hay không? Để làm được điều đó bạn cần xem xét những điều sau để có thể tìm đúng được công việc phù hợp nhất cho mình:
Chuyên môn và sở thích nghề nghiệp: Nên tìm việc làm đúng với ngành học của mình. Hoặc những lĩnh vực bạn cảm thấy phù hợp với bản thân, có thể làm được đúng với khả năng chuyên môn của bạn.
Kỹ năng bản thân: Việc xem xét kỹ năng của bản thân trước khi ứng tuyển cũng rất quan trọng. Điều đó giúp bạn biết được bản thân có phù hợp và đủ điều kiện đáp ứng với vị trí tuyển dụng đó không.
Chế độ đãi ngộ: Thực tế, những quyền lợi mà bạn sẽ được hưởng như lương, thưởng, bảo hiểm y tế, hợp đồng lao động nếu xứng đáng với công việc bạn làm thì cũng có thể dựa vào để ứng tuyển.
Những lưu ý này sẽ tạo ra động lực thúc đẩy sự chủ động thể hiện bản thân trong quá trình ứng tuyển của bạn. Và đó là cách giúp bạn tạo ra một điểm nhấn trong mắt những nhà tuyển dụng khó tính.
Tìm hiểu về công ty
Sau khi đã xác định được vị trí làm việc mình mong muốn thì tiếp theo bạn cần quan tâm là chọn lựa công ty, môi trường làm việc để ứng tuyển. Chỉ cần bạn xác định được những tiêu chí của mình, phạm vi tìm kiếm của bạn sẽ dần nhỏ lại.
Điều bạn cần làm lúc này là tra cứu thông tin của những công ty mà bạn đang muốn ứng tuyển:
- Tên công ty và hệ sinh thái của công ty
- Ví trí địa lý
- Cơ cấu tổ chức
- Mục tiêu, định hướng phát triển của công ty
- Văn hoá làm việc
- Lĩnh vực hoạt động
- Sản phẩm, dịch vụ của công ty
- Thông tin chi tiết vị trí ứng tuyển của bạn
Nếu đã tìm hiểu khái quát qua về công ty, bạn nên cân nhắc xem nó có phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển để có thể phát huy hết khả năng của bạn hay không? Nếu không phù hợp, bạn có thể cân nhắc thêm về những yếu tố thực tế như: mức lương, tiền thưởng, chính sách hỗ trợ của công ty,...
Những thông tin trên bạn hoàn toàn có thể dễ dàng tìm được qua Website, Fanpage chính thức của công ty hoặc tra cứu trên các diễn đàn, hội nhóm đánh giá công ty để hiểu sâu hơn. Khi bạn chủ động tìm hiểu và chuẩn bị kiến thức tốt về công ty mà mình sẽ ứng tuyển, có khả năng bạn sẽ ghi thêm điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Chính vì vậy, hãy dành ra chút thời gian để tìm hiểu nhé!
Tìm hiểu kỹ mô tả công việc
Mô tả công việc hay được biết đến nhiều với cụm từ viết tắt “JD” có nghĩa là Job Description trong giới trẻ hiện nay. Bản mô tả công việc là một phần không thể tách rời và bị bỏ sót. Tìm hiểu kỹ bản mô tả công việc, bạn có thể phân loại công việc mà bạn phải làm, cũng như trách nhiệm và mức độ hiệu suất dự kiến mà bạn phải đảm nhận. Đồng thời, giúp bạn tránh khỏi những trường hợp rủi ro không đáng có như bị tăng khối lượng công việc hay thậm chí nhận phải vị trí ứng tuyển không phù hợp với bản thân.
Chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển
Sau quá trình cân nhắc kỹ lưỡng để chọn được vị trí và công ty ứng tuyển phù hợp. Việc bạn cần làm bây giờ là thiết kế hồ sơ ứng tuyển để bước đầu thuyết phục được nhà tuyển dụng.
Những thông tin cơ bản cần phải có trong một hồ sơ xin việc là:
- Thông tin cá nhân (Họ và tên, ngày sinh, địa chỉ, cách thức liên hệ,..)
- Trình độ học vấn
- Kỹ năng
- Kinh nghiệm làm việc
- Các hoạt động đoàn thể mà bạn tham gia
Khi viết hồ sơ xin việc cần đảm bảo sự chỉn chu, thông tin chính xác, làm nổi bật được những khả năng của bản thân.Thông thường, một CV lí tưởng có độ dài khoảng 1 - 2 trang. Bên cạnh đó, trình bày một hồ sơ xin việc thật là bắt mắt và thu hút người xem là rất quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá bạn có qua được vòng xét hồ sơ hay không.
Viết mẫu đơn xin ứng tuyển
Đơn xin ứng tuyển trong tiếng Anh có nghĩa là Cover letter. Đơn xin này được đính kèm cùng với CV xin việc.
Tên nhà tuyển dụng
Vấn đề được để ý hàng đầu trong mỗi đơn xin ứng tuyển đó là tên của nhà tuyển dụng. Bạn nên viết và in đậm đúng tên riêng theo quy chuẩn ngữ pháp của nhà tuyển dụng.
Thể hiện cá tính
Văn phong trong cover letter sẽ thể hiện được cá tính riêng của bạn.
