Cúm gia cầm ở người là bệnh truyền nhiễm do virus có thể lây nhiễm không chỉ cho chim, mà cả con người và các động vật khác. H5N1 là dạng cúm gia cầm phổ biến nhất, nó có thể gây chết cho chim và dễ dàng ảnh hưởng đến con người. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, H5N1 được phát hiện lần đầu tiên ở người vào năm 1997 và đã giết chết gần 60% người mắc bệnh.
1. Nguyên nhân gây cúm gia cầm
Mặc dù có một số loại dịch cúm gia cầm, nhưng H5N1 là virus cúm gia cầm đầu tiên lây sang người gây bệnh cúm gia cầm hay còn gọi là cúm chim (tên tiếng Anh Bird flu hoặc avian influenza), ca mắc bệnh đầu tiên được phát hiện tại Hồng Kông vào năm 1997. Nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát dịch này là do các vấn đề liên quan đến xử lý gia cầm bị nhiễm bệnh chưa thực hiện tốt.
1.1 Cúm gia cầm lây sang người như thế nào?
Virus H5N1 có vật chủ chính là quần thể chim hoang dã (chủ yếu là vịt trời) và gia cầm (vịt, gà tây, gà, ngan, ngỗng). Bệnh lây truyền qua tiếp xúc với phân của chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc từ dịch tiết ở mũi, miệng hoặc mắt. Chợ trời và các địa điểm bán trứng và chim trong điều kiện đông đúc và mất vệ sinh, chính là nơi dễ nhiễm bệnh và có thể truyền bệnh sang cộng đồng đông dân cư.
Thịt hoặc trứng từ những con chim hoặc gia cầm bị nhiễm bệnh nếu chưa được chưa nấu chín hoàn toàn cũng có thể truyền bệnh cúm gia cầm. Do đó, để đảm bảo an toàn, thịt gia cầm cần được nấu chín hoàn toàn ở nhiệt độ ở bên trong gia cầm từ 74 độ C trở lên và trứng cần phải chín cả lòng đỏ và lòng trắng.
1.2 Cúm gia cầm lây từ người sang người không?
Hiện tại, virus cúm gia cầm không lây từ người sang người. Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng, virus H5N1 có nguy cơ trở thành mối đe dọa đại dịch cho con người.
2. Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của cúm gia cầm bắt đầu trong vòng hai đến bảy ngày kể từ khi nhiễm bệnh, tùy thuộc vào loại virus cúm gia cầm. Phần lớn các trường hợp, nhìn chung triệu chứng của bệnh cúm gia cầm giống với bệnh cúm thông thường, bao gồm:
- Ho
- Sốt
- Viêm họng
- Đau cơ
- Đau đầu
- Khó thở
Một số người cũng có thể có triệu chứng buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy. Và trong một vài trường hợp, nhiễm trùng mắt nhẹ (viêm kết mạc) là dấu hiệu duy nhất của bệnh.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Gặp bác sĩ ngay lập tức nếu bạn bị sốt, ho và cơ thể bị đau nhức và gần đây bạn đã đi du lịch ở quốc gia hoặc khu vực đang có dịch cúm gà.
3. Chẩn đoán
3.1 Xét nghiệm bệnh phẩm
Các mẫu bệnh phẩm dạng chất lỏng từ mũi hoặc cổ họng của người bệnh được lấy để kiểm tra trong các mẫu bệnh phẩm này có chứa virus cúm gia cầm hay không. Những mẫu này cần được thực hiện trong vài ngày đầu tiên sau khi các triệu chứng xuất hiện.
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) đã phê duyệt một bộ xét nghiệm được thiết kế riêng để xác định bệnh cúm gia cầm với tên gọi là influenza A/H5 (Asian lineage) virus real-time RT-PCR primer and probe set. Với bộ xét nghiệm này, kết quả xét nghiệm sơ bộ sẽ có trong bốn giờ.
3.2 Chẩn đoán hình ảnh
X-quang có thể hữu ích trong việc đánh giá tình trạng phổi, xác định chẩn đoán và lựa chọn các phương pháp điều trị phù hợp cho các dấu hiệu và triệu chứng hiện có của người bệnh.
4. Điều trị
Hiện nay, nhiều loại virus cúm đã kháng với một loại thuốc chống virus như amantadine và rimantadine (Flumadine). Các quan chức y tế khuyến cáo nên sử dụng oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza) nếu oseltamivir không có hiệu quả. Những loại thuốc này phải được sử dụng ngay trong vòng hai ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên.
Người thân hoặc những người khác đã tiếp xúc gần gũi với người bệnh cũng có thể được kê đơn thuốc kháng virus để phòng ngừa bệnh, ngay cả khi họ không bị bệnh.
Người bệnh sẽ được nằm tại phòng bệnh cách ly và bác sĩ có thể cho thở máy nếu người bệnh bị nhiễm trùng nặng.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org, healthline.com