Lý thuyết Sinh học 9 Bài 28: Phương pháp nghiên cứu di truyền người
- Hai khó khăn chủ yếu khi nghiên cứu di truyền ở người:
+ Người sinh sản muộn và đẻ ít con.
+ Vì lí do xã hội, không thể áp dụng các biện pháp lai và gây đột biến.
→ Cần phải có phương pháp nghiên cứu di truyền học người thích hợp.
- Hai phương pháp nghiên cứu di truyền học người thông dụng và đơn giản nhất là: phương pháp nghiên cứu phả hệ và trẻ đồng sinh.
I. NGHIÊN CỨU PHẢ HỆ
- Nội dung của phương pháp nghiên cứu phả hệ: Nghiên cứu phả hệ là phương pháp theo dõi sự di truyền của một tính trạng nhất định trên những người thuộc cùng một dòng họ qua nhiều thế hệ.
- Mục đích của việc nghiên cứu phả hệ: Nhằm xác định gen quy định tính trạng là trội hay lặn, nằm trên NST thường hay giới tính, di truyền theo quy luật nào.
- Một số kết quả khi dùng phương pháp nghiên cứu phả hệ trong nghiên cứu di truyền học người: Tóc quăn là trội so với tóc thẳng; bệnh mù màu đỏ và lục, bệnh máu khó đông là gen lặn trên NST X quy định, mắt nâu là trội so với mắt đen,…
- Một số kí hiệu thường dùng khi biểu diễn phả hệ:
Ví dụ về sơ đồ phả hệ của hai gia đình
a (có bà ngoại mắt nâu) và b (có ông nội mắt nâu)
II. NGHIÊN CỨU TRẺ ĐỒNG SINH
1. Trẻ đồng sinh cùng trứng và khác trứng
- Trẻ đồng sinh là những đứa trẻ cùng sinh ra trong một lần sinh.
- Trẻ đồng sinh hay gặp nhất là trẻ sinh đôi.
- Có 2 trường hợp đồng sinh bao gồm: đồng sinh cùng trứng và đồng sinh khác trứng.
Sơ đồ sự hình thành trẻ đồng sinh
a (Sinh đôi cùng trứng); b (Sinh đôi khác trứng)
+ Đồng sinh cùng trứng: là trường hợp một trứng thụ tinh với tinh trùng, sau đó trong những lần nguyên phân đầu tiên của hợp tử các tế bào tách nhau ra và phát triển thành hai hay nhiều cá thể mới → Trẻ đồng sinh cùng trứng có kiểu gen hoàn toàn giống nhau → Các tính trạng chất lượng như giới tính, màu mắt, màu tóc, nhóm máu, bệnh di truyền,… giống hệt nhau.
+ Đồng sinh khác trứng: là trường hợp cùng lúc hai hay nhiều tinh trùng thụ tinh với hai hay nhiều trứng → Trẻ đồng sinh khác trứng có kiểu gen không hoàn toàn giống nhau mà chỉ đơn thuần giống nhau như anh em ruột sinh khác lần sinh bình thường.
2. Ý nghĩa của nghiên cứu trẻ đồng sinh
- Ý nghĩa của nghiên cứu trẻ đồng sinh:
+ Giúp hiểu rõ vai trò kiểu gen và vai trò môi trường đối với sự hình thành tính trạng.
+ Giúp hiểu rõ sự ảnh hưởng khác nhau của môi trường đối với tính trạng số lượng và chất lượng.
- Một số kết quả trong nghiên cứu trẻ đồng sinh:
+ Tính trạng nhóm máu, bệnh máu khó đông mù màu,… hoàn toàn phụ thuộc vào kiểu gen.
+ Khối lượng cơ thể, chiều cao cơ thể, độ thông minh,… phụ thuộc cả vào kiểu gen và môi trường.
Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 28: Phương pháp nghiên cứu di truyền người
Câu 1: (TH) Việc nghiên cứu di truyền ở người gặp khó khăn hơn so với khi nghiên cứu ở động vật do yếu tố nào sau đây?
A. Người sinh sản chậm và ít con.
B. Không thể áp dụng các phương pháp lai và gây đột biến.
C. Các quan niệm và tập quán xã hội.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Câu 2: (NB) Đồng sinh là hiện tượng
A. mẹ chỉ sinh ra 2 con trong một lần sinh của mẹ.
B. nhiều đứa con được sinh ra trong một lần sinh của mẹ.
C. có 3 con được sinh ra trong một lần sinh của mẹ.
D. chỉ sinh một con.
Câu 3: (NB) Hai trẻ đồng sinh cùng trứng có đặc điểm nào sau đây?
A. Giới tính 1 nam, 1 nữ khác nhau.
B. Ngoại hình không giống nhau.
C. Có cùng một giới tính.
D. Có tất cả các đặc điểm ngoại hình giống nhau.
Câu 4: (TH) Phát biểu dưới đây đúng khi nói về trẻ đồng sinh khác trứng?
A. Luôn giống nhau về giới tính.
B. Luôn có giới tính khác nhau.
C. Có thể giống nhau hoặc khác nhau về giới tính.
D. Ngoại hình luôn giống hệt nhau.
Câu 5: (NB) Cơ chế của sinh đôi cùng trứng là
A. hai trứng được thụ tinh cùng lúc.
B. một trứng được thụ tinh với hai tinh trùng khác nhau.
C. một trứng được thụ tinh với một tinh trùng.
D. một trứng thụ tinh với một tinh trùng và ở lần nguyên phân đầu tiên của hợp tử, 2 tế bào con tách rời.
Câu 6: (TH) Trẻ đồng sinh cùng trứng khác trẻ đồng sinh khác trứng ở những điểm nào?
A. Trẻ đồng sinh khác trứng có kiểu gen khác nhau, nên chỉ giống nhau ở mức độ như anh em cùng bố mẹ.
B. Trẻ đồng sinh cùng trứng có cùng một kiểu gen nên rất giống nhau.
C. Trẻ đồng sinh cùng trứng bao giờ cũng hành động giống nhau.
D. Cả A và B.
Câu 7: (NB) Phương pháp nghiên cứu phả hệ là
A. phương pháp nghiên cứu những dị tật trong một gia đình qua nhiều thế hệ.
B. phương pháp theo dõi sự di truyền một tính trạng nhất định trên những người thuộc cùng một dòng họ qua nhiều thế hệ.
C. phương pháp theo dõi sự di truyền nhiều tính trạng trên những người thuộc cùng một gia đình.
D. phương pháp theo dõi sự biểu hiện của tính trạng trên cùng một người qua từng giai đoạn phát triển của người đó.
Câu 8: (TH) Tại sao phải dùng phương pháp phả hệ trong nghiên cứu di truyền người?
A. Phương pháp này đơn giản, dễ thực hiện, hiệu quả cao.
B. Không thể áp dụng phương pháp lai và gây đột biến ở người.
C. Người đẻ ít con và sinh sản chậm.
D. Cả A, B và C.
Câu 9: (NB) Phương pháp nào sau đây không được dùng để nghiên cứu di truyền người?
A. Phương pháp nghiên cứu phả hệ.
B. Phương pháp tế bào học.
C. Phương pháp lai phân tích.
D. Phương pháp nghiên cứu trẻ đồng sinh.
Câu 10: Nghiên cứu phả hệ cho chúng ta những thông tin về
A. đặc điểm di truyền của các tính trạng trên những người cùng một dòng họ qua các thế hệ.
B. số lượng thành viên trong gia đình.
C. tình trạng sức khoẻ của các thành viên trong dòng họ.
D. tình trạng hôn nhân của các thành viên trong gia đình.
Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 26: Thực hành: nhận biết một vài dạng đột biến
Lý thuyết Bài 27: Thực hành: quan sát thường biến
Lý thuyết Bài 29: Bệnh và tật di truyền ở người
Lý thuyết Bài 30: Di truyền học với con người
Lý thuyết Bài 24: Đột biến số lượng nhiễm sắc thể (tiếp theo)