Sử dụng ngôn từ, câu văn trong đơn xin việc sẽ giúp bạn để lại ấn tượng với nhà tuyển dụng. Hãy sử dụng những từ ngữ của chính bạn để thể hiện được 100% tính cách của bản thân.
Những câu từ nhằm nhấn mạnh về bằng cấp không nên được sử dụng. Hãy thật tinh tế trong cách diễn đạt.Viết đúng chính tả, ngữ pháp câu, không dài dòng, lan man sẽ giúp nhà tuyển dụng cô đọng được ý chính và phát hiện ra khả năng của bạn.
Hình thức ấn tượng
Đơn xin ứng tuyển sẽ là một vũ khí lợi hại giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Vậy nên hãy cố gắng trau chuốt nhiều nhất có thể.
Tìm các tài liệu liên quan
Bên cạnh đó, bạn cũng nên tra cứu và học hỏi thêm cách thức xây dựng một CV ấn tượng hay Cover Letter để lại dấu ấn tốt cho nhà tuyển dụng trên các website như Canva, Behance hay LinkedIn…
Nộp hồ sơ ứng tuyển
Có hai cách để bạn có thể nộp hồ sơ ứng tuyển được một cách nhanh chóng. Bạn có thể:
Nộp đơn trực tiếp: Bằng cách liên hệ trước với nhà tuyển dụng để hẹn rõ thời gian mang hồ sơ của bạn đến nộp.
Nộp đơn trực tuyến: Để thuận tiện cho cả nhà tuyển dụng và ứng viên, bạn nên nộp đơn trực tuyến trên website hoặc gửi qua Gmail của nhà tuyển dụng.
Hiện nay, việc nộp thư ứng tuyển qua Gmail của công ty đang là phương án được mọi người lựa chọn nhiều hơn để tránh mất thời gian cho đôi bên. Khi đã vượt qua được vòng tuyển chọn hồ sơ, việc đem hồ sơ trực tiếp đến buổi phỏng vấn cũng là một sự lựa chọn thông minh.
Lưu ý khi phỏng vấn ứng tuyển
Trang phục phù hợp
Để tạo được ấn tượng tốt với công ty mà bạn đang xin việc, bạn nên có tác phong và trang phục phù hợp. Việc bạn sử dụng bộ đồ giúp bạn tự tin nhất, đủ trang trọng và lịch sự sẽ thể hiện được sự nghiêm túc của bản thân đối với buổi phỏng vấn.
Thái độ trong buổi phỏng vấn
Thái độ trong lúc phỏng vấn là thứ sẽ quyết định bạn có được nhận vào làm tại công ty hay không. Bạn cần giữ được sự bình tĩnh, thái độ đúng mực, tôn trọng mọi người trong suốt buổi phỏng vấn. Không nên có quá nhiều cử chỉ, hành động dư thừa như: rung chân, khua khoắng chân tay…Thay vì nói những lời hoa mỹ để tâng bốc bản thân thì bạn nên sử dụng những từ ngữ gần gũi, chân thật nhất có thể. Hãy luôn thành thật với đúng khả năng của mình, sẵn sàng thừa nhận điểm hạn chế và thể hiện mong muốn học hỏi, cầu tiến trong quá trình làm việc.
Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn
Trước khi tham gia phỏng vấn, bạn nên dự đoán và list ra những câu hỏi có thể xuất hiện trong buổi phỏng vấn. Với sự chuẩn bị kỹ càng này, phần nào sẽ giúp cho bạn không bị quá bất ngờ, choáng ngợp trước những câu hỏi khó của nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, khi nhận được bất kỳ một câu hỏi phỏng vấn nào, hãy dành cho bản thân một vài giây suy nghĩ để có thể đưa ra được câu trả lời tốt nhất. Câu trả lời có đầu có đuôi, đánh trúng trọng tâm câu hỏi, không lan man chính là điều mà nhà tuyển dụng cần bạn.
Trong khi giao tiếp với nhà tuyển dụng, bạn nên tự tin, xử lý tình huống một cách thông minh. Lí do là nhà tuyển dụng sẽ không chỉ tuyển chọn những nhân viên có trình độ chuyên môn mà kỹ năng mềm cũng rất được chú trọng với bất kỳ công ty nào.
Việc cần làm sau buổi phỏng vấn ứng tuyển
Sau khi buổi phỏng vấn kết thúc, bạn hãy viết thư cảm ơn đến tất cả những người đã phỏng vấn bạn vì họ đã dành thời gian cho bạn. Đó cũng là một cách bạn thể hiện sự chuyên nghiệp và nghiêm túc với công việc này. Điều đó sẽ giúp bạn nổi bật và tạo thêm ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng so với các ứng viên khác.
Kết luận
Như vậy, sau khi cùng nhau tìm hiểu về Ứng tuyển là gì? Cũng như các lưu ý khi phỏng vấn đã giúp quá trình ứng tuyển đạt được hiệu quả cao. Hy vọng rằng sau bài viết của Tuyển dụng Vccorp, bạn sẽ chuẩn bị tốt hơn cho việc ứng tuyển và đảm bảo sẽ khiến các công ty, doanh nghiệp hài lòng, từ đó nâng cao cơ hội sớm tìm được việc làm.