Nước ối giữ vai trò quan trọng trong duy trì sự sống và đảm bảo sự phát triển của thai nhi khi nằm trong bụng mẹ. Vì thế, khá nhiều mẹ bầu hoang mang, lo lắng khi được bác sĩ thông báo thai kỳ bị thiểu ối hay thiếu nước ối. Có những nguyên nhân nào gây thiếu ối cũng như dấu hiệu thiếu ối là gì để mẹ sớm nhận biết? BS.CKII Lê Thanh Hùng, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ cụ thể trong bài viết dưới đây.
Sơ lược về nước ối
Nước ối là một chất lỏng màu trong suốt, xuất hiện từ ngày thứ 12 sau khi thụ thai. Khi thai nhi còn nằm trong tử cung của mẹ, thai nhi sẽ nằm trong túi ối và được bao quanh bởi nước ối. Trong nước ối chứa các thành phần quan trọng như chất dinh dưỡng, hormone và kháng thể chống lại nhiễm trùng.
BS.CKII Lê Thanh Hùng chia sẻ, nước ối giữ nhiều vai trò vô cùng quan trọng đối với thai nhi. Đây chính là môi trường giúp thai nhi duy trì sự sống và phát triển khỏe mạnh trong suốt thai kỳ. Nước ối giúp bảo vệ thai nhi tránh khỏi những tổn thương, va đập bên ngoài; tạo nên môi trường vô khuẩn để bảo vệ thai nhi khỏi nhiễm trùng; cung cấp dinh dưỡng, giúp thai nhi ổn định thân nhiệt, phát triển hài hòa và bình chỉnh ngôi thai.
Khi mẹ bước vào giai đoạn chuyển dạ sắp sinh, nước ối giúp cổ tử cung xóa mở tốt hơn, thai nhi dễ dàng di chuyển qua ống sinh nhờ chất bôi trơn thành âm đạo có trong nước ối.
Lượng nước ối trong bụng mẹ sẽ tăng dần theo số tuần tuổi của thai nhi, đạt mức cao nhất vào tuần thứ 36 của thai kỳ, khoảng 1000ml. Sau đó lượng nước ối sẽ giảm dần cho đến ngày dự sinh để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ.
Thiểu ối là gì?
Thiểu ối hay thiếu ối (y khoa gọi là Oligohydramnios) là tình trạng nước ối ít hơn so với mức sinh lý bình thường, khi chỉ số AFI (chỉ số nước ối) nhỏ hơn 5cm (chỉ số bình thường là 5-25cm), chỉ số MPV (xoang ối lớn nhất) nhỏ hơn 2cm và màng ối còn nguyên vẹn. Thiểu nước ối nghiêm trọng nhất khi chỉ số AFI nhỏ hơn 3cm.
Thống kê cho thấy, thiếu ối ảnh hưởng đến 4% tổng số ca mang thai, 12% đối với các ca mang thai quá ngày dự sinh. Tình trạng thiếu nước ối có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thai kỳ, nhưng phổ biến nhất vào tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối). Nguy cơ sẽ tăng lên đối với mẹ bầu quá ngày dự sinh ít nhất 2 tuần. Thiểu ối xảy ra càng sớm thì nguy cơ biến chứng nghiêm trọng đối với thai nhi càng cao. (1) (2)
Dấu hiệu thiếu ối là gì?
Mẹ bầu có thể tự nhận biết tình trạng thiếu nước ối khi thấy chu vi vòng bụng tăng chậm không tương đương với tuổi thai, thai giảm cử động hoặc cử động yếu, có lúc thai máy đạp khiến bụng mẹ đau. Đây là hiệu ứng của việc thiếu nước ối, các hoạt động của thai nhi tác động trực tiếp lên thành tử cung hình thành nên các cơn đau co thắt.
Khi khám thai, bác sĩ sờ thấy thai nhi nằm sát ngay da bụng, không cảm thấy có nước ối sẽ chỉ định làm siêu âm để đánh giá chính xác lượng nước ối. Siêu âm được xem là cách chẩn đoán tình trạng thiểu ối chính xác nhất. Thông qua siêu âm, bác sĩ cũng đánh giá được các bất thường khác liên quan đến bất thường sự phát triển của thai nhi, tư thế thai nhi, bất thường ở thận thai nhi và dây rốn.
Nguyên nhân gây thiểu ối
Nước ối được tạo thành từ 3 nguồn gốc là cơ thể mẹ, thai nhi và màng ối. Bất kỳ bất thường nào ở một trong ba nguồn gốc đều có thể ảnh hưởng đến lượng nước ối trong bụng mẹ. Thông thường, bác sĩ sẽ thăm khám và kiểm tra để loại trừ nguyên nhân gây thiếu nước ối do vỡ ối hoặc rò rỉ nước ối ra bên ngoài. Chỉ khi chắc chắn loại trừ được hai nguyên nhân này mới nghĩ đến các nguyên nhân khác. (3)
1. Nguyên nhân từ phía mẹ
Mẹ bầu có các yếu tố nguy cơ sau dễ bị thiếu ối hơn so với bình thường, bao gồm:
- Mắc các bệnh lý về gan, thận, tăng huyết áp, tiền sản giật… ảnh hưởng đến chức năng của nhau thai và chức năng tái tạo nước ối.
