Trẻ em là những đối tượng dễ mắc bệnh truyền nhiễm và có nguy cơ tử vong cao nhất do hệ miễn dịch còn non nớt và chưa hoàn thiện. Do đó để bảo vệ sức khoẻ của trẻ từ lúc mới sinh thì việc tiêm chủng là hết sức cần thiết và là một trong những điều bắt buộc nhằm bảo vệ trẻ khỏi những căn bệnh nguy hiểm như sởi, rubella, cúm,... trong suốt cuộc đời. Vậy bé 2 tháng tuổi chích ngừa mũi gì?
1. Tiêm chủng là gì?
Tiêm chủng hay tiêm vaccine là đưa vào cơ thể một kháng nguyên, kích thích cơ thể sản sinh kháng thể tạo miễn dịch chủ động để phòng bệnh. Đối với trẻ nhỏ, trong giai đoạn đầu khi mới sinh vì nhận được kháng thể của mẹ nên trẻ đã có miễn dịch với một số loại bệnh. Tuy nhiên sự miễn dịch này chỉ có thể kéo dài được tới thời điểm 6 tháng sau sinh. Qua giai đoạn này, nếu không tiêm chủng trẻ có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan siêu vi B, viêm màng não mủ, sởi, quai bị, rubella, viêm não Nhật Bản.
Tiêm chủng mở rộng là chương trình tiêm chủng được triển khai trên phạm vi cả nước với tất cả trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng đều được tiêm miễn phí. Tiêm chủng giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh của trẻ xuống mức thấp nhất, tuy không thể tránh bệnh trong 100% các trường hợp nhưng nếu mắc bệnh, bệnh tình của trẻ cũng không quá nặng và trong tầm kiểm soát, điều trị.
2. Bé 2 tháng tiêm mũi gì?
Các mũi tiêm cho trẻ 2 tháng tuổi là mối quan tâm của nhiều bậc phụ huynh khi các con được 24 tháng tuổi. Theo các chuyên gia, khi này trẻ bắt đầu được tiêm phòng 8 loại bệnh mũi 1 gồm:
- Vaccine kết hợp phòng 6 bệnh (ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và bệnh do Haemophilus influenzae type B gây nên như viêm phổi, viêm màng não mủ
- Vắc xin phòng Rotavirus gây bệnh tiêu chảy cấp
- Vắc xin phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn (mũi 1)
3. Một số lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng
Ngoài thắc mắc trẻ 2 tháng tiêm mũi gì, cha mẹ cần “nằm lòng” một số lưu ý khi cho trẻ đi tiêm chủng:
- Điều quan trọng nhất phụ huynh cần lưu ý là đưa trẻ tiêm chủng đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ không chỉ giúp trẻ tăng sức đề kháng mà còn phòng được các bệnh lý nguy hiểm, duy trì sự phát triển toàn diện cho trẻ.
- Khám sàng lọc trước tiêm cho trẻ là bắt buộc, cha mẹ cần thông báo cho bác sĩ biết tình trạng sức khoẻ trước đây của trẻ có bị bệnh hay dị ứng, đang dùng thuốc gì không để bác sĩ cân nhắc chỉ định phác đồ phù hợp.
- Cần giữ sổ và phiếu tiêm chủng để theo dõi sát lịch tiêm của trẻ
- Chăm sóc và theo dõi trẻ thường xuyên sau tiêm chủng, cho trẻ ăn uống, tắm rửa như thường lệ và đánh giá sức khoẻ của trẻ thường xuyên.
4. Chăm sóc trẻ sau tiêm chủng như thế nào?
Đối với trẻ được tiêm tại trạm y tế thì cần ở lại trạm thêm 30 phút sau khi tiêm để được cán bộ y tế theo dõi liên tục và xử trí kịp thời nếu có bất thường xảy ra. Sau đó tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1-2 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần, bú mẹ, ăn ngủ, thở, nhiệt độ, phản ứng tại chỗ tiêm hay phát ban. Nếu trẻ sốt cần cặp nhiệt theo dõi và dùng thuốc hạ sốt theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. Tuyệt đối không tự ý đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm.
Cần nhận biết các dấu hiệu để đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất như sau:
- Sốt cao > 39°C
- Co giật
- Phát ban
- Khóc thét
- Tím tái
- Khó thở
- Li bì
- Mệt lả
- Bú kém hay bỏ bú
- Các phản ứng thông thường nhưng kéo dài trên 1 ngày
Như vậy, thắc mắc bé 2 tháng tiêm mũi gì đã được giải đáp ở bài đọc. Tiêm vắc-xin phòng bệnh là giải pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Do đó, phụ huynh nên cho trẻ tiêm phòng đúng lịch và đủ mũi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.