Bé trai xuất hiện bướu máu nhỏ, sau lớn dần rồi bị bội nhiễm, phải phẫu thuật cắt bỏ để tránh tổn thương lây lan.
Tháng 1/2023, bé Tuấn Hùng (6 tháng tuổi, ngụ thành phố Thủ Đức, TP HCM) được mẹ đưa đến Bệnh viện Tâm Anh TP HCM khi bắp chân phải nổi một nốt mụn nhỏ màu đỏ (kích thước 2x3cm). Nốt mụn bị loét và có dấu hiệu bội nhiễm. Mẹ bé kể lúc đầu, nó giống như một nốt ruồi son bình thường nên gia đình không để ý. Nhưng càng ngày mụn càng to, vỡ ra nên bị lở loét, nhiễm trùng.
BS.CKII Nguyễn Đỗ Trọng, Bác sĩ Ngoại Nhi - Ngoại tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết: “Hình dáng và biểu hiện bên ngoài cho thấy bé Hùng bị bướu máu - một tình trạng rất phổ biến ở trẻ em và đôi khi gặp ở người trưởng thành. Trong đa số trường hợp, khối bướu máu sẽ tăng dần kích cỡ, sau đó tự thoái triển mà không cần can thiệp gì. Tuy nhiên, một số trẻ như bé Hùng, khối bướu bị vỡ ra và bị nhiễm trùng”.
Lập tức, các bác sĩ rửa sạch vết loét, băng bó và cho bé điều trị ngoại trú. Suốt 1 tháng sau đó, bé Hùng cứ vài ngày lại đến bệnh viện để được thay băng, vệ sinh khối bướu máu nhưng tình trạng loét không cải thiện, vết thương chẳng những không lành mà còn có nguy cơ lan rộng. Lúc này, bác sĩ Trọng nhận định bắt buộc phải làm phẫu thuật để giải phóng khối bướu.
Đầu tháng 2/2023, bác sĩ Trọng cùng ê kíp tiến hành phẫu thuật lấy bướu máu cho bé Hùng. Chỉ trong vòng nửa giờ, toàn bộ khối bướu được nạo sạch, không gây tổn thương cơ quan hay mạch máu. Sau mổ, sức khỏe bé ổn định và được xuất hiện ngay trong ngày. Do các bác sĩ đã lấy trọn vẹn nhân bướu nên nguy cơ tái phát về sau thấp.
Bướu máu là một loại khối u lành tính (không phải ung thư) ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nó biểu hiện bằng vết bớt màu đỏ tươi, xuất hiện trên hoặc dưới da. U máu có thể hình thành từ lúc trẻ mới sinh, nhưng thường gặp nhất là trong vài tháng đầu đời. Bướu máu có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên cơ thể trẻ. Các vị trí phổ biến bao gồm mặt, ngực, da đầu, lưng, tay, chân…
Theo chu kỳ, bướu máu sẽ trải qua giai đoạn tăng sinh (tăng kích thước trong 2-6 tháng đầu của em bé). Sau đó, khu vực này ổn định về kích cỡ và màu sắc (giai đoạn ổn định) rồi bắt đầu mờ dần và co lại (giai đoạn thoái hóa). Hầu hết các bướu máu đều biến mất khi trẻ được 7 - 10 tuổi mà không để lại dấu vết. Trong khi đó, một số bướu có thể gây ra các vùng da thừa hoặc mạch máu nhỏ còn sót lại. Tình trạng này gọi là mô mỡ thừa dưới da.
Hầu hết u mạch máu ở trẻ nhỏ không gây biến chứng và tự khỏi mà không cần điều trị. Ở số ít trường hợp, bướu máu biểu hiện dưới dạng tổn thương sâu dưới da và không được phát hiện cho đến khi trẻ trưởng thành.