- Sử dụng các loại thuốc như thuốc ức chế tổng hợp Prostaglandin, thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc chống viêm không steroid khi mang thai.
- Chế độ ăn uống kém, không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
- Uống ít nước, không đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Làm việc quá sức và nghỉ ngơi không hợp lý.
2. Nguyên nhân từ phía thai nhi
Tình trạng thiểu ối có thể liên quan đến các vấn đề bất thường ở thai nhi như sau:
- Thai chậm tăng trưởng hoặc thai quá ngày dự sinh.
- Thai bị dị tật bẩm sinh, nhất là những dị tật ở thận và đường tiết niệu.
- Nhiễm trùng bào thai, thai chết lưu.
3. Nguyên nhân từ phía các phần phụ của thai
Bao gồm những vấn đề ở nhau thai - nơi cung cấp dinh dưỡng và oxy cho thai nhi qua dây rốn, song thai hoặc đa thai có chung một bánh nhau, hội chứng truyền máu song thai…
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp thiểu ối nhưng không rõ nguyên nhân. Vì thế, mẹ bầu thuộc các nhóm nguy cơ kể trên cần chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân và thai nhi trong bụng. Khi nhận thấy thai nhi cử động yếu hoặc có dấu hiệu lạ, mẹ cần thăm khám ngay để được bác sĩ kiểm tra và can thiệp kịp thời.
Thiểu ối có nguy hiểm không?
Bác sĩ Lê Thanh Hùng cho biết, thiểu ối xảy ra ở tuổi thai càng nhỏ thì nguy cơ biến chứng càng nguy hiểm. Đối với mẹ bầu có chẩn đoán thiếu ối trong 3 tháng cuối vẫn có thể sinh con an toàn và khỏe mạnh, tuy nhiên vẫn tồn tại nguy cơ thai chậm tăng trưởng, dây rốn bị chèn ép và nguy cơ phải mổ bắt thai.
Nếu tình trạng nước ối ít được phát hiện trước tuần thứ 28 của thai kỳ sẽ có các nguy cơ lớn hơn như sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc bị dị tật bẩm sinh ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ trong tương lai.
Chẩn đoán thiểu ối như thế nào?
Việc chẩn đoán tình trạng thiểu ối được dựa trên các dấu hiệu lâm sàng như bụng nhỏ không tương đương với tuổi thai, sờ thấy các phần của thai ngay sát da bụng và khám lâm sàng thấy màng ối còn nguyên vẹn. Bác sĩ cũng sẽ hỏi thăm các triệu chứng dịch âm đạo, són tiểu để phân biệt hiện tượng rò rỉ nước ối, vỡ ối trước đó.
Để chẩn đoán chính xác hơn, bác sĩ chỉ định mẹ làm siêu âm, xác định chỉ số AFI nếu nhỏ hơn 5cm là thiếu nước ối, nếu nhỏ hơn 3cm là cạn ối. Siêu âm cũng giúp kiểm tra sự phát triển và phát hiện các bất thường hình thái, cơ quan của thai nhi.
Ngoài ra, mẹ bầu có thể làm thêm xét nghiệm miễn dịch, siêu âm tim, siêu âm màu Doppler, monitor sản khoa… trong trường hợp nghi ngờ thai chậm phát triển trong lòng tử cung. Dựa trên kết quả chẩn đoán mà bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị thiểu ối ở mẹ bầu
Thông thường, tình trạng có ít nước ối trong tử cung được chẩn đoán qua siêu âm ở những lần khám thai định kỳ. Vì thế, mẹ bầu cần tuân thủ chặt chẽ lịch khám thai được bác sĩ chỉ định để phát hiện tình trạng thiếu ối sớm nhất.
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ có hướng dẫn điều trị phù hợp để đảm bảo an toàn cho mẹ và thai nhi. Cân nhắc truyền dịch vào túi ối để duy trì lượng nước ối cần thiết, đảm bảo nuôi sống và sự phát triển khỏe mạnh cho thai nhi. (4)
Trường hợp thiếu ối ở tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu), cần xác định chính xác nguyên nhân khiến nước ối ít là do mẹ hay do phôi thai để điều trị nguyên nhân một cách triệt để. Cân nhắc chấm dứt thai kỳ trong tình huống cần thiết.
Trường hợp thiểu nước ối ở tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa), cũng cần xác định nguyên nhân gây thiếu ối. Nếu nguyên nhân đến từ phía thai nhi cần đánh giá kỹ các bất thường để truyền ối tiếp tục thai kỳ hay phải chấm dứt thai kỳ ngay lập tức. Trong thời gian này mẹ sẽ cần siêu âm theo dõi mỗi 1-2 lần/tuần. Cân nhắc sử dụng thuốc trưởng thành phổi nếu thai có khả năng nuôi sống được.
