1. Hóa chất ảnh hưởng đến khả năng sinh sản như thế nào?
Thực tế, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mang lại từ hàng ngàn các loại hóa chất khác nhau đối với cuộc sống. Chúng được ứng dụng rất nhiều vào nền công nghiệp sản xuất hiện đại ngày nay. Tuy nhiên, lợi bất cập hại, hóa chất có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của con người. Đây cũng là một trong những nỗi bận tâm lớn đối với những người có công việc phải tiếp xúc nhiều với các hóa chất công nghiệp độc hại.
Nhiều cuộc nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng việc tiếp xúc lâu dài với mức độ thấp các hỗn hợp hóa chất lành tính trong môi trường hàng ngày cũng có thể gây ra các nguy cơ về khả năng sinh sản. Điều này bao gồm nguy cơ suy giảm sản xuất trứng, sẩy thai, bất thường về tinh trùng và giảm số lượng tinh trùng. Thậm chí, hóa chất cũng có thể ảnh hưởng đến cả thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ và gây ra tình trạng vô sinh khi trưởng thành.
2. Hóa chất ảnh hưởng đến hormone trong cơ thể như thế nào?
Có một số chất hóa học có thể gây rối loạn hormone. Chúng ngăn chặn hoặc làm đảo lộn mô hình hoạt động thông thường của hormone trong cơ thể. Một số hóa chất có thể giả dạng như estrogen tự nhiên và dẫn đến rủi ro cao cho quá trình thụ thai ở phụ nữ, cũng như sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của người mẹ.
Bên cạnh đó, các chất gây rối loạn nội tiết có thể can thiệp vào các hướng dẫn di truyền phức tạp đối với sự phát triển của cơ quan sinh sản nam hoặc nữ trong một bào thai đang lớn dần trong bụng mẹ. Hơn nữa, chúng cũng làm thúc đẩy quá trình dậy thì sớm của một bé gái, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh có hại đến khả năng sinh sản, chẳng hạn như: Lạc nội mạc tử cung, hoặc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
3. Làm thế nào để hạn chế tiếp xúc với hóa chất?
Để hạn chế tiếp xúc với các hóa chất độc hại từ môi trường, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Sử dụng máy lọc nước để loại bỏ các chất gây ô nhiễm, chẳng hạn như chloroform và atrazine.
- Tiêu thụ các loại thực phẩm hữu cơ nhằm hạn chế tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu.
- Hạn chế đựng hoặc bảo quản đồ ăn trong hộp xốp, thay vào đó hãy chuyển sang dùng hộp thủy tinh.
- Hạn chế sử dụng các sản phẩm được làm từ nhựa vinyl, vì chúng có thể gây rối loạn hormone và dẫn đến dậy thì sớm ở trẻ.
- Hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa mạnh vì chúng có chứa nhiều hóa chất.
Đối những người công việc thường ngày tiếp xúc nhiều với hoá chất, để chuẩn bị một thai kỳ khỏe mạnh, cả vợ và chồng nên kiểm tra sức khỏe sinh sản từ 3-5 tháng trước khi mang thai.
Người vợ nên:
- Tiêm chủng trước khi mang thai (đặc biệt là ngừa rubella vì rubella trong thai kỳ cực kỳ nguy hiểm)
- Xét nghiệm gen để sàng lọc các bệnh lý di truyền trước khi mang thai
- Kiểm tra tình trạng viêm nhiễm phụ khoa tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và thai nhi
- Đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi nếu muốn mang thai (nhất là chưa mang thai lần nào) sẽ phải kiểm tra sức khỏe rất chi tiết do mang thai ở tuổi này thường gặp các vấn đề: Suy buồng trứng, sinh non, nguy cơ dị tật thai nhi, rau tiền đạo, tiền sản giật cao hơn.
Người chồng nên:
- Kiểm tra sức khỏe sinh sản, phát hiện các bệnh lý teo tinh hoàn, yếu sinh lý, tinh trùng yếu...
- Các bệnh lây qua đường tình dục nhất là những bệnh không thể chữa khỏi vô cùng nguy hiểm
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com
XEM THÊM
- Thủy ngân và ảnh hưởng tới sức khỏe
- Cơ thể sẽ thế nào nếu bị nhiễm độc thủy ngân?
- Các lưu ý khi sơ cứu người bị ngộ độc