Có nhiều nguyên nhân khiến bà bầu bị đầy bụng khó tiêu, xì hơi. Thông thường các triệu chứng này chỉ là một tình trạng thường gặp và khá nhẹ nhàng ở mẹ bầu nhưng bạn cũng cần lưu ý nếu xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa nặng hơn như đau bụng, tiêu chảy,... Vậy bà bầu bị đầy bụng khó tiêu phải làm sao?
1. Nguyên nhân khiến bà bầu bị đầy bụng
1.1 Bà bầu bị đầy bụng khó tiêu, xì hơi vì thay đổi nội tiết tố
Hormone progesterone là một trong những nguyên nhân chính khiến cho bà bầu bị đầy bụng khó tiêu, xì hơi. Khi cơ thể sản xuất nhiều progesterone hơn để hỗ trợ quá trình mang thai thì progesterone sẽ làm giãn các cơ trong cơ thể bao gồm cả các cơ ở ruột. Nhu động ruột sẽ chậm lại và nó đồng nghĩa với việc quá trình tiêu hóa của bạn cũng chậm lại, điều này giúp các chất dinh dưỡng từ thực phẩm có nhiều thời gian để đi vào máu và đến được với thai nhi. Tuy nhiên, các loại vi khuẩn hoạt động tự nhiên cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để phá vỡ cấu trúc thức ăn trong ruột và tạo ra khí nhiều hơn. Lượng khí này sẽ tích tụ lại và làm cho bà bầu bị đầy bụng khó tiêu, xì hơi, ợ hơi.
1.2 Bà bầu bị đầy bụng xì hơi khó tiêu vì tử cung lớn
Khi đã tiến xa hơn trong thai kỳ, tử cung lớn dần lên và tạo áp lực lên khoang bụng. Việc này có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm khả năng kiểm soát nhu cầu thoát khí ra ngoài hơn, khiến cho bà bầu bị đầy bụng xì hơi khó tiêu bất ngờ và thường xuyên hơn.
1.3 Táo bón
Thai nhi hấp thụ nước từ thức ăn khá nhiều khiến phân của người mẹ khô và gây ra tình trạng táo bón. Táo bón có thể gây đầy hơi và đau bụng. Khi bị táo bón khí khó đi qua và thoát khỏi cơ thể hơn do bị phân nằm trong ruột chặn lại làm cho bà bầu bị đầy bụng.
1.4 Một số thực phẩm khiến bà bầu bị đầy bụng xì hơi
Thực phẩm được cho là làm tăng khí trong đường ruột, bao gồm thực phẩm cay, thực phẩm chiên, thực phẩm chế biến sẵn, đồ nhiều dầu mỡ, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, đồ uống có ga và nhiều trái cây, rau quả. Chúng có thể góp phần tạo ra khí, có thể gây táo bón và dẫn đến việc bà bầu bị đầy bụng xì hơi nhiều hơn.
1.5 Tăng cân nhanh
Phụ nữ mang thai có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn để cung cấp cho cả thai nhi nên nhu cầu ăn uống sẽ tăng cao hơn bình thường. Theo đó, cân nặng cũng tăng nhanh cộng với áp lực của tử cung đang lớn trong bụng tạo thành nguyên nhân khá phổ biến gây đầy bụng, khó tiêu ở phụ nữ mang thai.
1.6 Vitamin bà bầu
Các loại vitamin bà bầu giúp đảm bảo rằng mẹ và thai nhi nhận được đủ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh. Một số loại vitamin bà bầu (đặc biệt là loại có chứa thành phần sắt) góp phần gây ra tình trạng táo bón, do đó có thể làm bà bầu bị đầy bụng.
1.7 Bà bầu đầy bụng do căng thẳng và lo lắng trong quá trình mang thai
Khi mang thai, bà bầu thường dễ bị lo lắng, căng thẳng. Tình trạng này khiến bà bầu tăng nhịp thở và lượng không khí hít vào cũng sẽ nhiều hơn. Lo lắng khi mang thai hoặc bất kỳ lúc nào cũng có thể gây ra các triệu chứng về đường tiêu hóa.
1.8 Không dung nạp lactose
Nếu một phụ nữ đã không uống một ly sữa nào trong nhiều năm, nhưng lại bắt đầu uống nhiều sữa ngay khi mang thai thì họ có thể gặp phải tình trạng không dung nạp được đường lactose. Tương tự đối với kem và các sản phẩm từ sữa khác cũng vậy.
Tình trạng không dung nạp được lactose hoặc bị dị ứng sữa làm bà bầu đầy hơi khó tiêu, xì hơi, đau bụng và tiêu chảy,...
Xem ngay: Làm thế nào nếu bị đầy bụng khi mang thai?
1.9. Thực hiện một hoạt động vật lý ngay sau khi ăn
Các hoạt động như đi dạo, tập thể dục mạnh, đọc sách,... ngay sau khi ăn có thể khiến cho quá trình tiêu hóa bị kéo dài do giảm lượng máu đến hệ tiêu hóa làm cho bà bầu bị đầy bụng khó tiêu hơn.
1.10 Đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ cũng là một trong những nguyên nhân khiến các mẹ bầu có cảm giác đầy bụng, khó tiêu. Đặc biệt, càng về những ngày cuối của thai kỳ thì tình trạng này còn xuất hiện nhiều hơn.
1.11 Một số bệnh lý đường tiêu hóa trước và trong thai kỳ
Hội chứng ruột kích thích (IBS) gây ra tình trạng đầy bụng thường xuyên hơn hoặc tồi tệ hơn ở phụ nữ mang thai nếu trước khi mang thai họ đã mắc bệnh này. IBS gây ra đau bụng thường xuyên, táo bón, tiêu chảy, đầy bụng và các triệu chứng khác.
Ngoài ra, các bệnh lý đường tiêu hóa hay gặp như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản,... hoặc sử dụng nhiều đồ uống có cồn, cafein, thuốc lá cũng gây ra tình trạng như đầy bụng, khó tiêu ở bà bầu. Bạn có thể mắc các bệnh lý này từ trước hoặc mới mắc trong thời gian mang thai. Lời khuyên ở trường hợp này là bạn nên đi khám sức khỏe để được bác sĩ tư vấn theo dõi bệnh tình, tuyệt đối không tùy tiện sử dụng thuốc trong thời gian mang thai kể cả những thuốc không kê đơn.
2. Điều trị và phòng ngừa tình trạng đầy bụng khó tiêu xì hơi tại nhà
Tình trạng đầy bụng, khó tiêu có thể khiến bà bầu cảm thấy khó chịu, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số phương pháp điều trị ngay tại nhà mẹ bầu có thể tham khảo như sau:
2.1 Uống nhiều nước
Mẹ bầu nên uống từ 2,5 -3 lít mỗi ngày và tùy mỗi giai đoạn sẽ có lượng nước cần bổ sung khác nhau. Nước không chỉ có chứa các chất khoáng giúp làm mềm phân, tăng nhu động ruột mà một số loại nước nhiều chất khoáng còn giúp trung hòa và làm giảm bớt axit dư trong dạ dày. Nhờ đó mà bà bầu bị đầy bụng khó tiêu sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Đặc biệt uống nhiều nước còn giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và tăng hiệu suất vận chuyển dinh dưỡng cho thai nhi.
2.2 Thay đổi thói quen ăn uống
- Bà bầu cần duy trì một chế độ ăn uống cân bằng với đầy đủ ngũ cốc, trái cây tươi, rau và các loại thực phẩm giàu chất xơ khác .
- Tránh thức ăn giàu chất béo.
- Ăn ít thực phẩm gây đầy hơi, bao gồm đậu, bắp cải, các loại đậu, bông cải xanh, súp lơ trắng
- Không uống đồ uống có cồn, cafein
- Hạn chế chất lỏng trong bữa ăn và thay vào đó, uống nước giữa các bữa ăn.