Trường hợp thiểu ối ở tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối), mẹ bầu cần thăm khám thai thường xuyên hơn theo chỉ định của bác sĩ để được theo dõi chặt chẽ. Nếu thiểu ối nặng, mẹ phải nhập viện để truyền dịch vào túi ối. Có thể sử dụng thêm thuốc trưởng thành phổi. Khi thai nhi được 37 tuần, đã đủ trưởng thành hoặc đã dùng đủ thuốc trưởng thành phổi, bác sĩ sẽ xem xét khởi phát chuyển dạ để chấm dứt thai kỳ hoặc mổ lấy thai.
Trung tâm Sản Phụ khoa Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, sở hữu hệ thống máy siêu âm hiện đại như máy siêu âm hình thái học 3D, 4D, siêu âm màu Doppler, siêu âm thế hệ mới nhất Voluson E10…; liên kết chặt chẽ cùng nhiều chuyên khoa trong bệnh viện như Trung tâm Sơ sinh, Trung tâm Tim mạch, Trung tâm Xét nghiệm, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh… phát hiện sớm những bất thường trong thai kỳ, can thiệp xử trí kịp thời và hiệu quả, bảo vệ an toàn cho cả mẹ và thai nhi.
Đặc biệt, Trung tâm Sản Phụ khoa còn triển khai đa dạng dịch vụ thai sản cho mẹ bầu như gói thai sản trọn gói, sinh con trọn gói, thai sản theo yêu cầu… với đầy đủ các mốc khám thai và tầm soát dị tật thai nhi quan trọng như Double Test, Triple Test, NIPT… giúp mẹ an tâm tận hưởng thai kỳ khỏe mạnh, sinh nở an toàn, mẹ tròn con vuông.
Để tìm hiểu thêm các gói thai sản và sinh con tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, mẹ vui lòng liên hệ đến:
Chăm sóc mẹ bầu bị thiểu ối như thế nào?
Bên cạnh việc tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn điều trị của bác sĩ, mẹ bầu có thể áp dụng các cách sau đây để khắc phục nhanh chóng tình trạng nước ối ít, gồm:
- Uống nhiều nước, tăng 1-2 lít nước vào lượng nước uống ngày ngày để cải thiện việc ít nước ối. Uống nhiều nước cũng giúp cải thiện tuần hoàn nhau thai và tử cung.
- Bổ sung các loại trái cây nhiều nước, có hàm lượng nước cao như dưa hấu, dưa chuột, cà chua, cần tây…
- Xây dựng và áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho thai nhi thông qua nước ối. Nhất là vào 3 tháng cuối thai nhi sẽ thường xuyên nuốt nước ối, do đó chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp bé phát triển toàn diện và tăng vị giác tốt hơn.
- Tránh sử dụng các loại thực phẩm gây mất nước như cà phê, râu ngô… Mẹ cũng tránh uống rượu bia bởi không chỉ làm thiếu nước ối mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển ống thần kinh của thai nhi.
- Luyện tập thể dục thể thao đều đặn, giúp mẹ tăng cường sức đề kháng, tăng lưu lượng máu tuần hoàn trong tử cung và nhau thai. Mẹ có thể tham khảo các bộ môn nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội…
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, hạn chế các vận động mạnh.
- Khi ngủ mẹ nên nằm nghiêng sang bên trái vì ở tư thế này máu sẽ lưu thông tốt hơn, hệ tuần hoàn của thai nhi được chảy tốt hơn, nhờ đó cũng cải thiện tình trạng thiểu ối.
- Mẹ cũng cần thường xuyên quan sát và theo dõi cử động thai, phát hiện sớm việc thai cử động yếu để thăm khám sớm và can thiệp kịp thời.
Phòng ngừa tình trạng thiểu ối bằng cách nào?
Cách tốt nhất để phòng ngừa thiểu ối khi mang thai là mẹ cần lên kế hoạch điều trị triệt để hoặc ổn định các bệnh lý nếu có trước khi mang thai, khám tiền hôn nhân, khám tiền sản để được bác sĩ hướng dẫn kế hoạch chuẩn bị mang thai khoa học.
Khi mang thai, mẹ cần tuân thủ chặt chẽ lịch khám thai định kỳ để được theo dõi thai kỳ chặt chẽ, phát hiện sớm và điều trị kịp thời tình trạng thiếu nước ối để tránh những điều bất trắc xảy ra trong thai kỳ.
Lưu ý!!! Các mốc khám thai quan trọng mẹ bầu cần ghi nhớ
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp mẹ bầu hiểu rõ thiểu ối là gì, từ đó biết cách chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc băn khoăn nào, mẹ có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ!