Bệnh nhân mắc các bệnh ung thư thường được điều trị bằng phương pháp hóa trị, giúp tiêu diệt các tế bào ung thư đang phát triển trong cơ thể. Tuy nhiên, hóa trị có thể gây ra giảm bạch cầu, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Cùng chúng tôi tìm hiểu cách chống tụt bạch cầu trong quá trình hóa trị thông qua bài viết dưới đây.
Nguyên nhân giảm bạch cầu trong quá trình hóa trị
Trước khi tìm hiểu cách chống tụt bạch cầu trong quá trình hóa trị, chúng ta hãy xem xét nguyên nhân gây ra vấn đề này. Dưới đây là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tụt giảm bạch cầu trong quá trình hóa trị:
- Tác động của hóa chất lên tủy xương: Trong quá trình hóa trị thường sử dụng các loại hóa chất mạnh nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, những hóa chất này cũng gây tác động xấu lên các tế bào bình thường trong cơ thể, đặc biệt là đối với những tế bào trong tủy xương - nơi sản xuất bạch cầu. Khi tủy xương bị tổn thương, khả năng sản xuất bạch cầu sẽ giảm đi, dẫn đến tình trạng tụt giảm bạch cầu.
- Tác dụng của thuốc: Các loại thuốc hóa trị được truyền vào cơ thể nhằm mục đích tiêu diệt tế bào ung thư. Nhưng nếu sự chọn lọc các tế bào bất thường không đặc hiệu có thể gây ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh khác như bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Ngoài ra, việc sử dụng thuốc liều mạnh và thời gian điều trị kéo dài cũng làm tăng nguy cơ giảm bạch cầu.
- Can thiệp trích bỏ máu và hủy tủy xương: Đối với những bệnh nhân mắc chứng ung thư máu và tủy xương như các bệnh lý bạch cầu, khiến cho số lượng bạch cầu trong tủy xương phát triển quá mức, gây chèn ép lên các dòng tế bào máu khác. Phương pháp can thiệp trích bỏ máu và hủy tủy xương có thể được bác sĩ sử dụng nhằm tăng tính hiệu quả của hóa trị, tuy nhiên, biến chứng tụt giảm bạch cầu trong quá trình này là rất khó tránh khỏi.
- Di căn ung thư: Khi các tế bào ung thư di căn vào trong tủy xương sẽ thay thế các tế bào tạo máu và gây khó khăn cho quá trình sản xuất các tế bào máu cần thiết cho cơ thể, dẫn đến tình trạng tụt giảm lượng bạch cầu.
- Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân: Mỗi bệnh nhân đều có phản ứng khác nhau với thuốc hóa trị. Một số người có thể chịu đựng được liều cao mà không bị giảm bạch cầu quá mức, trong khi những người khác có thể bị giảm bạch cầu ngay cả khi dùng liều thấp. Ngoài ra, đối với những bệnh nhân cao tuổi, có sức khỏe yếu, hệ miễn dịch suy giảm hoặc mắc các bệnh lý khác cũng có nguy cơ cao bị giảm bạch cầu khi hóa trị.
Bạch cầu là tế bào máu trắng đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể chống lại nhiễm trùng. Khi số lượng bạch cầu giảm, cơ thể sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư. Do đó, việc tìm kiếm và áp dụng các phương pháp chống tụt bạch cầu trong quá trình hóa trị là điều vô cùng cần thiết.
Cần làm gì khi bạch cầu bị giảm trong quá trình hóa trị ung thư?
Khi số lượng bạch cầu trong máu giảm xuống thấp hơn mức bình thường, cơ thể sẽ dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm, đặc biệt là trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tiếp xúc với người khác.
- Hạn chế đến những nơi tụ tập đông người và nên đeo khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi ra ngoài để tránh bị lây các loại virus đường hô hấp, đặc biệt trong các thời điểm giao mùa hoặc mùa lạnh và cúm.
- Những người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt khi bị tụt giảm bạch cầu do hóa trị, dẫn đến dễ bị nhiễm trùng từ vi khuẩn Listeria, E. coli, Salmonella và độc tố Shiga. Vì vậy, hãy cẩn thận trong việc làm sạch, chế biến và lưu trữ thực phẩm, tránh tiêu thụ thực phẩm nhiễm bẩn đồng thời duy trì chế độ ăn uống khoa học.
- Không đi bơi ở sông, hồ, ao, suối tự nhiên để tránh nhiễm ký sinh trùng Cryptosporidium.
- Các loại con trùng có thể mang nhiều mầm bệnh và vi khuẩn gây hại. Vì vậy bạn nên sử dụng kem chống côn trùng, mặc quần áo dài tay khi ra ngoài và đảm bảo ngủ có rèm che để ngăn côn trùng đốt.
- Nên đeo găng tay khi làm vườn và cẩn thận khi cắt móng tay, móng chân để hạn chế bị chảy máu. Tránh tự ý bóc vảy trên da hoặc nặn mụn nhọt để ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Không thực hiện các thủ thuật nha khoa, can thiệp thẩm mỹ hoặc các phương pháp xâm lấn có thể gây chảy máu khi số lượng bạch cầu ở mức thấp.
- Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm khuẩn như sốt, ho đờm, tiêu chảy, vết thương chảy mủ... người bệnh cần nhập viện ngay để được cách ly và sử dụng kháng sinh, kết hợp với các biện pháp chống tụt bạch cầu trong quá trình hóa trị như truyền bạch cầu hoặc thuốc kích thích tủy tạo bạch cầu.
Nên ăn gì để chống tụt bạch cầu trong quá trình hóa trị?
Để phòng ngừa và chống tụt bạch cầu trong quá trình hóa trị ung thư, bạn cần chú trọng xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học và hợp lý:
Thực phẩm giàu protein
Protein là thành phần quan trọng hỗ trợ cơ thể tái tạo và sửa chữa các tế bào, bao gồm cả tế bào máu, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Các nguồn protein tốt bao gồm: Thịt nạc, các loại cá béo, trứng, sữa chua, các loại đậu và hạt.
Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất
Vitamin và khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Nên bổ sung các loại thực phẩm giàu nguồn vitamin A, C, E, kẽm, sắt và selen như hải sản, thịt đỏ,...
Thực phẩm giàu chất xơ
Chất xơ giúp cải thiện hệ tiêu hóa và hỗ trợ hệ miễn dịch. Nên ăn nhiều các loại trái cây, rau củ, đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
Chất béo lành mạnh
Chất béo từ nguồn gốc thực vật giúp duy trì sức khỏe tế bào và cung cấp năng lượng như dầu ô liu, quả bơ và các loại hạt.
Thực phẩm giàu omega-3
Omega-3 có tác dụng chống viêm và tăng cường hệ miễn dịch. Các nguồn omega-3 tốt bao gồm: Cá hồi, cá thu, cá ngừ, hạt chia và quả óc chó.
Nước
Uống đủ nước mỗi ngày (khoảng 2 lít) giúp cơ thể thanh lọc và vận chuyển các chất dinh dưỡng, đồng thời ngăn ngừa táo bón và hỗ trợ chức năng thận. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các loại nước ép trái cây tươi như nước ép cam, nước ép táo giúp cung cấp thêm vitamin và chất lỏng.
Các thực phẩm chức năng bổ sung
Trong một số trường hợp, các thực phẩm chức năng có thể được khuyến nghị để bổ sung dưỡng chất: Protein, vitamin và khoáng chất.
Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý trong quá trình hóa trị là một yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ tụt bạch cầu và nâng cao sức đề kháng của bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, mỗi người bệnh đều có nhu cầu dinh dưỡng riêng biệt, do đó, cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn uống phù hợp.
Tóm lại, giảm bạch cầu là một tác dụng phụ phổ biến nhưng không kém phần nguy hiểm của hóa trị ung thư. Ngoài những thông tin được Long Châu chia sẻ trong bài viết trên, bạn cũng nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ để được tư vấn cụ thể về cách phòng ngừa và chống tụt bạch cầu trong quá trình hóa trị phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.