Nhận biết sớm những dấu hiệu đột quỵ (hay triệu chứng đột quỵ theo cách hiểu của nhiều người dân) giúp người bệnh kịp thời phát hiện “báo động đỏ”, từ đó chủ động ngăn chặn, sơ cứu nhanh hoặc cấp cứu kịp thời.
Người bị đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ thiếu máu não nếu được cấp cứu sớm trong khoảng 3- 4,5 giờ sau khi phát hiện các dấu hiệu đầu tiên của đột quỵ, sẽ giảm được nguy cơ tử vong cũng như hạn chế tối đa các di chứng của thiếu máu não như yếu liệt.
Nguy cơ bị đột quỵ
Trên thế giới, mỗi năm có hơn 13 triệu người bị đột quỵ với con số tử vong lên đến 5,5 triệu người. Tại Hoa kỳ hằng năm có khoảng 795.000 người bị đột quỵ (trong đó 87 % là đột quỵ thiếu máu não) và 185.000 người bị tái phát hằng năm. Tại Việt Nam, số người bị đột quỵ hằng năm trên 200.000 người, có khoảng 100.000 người sống sót với các di chứng về thần kinh, vận động. (1)
Trên thực tế đã cho thấy bất cứ ai cũng có thể bị đột quỵ. Tuy nhiên, một số đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao hơn bao gồm những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như nam giới, tuổi cao (trên 50 tuổi), thì còn có những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi như: (2)
- Tiền sử gia đình có người từng bị đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ trẻ (trước 40 tuổi).
- Đã từng bị đột quỵ.
- Những người bị tăng huyết áp
- Người bị bệnh tim mạch bẩm sinh hay bệnh mạch vành, rung nhĩ.
- Người bị tiểu đường.
- Người hút thuốc lá/tiếp xúc với khói thuốc trong một thời gian dài.
- Người ít ăn rau xanh, ăn uống kém lành mạnh, thường xuyên ăn thức ăn nhiều dầu mỡ và chất béo.
- Người nghiện rượu, uống nhiều rượu bia và thức uống có cồn.
- Người ít vận động, rèn luyện sức khỏe.
- Người béo phì.
Các dấu hiệu đột quỵ thường gặp và triệu chứng đột quỵ sớm “FAST”
5 dấu hiệu của đột quỵ nên chú ý
- Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó. Có thể bảo bệnh nhân cười và quan sát.
- Đột ngột cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Hãy bảo bệnh nhân giơ tay lên và so sánh, nếu hai tay không thể nâng qua đầu cùng lúc thì có khả năng người đó bị đột quỵ.
- Đột ngột nhức đầu dữ dội hay chóng mặt, bệnh nhân không yếu liệt chi nhưng không thể ngồi hay đi đứng được như người bình thường.
- Đột ngột mất thị lực: Mờ mắt, nhìn không rõ
- Giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ. Có thể yêu cầu người đó nói những câu đơn giản, nếu không thể nhắc lại được thì người đó có dấu hiệu bị đột quỵ.
Nhận biết sớm nguy cơ đột quỵ bằng quy tắc “FAST”
Quy tắc FAST là một trong những cách giúp nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ một cách nhanh nhất và xử lý đúng. (3)
- F (face): Khuôn mặt bị mất cân đối, yếu liệt mặt, một bên mặt bị chảy xệ, cười méo mó. Có thể bảo bệnh nhân cười và quan sát.
- A (arm): Cử động khó khăn hoặc không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Hãy bảo bệnh nhân giơ tay lên và so sánh, nếu hai tay không thể nâng qua đầu cùng lúc thì có khả năng người đó bị đột quỵ.
- S (speech): Giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, dính chữ. Có thể yêu cầu người đó nói những câu đơn giản, nếu không thể nhắc lại được thì người đó có dấu hiệu bị đột quỵ.
- T (time): Khi một người có những triệu chứng trên thì rất có thể họ đã bị đột quỵ, vì vậy hãy gọi ngay cấp cứu (115) hoặc đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị bằng phương tiện phù hợp. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện càng sớm thì tổn thương càng ít, khả năng phục hồi càng cao, ngược lại đưa đến bệnh viện càng trễ thì càng có nhiều biến chứng nguy hiểm.