BS Trọng lưu ý, trường hợp bướu máu ở những vị trí bất thường như mắt, tai, hầu họng, hậu môn hoặc cơ quan sinh dục, bắt buộc phải can thiệp xử lý. Nếu không, bướu phát triển lớn sẽ ảnh hưởng tới chức năng của các cơ quan đó (ví như như bướu mắt thì ảnh hưởng thị lực, bướu hầu họng ảnh hưởng tới đường thở, bướu vùng ống tai làm suy giảm thính lực…). Biến chứng có thể gặp bao gồm loét, hoại tử, bội nhiễm thứ phát hay thậm chí tắc mạch, suy tim.
Có nhiều phương pháp điều trị bướu máu. Trong đó, đơn giản nhất là thoa thuốc chứa corticoid để kìm hãm sự phát triển của bướu máu, làm cho nó thoái hóa dần. Phương pháp khác là cho trẻ uống thuốc, cũng để kìm hãm sự phát triển của bướu. Tiếp nữa là biện pháp chích xơ, bắn laser cho teo bướu máu. Cuối cùng là phương pháp phẫu thuật, được chỉ định cho những trường hợp bướu máu lớn và cản trở các chức năng quan trọng (như thở hoặc tầm nhìn), bị nhiễm trùng hoặc bắt đầu chảy máu, làm biến dạng khuôn mặt hoặc các đặc điểm cơ thể khác của trẻ, có liên quan đến các tình trạng khác có thể gây hại cho trẻ. Chỉ định điều trị có thể phối hợp các biện pháp cùng lúc.
Tỷ lệ tái phát sau mổ bướu máu là có, nhất là những bướu chưa được lấy hết nhân. Do đó, trẻ từng phẫu thuật cần được theo dõi sát sao để phát hiện sớm nếu bệnh tái phát, từ đó có hướng xử trí phù hợp.
Bướu máu hiếm khi di truyền. Không có loại thuốc, thực phẩm hoặc hoạt động nào của mẹ trong thai kỳ khiến em bé tăng nguy cơ phát triển bướu máu. Do đó, không thể ngăn ngừa bướu máu ở trẻ. Song, bố mẹ cần để ý nếu trẻ xuất hiện vết bớt màu đỏ và tăng dần kích cỡ để đưa trẻ đi khám kịp thời. “Việc phát hiện sớm bướu máu sẽ giúp trẻ được chữa trị đúng cách, không gây ảnh hưởng sức khỏe và phòng tránh biến chứng”, bác sĩ Trọng nhấn mạnh.
Song song với phác đồ điều trị bướu máu của bác sĩ, bố mẹ có thể chăm sóc vết thương của trẻ tại nhà bằng cách:
- Giữ ẩm cho vùng da xung quanh tổn thương bằng thuốc mỡ không có mùi thơm.
- Nhẹ nhàng rửa vết thương hàng ngày bằng xà phòng và nước ấm.
- Bôi thuốc kháng sinh tại chỗ để giảm nguy cơ nhiễm trùng, sau đó băng vết thương và thay băng thường xuyên.
* Tên nhân vật đã thay đổi
Với đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị, khoa Ngoại Nhi - Ngoại Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh điều trị thành công các bệnh lý ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như: bệnh lý vùng rốn, bệnh lý ống bẹn ở trẻ em, hẹp bao quy đầu ở trẻ, dư ngón, chai mắt cá chân, nang giáp móng, hạch vùng nách, cổ, sau vai sau khi chích ngừa vaccine lao, nang nhầy môi dưới, rò vùng cổ - ngực bẩm sinh, dính thắng lưỡi, ngón tay cò súng, nang hoạt mạc ở khoeo tay, khoeo chân, cổ tay, bướu máu, kén mô mềm, các u vùng mặt kích thước nhỏ, mụn nhọt vùng hậu môn… cũng như các bệnh Ngoại khoa khác ở trẻ em. Bác sĩ ưu tiên lựa chọn phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn, giúp trẻ xuất viện sớm và giảm nguy cơ tái phát.