TS.BS. Trần Chí Cường - đam mê chiến đấu với “tử thần” để cứu người.KHPTO - Ước mơ làm bác sĩ từ nhỏ, Trần Chí Cường đã không ngừng cố gắng, kiên trì, bền bỉ trong học tập, nghiên cứu… Rồi ước mơ cũng thành sự thật, để hôm nay, ngành y có một TS.BS. Trần Chí Cường, giám đốc Bệnh viện S.I.S, Cần Thơ, người đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân đột quỵ bên lằn ranh sinh tử.
Mỗi ngày phải vượt 40 km đến lớp ôn thi
TS.BS. Trần Chí Cường, sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo thuộc xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. BS. Cường kể: “Trường cấp 3, cách nhà 7 km, năm nào đến mùa nước nổi (khoảng tháng 9, tháng 10), tôi phải lội nước đi học, té lên té xuống, tới lớp ướt như chuột lột. Những năm ôn thi cấp 3, tôi phải đạp xe từ xã An Khánh lên Sa Đéc gần 40 km, khổ nhất vào mùa mưa, dù là cơn mưa nhỏ, con đường đến trường phủ toàn đất sét trở nên bê bết sình lầy, trơn trượt. Nên khi thấy trời chuyển mưa, tôi cứ cắm đầu đạp thật nhanh, để mong con đường còn khô ráo. Thế nhưng, có những cơn mưa bất chợt, không đạp xe được, phải dẫn bộ, có khi ngã lăn quay, từ đầu đến chân dính đầy sình đất… Khó khăn là thế! Nhưng tôi chưa bao giờ “chán” học, càng khó khăn, ước mơ được trở thành bác sĩ trong tôi ngày càng mãnh liệt hơn. Bù đắp xứng đáng cho những ngày khổ công rèn luyện học hành, tôi đã đậu 3 trường đại học. Không chút do dự, tôi chọn ngay Trường đại học y dược Cần Thơ và tôi đã bật khóc khi lần đầu đặt chân đến trường y”.
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp đại học, chàng bác sĩ trẻ quyết định trở về Đồng Tháp công tác để giúp đỡ quê hương của mình. Trong quá trình công tác, tiếp xúc nhiều ca bệnh nhưng cũng bất lực trước những ca bệnh khó, đặc biệt là những bệnh nhân đột quỵ, tôi nghĩ, hay mình học chưa đủ để cứu bệnh nhân… Nên tiếp tục hành trình học hỏi nâng cao, BS. Cường quyết định khăn gói lên Thành phố Hồ Chí Minh học thêm chuyên khoa I ngoại thần kinh, sau đó tiếp tục tham gia khóa học chụp X-quang can thiệp thần kinh tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bạch Mai.
Đến năm 2005, khi được thầy Võ Tấn Sơn, nguyên hiệu trưởng Trường đại học y dược TP.HCM giới thiệu về khóa học can thiệp mạch máu thần kinh tại Thái Lan - đây là khóa học do Đại học y khoa Bicetre của Pháp phối hợp cùng Đại học y khoa Mahidol tổ chức, quy tụ các giáo sư đầu ngành về “can thiệp trong lòng mạch” từ Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Thụy Sĩ, Hà Lan…, BS. Cường xung phong đi học. Giữa năm 2006, BS. Cường trở về Việt Nam bắt đầu triển khai can thiệp DSA mạch máu não tại Bệnh viện đại học y dược TP.HCM. Về miền Tây chữa đột quỵ
“Sống và làm việc hơn 10 năm tại Bệnh viện đại học y dược và là giảng viên của Trường đại học y dược TP.HCM, tham dự hầu hết các hội thảo, hội nghị liên quan đến tim mạch, đột quỵ, được học hỏi kinh nghiệm ở hơn 20 quốc gia có nền y học tiên tiến nhất trên thế giới… tôi không thiếu đất dụng võ tại đất Sài thành, nhưng tôi nhận thấy, rất cần thành lập một bệnh viện chuyên sâu về lĩnh vực đột quỵ để cứu nhiều người hơn nữa. Nếu như làm việc tại bệnh viện ở TP.HCM, tôi chỉ có thể cứu được 100 người nhưng về miền Tây tôi có thể cứu được 1.000 người, thậm chí còn hơn nữa”, BS. Cường nói.
