Lý thuyết Sinh học 9 Bài 54: Ô nhiễm môi trường
Bài giảng Sinh học 9 Bài 54: Ô nhiễm môi trường
I. Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG LÀ GÌ?
- Khái niệm: Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên bị nhiễm bẩn, đồng thời các tính chất vật lí, hóa học, sinh học của môi trường bị thay đổi, gây tác hại tới đời sống của con người và các sinh vật khác.
- Nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường:
+ Do hoạt động của tự nhiên: Núi lửa phun nham thạch gây nhiều bụi bặm, thiên tai lũ lụt tạo điều kiện cho nhiều loài vi sinh vật gây bệnh phát triển,…
+ Do hoạt động của con người (đây là nguyên nhân chủ yếu): Phá rừng, sản xuất công nghiệp, rác thải sinh hoạt,…
II. CÁC TÁC NHÂN CHỦ YẾU GÂY Ô NHIỄM
1. Ô nhiễm do các chất khí thải ra từ hoạt động công nghiệp và sinh hoạt
Một số hoạt động gây ô nhiễm không khí
- Các khí thải độc hại cho cơ thể sinh vật: CO, CO2, SO2, NO2,… và bụi.
- Nguyên nhân gây ô nhiễm khí thải rất đa dạng nhưng chủ yếu do quá trình đốt cháy nhiên liệu (gỗ củi, than đá, dầu mỏ, khí đốt,…), hoạt động của các phương tiện, khí thải từ các nhà máy,…
2. Ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật và chất độc hóa học
- Nguyên nhân gây ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật và chất độc hóa học:
+ Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm gây bệnh,…) quá nhiều.
+ Các chất độc hóa học sử dụng trong chiến tranh.
- Hậu quả của ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật và chất độc hóa học: Tác động bất lợi tới toàn bộ hệ sinh thái và ảnh hưởng đến sức khỏe con người (gây dị tật bẩm sinh và nhiều bệnh tật khác).
- Các con đường phát tán các hóa chất, chất độc hại:
+ Hóa chất chuyển thành dạng hơi theo nước mưa rơi xuống đất → tích tụ trong đất gây ô nhiễm mạch nước ngầm.
+ Hóa chất chuyển thành dạng hơi theo nước mưa rơi xuống ao, hồ, sông suối, biển → tích tụ trong nước.
+ Hóa chất còn bám và ngấm vào cơ thể sinh vật.
3. Ô nhiễm do các chất phóng xạ
- Nguồn gây ô nhiễm chất phóng xạ: chất thải của công trường khai thác chất phóng xạ, nhà máy điện nguyên tử,… và qua những vụ thử vũ khí hạt nhân.
- Tác hại: Năng lượng nguyên tử và các chất phóng xạ có khả năng gây đột biến ở người và sinh vật, gây một số bệnh di truyền và ung thư.
Vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Chernobyl phát ra lượng phóng xạ lớn gấp bốn trăm lần so với quả bom nguyên tử được ném xuống Hiroshima.
4. Ô nhiễm do các chất thải rắn
- Nguồn gây ô nhiễm chất thải rắn:
+ Các vật liệu thải trong công nghiệp: Đồ cao su, đồ nhựa, giấy, dụng cụ kim loại, đồ thủy tinh,…
+ Các chất thải từ hoạt động nông nghiệp: Chủ yếu là rác thải hữu cơ như thực phẩm hư hỏng, lá cây,…
+ Chất thải y tế: bông băng bẩn, kim tiêm,…
+ Chất thải từ hoạt động xây dựng và khai thác khoáng sản: đất, đá, vôi, cát,…
+ Chất thải sinh hoạt: nilon dùng đựng đồ, thức ăn thừa,…
- Tác hại: Tạo điều kiện cho nhiều loài VSV gây bệnh phát triển, làm mất mĩ quan,…
5. Ô nhiễm do sinh vật gây bệnh
- Nguồn gốc chủ yếu: Các chất thải như phân, rác, nước thải sinh hoạt, xác chết của sinh vật, nước và rác thài từ bệnh viện,… không được thu gom và xử lí đúng cách đã tạo môi trường cho nhiều sinh vật gây hại cho con người và động vật phát triển.