Xem thêm: Sơ cứu đột quỵ tại nhà đúng cách, khoa học: Lưu ý khi xử lý.
Các biến chứng thường gặp khi bị đột quỵ
Đột quỵ thường để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Tùy theo tình trạng đột quỵ do nguyên nhân thiếu máu não hay chảy máu não cũng như thời gian người bệnh được cấp cứu điều trị sau khi phát hiện mà biến chứng cũng sẽ khác nhau.
Các biến chứng đột quỵ hay di chứng đột quỵ phổ biến nhất có thể bao gồm: (4)
- Nặng nề nhất là gây chết người.
- Phù não: Tình trạng não sưng phù bên trong hộp sọ cố định làm ảnh hưởng đến dòng chảy của oxy và máu lên não. Đó là biến chứng nguy hiểm có thể gây ra tụt não làm bệnh nhân chết nhanh chóng do đó cần được điều trị ngay lập tức.
- Viêm phổi: Do tình trạng nằm lâu một chỗ kèm theo người bệnh tai biến dễ nuốt sặc nên dễ bị viêm phổi biểu hiện bằng khó thở, ho có đờm, sốt, ớn lạnh,… Đây là một bệnh nhiễm trùng phổ biến hay gặp ở bệnh nhân đột quỵ.
- Gặp khó khăn khi nuốt: Một biến chứng sau đột quỵ nữa chính là gặp các vấn đề khi nuốt, cảm giác thức ăn mắc kẹt trong cổ họng, khó nhai, khó thở khi nuốt, thức ăn trào ngược lên sau khi nuốt,… Thường bệnh nhân bị đột quỵ khó nuốt chất lỏng hơn thức ăn sệt.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Người sau khi bị đột quỵ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu với các triệu chứng như nước tiểu đục hoặc tiểu ra máu, cảm giác đau hoặc rát khi đi tiểu, đau vùng bụng dưới, chuột rút ở vùng bụng dưới,… do người bệnh đột quỵ hay bị khó tiểu phải đặt sonde tiểu.
- Động kinh: Đột quỵ có thể làm tổn thương các tế bào não, dẫn đến tình trạng động kinh, co giật. Khi bị co giật người bệnh cũng dễ bị thiếu oxy não và làm tổn thương não nhiều hơn.
- Co cứng chi: Triệu chứng co cứng chi cũng thường xảy ra ở người bị đột quỵ. Các cơ tay, chân bị rút ngắn, co cứng khiến người bệnh đau đớn và mất khả năng vận động. Do đó, người bệnh nên được tập vận động sớm sau đột quỵ.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu: Tình trạng huyết khối tĩnh mạch sâu có thể xảy ra trước khi người bệnh bị đột quỵ và là nguyên nhân gây đột quỵ. Huyết khối tĩnh mạch sâu cũng có thể xảy ra sau khi bị đột quỵ do bệnh nhân nằm một chỗ và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm chết người do cục máu đông di chuyển đến phổi, tim, não gây tắc nghẽn làm cho người bệnh có thể bị nhồi máu phổi, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não tái phát sớm .
- Mất khả năng ngôn ngữ: Tổn thương não sau khi bị đột quỵ có thể làm người bệnh mất khả năng ngôn ngữ, khó giao tiếp, không thể nói chuyện, nói không rõ chữ, không hiểu được lời nói của người khác, mất khả năng diễn đạt,…
- Nhồi máu cơ tim: Người bị đột quỵ do xơ vữa động mạch não thì cũng có nguy cơ nhồi máu cơ tim.
- Trầm cảm: Ngoài sức khỏe thể chất thì người bị đột quỵ còn gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần, dễ lo lắng quá mức dẫn đến trầm cảm. Các triệu chứng thông thường của người trầm cảm sau đột quỵ gồm có cảm thấy trống rỗng buồn bã hoặc lo lắng trong thời gian dài (hơn 2 tuần), mất hứng thú với các hoạt động hằng ngày; cảm thấy bản thân vô dụng, mệt mỏi, ít năng lượng, luôn trong trạng thái uể oải,… Thậm chí họ có thể tìm cách tự vận để kết thúc cuộc đời.
