Bước sang Úc để học Thạc sĩ Phôi thai học lâm sàng, bác sĩ Giang Huỳnh Như là bác sĩ đầu tiên của Việt Nam tham gia khóa học này. Sau tốt nghiệp với danh hiệu Á khoa, bác sĩ Giang Huỳnh Như trở về Việt Nam với biết bao hoài bão, nhiệt huyết cho ngành hỗ trợ sinh sản mà bản thân đã chọn. Đường về nhà thênh thang, chị về bắt tay xây dựng phòng lab hiện đại nhất Đông Nam Á đã được ấp ủ từ lâu.
Mỗi ngày leo bộ 7 tầng lầu xem phòng lab “sắp sinh”
Để chúng tôi chiêm ngưỡng trung tâm hỗ trợ sinh sản rộng hơn 500m2, thiết kế theo kiểu “lab trong lab” đã hoàn thiện, bác sĩ Giang Huỳnh Như - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM (IVFTA) bấm thang máy lên tận lầu 7. Sau khi kiểm tra dấu vân tay, hình ảnh, “mê cung” IVFTA hiện ra trước mắt. Sau vòng kiểm tra hợp lệ, người bệnh di chuyển vào khu vực thay đồ và nằm nghỉ trước và sau khi làm thủ thuật.
Trước khi bước tiếp vào khu vực thủ thuật chọc hút noãn, chuyển phôi; bác sĩ Như hướng dẫn tôi cách thay dép, rửa tay phẫu thuật. Toàn bộ khu vực phòng thủ thuật và phòng lab đạt chuẩn ISO 7 và ISO 6 này được xây dựng bằng vật liệu chống cháy. Máy móc ở đây được vận hành giống như hình ảnh trên những bộ phim Hollywood. Mỗi bệnh nhân bước vào khu vực này đều được kiểm tra khuôn mặt, dấu vân tay và quét mã khách hàng PID. Kỹ thuật viên nhận diện khuôn mặt bệnh nhân được lưu lại trên màn hình để so sánh, đảm bảo việc thủ thuật đúng người, đúng noãn, tinh trùng và phôi. Điều kỳ lạ là các nữ kỹ thuật viên và bác sĩ ở đây không trang điểm. Giải đáp khúc mắt này, bác sĩ Như mỉm cười: “Đây là sự hi sinh của nhân viên nữ của Trung tâm vì son, phấn, nước hoa có thể ảnh hưởng lên chất lượng noãn và phôi”.
Tiếp tục tiến sâu vào mê cung, một phòng lab phôi học - đạt chuẩn ISO5 đã hiện ra trước mắt. Ở khu vực này, các kỹ thuật viên đang miệt mài lấy noãn, tìm trứng, cấy phôi… Ở mỗi khu vực, tất cả các thao tác này đều được đưa lên 2 màn hình tivi để được kiểm soát chất lượng công việc. Sau khi noãn và tinh trùng được se duyên thành công, kỹ thuật viên sẽ cho vào các tủ nuôi cấy hiện đại nhất thế giới. Đặc biệt, lần đầu tiên tại TP.HCM, phòng lab chuẩn ISO 5 đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nuôi cấy phôi. Dựa vào các tủ cấy thông minh này, phôi được nuôi cấy trong môi trường ổn định, tối ưu. Toàn bộ quá trình phát triển của phôi được ghi lại liên tục. Từ đó, các chuyên viên phôi học có thể theo dõi, chọn lựa phôi tốt nhất mà không cần mở tủ nuôi cấy, mang phôi ra ngoài để đánh giá; tránh làm ảnh hưởng lên chất lượng của phôi của bản thân bệnh nhân và phôi của các bệnh nhân khác. Các tủ nuôi cấy này an toàn như tử cung của người mẹ. Đây chính là “phòng lab trong lab” - được ví như trái tim của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Tâm Anh.
Xem thêm: CHẮP CÁNH ƯỚC MƠ CHO HÀNG NGÀN VỢ CHỒNG HIẾM MUỘN
Bác sĩ Như lý giải: “Áp lực dương giảm dần theo các khu vực phòng lab. Áp lực ở trong phòng ISO 5 sẽ cao nhất, sau đó mới tới phòng lab thường là ISO 6, ra phòng thủ thuật đạt ISO 7 và ra phòng không khí máy lạnh là ISO 8. Chất lượng không khí ở phòng ISO 5 luôn sạch nhất và hạn chế người ra vào, để đảm bảo môi trường nuôi cấy phôi thành công”.
Điều bí mật ở phòng lab ISO 5 này là toàn bộ sàn và trần nhà có lắp hệ thống thông khí, đi thẳng 1 chiều từ trên xuống. Toàn bộ khí trời vào đây phải thông qua nhiều hệ thống lọc và khử mùi. Nhờ đó mà phôi không bị ảnh hưởng, giúp khả năng đậu thai cao hơn. Vì chi phí vận hành phòng ISO 5 rất lớn, sau 3-6 tháng đều phải thay hệ thống lọc.
Để vô được phòng lab này, tôi đã thay dép và đồ thủ thuật vô trùng thêm lần nữa. Sau đó, phải bước qua vùng khử trùng, thổi bụi và đến vùng đệm để bụi rơi và bám dính xuống sàn, rồi mới rẽ vào một ngõ nhỏ khác để vào phòng ISO 6, rồi sau đó mới được vào phòng ISO 5.
Thấy chúng tôi ngạc nhiên đến bất ngờ với kiểu thiết kế phòng lab trong lab đầu tiên ở Việt Nam, bác sĩ Giang Huỳnh Như xúc động: “Đây là đứa con tinh thần mà tôi theo đuổi mỗi ngày. Ý tưởng xây phòng lab trong lab được tôi chọn làm đề tài tốt nghiệp ở Úc. Khi bệnh viện đang xây, mỗi ngày, tôi và nhóm lãnh đạo phải leo bộ đến 7 tầng lầu, mồ hôi ướt đẫm, vôi vữa khắp người… chỉ để xem phòng lab đang xây có đúng như bản vẽ trên giấy không, từ đường đi của ống khí, vị trí cửa, cách đặt bàn làm việc”.
Kiến trúc sư bất đắc dĩ vì tò mò cách chuyển phôi
Năm 28 tuổi, chị rời Việt Nam lên đường sang Úc trước sự ngỡ ngàng của bạn bè, đồng nghiệp, bởi chị đang có công việc an yên ở một bệnh viện nổi tiếng của Sài Gòn. Chia sẻ lý do, chị kể: Tôi chọn ngành hiếm muộn rất tình cờ. Sáu năm ở trường Y chỉ học Hiếm muộn trong 90 phút. Khi thấy bác sĩ đàn anh ở bệnh viện chọc hút noãn, kích thích buồng trứng, chuyển phôi… tôi cũng cũng thích được làm. Những lần thấy các chuyên viên phôi học quyết định chọn phôi trong phòng lab để chuyển vào tử cung cho bệnh nhân, chị thắc mắc tại sao không chuyển phôi này mà chuyển phôi kia.
Tò mò tại sao đồng nghiệp ở phòng lab chuyển phôi này mà không chuyển phôi khác. Các phôi này khác nhau như thế nào? Ở tuổi 28, bác sĩ Như quyết định ra nước ngoài học về phôi học.
Những ngày làm đề án tốt nghiệp, chị lại chọn mô hình thiết kế phòng lab trong lab trong điều trị vô sinh. Chị lại trở thành kiến trúc sư bất đắc dĩ, chị bắt tay làm quen với những hình khối vuông tròn để tự tay thiết kế ra phòng lab đang được ấp ủ… “Lúc đó, Việt Nam đã có nhiều phòng lab rồi, nhưng không hiểu sao tôi vẫn bị hối thúc phải tự tay thiết kế ra phòng lab. Nhiều lúc ngẫm lại, tôi cảm ơn cho những suy nghĩ vội vã lúc ấy, để giờ đây, tôi mới có cái nhìn thấu đáo hơn về thụ tinh ống nghiệm”, bác sĩ Như bộc bạch.
Điều trị hiếm muộn là một hành trình vất vả cho cả bệnh nhân lẫn bác sĩ bởi mục tiêu của bệnh nhân không phải được chọc hút noãn, cũng không phải chuyển phôi mà là có một em bé khỏe mạnh mang về nhà. Do đó, để đạt mục tiêu này, bác sĩ điều trị hiếm muộn cần có cái nhìn tổng quan, thấu hiểu từ bệnh lý của người vợ, người chồng và cả tạo điều kiện tối ưu cho sự phát triển của phôi.
Xem thêm: TRÌ HOÃN ĐIỀU TRỊ VÔ SINH DO ĐẠI DỊCH
Bệnh nhân nước ngoài lấy tên bác sĩ đặt cho con gái
Một trong những cuộc se duyên xuyên biên giới thành công mà chị nhớ mãi đó chính là vợ chồng bác sĩ người Malaysia. Do người vợ lớn tuổi, còn ít trứng lại mắc chứng co thắt âm đạo, không thể quan hệ vợ chồng. Những ngày đầu, bác sĩ Như tiếp cận bệnh nhân này rất khó khăn. Bà một mực không cho siêu âm qua ngã âm đạo. Bà yêu cầu khi chuyển phôi cũng gây mê chứ không được đưa dụng cụ nào vào âm đạo khi bà đang tỉnh. Lắng nghe, bác sĩ Giang Huỳnh Như dịu dàng giải thích: “Tất cả những yêu cầu của bà, bác sĩ đều làm được. Nhưng bà thử cân nhắc lại, nếu siêu âm đường trực tràng sẽ rất đau, còn gây mê nhiều lần cũng không tốt cho sức khỏe mẹ và bé; trong khi âm đạo và tử cung hoàn toàn bình thường”.
Thuyết phục xong, bác sĩ Như hứa sẽ kiên nhẫn để bệnh nhân quen dần với siêu âm ngã âm đạo. “Thông thường, tôi siêu âm cho một ca thông thường chưa tới 3 phút nhưng ở bệnh nhân này tập mỗi ngày tới 15 phút. Có những lần, bệnh nhân lẫn bác sĩ tập đến toát mồ hôi mới thành công. Và cuối cùng, bệnh nhân cũng tự tin để bác sĩ đưa mỏ vịt vào âm đạo chuyển phôi mà không xảy ra chứng co thắt âm đạo. Và đến lần chuyển phôi thứ 2, vợ chồng bác sĩ người Malaysia nhận được tin vui”. Ngày con chào đời, bà đã lên họ Giang của bác sĩ Như để đặt cho con gái.
Nhìn con đường sự nghiệp đi qua, chị ngẫm Hiếm muộn như định mệnh của đời mình. Có những lúc mệt mỏi muốn buông tay nhưng khi nhận tin nhắn từ bệnh nhân, cảm ơn chị đã giúp họ có một gia đình nhỏ, chị lại xóc tinh thần và bước tiếp. Chị cũng thầm cảm ơn các đồng nghiệp, bác sĩ đàn anh đã dìu dắt chị từ những ngày mới ra trường.
Với bất cứ bệnh nhân nào tìm đến, bác sĩ Giang Huỳnh Như cũng sẽ cố gắng hết sức để bệnh nhân có con của chính mình, bởi chị không muốn ai phải đi xin trứng. Đó là câu nói mà chị hay nói với bệnh nhân của mình như một lời hứa chân tình. Với chị, không có bệnh nhân hiếm muộn mà có hoàn cảnh hiếm muộn. Mỗi gia đình là một câu chuyện khác nhau trên con đường cầu con. Là bác sĩ điều trị hiếm muộn, không chỉ nắm được kiến thức y khoa, cách điều trị hiệu quả, tránh bệnh nhân rơi vào con đường kiệt quệ mà còn phải lắng nghe, thấu hiểu người bệnh để kết quả đậu thai sớm thành hiện thực, bởi điều trị tâm lý cũng là một phần trong điều trị hiếm muộn.
Xem thêm: Tin tức hoạt động của Bệnh viện Tâm Anh