- Tác hại: Gây nhiều bệnh tật như bệnh tả, lị, sốt rét, giun sán…
Trắc nghiệm Sinh học 9 Bài 54: Ô nhiễm môi trường
CÂU 1: (NB) Ô nhiễm môi trường là
A. hiện tượng môi trường tự nhiên bị làm bẩn.
B. hiện tượng thay đổi tính chất vật lí, hoá học và sinh học của môi trường.
C. hiện tượng gây tác động xấu đến môi trường, do đó gây tác hại tới đời sống của sinh vật và con người.
D. cả A, B và C.
CÂU 2: (NB) Nguyên nhân dẫn đến sự ô nhiễm môi trường do
A. hoạt động của con người.
B. một số hoạt động của tự nhiên.
C. sự cạnh tranh chiếm thức ăn, chỗ ở của các loài sinh vật.
D. hoạt động của con người và một số hoạt động của tự nhiên.
CÂU 3: (NB) Tác nhân chủ yếu gây ra ô nhiễm môi trường là
A. do các loài sinh vật trong quần xã sinh vật tạo ra.
B. các điều kiện bất thường của ngoại cảnh, lũ lụt, thiên tai.
C. tác động của con người.
D. sự thay đổi của khí hậu.
CÂU 4: (NB) Ô nhiễm môi trường dẫn đến hậu quả nào sau đây?
A. Ảnh hưởng xấu đến quá trình sản xuất.
B. Sự suy giảm sức khoẻ và mức sống của con người.
C. Sự tổn thất nguồn tài nguyên dự trữ.
D. Cả A, B, C đều đúng.
CÂU 5: (NB) Các tác nhân chủ yếu gây ô nhiễm môi trường là gì?
1. Các khí thải từ hoạt động công nghiệp và sinh hoạt.
2. Hoá chất bảo vệ thực vật và chất độc hoá học.
3. Các chất phóng xạ.
4. Các chất thải rắn.
5. Các chất thải do hoạt động xây dựng (vôi, cát, đất, đá,…).
6. Ô nhiễm do sinh vật gây bệnh.
7. Các chất độc hại sinh ra trong chiến tranh.
Phương án đúng là
A. 1, 2, 3, 4, 6.
B. 1, 2, 3, 5, 6.
C. 2, 3, 4, 5, 7.
D. 1, 3, 4, 6, 7.
CÂU 6: (NB) Các khí thải trong không khí chủ yếu có nguồn gốc từ đâu?
A. Hoạt động hô hấp của động vật và con người.
B. Quá trình đốt cháy các nhiên liệu.
C. Hoạt động quang hợp của cây xanh.
D. Quá trình phân giải xác hữu cơ của vi khuẩn.
CÂU 7: (NB) Nguồn năng lượng nào sau đây nếu được sử dụng sẽ ít gây ô nhiễm môi trường nhất?
A. Than đá.
B. Dầu mỏ.
C. Mặt trời.
D. Khí đốt.
CÂU 8: (TH) Yếu tố nào sau đây không phải là các tác nhân hoá học gây ô nhiễm môi trường?
A. Lạm dụng thuốc diệt cỏ trong bảo vệ cây trồng.
B. Dùng quá nhiều thuốc trừ sâu so với nhu cầu cần thiết trên đồng ruộng.
C. Các khí thải từ các nhà máy công nghiệp.
D. Các tiếng ồn quá mức do xe cộ và các phương tiện giao thông khác
CÂU 9: (TH) Yếu tố gây ô nhiễm môi trường nào dưới đây là do các hoạt động công nghiệp của con người tạo ra?
A. Các khí độc hại như NO2, SO2, CO2,....
B. Các chất hoá học trên đồng ruộng.
C. Chất thải hữu cơ như thực phẩm hư hỏng, phân động vật.
D. Cả A, B, C đều đúng.
CÂU 10: (TH) Yếu tố hoặc hoạt động nào sau đây là tác nhân làm môi trường ô nhiễm các chất phóng xạ?
A. Chất thải từ công trường khai thác chất phóng xạ.
B. Những vụ thử vũ khí hạt nhân.
C. Chất thải của nhà máy điện nguyên tử.
D. Cả A, B, C đều đúng.
Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết Sinh học lớp 9 đầy đủ, chi tiết khác:
Lý thuyết Bài 55: Ô nhiễm môi trường (tiếp theo)
Lý thuyết Bài 56-57: Một số oxit quan trọng
Lý thuyết Bài 58: Sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên
Lý thuyết Bài 59: Một số oxit quan trọng
Lý thuyết Bài 60: Bảo vệ đa dạng các hệ sinh thái