Bên cạnh các biến chứng đột quỵ trên, người bị đột quỵ còn có thể gặp các biến chứng khác như: Buồn nôn, nôn ói, mất thị lực, mất trí nhớ, các vấn đề về ruột và bàng quang,…
Các thắc mắc về dấu hiệu hay triệu chứng đột quỵ
1. Các dấu hiệu hay triệu chứng đột quỵ bắt đầu khi nào?
Mất bao lâu để xảy ra đột quỵ? Các dấu hiệu sắp đột quỵ có thể xuất hiện bất thình lình, trước thời điểm diễn ra đột quỵ chỉ vài phút; cũng có một số trường hợp các triệu chứng cảnh báo cơn đột quỵ sẽ diễn ra trước vài giờ.
Một vài bệnh nhân tối trước khi ngủ vẫn còn bình thường đến sáng thì đột ngột hôn mê hay yếu liệt tay chân nữa bên người. Do đó, có một số bệnh nhân khó có thể xác định chính xác thời điểm xảy ra đột quỵ.
Tuy nhiên, nếu một người trước đó hoàn toàn bình thường đột ngột có 5 dấu hiệu sớm của đột quỵ đã nêu bên trên thì không nên chủ quan mà phải đến cơ sở y tế để được kịp thời can thiệp.
Tìm hiểu thêm: Dấu hiệu trước khi đột quỵ cảnh báo nguy hiểm không thể bỏ qua.
2. Cánh tay nào bị tê nếu bạn bị đột quỵ?
Một triệu chứng đột quỵ vô cùng rõ rệt chính là tê bì chân tay một bên, có thể là bên trái hay bên phải, có thể không thể cử động được do yếu liệt khi người bệnh bị đột quỵ. Tình trạng tê có thể đi kèm với chuột rút, đau đớn.
3. Có thể bị đột quỵ khi đang ngủ không?
Có! Chúng ta vẫn có nguy cơ bị đột quỵ giữa đêm, trong khi đang ngủ. Tình trạng này được gọi là đột quỵ khi thức dậy và chúng chiếm khoảng 14% trong tổng số các ca đột quỵ. Đột quỵ khi đang ngủ vô cùng nguy hiểm bởi lúc này, không thể phát hiện được những dấu hiệu đột quỵ để có thể sớm can thiệp trong “thời gian vàng”, làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng và tử vong.
4. Có thể bị đột quỵ mà không biết hay không?
Có! Bạn có thể bị đột quỵ mà không biết. Các dấu hiệu bị đột quỵ có thể không được phát hiện nếu đây chỉ là cơn đột quỵ nhẹ, cơn đột quỵ thoáng qua khiến mô bị tổn thương nhẹ hoặc các mô bị tổn thương không phục vụ chức năng mà người bệnh có thể nhận biết như chức năng cao cấp: Tính toán, tình cảm, cảm xúc,… Chúng ta có thể phát hiện ra tình trạng đột quỵ này thông qua hình ảnh khi chụp CT hoặc MRI não. (5)
Ngoài ra, nếu các dấu hiệu đột quỵ nhẹ xuất hiện trong lúc bạn đang ngủ thì bạn cũng có thể không nhận ra chúng. Chẳng hạn như việc tê cứng nửa thân người khi đang ngủ thường bị hiểu lầm thành chuột rút hoặc “bóng đè” (một hiện tượng dân gian).
Điều nguy hiểm là sau cơn đột quỵ nhẹ mà bạn không thể nhận biết thì trong vòng vài giờ hay vài ngày sau (thường trong tuần lễ đầu tiên) thì bệnh tiến triển nặng dần có thể gây liệt nửa người không thể vận động hay rơi vào hôn mê. Do đó, người bệnh không nên chủ quan.
Càng sớm nhận ra dấu hiệu đột quỵ hay triệu chứng đột quỵ và điều trị kịp thời thì càng tăng tỷ lệ sống sót của người bệnh sau đột quỵ cũng như hạn chế được các biến chứng nặng. Nên chủ động ghi nhớ các dấu hiệu đột quỵ. Ngoài ra, nên xây dựng lối sống lành mạnh: Hạn chế rượu, không hút thuốc, hạn chế chất béo bão hoà, tăng cường bổ sung các dưỡng chất cần thiết, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị các bệnh là yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch,… để phòng ngừa đột quỵ.