Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Cập nhật xu hướng thế giới về tầm soát sớm ung thư”, BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân - Bệnh viện Nhân dân 115 đã có những chia sẻ tâm huyết đúc kết từ hơn 20 năm gắn bó với ngành ung bướu.
Tham dự chương trình còn có GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung - Ủy viên BCH Hội Phòng chống Ung thư Việt Nam và Hội Ung thư TP. HCM và TS.BS Nguyễn Duy Sinh - Viện Di truyền Y học - Gene Solutions.
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh - Trưởng Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân - Bệnh viện Nhân dân 115 (thứ 2 từ trái qua) tại tọa đàm trực tuyến “Cập nhật xu hướng thế giới về tầm soát sớm ung thư”
Tại sao cần chia giai đoạn ung thư?
Theo BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh, đặc thù của ung thư là diễn tiến âm thầm, hầu như không có một triệu chứng nào rõ rệt. Cho đến khi bệnh nhân cảm nhận được dấu hiệu thì khối u đã phát triển và xâm lấn qua các cơ quan khác. Lúc này đã vào giai đoạn muộn, các biện pháp điều trị khó phát huy tác dụng.
Việc phân chia các giai đoạn của ung thư đóng vai trò quan trọng. Thứ nhất, thông qua chẩn đoán và phân chia giai đoạn ung thư, bác sĩ sẽ có kế hoạch điều trị phù hợp, biết thời điểm nào cần phẫu thuật, khi nào cần xạ trị, hoặc không thể xạ trị và phẫu thuật mà chỉ chăm sóc giảm nhẹ. Thứ hai, nhờ chia giai đoạn của ung thư, bác sĩ có thể tiên lượng được thời gian sống của bệnh nhân, giúp họ chuẩn bị tâm lý tốt hơn.
Cũng nhờ phân chia giai đoạn, bác sĩ có thể cá thể hoá phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân ung thư, chỉ định những xét nghiệm phù hợp với họ.
Tầm soát, phát hiện sớm ung thư giúp nâng cao hiệu quả điều trị
BS.CK2 Nguyễn Ngọc Anh cho biết: 1/3 ung thư có thể chữa khỏi, 1/3 chữa triệu chứng và kéo dài thời gian, 1/3 còn lại hầu như chỉ chăm sóc giảm nhẹ. Để tăng hiệu quả điều trị ung thư, cần chẩn đoán sớm và chọn đúng liệu trình, phương pháp phù hợp tùy theo cơ địa, thể trạng bệnh nhân.
Có nhiều trường hợp bệnh nhân chưa chết vì ung thư di căn, mà qua đời vì suy kiệt và mắc nhiều chứng bệnh khác. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc bác sĩ chỉ tập trung vào điều trị mà bỏ qua chế độ dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Nhiều bệnh nhân vì thiếu kiến thức, lo lắng quá mức dẫn đến ăn kiêng, khiến tình trạng sụt cân, suy dinh dưỡng trầm trọng. Do vậy, vấn đề dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đa dạng các loại thực phẩm để cơ thể cung cấp đủ dưỡng chất đóng vai trò không kém phần quan trọng trong việc quyết định điều trị ung thư thành công.
“Tầm soát, phát hiện sớm ung thư giúp nâng cao hiệu quả điều trị đáng kể” - BS. Ngọc Anh nhấn mạnh.
Hiện nay trên thế giới có hàng trăm loại ung thư. Vì vậy, không có một “công thức tầm soát” áp dụng cho mọi người. Tuỳ vào độ tuổi, nghề nghiệp, lối sống, tiền sử gia đình… mà có hướng tầm soát phù hợp.
BS. Ngọc Anh (giữa) khuyên mọi người luôn lắng nghe cơ thể, tận dụng những cơ hội vàng để chăm sóc sức khoẻ
BS. Ngọc Anh chia sẻ một thực trạng đáng buồn hiện nay là gánh nặng mưu sinh khiến nhiều người lần lữa mãi hay thậm chí bỏ qua việc khám sức khoẻ định kì. Hậu quả là có đến 80% bệnh nhân ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi các biện pháp điều trị khó phát huy tác dụng.
Từ đó, BS. Ngọc Anh khuyên mọi người luôn lắng nghe cơ thể, tận dụng những cơ hội vàng để chăm sóc sức khoẻ. Không nên chủ quan với những dấu hiệu cảnh báo sớm, nhất là với những triệu chứng bất thường, kéo dài, mà nên thu xếp thời gian đến các bệnh viện lớn để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
BS. Ngọc Anh kết luận: Thực hành lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, duy trì thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư… sẽ giúp mọi người chủ động bảo vệ sức khoẻ, duy trì hạnh phúc và chất lượng sống cho bản thân, gia đình.