- Chia nhỏ bữa ăn: ăn ít lượng thức ăn trong một lần và tăng số lần ăn trong ngày sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho thai nhi, vừa giúp hệ tiêu hóa không bị quá tải, giảm áp lực lên hệ tiêu hóa
- Ăn chậm: Khi bạn ăn quá nhanh thì bạn cũng sẽ nuốt rất nhiều không khí vào cùng với thức ăn đó. Không khí sẽ đọng lại trong dạ dày dưới dạng bong bóng khí làm bà bầu bị đầy hơi khó tiêu, xì hơi.
- Không vận động ngay sau khi ăn
2.3 Tập vận động nhẹ nhàng
Hoạt động thể chất khi mang thai có lợi cho tiêu hóa và giúp cơ thể giải phóng khí, đồng thời làm giảm bớt chứng đầy bụng xì hơi, ngăn ngừa táo bón.
Hãy thử đi bộ ngắn hoặc giãn cơ nhẹ, tập một số bài yoga phù hợp cho người mang thai.
2.4 Giảm căng thẳng lo lắng
- Hít thở sâu để giảm căng thẳng: Một nghiên cứu cho thấy thở sâu bằng cơ hoành có thể làm giảm căng thẳng, cải thiện sự tập trung và tác động tích cực đến sức khỏe tâm thần tổng thể.
- Tập ngồi thiền hay yoga và các kỹ thuật thư giãn khác cũng giúp bạn giảm lo lắng căng thẳng.
Sau khi thực hiện những điều này, nếu vẫn cảm thấy khó đối phó với căng thẳng hoặc lo lắng thì bạn hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn.
2.5 Mặc quần áo rộng rãi thoải mái để giảm áp lực lên cơ thể và vùng bụng
Mẹ bầu nên mặc quần áo thoải mái để không gây áp lực lên vùng bụng. Quần hoặc thắt lưng bó sát quanh eo có thể đè lên ruột và làm tăng cảm giác khó chịu cho bạn.
2.6 Thay đổi thói quen sinh hoạt phù hợp
- Mẹ bầu nên xây dựng một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống hợp lý không chỉ trong giai đoạn mang thai mà nên thực hiện ngay từ khi chưa có thai. Việc này sẽ giúp bạn không bị mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa.
- Ngồi ngay ngắn khi ăn để tránh tạo áp lực lên bụng.
- Không hút thuốc lá: đây là lời khuyên bạn hay nghe nhất, bởi việc hút thuốc ngoài hay trong khi mang thai đều mang đến những tác hại to lớn cho sức khỏe, trong đó có tác hại từ việc làm tăng nồng độ axit trong dạ dày khiến cho bà bầu bị đầy bụng, khó tiêu và dễ mắc các rối loạn tiêu hóa nặng hơn.
Trong trường hợp, mẹ bầu đã áp dụng các biện pháp trên mà các triệu chứng không được cải thiện thì nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị. Đặc biệt, nếu mẹ bầu xuất hiện triệu chứng đầy bụng, khó tiêu kèm theo các triệu chứng khó chịu ở ruột, đau bụng, có máu trong phân, tiêu chảy nặng hoặc táo bón lâu ngày không đỡ thì cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa sớm nhất để được điều trị, tránh để các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Khoảng thời gian 9 tháng 10 của thai kỳ vừa mang đến nhiều khó khăn và cũng nhiều niềm hạnh phúc đối với người mẹ. Chính vì vậy, người mẹ cần được chăm sóc về cả sức khỏe lẫn tinh thần. Đặc biệt, tình trạng bà bầu bị đầy bụng kéo dài trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ cũng như sự phát triển của thai nhi. Do đó, nếu tình trạng trên đi kèm với các biến chứng nguy hiểm khác thì các sản phụ cần đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.