Bệnh đột quỵ là một trong những nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu, có thể xảy ra mọi lúc mọi nơi và mọi đối tượng trong xã hội. Bệnh nhân đột quỵ nếu đến bệnh viện muộn sau 6 giờ, đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả điều trị. Cơ hội “sống - còn” cũng như chất lượng cuộc sống sẽ mất dần theo thời gian cho dù có đủ các trang thiết bị hiện đại, vì mỗi một phút trôi qua trong bộ não của bệnh nhân đột quỵ sẽ có hai triệu tế bào thần kinh mất đi. Trên thực tế, bệnh nhân đột quỵ từ miền Tây lên TP.HCM cứ 10 người, thì chưa có được 1 người kịp đến trước 6 giờ, nói chi kịp trước 4,5 giờ để được tiêm thuốc tan máu đông rTPA!
Nếu có một bệnh viện chuyên sâu về lĩnh vực đột quỵ ở miền Tây, đồng nghĩa nhiều người được cứu sống và sẽ không còn cần thiết chuyển bệnh nhân đột quỵ từ các tỉnh miền Tây đi TP.HCM, giúp giảm tử vong và tàn phế do di chuyển quá xa, do không thể điều trị trong khoảng “thời gian vàng”. Chính vì vậy, Bệnh viện đột quỵ tim mạch Cần Thơ (S.I.S) ra đời.
Gầy dựng Bệnh viện S.I.S Cần Thơ
Từ nghĩ đến thực hiện - một hành trình đầy cam go. Từ năm 2015, BS. Cường đã lập đề án mở bệnh viện, hàng loạt khó khăn đặt ra, nhất là về kinh tế. Sau những giờ làm việc căng thẳng tại bệnh viện, BS. Cường còn phải ôm hồ sơ đi tìm, gõ cửa và thuyết phục từng nhà đầu tư.
Vì hai chữ “cứu người”, BS. Cường không ngần ngại từ bỏ công việc với thu nhập cao và nhiều cơ hội đến từ các bệnh viện tư nhân tại TP.HCM. Bác sĩ cũng đã cầm cố cả tài sản gia đình để có chi phí đầu tư vào bệnh viện. Hiểu được tâm huyết của BS. Cường, nhiều nhà đầu tư đã ủng hộ, chính quyền địa phương tại Cần Thơ cũng tạo điều kiện để bệnh viện sớm đi vào hoạt động.
Cột mốc quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của TS.BS. Trần Chí Cường, ngày 20/2/2019, Bệnh viện đột quỵ tim mạch Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động, với mức đầu tư khủng gần 1.000 tỷ đồng, trang thiết bị hiện đại lần đầu tiên lắp đặt tại châu Á, quy mô 200 giường, phân bố trên 10 tầng, phục vụ chữa trị, tầm soát nguy cơ và phòng ngừa đột quỵ.
Sứ mệnh của bệnh viện “Phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu”, giúp bệnh nhân có được sự an toàn cao nhất theo chuẩn quốc tế và sẵn sàng chung tay phục vụ cộng đồng, mở ra nhiều cơ hội cứu sống bệnh nhân đột quỵ và giảm thiểu tối đa số bệnh nhân bị trễ “thời gian vàng” cấp cứu khi phải lên TP.HCM.
Sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, Bệnh viện S.I.S Cần Thơ đã tạo uy tín không chỉ trong nước mà còn lan tỏa ra thế giới, nhiều bệnh nhân nước ngoài tìm đến khám và tầm soát đột quỵ.
Bệnh viện đã cấp cứu kịp thời và cứu sống hàng ngàn trường hợp bị đột quỵ. Bên cạnh đó, bệnh viện đã tổ chức hơn 15 cuộc hội thảo quốc tế để đào tạo chuyển giao công nghệ, nâng chuyên môn cho nhiều bác sĩ đến từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Malaysia, Úc… Bên cạnh đó, Bệnh viện S.I.S còn được Bộ y tế công nhận là cơ sở đạt chuẩn đào tạo về chuyên ngành điều trị đột quỵ.
HỒNG DUNG